APEC chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến tài chính phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai

APEC chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến tài chính phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai 21/02/2017 13:25:00 979

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

APEC chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến tài chính phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai

21/02/2017 13:25:00

Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai” được tổ chức ngay bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017, Hội thảo đã đạt được mục tiêu thảo luận chuyên sâu về một trong những ưu tiên của Hội nghị đồng thời trao đổi xây dựng kế hoạch triển khai cho cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017. Hội thảo đã được nghe và thảo luận 16 bài tham luận từ đại diện các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế (WB, OECD...).

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia cũng đã  đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu sau một năm thực hiện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

F:\DU LIEU HP 2017\Pictures\_HMT2653.jpg

Ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện CL&CSTC (Bộ Tài chính Việt Nam) chủ trì Hội thảo

Nhiều nỗ lực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu

Với đặc điểm có nhiều rủi ro thiên tai, Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên APEC cần có nhiều giải pháp tài chính. Trong đó, cần có công cụ bảo hiểm tốt hơn để giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách cho Chính phủ, chuyển giao nhiều hơn rủi ro ra thị trường, đồng thời tăng cường nhận thức, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai.

Theo Thống kê, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trong vòng 10 năm (2005-2014), khu vực này đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên, chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu. Trong 10 năm, có gần 500 nghìn người thiệt mạng, 1,4 tỷ người bị ảnh ưởng bởi các thảm họa thiên nhiên, chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu. Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD, tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra.

Nằm trong khu vực, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm. Mỗi năm, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên đến 30.200 tỷ đồng do lũ, bão và động đất. Tài sản của dân cư và tài sản của khu vực công lần lượt chiếm 65% và 11% tổng thiệt hại. Trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40%, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141.200 tỷ đồng do lũ, bão hoặc động đất. Các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ có xu hướng đối mặt với thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với các đại biểu quốc tế, ông Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính-Bộ Tài chính cho biết, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng đã rất chú trọng xây dựng, triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch và chính sách phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai làm cơ sở cho các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và giải pháp triển khai chi tiết. Quốc hội cũng đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai. Đây là khuôn khổ pháp lý cao nhất đối với hoạt động phòng, chống thiên tai, trong đó, chú trọng vào các nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.

Trong tổng thể các giải pháp về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các giải pháp tài chính đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng đến nay việc xây dựng và thực thi các giải pháp tài chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ hiệu quả cho việc phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Theo Bộ Tài chính, hiện tại, Việt Nam đang dùng một số nguồn kinh phí để cung cấp tài chính cho công tác ứng phó và phục hồi sau thiên tai, bao gồm nguồn dự phòng ngân sách ở Trung ương và các địa phương, các khoản phân bổ ngân sách cụ thể, nguồn dự trữ Nhà nước bằng vật chất, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm và viện trợ của các nhà tài trợ.

F:\DU LIEU HP 2017\Pictures\_HMT2641a.jpg

Tại Hội thảo, Bộ Tài chính Việt Nam đã đưa ra những ý kiến được các đại biểu quốc tế đánh giá cao

Đa dạng hoá các công cụ tài chính ứng phó rủi ro

Có thể thấy, hiện nay tất cả các cấp còn lệ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương để trang trải cho các chi phí khắc phục sau thiên tai. Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh còn nhiều hạn chế, khiến cho các quỹ này không thể vận hành một cách đầy đủ, trong khi đó các công cụ chuyển giao rủi ro mang tính đổi mới vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.

Việt Nam chưa thực hiện nhiều các biện pháp chuyển giao rủi ro. Do đó, việc phối hợp xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết.

Có cùng quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng, việc cải thiện giải pháp về bảo hiểm sẽ  là một công cụ hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách cho chính phủ, chuyển giao rủi ro ra thị trường mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia tài chính trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh, các nước cần có chiến lược tài chính cụ thể ứng phó với rủi ro thiên tai bao gồm ngân sách và ngoài ngân sách.  Các chính sách bảo hiểm là công cụ quan trọng của Chính phủ trong ứng phó rủi ro. Thực tế, việc triển khai chính sách bảo hiểm sẽ cần có lộ trình, trong khi, Việt Nam mới có những bước đi đầu tiên, nhưng đúng hướng, vấn đề cần nâng cao nhật thức của các cơ quan chức năng và người dân về tầm quan trọng của vấn đề này.  Chuyên gia WB khẳng định, WB sẵn sàng đồng hành hỗ trợ cơ quan Chính phủ của Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạch định chiến lược, sử dụng nguồn tài chính đa dạng, phù hợp ứng phó với rủi ro thiên tai, nâng cao khả năng chống chịu với rủi ro.

Nhấn mạnh yếu tố phòng ngừa, ông Yasuhisa Nakao, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính Nhật Bản góp ý, thực tế hiện tại nhiều nước đang phát triển vẫn đang tập trung quá nhiều vào ứng phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu. Ông  Yasuhisa Nakao dẫn chứng, Nhật Bản là một trong những nước phải chịu nhiều nhất rủi ro thiên tai, đặc biệt liên quan đến núi lửa, sóng thần. Để hạn chế tối đa thiệt hại đến nền kinh tế, Nhật Bản xác định giải quyết vấn đề rủi ro không chỉ là tái thiết, ứng phó với hậu quả của thiên tại mà mấu chốt là phải đầu tư vào phòng ngừa và ngăn chặn trước.

“Cần đầu tư hiệu quả vào các cơ sở hạ tầng chất lượng tốt để phòng ngừa giảm thiểu hậu quả. Quan trọng là cần phải có sự chuẩn bị tốt, hiệu quả, thì thiệt hại chắc chắn sẽ được giảm thiểu” ông Yasuhisa Nakao nhấn mạnh.

F:\DU LIEU HP 2017\Pictures\_HMT2636a.jpg

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo

Những giải pháp cơ bản được thống nhất tại Hội thảo

Hội thảo thống nhất ý kiến rằng: (i) Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai là thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong khuôn khổ APEC, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và khu vực; (ii) Sáng kiến tài chính cho rủi ro thiên tai được xây dựng dựa trên yêu cầu và sự cần thiết phải có được các chiến lược và chính sách tài chính phù hợp, để tạo vị thế chủ động và vững vàng trong việc ứng phó với thiên tai.

Trong số các giải pháp tài chính ứng phó với thiên tai, bảo hiểm là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai. Để phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng và giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai, chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận, làm rõ kinh nghiệm xây dựng chiến lược tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ địa phương ở một số thành phố (như Đà Nẵng, Việt Nam). Để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện sáng kiến, các chuyên gia và đại diện các nền kinh tế APEC cũng chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Theo đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tài sản công và xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Hội thảo đã thảo luận về định hướng và các hoạt động ưu tiên nhằm triển khai Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong APEC năm 2017. Trong đó, tập trung vào các trọng tâm: Xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và cấp địa phương; Xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; Xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai; Phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai. Việc triển khai thực hiện "Sáng kiến tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai" cần được thực hiện thông qua các hội thảo, hội nghị trong tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017 thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên gia giữa các nền kinh tế thành viên cũng như các hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu trong nước và quốc tế tại Hội thảo, bao gồm các quan chức tài chính APEC, chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)... sẽ được tập hợp đưa ra kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức vào ngày 23-24/2/2017 về các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai.

DTH 

Theo mof.gov.vn