Sinh hoạt khoa học “Tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo” và “Ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và phát triển ở Việt Nam”

Sinh hoạt khoa học “Tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo” và “Ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và phát triển ở Việt Nam” 18/07/2019 17:53:00 986

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Sinh hoạt khoa học “Tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo” và “Ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và phát triển ở Việt Nam”

18/07/2019 17:53:00

Ngày 18/7/2019, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với hai chủ đề “Tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019” và “Ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và phát triển tại Việt Nam” nhằm đẩy mạnh trao đổi, thảo luận các vấn đề kinh tế Việt Nam nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2019; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ngân hàng xanh và phát triển ở Việt Nam. TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện CL&CSTC chủ trì buổi sinh hoạt. Tham gia buổi sinh hoạt khoa học có các viên chức, nghiên cứu viên trong Viện.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\A.Loi OK.JPG

TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện CL&CSTC phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học

Phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt khoa học, Viện trưởng Nguyễn Viết Lợi yêu cầu các nghiên cứu viên, cán bộ Viện cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn các vấn đề như đánh giá tăng trưởng GDP theo ngành nghề kinh doanh, các sản phẩm chủ lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019… để có những đánh giá chính xác, khách quan hơn về nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Đối với vấn đề ngân hàng xanh, việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước có ý nghĩa quan trọng, giúp cho việc đề xuất giải pháp chính sách được kịp thời nhằm phát triển thị trường tài chính - ngân hàng ổn định và bền vững hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\TC OK..JPG

Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

Báo cáo tại buổi sinh hoạt khoa học, ThS. Vũ Thị Huyền Trang - Nghiên cứu viên, Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo - Viện CL&CSTC cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung có sự tăng trưởng tích cực, đạt 6,76%. Mặc dù thấp hơn so với năm 2018 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017.

Các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn tiếp tục là động lực chính của sự tăng trưởng kinh tế với mức tăng lần lượt là 8,93% và 6,69%, đóng góp 51,8% và 42,2% tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019. Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá, trong đó chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% so với cùng kỳ do tăng tiêu thụ một số mặt hàng, năng lượng (than, dầu mỏ tinh chế); chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 30/6/2019 tăng 16,1% so với thời điểm năm 2018.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Trang ok.JPG

Vũ Thị Huyền Trang - Nghiên cứu viên Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng tư nhân tăng 8,7%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019, tuy nhiên cán cân thương mại thâm hụt nhẹ 34 triệu USD. Đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, trong đó đầu tư của khu vực nhà nước có xu hướng thu hẹp, giải ngân vốn đâu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1%. Ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.

Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA mang lại, để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2019. Tuy nhiên, ThS. Hồ Ngọc Tú - Nghiên cứu viên Ban Phát triển Thị trường tài chính cho biết, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn xu hướng dịch chuyển vốn dòng FDI khi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc có những diễn biến khó đoán định.

Tiếp nối buổi sinh hoạt khoa học, chủ đề “Ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và phát triển ở Việt Nam” đã được ThS. Ngô Anh Phương - Nghiên cứu viên Ban Phát triển thị trường tài chính chia sẻ. Theo bà Phương, khái niệm ngân hàng xanh được hiểu là một ngân hàng xây dựng được một chiến lược kinh doanh bền vững, thể hiện ở việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo trách nhiệm với môi trường và xã hội. Một ngân hàng được coi là “xanh” khi thỏa mãn cả 2 điều kiện: (i) Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh; (ii) Về dài hạn, có một chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và cả tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường. Mặc dù mô hình ngân hàng xanh đã được nghiên cứu và phát triển tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc nhưng tại Việt Nam khái niệm ngân hàng xanh còn khá mới, nhận thức về ngân hàng xanh cũng như vai trò và tác động của ngân hàng xanh tại Việt Nam chưa đầy đủ, đồng thời Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý về ngân hàng xanh. Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, để phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam cần có: (i) Sự can thiệp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước nhằm khuyến khích dòng chảy tín dụng vào các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, khai thác tài nguyên; (ii) Hệ thống pháp luật nhất quán, thống nhất về quy trình, cơ chế hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính xanh của các ngân hàng; (iii) Sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp để đưa ra sáng kiến xanh hướng tới sự thay đổi trong quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Anh Phuong Ok.JPG

Ngô Anh Phương - Nghiên cứu viên Ban Phát triển thị trường tài chính

chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ngân hàng xanh

Thảo luận tại buổi sinh hoạt, các nghiên cứu viên trong Viện đã đưa ra các ý kiến trao đổi, thảo luận về hai chủ đề trên. Các ý kiến cho thấy, việc nghiên cứu, chia sẻ, thảo luận thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo, kinh nghiệm quốc tế về ngân hàng xanh giúp cho các nghiên cứu viên trong Viện có thêm thông tin hữu ích, giúp các nghiên cứu viên nhận diện được vấn đề cốt lõi của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019, các trụ cột của tăng trưởng cũng như các tiêu chí của ngân hàng xanh theo chuẩn các nước, làm nền tảng cho việc đề xuất các chính sách phát triển kinh tế, tài chính - ngân hàng trong thời gian tới.

Trung tâm TT&DVTC