Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020

Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 13/09/2019 09:04:00 290

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020

13/09/2019 09:04:00

(Mof.gov.vn) “Xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, việc triển khai ứng dụng CNTT không chỉ bó hẹp trong phạm vi một hệ thống, một ngành mà phải đồng bộ, phục vụ những nhiệm vụ chung của Chính phủ, các Bộ ngành khác, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 diễn ra ngày 12/9 tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu tại các địa phương.

M:\1.jpg

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng để nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, các đơn vị trong ngành Tài chính cần tiếp tục đổi mới thể chế, cơ chế chính sách quản lý tài chính đi đôi với việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới. Ảnh: Tuệ Anh

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống tin học và thống kê ngành Tài chính.

Đến nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.

Phát triển công nghệ thông tin được Đảng và Nhà nước xác định là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khóa mở ra cánh cửa để Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Ngày 07/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025 với mục tiêu: “hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025”.

Nghị quyết cũng đưa 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: (i) Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; (ii) Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới; (iii) Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; (iv) Xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; (v) bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; (vi) Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.

Triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, ngày 21/5/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 844/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Bộ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025. Tại Báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP quý II/2019, Bộ Tài chính cũng được đánh giá là một trong số các Bộ tiên phong ban hành Kế hoạch hành động để cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ. Cũng tại Báo cáo, Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã chủ động thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính và Tổ công tác giúp việc Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

M:\nb1.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Tuệ Anh

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025 là giai đoạn đặc biệt quan trọng, giai đoạn thực hiện các đột phá chiến lược trong công tác quản lý của Chính phủ nói chung và của ngành tài chính nói riêng theo mục tiêu xây dựng Chính phủ đó là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các đơn vị trong ngành Tài chính cần tiếp tục đổi mới thể chế, cơ chế chính sách quản lý tài chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, đi đôi với việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính theo định hướng chuyển đổi số của Chính phủ với nội hàm chuyển đổi số không chỉ là số hóa quy trình nghiệp vụ mà còn bao gồm quá trình cải tiến, đổi mới quy trình nghiệp vụ theo hướng tăng tính liên thông, từ đó tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính cần thường xuyên rà soát các chính sách về tài chính, ngân sách nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ mới trong kỷ nguyên kinh tế số, xã hội số theo nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ cũng như trong Nghị quyết số 02/NQ-BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thứ trưởng cho rằng những nội dung trọng tâm mà khối công nghệ thông tin ngành Tài chính cần tập trung thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo là:

Tập trung triển khai các nhiệm vụ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện tại Nghị quyết số 17/NQ-CP. Triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng, xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Xây dựng các hệ thống ứng dụng cốt lõi và hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của các cấp trong ngành Tài chính.

Xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ ngành Tài chính, ưu tiên các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất hiệu quả công việc.

Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành theo các công nghệ hiện đại phù hợp với yêu cầu triển khai trong từng giai đoạn. Đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động của các hệ thống thông tin ngành Tài chính trên các phương diện: thể chế, phương án kỹ thuật và quản lý vận hành.

Đảm bảo điều kiện, năng lực đồng bộ, thống nhất tại các cơ quan trung ương và các cơ quan tài chính địa phương đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ tài chính. Đổi mới công tác quản lý đầu tư, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa ngành. Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh việc Bộ Tài chính sẽ tăng cường thuê dịch vụ CNTT để rút ngắn thời gian, đáp ứng nhu cầu quản lý cũng như nâng cấp, cập nhật công nghệ mới một cách nhanh nhất.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục đổi mới, nâng cao ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống quản lý thuế, hệ thống CNTT hải quan hiện đại, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước, góp phần đưa Việt Nam lên nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế, rút ngắn thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp. Thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng cho rằng cần triển khai toàn diện ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước trên cơ sở thực hiện tổng kế toán nhà nước.

Đối với UBCKNN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị phát triển và hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán của UBCKNN theo hướng hiện đại, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; kết nối với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký Chứng khoán để hình thành hệ thống thông tin hoàn chỉnh và thống nhất ngành chứng khoán.

Trong lĩnh vực dự trữ, theo Thứ trưởng, cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin cốt lõi hợp nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống, từ cơ quan Tổng cục tới các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các Chi cục Dự trữ Nhà nước trong toàn quốc với đầy đủ chức năng quản lý hàng hóa, quản lý chất lượng, quản lý kho tàng, quản lý kế hoạch dự trữ nhà nước; tổng hợp, trao đổi thông tin về hoạt động dự trữ quốc gia với các Bộ, ngành, đia phương đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện về lực lượng dự trữ nhà nước.

Với những mục tiêu và giải pháp đã đề ra, các đơn vị trong ngành cần phối hợp chặt chẽ, đề ra phương án triển khai tốt nhất, phù hợp với năng lực thực tế của ngành Tài chính trong từng lĩnh vực đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Cơ sở dữ liệu.

Tuệ Anh