Nền tài chính Việt Nam sau 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Nền tài chính Việt Nam sau 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 27/07/2021 10:02:00 584

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nền tài chính Việt Nam sau 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

27/07/2021 10:02:00

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, nền tài chính quốc gia đã có nhiều chuyển biến rõ nét, thể chế tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phù hợp với các điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn và từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được củng cố; cơ chế, chính sách tài chính - NSNN đã góp phần tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt được các kết quả quan trọng, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN có những cải thiện. Thị trường tài chính tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu thị trường được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ đề ra. Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa ngành Tài chính được nâng cao. Hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế tiếp tục được tăng cường và củng cố.

Từ khóa: Chiến lược Tài chính, chính sách tài chính, ngân sách nhà nước, tiềm lực tài chính.

After 10 years of implementing the Finance Development Strategy to 2020, the national finance has achieved obvious improvements. The State budget-finance institutions complying with the socialist-oriented market principles have supported the process of economic restructuring and growth model transformation, in accordance with the specific conditions of the country in each period and gradually approaching international practices; national financial potentials have continued to be strengthened; State budget - finance mechanisms and policies have actively contributed to mobilize all resources for development. The reorganization and renewal process of SOEs has achieved important results, and the performance of the SOEs has been improved. The financial market has continued to develop stably; the process of market restructuring has been carried out synchronously, ensuring the set progress. Administrative reform in the financial sector has been strengthened and achieved many positive and important results. The application of information technology and modernization in the financial sector has been improved. Financial integration and international cooperation have continued to be strengthened and enhanced.

Key words: Finance Development Strategy, financial policies, state budget, financial potential.

Ngày nhận bài: 16/12/2020

Ngày nhận phản biện, đánh giá và sửa chữa: 30/12/2020

Ngày duyệt đăng: 05/01/2021

1. Những kết quả đạt được

Quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có những thay đổi sâu, rộng trên nhiều mặt, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là giai đoạn mà nền tài chính quốc gia phải đã đối mặt và giải quyết không ít khó khăn do các biến động bất lợi của tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) trong nước và quốc tế. Những năm đầu thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, kinh tế trong nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng tiếp tục chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009. Khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia, kinh tế thế giới phục hồi chậm, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Vào những năm cuối thực hiện Chiến lược (kể từ năm 2018 đến nay), căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm cho hoạt động thương mại toàn cầu chững lại, nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại và điều chỉnh chính sách phát triển dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã tác động đáng kể đến tình hình phát triển KT - XH cũng như các mục tiêu Chiến lược Tài chính của Việt Nam.

Chiến lược Tài chính đến năm 2020 xác định mục tiêu tổng quát là “Xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính”.

Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát, Chiến lược Tài chính cũng đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể được xác định như sau:

(i) Tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích lũy cho đầu tư phát triển, hướng dẫn tiêu dùng; thu hút hợp lý các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho hạ tầng KT - XH, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 33,5 - 35% GDP.

(ii) Tổng thu từ thuế và phí giai đoạn 2011 - 2015 là 22 - 23% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 là 21 - 22% GDP; trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu NSNN và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN.

(iii) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường đầu tư phát triển con người; cải cách cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công, tài chính DNNN; cải cách tiền lương; củng cố hệ thống an sinh xã hội.

(iv) Phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển KT - XH. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 50% GDP vào năm 2015 và đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 30% GDP vào năm 2020; tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 2 - 3% GDP vào năm 2015 và 3 - 4% GDP vào năm 2020.

(v) Giảm mức bội chi NSNN xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 (tính cả trái phiếu chính phủ) và giai đoạn 2016 - 2020 tương đương 4% GDP; nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP; dư nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP; dư nợ chính phủ không quá 55% GDP; phấn đấu đến năm 2015 tổng mức dự trữ nhà nước đạt 0,8 - 1% GDP và năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP, đồng thời cơ cấu lại mặt hàng dự trữ đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước.

