Đó là chủ đề Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) tổ chức ngày 24/11/2020, tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS. Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện CL&CSTC, Bộ Tài chính và TS. Nguyễn Viết Lợi, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Tài chính nhiệm kỳ 2018 - 2020. Đại biểu tham dự Hội thảo đến từ các đơn vị: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính; Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan và các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.
Ông Nguyễn Viết Lợi phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Viết Lợi cho biết, khoa học tài chính không chỉ là các nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực tài chính, mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp và các ngành dịch khác (bán lẻ, du lịch...). Trong những năm qua, khoa học tài chính đã cung cấp cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chính sách về tài chính, góp phần tích cực làm ổn định nền tài chính quốc gia, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Xuân Long, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng cho rằng, KH&CN đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét, được thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011 - 2015) lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 2016 - 2018. Tính chung 10 năm 2011 - 2020, đóng góp của TFP vượt mục tiêu đề ra (35%).
TS. Hoàng Xuân Long phát biểu tại Hội thảo
Trong sản xuất nông nghiệp, các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30 - 40% vào tăng trưởng nông nghiệp, tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Các kết quả KH&CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, KH&CN đã hỗ trợ sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa được thương mại mang nhãn hiệu Việt Nam mang lại giá trị gia tăng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
ThS. Phạm Tiến Đạt phát biểu tại Hội thảo
Nhấn mạnh vai trò của khoa học tài chính, ông Phạm Tiến Đạt (Viện CL&CSTC) cho biết, trong thời gian qua, các kết quả nghiên cứu KH&CN ngành Tài chính đã góp phần hình thành nhận thức những quan điểm lớn của Đảng trong lĩnh vực tài chính, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp, xây dựng hệ thống quan điểm mới, đưa ra nhiều kiến nghị về sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế độ, chính sách và đổi mới cơ chế quản lý tài chính. Trong giai đoạn 2015 - 2020, số lượng các nhiệm vụ KH&CN toàn ngành Tài chính có xu hướng tăng, từ 47 nhiệm vụ (năm 2015) lên 68 nhiệm vụ (năm 2019) và ước khoảng 70 nhiệm vụ (năm 2020). Các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính đã bao quát các vấn đề và các lĩnh vực của ngành Tài chính.
ThS. Kiều Nguyễn Việt Hà phát biểu tại Hội thảo
Trao đổi về những kết quả đạt được của hoạt động KH&CN, bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ 09 chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia, 02 chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ, đặc biệt đẩy mạnh đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, chính sách, pháp luật về hoạt động KH&CN và đổi đổi mới sáng tạo đã được cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối đẩy đủ, toàn diện và thống nhất nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong mọi mặt, lĩnh vực của đời sống, xã hội, tạo cơ hội và khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức và thành phần tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Hà cũng cho rằng, cơ chế, chính sách về KH&CN và đổi mới sáng tạo vẫn còn một số hạn chế như: Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN thông qua việc trích lập và sử dụng Quỹ KH&CN chưa được như kỳ vọng do nhiều vướng mắc; chính sách thiếu đồng bộ, việc thực thi chính sách hỗ trợ quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN còn hạn chế; quy định xử lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN có nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình triển khai; cơ chế quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN, chính sách khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN chưa tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho cá nhân hoạt động KH&CN.
Về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Long cũng nhận định, KH&CN chưa thực sự được coi là quốc sách hàng đầu, chưa ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN, làm cho KH&CN chưa trở thành động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. KH&CN chưa gắn với các điều kiện của kinh tế thị trường. Doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chưa phải là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN. Hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến có tính cạnh tranh cao từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Tiềm lực KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhìn chung, ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất ở nước ta còn khiêm tốn so với nhiều nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Bàn về giải pháp nâng cao vai trò của KH&CN về tài chính đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ chuyên ngành, các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách hiện có về ưu đãi, hỗ trợ tài chính; cơ chế khuyến khích tài chính đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; cơ chế chính sách đối với các tổ chức KH&CN, các cơ chế, quy định về tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN... và có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành các cơ chế thúc đẩy có hiệu quả sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Cơ chế, chính sách cần chặt chẽ trong việc ràng buộc trách nhiệm đổi mới, cải tiến công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng đối với chủ các doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xác định rõ một số điều kiện quan trọng để thực hiện vai trò đột phá của KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới như lý luận phát triển kinh tế dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo; mục tiêu phát triển đất nước; thể hiện được vai trò của doanh nghiệp hoạt động KH&CN; thế mạnh riêng liên quan đến phát triển kinh tế dựa vào KH&CN.
Trung tâm TT&DVTC