VEPR: Nâng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 5,5% trong năm 2020

VEPR: Nâng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 5,5% trong năm 2020 18/06/2020 17:42:00 772

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

VEPR: Nâng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 5,5% trong năm 2020

18/06/2020 17:42:00

(Congthuong.vn) Với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội do tác động của dịch Covid-19 sớm hơn dự kiến (từ cuối tháng 4/2020 so với dự kiến cuối tháng 5/2020), Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên con số 5,5%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4,2%.

M:\ht.jpg

Sáng ngày 17/6, VEPR tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 với chủ đề: “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển”.

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR - con số tăng trưởng kinh tế năm 2020 được nâng lên 5,5% (kịch bản lạc quan nhất) cao hơn so với con số 4,2% công bố trong tọa đàm trực tuyến Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2020 diễn ra ngày 13/4. Dự báo này được đưa ra dựa trên những kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thực hiện tốt hơn so với dự tính.

Theo đó, kịch bản lạc quan nhất, được xây dựng dựa trên giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4/2020 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6/2020, giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục.

Kịch bản trung tính (kịch bản 2) hoặc bi quan (kịch bản 3) được đưa ra trên cơ sở bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có thể tái bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, thậm chí quý IV/2020 với những mức độ diễn biến phức tạp khác nhau. Mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở kịch bản 2 sẽ là 3,9% và ở kịch bản 3 sẽ là 1,7%. Lạm phát không phải là vấn đề của năm 2020 và được VEPR dự báo sẽ ở mức dưới 4%.

Báo cáo cũng chỉ rõ, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế Covid-19 không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới nhờ đã kiểm soát được đại dịch tương đối sớm. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Nguyên nhân do, đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát và luôn có nguy cơ tái bùng phát. Dòng vốn FDI toàn cầu giảm cả ở thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) và đầu tư mới. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, thâm hụt tài khóa, căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc ngày càng gay gắt, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng.

"Nhìn trong trung và dài hạn, Việt Nam cần nhận thức về khả năng dịch chuyển trật tự kinh tế thế giới dưới tác động của Mỹ và các cường quốc, kể cả những kịch bản cực đoan như sự hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới trong bối cảnh toàn cầu đặc thù hiện nay. Tình hình có thể phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020", ông Phạm Thế Anh khuyến nghị.

Kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới được VEPR đưa ra bao gồm: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực; gia tăng giải ngân vốn đầu tư công; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp; cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, quản lý môi trường lỏng lẻo của Việt Nam; lạm phát ở mức trung bình.

Bên cạnh đó, VEPR cũng đưa ra những thách thức đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 2 kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng; rơi vào vòng xoáy căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn; thâm hụt tài khóa gia tăng do hụt thu trong khi chi phí phòng chống dịch bệnh gia tăng; các nền tảng vĩ mô chưa được cải thiện nhiều so với các năm trước.

Đưa ra khuyến nghị về chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, VEPR cho hay, cần tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trong nước và dần mở cửa có kiểm soát đối với thế giới bên ngoài. Thúc đẩy đầu tư công trong nửa sau của năm có thể bù đắp được những khó khăn tạm thời của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, đầu tư công phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra. Cải thiện cơ sở hạ tầng và thể chế để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư. Tiếp tục các chính sách cải thiện nền tảng vĩ mô.

“Hiện tại, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua thời điểm khó khăn trước mắt, điều cần thiết nhất mà Việt Nam nên làm là sắp xếp lại cấu trúc của nền kinh tế nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và công bằng để tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng dài hạn”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nói.

Nguyễn Hạnh