  (vi) Tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đổi mới tổ chức bộ máy ngành Tài chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở đánh giá các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Tài chính đến năm 2020, có thể thấy ngành Tài chính đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

  Thể chế tài chính - NSNN được đẩy mạnh hoàn thiện theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - NSNN trong giai đoạn vừa qua luôn gắn với yêu cầu về cơ cấu lại ngân sách và nợ công, đổi mới khu vực sự nghiệp, tinh gọn bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cơ chế khoán, đấu thầu, đặt hàng, triển khai các kế hoạch trung hạn, tăng cường công khai, minh bạch tài chính, hướng tới phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2015 - 2020 (tính đến ngày 19/6/2020), ngành Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 9 dự án luật; 7 nghị quyết của Quốc hội; 1 nghị quyết của Bộ Chính trị; 9 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 150 nghị định, 52 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 933 thông tư, thông tư liên tịch. Nhờ đó, hệ thống thể chế trong lĩnh vực tài chính ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với quá trình phát triển của kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế... Trong đó đã tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi đồng bộ hệ thống chính sách thu ngân sách, ban hành Luật NSNN năm 2015, Luật Phí, Lệ phí năm 2015, Luật Thuế xuất - nhập khẩu năm 2016, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế năm 2016, Luật Quản lý, Sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Quản lý nợ công 2017, Luật Quản lý thuế năm 2019, Luật Chứng khoán năm 2019, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách thuế và lĩnh vực tài chính… tạo nền tảng quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý tài chính - NSNN cũng như trong việc thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng lành mạnh, bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành Tài chính đã tiên phong trong đề xuất và trình cấp có thẩm quyền các giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể: Bộ Tài chính đã chỉ đạo kịp thời việc nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại do dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác với mức giảm là 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí; miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid -19, điều chỉnh biểu thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giầy, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô…

Tiềm lực tài chính quốc gia được tăng cường và củng cố

Tiềm lực tài chính của Nhà nước tiếp tục được tăng cường, quy mô NSNN đã được mở rộng. Giai đoạn 2016 - 2019, thu NSNN hằng năm đều vượt dự toán, quy mô thu NSNN bình quân đạt khoảng 25,5% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt 21,2% GDP, đạt mục tiêu đề ra tại Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Tuy nhiên, sang năm 2020, thu NSNN gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống KT - XH1. Mặc dù gặp khó khăn trong năm 2020 nhưng các kết quả thu NSNN của cả giai đoạn vẫn tương đối khả quan. Quy mô thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 tăng khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng huy động vào ngân sách bình quân đạt khoảng 24,5% GDP, trong đó từ thuế, phí đạt khoảng 20,5% GDP.

Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, đảm bảo theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế, phù hợp với mục tiêu định hướng sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Cụ thể, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 81,5% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68%), năm 2020 đạt khoảng 83,6% cơ bản hoàn thành mục tiêu 84 - 85% tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo phân cấp thu NSNN, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng, số địa phương tự cân đối được thu - chi ngân sách tăng lên2, tạo sự chủ động cho các chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH.

Quy mô dự trữ quốc gia (DTQG) tăng dần, góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, phân phối, sử dụng hàng DTQG. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức, quy mô DTQG tiếp tục được phát triển và củng cố; dự kiến đến cuối năm 2020, tổng mức DTQG đã tăng khoảng 1,22 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,47 lần so với năm 2010.

Quá trình tích tụ và tập trung vốn của các doanh nghiệp cũng diễn ra nhanh. Quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không ngừng được mở rộng. Cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh và thực chất hơn. DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Về cơ bản, DNNN tập trung vào 11 ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Giai đoạn 2011 - 2019, cổ phần hóa được 679 DNNN với tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 303 nghìn tỷ đồng. Quản trị doanh nghiệp từng bước được cải thiện, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả. Kinh tế tư nhân đạt được tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tăng trưởng kinh tế tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm đã góp phần cải thiện đáng kể mức sống của người dân và tiềm lực tài chính của khu vực dân cư. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua tương đương năm 2020 đạt khoảng 10.755 USD/người, đứng thứ 106 trên thế giới, tăng 6 bậc so với năm 2019, qua đó tạo điều kiện cho việc gia tăng tích lũy đầu tư của khu vực này, bao gồm cả đầu tư qua kênh gián tiếp và trực tiếp.

Cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy mạnh

Trong giai đoạn 2011 - 2020, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đã góp phần nâng cao hiệu quả chi tiêu công và chất lượng dịch vụ công; tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ công. Đến hết năm 2019, số lượng đơn vị SNCL được giao tự chủ tài chính là gần 53 nghìn đơn vị, đạt tỷ lệ 98,5% tổng số đơn vị SNCL đang hoạt động, trong đó các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên chiếm 23 - 25%; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm khoảng 5 - 7%.

