Kinh tế Việt Nam: Những tín hiệu lạc quan

Kinh tế Việt Nam: Những tín hiệu lạc quan 19/07/2021 08:58:00 633

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế Việt Nam: Những tín hiệu lạc quan

19/07/2021 08:58:00

Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Kinh tế - xã hội Việt Nam những tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi sau nỗ lực nghiên cứu và triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới. Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phố cuối tháng 1 đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

1. Tình hình kinh tế Việt Nam

Trong những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước. Mặc dù vậy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 tăng khoảng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn quý I/2020 (3,68%). Kết quả này cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp đã được cải thiện

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 4 tháng đầu năm duy trì đà hồi phục1. Khu vực công nghiệp dần bắt kịp tốc độ tăng của những năm trước dịch Covid-19, 4 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10%2 so với cùng kỳ năm 20203, cao hơn mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018.

Tiêu dùng trong nước, xuất - nhập khẩu, đầu tư đều tăng trưởng cao

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2021 tăng mạnh nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước4. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).

Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước cao nhất trong vòng 5 năm trở lại. Trong đó riêng tháng 4/2021 tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của điều này chủ yếu là do cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản có sự phục hồi và tăng trưởng rõ rệt5. Nhập khẩu tăng 28,4%, cao nhất kể từ năm 2017 tới nay. Do nền kinh tế và xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhu cầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất xuất khẩu tăng cao6. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 1,29 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% kim ngạch xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện đẩy nhanh đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 98,7 nghìn tỷ đồng (bằng 21,5% kế hoạch năm) và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4 và 4 tháng năm 2021 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017 - 20217. Về đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký cấp mới tăng mạnh nhờ thu hút được nhiều dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất điện8; vốn thực hiện tăng trưởng khả quan, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam.

Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2021 giảm nhẹ ở mức 0,04% so với tháng trước, chủ yếu do hai nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng CPI giảm giá9; nhưng lại tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục ổn định. Lãi suất liên ngân hàng trong 4 tháng đầu năm 2021 dao động với biên độ nhẹ; tính đến ngày 29/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tăng 0,88 - 1,05 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với các phiên trước đó, do cầu tín dụng trong tháng 4/2021 tăng trưởng nhanh10. Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp11.

Tỷ giá VND/USD trong 4 tháng đầu năm 2021 duy trì ổn định với dao động với biên độ tăng nhẹ. Tỷ giá trung tâm (ngày 29/4) là 23.158 VND/USD, giảm 0,37% so với cuối tháng trước và 0,18% so với cuối năm 2020. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch có thể lên 23.853VND/USD và tỷ giá sàn là 22.463 VND/USD. Các yếu tố chính giúp duy trì tỷ giá VND/USD ổn định chủ yếu là do: (i) Cơ chế tỷ giá trung tâm và các công cụ điều tiết thị trường ngoại hối phát huy được hiệu quả hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ; (ii) Nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào do vốn FDI tăng trưởng khả quan; (iii) Chênh lệch lãi suất VND và USD cao, dòng vốn ngoại tệ gửi ngân hàng vẫn nghiêng về nắm giữ VND.

Giá vàng trong nước bị ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, do vậy, trong 4 tháng đầu năm 2021 giá vàng thế giới giảm đã làm cho giá vàng trong nước giảm. Tính riêng trong tháng 4/2021, bình quân vàng trong nước mua vào - bán ra là 55,06 - 55,47 triệu đồng/lượng, giảm so với tháng 3/2021 khoảng 0,23%, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 khoảng 15,5%12.

Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán tăng đáng kể, tương ứng 36% số tài khoản mở mới trong cả năm 202013

Trong quý I/2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm 2020; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%. Tháng 4/2021, thị trường chứng khoán chứng kiến sự điều chỉnh của thị trường khi Vn-Index tăng từ 1.216 đầu tháng đến 1.255 giữa tháng (mức cao nhất từ trước đến nay), sau đó là giảm xuống 1.239 vào cuối tháng (tính đến ngày 29/4).

Về thị trường trái phiếu, theo số liệu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 4 tháng đầu năm 2021, HNX đã tổ chức 60 đợt đấu thầu với nhiều kỳ hạn từ 5 - 30 năm; trong đó riêng tháng 4/2021, HNX đã tổ chức 16 đợt đấu thầu với tổng giá trị gọi thầu là 31.500 tỷ đồng, tổng giá trị đăng ký 94.586 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu đạt 26.302 tỷ đồng, cao hơn so với tháng 03/2021 và với cùng kỳ năm 202014. Lũy kế đến hết tháng 4/2021, tổng khối lượng TPCP phát hành năm 2021 là 65.507 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2021 đạt 12,58 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2021 là 2,25%/năm.

