

Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 51 Luật Kế toán 2015 quy định về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán kế toán: “Người làm kế toán phải có trìnhđộ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán”.
Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật kế toán quy định như sau:
“5. Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán là người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các học viện ở trong và ngoài nước; người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập; người có chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán; người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.”
Theo đó, công chức chuyên ngành kế toán là đối tượng áp dụng của Luật Kế toán và các văn bản pháp luật hướng dẫn về nghiệp vụ kế toán có liên quan; do đó, công chức chuyên ngành kế toán phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về kế toán (bao gồm văn bằng, chứng chỉ) theo quy định hiện hành.
Từ các căn cứ đã nêu, đề nghị tác giả nghiên cứu các quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ Tài chính quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành kế toán và các quy định hiện hành để thực hiện việc xếp lương bảo đảm phù hợp với quy định.