Hình thành đồng bộ các loại hình thị trường tài chính và dịch vụ tài chính

  Cấu trúc của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đã từng bước được hoàn chỉnh phù hợp với khả năng quản lý, giám sát của Nhà nước. Trong những năm qua, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn trung hạn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ cho việc thực hiện công tác cổ phần hóa các DNNN được thuận lợi, bảo đảm công khai, minh bạch; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng trong phát triển KT - XH của đất nước. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã có sự phát triển vượt bậc, đạt 3,5 triệu tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015), tương ứng với trên 60% GDP năm 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 25% trong vòng 10 năm qua. Tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần với giai đoạn 2010 - 2015. Thanh khoản của thị trường tăng gấp 2 lần từ 2,5 nghìn tỷ đồng/phiên (năm 2015) lên 4,8 nghìn tỷ đồng/phiên (năm 2020).

  Thị trường bảo hiểm và dịch vụ tài chính tiếp tục mở rộng về quy mô và phạm vi hoạt động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển KT - XH của đất nước. Trong đó, các cấu phần của thị trường vốn (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh) có sự tăng trưởng và phát triển nhanh. Thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, chất lượng dịch vụ bảo hiểm được nâng cao, đóng góp vào hỗ trợ doanh nghiệp, tái đầu tư cho nền kinh tế

Chủ động hội nhập quốc tế; đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế về tài chính

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế thông qua tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính. Đến hết năm 2020, số lượng FTA mà Việt Nam tham gia là 17 hiệp định3, cao hơn so với năm 2016 (10 hiệp định). Việc tham gia vào các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, mở ra nhiều thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời đa dạng hóa đối tác quốc tế, giúp giảm dần sự lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc hay Hoa Kỳ, qua đó góp phần cải thiện an ninh kinh tế, giảm tác động của những biến động từ môi trường quốc tế tới nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, việc tiếp tục đàm phán, củng cố chất lượng hợp tác trong mối quan hệ với các đối tác truyền thống quan trọng như ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng giúp làm sâu sắc thêm các quan hệ đối tác, giảm bớt chênh lệch trong cán cân thương mại, tăng cường tin cậy lẫn nhau và giảm các nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh kinh tế quốc gia.

Hợp tác tài chính trong các khuôn khổ đa phương và song phương được chú trọng tăng cường. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đăng cai chủ trì các tiến trình hợp tác tài chính đa phương như Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, chủ trì tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2020, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, qua đó thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tài chính đa phương. Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính đã đóng góp tích cực vào tăng cường quan hệ đối ngoại, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chính sách, góp phần tăng cường vị thế quốc gia và hỗ trợ cho các chính sách của ngành Tài chính. Cùng với đó, công tác vận động và điều phối tài trợ nước ngoài cho lĩnh vực cải cách quản lý tài chính công được thực hiện chủ động.

An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo

Cân đối ngân sách tích cực, nợ công đảm bảo trong giới hạn an toàn và được quản lý chặt chẽ. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 3,7% GDP, năm 2019 khoảng 3,4% GDP và dự toán năm 2020 là 3,44 % GDP, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TW (đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP). Qua đó, góp phần củng cố vị thế tài khóa của Chính phủ. Nợ công, nợ chính phủ dự kiến đến cuối năm 2019 ước đạt lần lượt là 54,7% GDP và 47,7% GDP. Cơ cấu nợ công bền vững hơn. Đồng thời đã đảm bảo huy động vốn cho NSNN với mức chi phí hợp lý, tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài để kéo dài kỳ hạn bình quân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính

Đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các quy trình quản lý hiện đại vào công tác quản lý tài chính - NSNN. Đã thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính, xây dựng hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN... Bộ Tài chính đã 7 năm liền dẫn đầu khối các bộ, ngành về chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó, công tác rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được chú trọng hơn, cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến được triển khai mạnh mẽ. Thời gian nộp thuế đã giảm từ 537 giờ (năm 2014) xuống 237 giờ (năm 2020); thời gian tiếp nhận và thông qua đối với hàng luồng xanh chỉ còn 1 - 3 giây.

