Ngày 7/11/2018, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác thanh toán vốn đầu tư công trong bối cảnh triển khai pháp luật về đầu tư công”, nhằm trao đổi, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, từ đó đưa ra các đề xuất tăng cường công tác thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công. Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của ông Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y Tế, Bộ Xây dựng), các sở tài chính, kho bạc nhà nước, sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương; một số ban quản lý dự án, cùng các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và các trường đại học...

Toàn cảnh Hội thảo
Giải ngân chậm vì nhiều nguyên nhân
Thanh toán vốn đầu tư công có tầm quan trọng đối với hiệu quả dự án đầu tư công nói riêng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp chủ đạo điều hành từ Chính phủ, Bộ Tài chính nhưng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư có nguồn từ NSNN vẫn còn chậm.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016 - 2018 đạt thấp, đến nay chỉ đạt 72% kế hoạch ngân sách trung ương (NSTW) giao. Năm 2016, tỷ lệ giải ngân vốn NSTW đạt 89,1%, năm 2017 là 77,1%. Tính đến 31/10/2018, tỷ lệ giải ngân mới đạt 367.961/513.446 tỷ đồng.
Tiến độ thanh toán vốn đầu tư công chậm làm giảm hiệu quả đầu tư các dự án, gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn đầu tư công của Chính phủ, tác động tiêu cực đến việc thu hút đầu tư, tạo việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của Chính phủ.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo có chung quan điểm, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do các vướng mắc về cơ chế chính sách tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Cùng với đó là vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khâu xác định, thẩm định chủ trương đầu tư, phân bổ kế hoạch vốn, thẩm định dự án còn một số bất cập. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của một số dự án còn bị kéo dài.
Bà Lương Thị Hồng Thuý, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, việc các cấp thẩm quyền giao dự toán cho cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình và cấp dưới còn chậm. Quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau gây cho các bộ, ngành và địa phương tâm lý ỷ lại, “để dành” việc, đến cuối năm mới cấp tập triển khai, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán gửi KBNN của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nhiều trường hợp vẫn chậm, chưa tuân thủ theo thời gian quy định. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng của một số dự án còn bị kéo dài so với quy định do kết quả thực hiện thủ tục hành chính phụ thuộc vào ý kiến chấp thuận của nhiều cơ quan, nhiều cấp quản lý chuyên ngành.
Tăng tốc giải ngân gắn liền với nâng cao hiệu quả đầu tư
TS. Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính khuyến nghị, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần nhiều giải pháp hiệu quả, trong đó có tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn đầu tư trung ương từ NSNN nói riêng, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả đầu tư công, đồng thời gắn lộ trình giải ngân vốn đầu tư công với kiểm soát lạm phát. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh thông qua việc kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, chưa đủ thủ tục để tập trung cho các dự án có hiệu quả cao; tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, giảm thiểu thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng tính xin - cho. Cùng với việc hoàn thiện luật pháp, cơ chế quản lý đi đôi với củng cố kỷ luật chi nhằm giảm mức thấp nhất lãng phí, cần lựa chọn đúng những dự án tốt, hướng nguồn vốn vào các dự án này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; có như vậy, đầu tư công mới góp phần thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thúy Nguyệt, giảng viên Học viện Tài chính nhận định, trong bối cảnh nợ công ở mức cao và hiệu quả đầu tư công chưa được cải thiện rõ rệt, thì việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần gắn chặt với điều kiện về chất lượng dự án; cần có một “bộ lọc” tốt hơn, để lưạ chọn những dự án thực sự chất lượng và mang lại hiệu quả. Đại diện KBNN cũng kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung sửa đổi các vướng mắc về cơ chế chính sách quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn… tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao… Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, có cơ chế giám sát kết quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức.
Đại diện Sở Tài chính Quảng Ninh đề nghị, thay vì quy định cho phép giải ngân vốn đầu tư công trong hai năm theo Luật Đầu tư công (gây tâm lý ỷ lại, dẫn đến việc chậm thanh toán), cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh quy định thời hạn thanh toán vốn đầu tư công không quá ngày 30/6 của năm sau năm kế hoạch. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn trong việc quản lý dự án, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án để sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư và đưa vào thực hiện, tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.
Trung tâm TT&DVTC