Vấn đề bền vững tài khóa đã được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm và chú trọng những năm gần đây, nhất là trước các yêu cầu thách thức trong đảm bảo tính ổn định nguồn thu của ngân sách nhà nước, hạn chế thâm hụt ngân sách và theo đó là sự gia tăng của mức dư nợ công trong bối cảnh phải liên tục tăng chi để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này và yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của ngành Tài chính. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường, nhiệm vụ đặt ra đối với nền tài chính quốc gia hết sức nặng nề, đòi hỏi cần phải có những giải pháp toàn diện và đồng bộ.
Với chủ đề “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và giải pháp công nghệ hiện đại”, Hội thảo Vietnam Finance 2012 sẽ tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề như:
(1) Thực trạng bức tranh tài khóa Việt Nam nhìn từ giác độ đảm bảo bền vững tài khóa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đặc biệt các vấn đề liên quan đến mức độ động viên, phương thức phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công; các yêu cầu về đảm bảo an ninh, an toàn tài chính, nhất là đối với yêu cầu gắn với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
(2) Trao đổi và làm rõ xu thế của các quốc gia trên thế giới trong việc thực hiện đổi mới phương thức quản lý tài chính công để hướng tới mục tiêu đảm bảo bền vững và ổn định tài khóa, cũng như đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam.
(3) Các giải pháp để tăng cường và đảm bảo tính minh bạch và ổn định tài khóa trung hạn, trong đó tập trung vào các vấn đề như kế hoạch tài chính và khuôn khổ chi tiêu trung hạn; đổi với phương thức phân bổ ngân sách gắn với kết quả và hiệu quả công việc; quản lý và giám sát tài chính công trong quá trình phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
(4) Các giải pháp ứng dụng CNTT hiệu quả, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ điều hành công tác quản lý tài chính quốc gia, tăng cường cải cách hành chính của ngành, từng bước tăng cường dịch vụ hành chính công điện tử, từ đó dần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành Tài chính.
Trong bối cảnh như vậy, Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2012 sẽ bao gồm 02 phiên toàn thể, 02 phiên chuyên đề và các thảo luận chuyên sâu, với các chủ đề thiết thực cùng tham luận của các chuyên gia hàng đầu, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực về công nghệ, giải pháp, quy trình nhằm mang đến hiệu quả trong quản trị tài chính công. Qua đó, đưa ứng dụng các tiến bộ của CNTT trong dự báo và lên các kế hoạch tài chính quốc gia, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của các dịch vụ tài chính công điện tử.
Trong ngày 20/09, Hội thảo diễn ra phiên toàn thể với nội dung: “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và giải pháp công nghệ hiện đại”. Sau đó, các đại biểu sẽ tham gia phần thảo luận với 2 chuyên đề chính được trình bày tại hội thảo, gồm: Chuyên đề 1 - “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn” và Chuyên đề 2 - “Tăng cường bền vững tài khóa: Giải pháp công nghệ hiện đại”.
Với nội dung “Giải pháp công nghệ hiện đại phục vụ triển khai chính phủ điện tử đến năm 2015”, ngày 21/09 sẽ tập trung thảo luận các ứng dụng CNTT hiện đại nhằm đạt được các mục tiêu trong phát triển Tài chính công điện tử trong chương trình triển khai chính phủ điện tử. Đặc biệt phiên thảo luận với các khách mời đến từ Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các biện pháp triển khai kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực tài chính điện tử, thực hiện mục tiêu ngắn hạn đến năm 2015.
Bền vững tài khóa là tình trạng có thể kiểm soát được các nguồn thu chi của Chính phủ, bảo vệ ngân sách nhà nước trước các cú sốc kinh tế. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, World Bank quan tâm, đặc biệt sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những thách thức về tính ổn định nguồn thu, xu hướng tăng chi trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu của việc cải cách tài khóa là điều chỉnh các khoản chi tiêu công cũng như điều chỉnh hệ thống thuế nhằm hướng tới nguồn ngân sách cân bằng và ổn định. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khung pháp lý trong chính sách tài khóa và sự kết hợp giữa người dân với chính quyền các cấp.
Những năm qua, nền tài chính Việt nam đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc. Thể chế tài chính đã được hoàn thiện theo hướng tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế; hình thành một môi trường đầu tư công bằng, minh bạch; phát triển toàn hiện hệ thống thị trường tài chính, dịch vụ tài chính. Tiềm lực tài chính quốc gia được mở rộng và tăng cường ở cả ba cấp độ: tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Đây chính là điều kiện, tiền đề quan trọng tạo nên một nền tài chính quốc gia lành mạnh, minh bạch, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo vệ đất nước. An ninh tài chính quốc gia được giữ vững với bội chi ngân sách nhà nước và nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát ở mức an toàn.
HT