Công tác xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức được ưu tiên, chú trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với công tác tham mưu, xây dựng chính sách và quản lý nhà nước của ngành Tài chính. Đến nay, thực hiện sắp xếp, cắt giảm được trên 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương; giảm 4.543 vị trí lãnh đạo quản lý. Thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năm 2020 đã thực hiện giảm được 8,7%, phấn đấu đến năm 2021 tối thiểu giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015.

Tuy đạt được các kết quả nói trên, quá trình thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 cũng cho thấy một số tồn tại, đó là:

Hệ thống chính sách động viên cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; xử lý những bất cập về ưu đãi thuế; chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp… Hiệu quả, hiệu lực chi NSNN còn thấp; cơ cấu đầu tư công bất cập, phân bổ vốn còn dàn trải, giải ngân chậm, chuyển nguồn còn lớn… Đa phần các khoản chi NSNN hiện được kiểm soát theo các yếu tố đầu vào (tiêu chuẩn, chế độ, định mức), chưa có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho việc kiểm soát chi tiêu NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại từng bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách nên việc đánh giá hiệu quả chi tiêu còn hạn chế. Công tác báo cáo, đặc biệt là báo cáo tài chính nhà nước vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nên chất lượng và hiệu quả còn khoảng cách so với các nước phát triển. Nghĩa vụ trả nợ công hằng năm ở mức cao và có xu hướng tăng trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giảm.

Đổi mới khu vực sự nghiệp công lập chậm, chưa đạt yêu cầu theo các nghị quyết trung ương. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo ở một số lĩnh vực, địa bàn; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng và hiệu quả dịch vụ thấp. Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phát triển hạn chế, chủ yếu tập trung vào ở khu vực địa phương có kinh tế phát triển, các thành phố lớn. Các dịch vụ sự nghiệp công chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế; xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững. Việc xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công và tham gia của khu vực ngoài nhà nước chưa tích cực.

Công tác cổ phần hóa DNNN chậm và không đạt tiến độ đề ra, số doanh nghiệp thua lỗ lớn, có nguy cơ mất vốn còn cao... Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn. Tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (quy mô vốn, tài sản), chưa phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực được nhà nước, xã hội giao, vẫn còn một số doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty sản xuất kém hiệu quả, thua lỗ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế - tài chính quốc gia.

Thị trường tài chính chưa thực sự cân đối; phát triển chưa ổn định; chi phí vốn cho nền kinh tế cao; thị trường vốn quy mô nhỏ so với tiềm năng và quy mô thị trường của các nước trong khu vực. Quy mô thị trường hạn chế so với các nước trên thế giới; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước thấp so với các tập đoàn lớn của nước ngoài, chưa có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hệ thống thanh tra, giám sát tài chính vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong giám sát tài chính trong một số khâu yếu và chậm có giải pháp khắc phục. Công tác cải cách hành chính, bộ máy trong lĩnh vực quản lý tài chính ở một số khâu thiếu tính đột phá và chưa theo kịp với thực tiễn phát sinh trong điều hành KT - XH.

2. Định hướng xây dựng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Giai đoạn 2021 - 2030, diễn biến tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và khu vực trong giai đoạn tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác hội nhập vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng sự cạnh tranh chiến lược và điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước lớn làm cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều trở ngại, thách thức. Tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế thế giới là nghiêm trọng và có thể kéo dài, tạo ra những rủi ro bất ổn về chính trị - xã hội, cân đối tài chính - tiền tệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức cho tất cả các nền kinh tế. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang đặt ra nhiều thách thức lớn chưa từng có cho phát triển bền vững.

Ở trong nước, sau gần 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước đã được cải thiện mạnh mẽ. Việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định chính trị, đảm bảo các cân đối vĩ mô vẫn là những yếu tố thuận lợi căn bản, tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu lớn; hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài yếu. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, các rủi ro về quốc phòng, an ninh cũng là những lực cản cho phát triển kinh tế, tạo sức ép lớn về tài chính - ngân sách. Chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Quan điểm xây dựng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

(i) Nhất quán và phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT - XH; phải gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển từng ngành, nghề, lĩnh vực và thể hiện rõ được vai trò của nền tài chính quốc gia trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

(ii) Phù hợp với các quan điểm, định hướng phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

(iii) Đảm bảo yêu cầu nâng cao và phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển KT - XH, coi trọng sự kết nối giữa việc xác định mục tiêu chính sách kinh tế với khả năng cân đối nguồn lực tài chính để thực hiện. Đảm bảo sự kết gắn giữa việc xác định các mục tiêu phát triển của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ với khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện và năng lực tổ chức thực hiện trên thực tế.