Chính sách tài khóa tiếp tục được điều hành chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, thu NSNN đạt 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thu NSNN khả quan là nhờ một số khoản thu quý I/2021 được kê khai nộp vào đầu quý II/2021 theo quy định (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị giá tăng…). Đồng thời do sự tăng trưởng mạnh của kinh ngạch xuất - nhập khẩu giúp cho thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt khá. Cụ thể, thu nội địa và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt tương ứng 40,3% dự toán (tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2020) và 41,17% dự toán (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020). Riêng thu NSNN từ dầu thô đạt 12 nghìn tỷ đồng, đạt 51,7% dự toán, giảm 34,6% so với cùng kỳ do giá bán và sản lượng dầu thô thanh toán đều giảm.

Chi cân đối NSNN trong 4 tháng đầu năm đạt 463.720 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 338.110 tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán. Ngân sách trung ương đã sử dụng gần 3 nghìn tỷ đồng dự phòng để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án cấp bách, nâng cấp đô thị, khối phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, chi đầu tư công đạt 86.010 tỷ đồng, tương đương 18% dự toán và thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm, bội thu ngân sách 79.680 tỷ đồng, Chính phủ cũng phát hành thành công đạt 58,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 2,24%/năm.

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng

Tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2020; tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2. Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021

Ngân hàng Thế giới (WB, 3/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,6%. Đồng quan điểm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 4/2021) nhận định cho dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt 6,5% trong năm 2021 nhờ nền tảng kinh tế vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO 02/2021) nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7% trong năm 2021 nhờ nhu cầu bên ngoài tăng, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng.

Trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tất cả các ngành sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, đầu tư, tài chính ở Việt Nam… đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Do vậy, bên cạnh việc ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, các định hướng chính sách chủ đạo mà Việt Nam cần tập trung: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, du lịch; đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất và tính độc lập tự chủ trong sản xuất, thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm; kích cầu tiêu dùng, cầu du lịch nội địa và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Ngoài ra, để hỗ trợ cho tăng trưởng, Việt Nam cần phối hợp triển khai linh hoạt và đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch Covid-19.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, 29/4/2021.

2. WB (2021), Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương, 26/3/2021.

3. IMF (2021), World Economic Outlook, 4/2021.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 9 tháng 5/2021

*1 4 tháng đầu năm 2021, các địa phương phía Bắc tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân, tại các địa phương phía Nam tập trung thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, chăn nuôi lợn đang đà hồi phục. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 62 nghìn ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 35 triệu cây, tăng 2,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.159,9 nghìn m3, tăng 4,9%. Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

*2 Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,7% làm giảm 0,9 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

*3 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

*4 Cùng kỳ năm 2020 giảm 21,1%, do tháng 4/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.

*5 Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc tăng 32,4%; EU tăng 18,1%; ASEAN tăng 13,3%; Hàn Quốc tăng 12,1%; Nhật Bản tăng 1,5%.

*6 Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng tiêu dùng ước tăng 22,5%.

*7 Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4 so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 2017 - 2021: năm 2017 tăng 6,1%; năm 2018 tăng 8,6%; năm 2019 tăng 4,4%; năm 2020 tăng 6,7%; năm 2021 tăng 23,9%. Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN 4 tháng so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 2017 - 2021: năm 2017 tăng 4,4%; năm 2018 tăng 9,8%; năm 2019 tăng 4%; năm 2020 tăng 14,5%; năm 2021 tăng 16,3%.

*8 Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư cho dự án lớn nhất là Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, tại Long An. Tiếp theo là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ.

*9 Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhiều nhất với 0,43%, tác động làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, tác động làm CPI chung giảm 0,047 điểm phần trăm

*10 Trong quý I/2021, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm dao động ở quanh mức 0,3%/năm. Tính đến ngày 29/4/2021, lãi suất liên ngân hàng bình quân qua đêm ở mức 1,2%; 1 tuần 1,46%; 2 tuần 1,33% và 1 tháng 1,5%.

*11 Hiện nay, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 3,2 - 3,9%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 4 - 6%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên còn 5,6 - 6,8%/năm. Hiện lãi suất huy động USD của tổ chức tín dụng là 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

*12 Bình quân giá vàng trong nước tháng 4/2020 là 47,45 - 48,26 triệu đồng/ lượng mua vào - bán ra và tháng 3/2021 là 55,18 - 55,61 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra;

*13 Trong 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 143 nghìn tài khoản chứng khoán, tương ứng 36% số tài khoản mở mới trong cả năm 2020, dù năm 2020 là năm mở tài khoản cao kỷ lục từ trước tới nay.

*14 Tổng giá trị gọi thầu tháng 3/2021 là 29.750 tỷ đồng, tổng giá trị đăng ký 68.088 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu đạt 12.194 tỷ đồng. Tổng giá trị gọi thầu tháng 04/2020 là 16.500 tỷ đồng và tổng giá trị đăng ký 28.532 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu đạt 3.070 tỷ đồng