(Bizlive.vn) Các mặt hàng là hoá chất, đồ nhựa của Trung Quốc cũng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam trong khi đây là những mặt hàng doanh nghiệp Việt cạnh tranh rất yếu ngay cả trong nước.
Không dễ "chặn dòng” hàng hoá Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Sự cạnh tranh của hai siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc về thuơng mại không phải do Trung Quốc lo lắng về thuế quan, mà lo lắng đầu tư của Hoa Kỳ rút khỏi Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc chuyển giao toàn bộ công nghệ cũng như ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới về công nghệ, TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định tại Hội thảo “Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” do Trung tâm VIAC và Trung tâm Hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Ông Lịch cũng cho rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) nước nào chi phối kinh tế là chi phối công nghệ.Thật sự, Trung Quốc hiện đang có nhiều thành tựu về công nghệ. Trung Quốc hoàn toàn xây được một hệ thống thanh toán mà không dựa vào thông lệ quốc tế là thông qua tổ chức như Visa hay MasterCard. Trung Quốc đủ công nghệ, thị trường để thực hiện và không chấp nhận thông lệ quốc tế.Những vấn đề đó đang dẫn tới một cuộc cạnh tranh về địa chính trị trong dài hạn.
Trong cuộc chiến này, những mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam được hưởng lợi và thay thế hàng Trung Quốc xuất mạnh sang Hoa Kỳ? Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, trường Đại học Fulbright Việt Nam, trong cả 03 đợt đánh thuế của Hoa Kỳ vào hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, các hàng may mặc và giày dép chưa bị đánh thuế, những mặt hàng này cả Trung Quốc và Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ rất nhiều. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang với việc Hoa Kỳ đánh thuế nốt vào 267 tỷ USD hàng hoá nhập từ Trung Quốc lúc đó sẽ là hàng may mặc và giày dép.
Tác động lớn nhất đối với Trung Quốc là các sản phẩm máy móc thiết bị điện, điện tử bị đánh thuế.Các mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không có, không tham gia, chủ yếu của doanh nghiệp FDI.
Ngược lại, các doanh nghiệp Việt cũng bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các mặt hàng Trung Quốc không xuất được sang Hoa Kỳ sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam kể đồ nội thất, giày dép, vali, túi xách… Các mặt hàng là hoá chất, đồ nhựa của Trung Quốc cũng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam trong khi đây là những mặt hàng doanh nghiệp Việt cạnh tranh rất yếu ngay cả trong nước, nguy cơ cho doanh nghiệp ngành này sẽ rất lớn.
Không duy trì chính sách tiền tệ “cầm đèn chạy trước ô tô”
Một tác động thấy rõ của cuộc chiến thương mại này là vấn đề tỷ giá các đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng. TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong năm nay tăng mạnh khiến cho các đồng tiền mạnh tăng giá và đồng tiền ở những nước mới nổi mất giá nhiều. VND cũng sẽ chịu áp lực dù dự trữ ngoại hối lên tới 63 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc nếu không thực hiện được tỷ giá “on shore” (nội địa) thì họ sẽ tiến hành “off shore” (hải ngoại - nơi tỷ giá CNY được thực hiện theo cung cầu), tức là ở các thị trường chứng khoán Hồng Kông hoặc ở các nơi khác… để dịch chuyển dòng vốn. Việc dịch chuyển của các dòng vốn khỏi Trung Quốc tìm các điểm đến mới là các quốc gia trong khối ASEAN, trong đó có Việt Namn sẽ tác động lớn tới tỷ giá.
Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề của Việt Nam phải chọn cách nào để thích nghi và giảm thiểu tác động có hại từ cuộc chiến này. Chính phủ đang nghiên cứu sâu để có đối sách lâu dài. Thủ tướng đã nói rõ, chính sách hiện nay duy trì ổn định, không sử dụng chính sách tiền tệ theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Chính sách vẫn là ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất, ổn định vĩ mô.
TS. Lịch cho biết thêm trong việc thu hút nguồn vốn quốc tế từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung, Việt Nam đang phải cạnh tranh với các quốc gia trong ASEAN. Riêng đối với Indonesia Việt Nam đã có 2 trở ngại.
Thứ nhất, kết nối hạ tầng logistic của Việt Nam quá đát.Thứ hai, nỗ lực cải cách thể chế rất chậm dù Chính phủ đã nỗ lực nhưng vẫn giới hạn.Nếu Việt Nam cải thiện tốt môi trường đầu tư, tức là cải thiện toàn bộ thể chế và tập trung phát triển có chọn lọc, nghĩa là tập trung phát triển khu nào sẽ ưu tiên phát triển đường, cầu cảng… tốt nhất cho khu đó.
Hiện Việt Nam vẫn ưu tiên dàn trải, đầu tư kiểu “xếp hàng ngang” không hiệu quả nhiều. Tổng kết 30 năm đầu tư FDI, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy mới, không thể tiếp tục hi sinh thị trường lấy công nghệ, cuối cùng mất thị trường mà công nghệ không được, hoặc hi sinh môi trường để lấy tăng trưởng.