1. Quy
định của pháp luật về đất đai:
- Theo
quy định tại khoản 11 Điều 3, Điều 53 và Điều 68 Luật Đất đai năm 2013:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
…
11. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại
quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại
đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Điều 53.
Giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác
Việc Nhà nước quyết định giao đất,
cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực
hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy
định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.
Điều 68.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý đất đã thu hồi
1. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường,
giải phóng mặt bằng bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư.
2. Đất đã thu hồi được giao để quản
lý, sử dụng theo quy định sau đây:
a) Đất đã thu hồi theo quy định tại
Điều 61 và Điều 62 của Luật này thì giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu
tư hoặc giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý;
b) Đất đã thu hồi theo quy định tại
khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này thì giao
cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp đất đã thu hồi theo quy
định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này
là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn thì giao cho Ủy ban
nhân dân cấp xã quản lý. Quỹ đất này được giao, cho thuê đối với hộ gia đình,
cá nhân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều
này.”
2. Quy
định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công
- Tại
khoản 1, khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước
đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt
động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan,
tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công
cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh
nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân
sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai
và các loại tài nguyên khác.
3. Trụ
sở làm việc là đất, nhà làm việc và tài sản khác gắn liền với đất
phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam,
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy
định của pháp luật về hội.”
- Tại
Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định về phân loại tài
sản công.
- Tại
Chương III Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Chương II, Chương III
Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định về chế độ
quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và Chương II Nghị
định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý,
sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;
theo đó, tại các Điều 29, 30, 31 và 51 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định
việc xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đó có hình thức thanh lý tài sản công và tại các Điều 23,
Điều 27 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP quy định việc xử lý tài sản tại cơ quan của Đảng trong đó có hình thức thanh lý tài sản tại cơ quan của Đảng.
Căn cứ
các quy định trên:
Trường
hợp việc Nhà nước thu hồi đất gắn với tài sản trên đất theo quy định của pháp
luật về đất đai thì việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực
hiện theo pháp luật về đất đai. Tài sản gắn liền với đất sau khi được Nhà nước
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xử lý như sau:
(1) Đối
với các tài sản của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng
Cộng sản Việt Nam, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức
chính trị xã hội nghề nghiệp,… (gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị) được xử lý
theo hình thức thanh lý, bán vật tư,
vật liệu thu hồi từ việc phá dỡ, hủy bỏ theo quy định
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (nêu trên).
(2) Đối với các tài sản không thuộc trường hợp quy
định tại điểm (1) nêu trên, đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Gia Bình báo cáo Uỷ
ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh để hướng
dẫn xử lý theo quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Uỷ ban nhân dân
tỉnh Bắc Ninh báo cáo xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý nhà
nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất) và các cơ
quan khác có liên quan.
Trên đây là nội dung Cục
QLCS Bộ Tài chính trả lời về chính sách. Đề nghị Cục Tin học và Thống kê
tài chính tổng hợp trả lời độc giả Lương Trung Hậu thực hiện theo quy định pháp
luật./.