Việc thực hiện bình đẳng giới là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết và được triển khai thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Bình đẳng giới cũng là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Việt Nam cùng với các thành viên khác của Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015.
Trong những năm gần đây, vấn đề bình đẳng giới, yêu cầu lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hoạch định chính sách ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đã được thực hiện trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, 2016 - 2020 và nhiều văn bản luật cùng với các chính sách tài chính quan trọng, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015.
Với mong muốn tiếp tục hỗ trợ lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình hoạch định và triển khai thực hiện các chính sách tài chính, Chính phủ Canada (Thông qua Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada - DFATD) đã phê duyệt chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính (thông qua Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - CL&CSTC) trong Dự án “Nâng cao năng lực hoạch định chính sách tài chính có tính đến yếu tố bình đẳng giới”. Theo đó, Viện CL&CSTC đã phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tổ chức thành công 2 khóa tập huấn về “Nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới và phân tích giới”, “Xây dựng chính sách tài chính có tính đến yếu tố giới”; tổ chức 1 tọa đàm về “Rà soát thực trạng và khả năng lồng ghép giới trong các chính sách tài chính ở Việt Nam” và tổ chức 1 cuộc khảo sát tại Vương quốc Anh về “Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và hoạch định các chính sách tài chính có tính đến yếu tố bình đẳng giới”. Tiếp nối chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy ngân sách có yếu tố giới ở Việt Nam, ngày 09/9/2016, tại thành phố Đà Nẵng, Viện CL&CSTC tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực hoạch định chính sách tài chính có tính đến yếu tố bình đẳng giới” nhằm công bố kết quả triển khai Dự án, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về ngân sách có yếu tố giới, thúc đẩy các sáng kiến trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách tài chính - NSNN có tính đến yếu tố bình đẳng giới ở Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Viết Lợi phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, gồm: Đại diện Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách thuế, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Học viện Tài chính và Viện CL&CSTC; Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ; Ban Chính sách pháp luật - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, ngân sách tại Việt Nam; các sở tài chính, sở kế hoạch đầu tư, cục thuế, hội liên hiệp phụ nữ địa phương tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện CL&CSTC, chủ trì Hội thảo cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khung pháp luật, triển khai nhiều chương trình, đề án quốc gia nhằm đảm bảo và thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngoài ra, Luật NSNN 2015 cũng đã bổ sung các nguyên tắc quan trọng hướng đến đảm bảo bình đẳng giới trong việc sử dụng NSNN. Vấn đề bình đẳng giới cũng đã được lồng ghép trong Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2014 - 2016, 2015 - 2017 triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Đây là những tiền đề tạo thuận lợi cho việc tiến tới thực hiện lồng ghép giới vào quá trình xây dựng, theo dõi và giám sát thực hiện Chiến lược Tài chính nói riêng và công tác hoạch định chính sách tài chính - ngân sách nhà nước nói chung.
Tại Hội thảo, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng các chính sách tài chính có yếu tố bình đẳng giới, đặc biệt là quá trình triển khai thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, để làm rõ sự cần thiết và những vấn đề đặt ra trong việc lồng ghép giới trong các chính sách tài chính hiện hành; qua kinh nghiệm quốc tế chỉ ra các bài học và khả năng vận dụng cho Việt Nam; đồng thời đánh giá khả năng lồng ghép giới trong các chính sách tài chính ở Việt Nam thời gian tới.
Nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp triển khai thực hiện các chính sách tài chính có yếu tố bình đẳng giới được các đại biểu tham dự nêu ra, đặc biệt là nội dung của Điều 8 và Điều 41 trong Luật NSNN 2015 về nguyên tắc và căn cứ lập dự toán NSNN có tính đến yếu tố bình đẳng giới. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm bước đầu góp phần nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng lồng ghép giới trong quá trình hoạch định và triển khai thực hiện các chính sách tài chính, đặc biệt là lồng ghép giới trong NSNN và các chính sách thuế.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo kết thúc thành công, là hoạt động khoa học nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa giữa Chính phủ Canada với Chính phủ Việt Nam nói chung và với Bộ Tài chính nói riêng, đồng thời qua đó nâng cao năng lực cho các cán bộ hoạch định chính sách, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với thực tế Việt Nam và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trung tâm TT&DVTC