(iv) Góp phần giải phóng triệt để các nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút hiệu quả và tối đa các nguồn lực ngoài nước; đảm bảo tính hợp lý, phù hợp trong chính sách động viên, chính sách phân phối, phát triển nền tài chính quốc gia theo hướng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng, hướng đến quản lý tài chính bằng pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiện đại hóa nền tài chính quốc gia, tiếp cận các thông lệ quốc tế, tạo ra môi trường và thị trường ổn định, thuận lợi, hấp dẫn đầu tư, giải phóng triệt để sức sản xuất của xã hội, thúc đẩy tính sáng tạo và vai trò của khoa học - công nghệ.

(v) Hướng đến xây dựng nền tài chính chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời góp phần bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ của nền kinh tế; giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Mục tiêu của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030

Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 cần đạt được mục tiêu hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc, nâng cao khả năng cạnh tranh nền kinh tế; đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện hệ thống thể chế kinh tế đồng bộ, nhất quán trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường; tạo bước chuyển biến căn bản về phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội.

Xây dựng nền tài chính độc lập, tự chủ đi đôi với việc thực hiện nghiêm túc các kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính. Phân phối, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia, tài chính công và NSNN. Thực hiện tăng tỷ trọng tiết kiệm tích lũy trong tài chính quốc gia, tài chính công và NSNN để tăng đầu tư xã hội, đầu tư từ tài chính công và NSNN. Thực hiện tăng chi cho đầu tư phát triển và giảm mạnh mức bội chi NSNN so GDP, đảm bảo an toàn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.

Định hướng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030

(i) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thể chế tài chính; củng cố các cân đối tài chính vĩ mô. Thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, chủ động; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo duy trì, củng cố và ổn định kinh tế vĩ mô.

(ii) Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý của NSNN. Thực hiện đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, huy động những nguồn lực tài chính quốc gia từ tài sản công, tài nguyên.

(iii) Đổi mới, hoàn thiện thể chế về quản lý NSNN. Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong phát triển KT - XH gắn với thúc đẩy kêu gọi hợp tác theo hình thức hợp tác công tư, thu hút sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân. Đổi mới phân cấp quản lý NSNN, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

(iv) Tăng cường quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công. Mở rộng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công; thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công.

(v) Thực hiện tái cấu trúc DNNN; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN. Xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2025, cơ bản thực hiện xong Chiến lược tái cơ cấu DNNN.

(vi) Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển và cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm và phát triển các dịch vụ tài chính, tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Phát triển đồng bộ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

(vii) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính. Chủ động đề xuất và tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, nâng cao tiếng nói và vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác tài chính quốc tế. Hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết.

(viii) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường thực hiện chế độ công khai tài chính, ngân sách.

(ix) Đẩy mạnh việc xây dựng tài chính điện tử và hướng đến nền tài chính số. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường tích hợp, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

(x) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Kiện toàn, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện tinh giản biên chế, gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 450/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020.

2. Nguyễn Viết Lợi (2019), Tài chính Việt Nam 2018: Dịch chuyển bao trùm, Phát triển bền vững, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Hải Thu (2019), Đánh giá nền tài chính Việt Nam sau 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020.

4. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê hằng năm giai đoạn 2011 - 2020.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 1 tháng 02/2021

*1 Các yếu tố chính tác động đến thu NSNN như tăng trưởng kinh tế khả năng đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch (6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, trong khi kế hoạch đề ra là 6,8%), giá dầu thô giảm sâu, cộng vớiviệc thực hiện miễn, giảm, giãn một số khoản thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 3,6 - 4,5%, thì thu NSNN năm 2020 giảm khoảng 163 - 190 nghìn tỷ đồng.

*2 Số lượng các địa phương có số thu NSNN trên địa bàn vào nhóm trên 10 nghìn tỷ đồng, từ 5 nghìn nghìn đến dưới 10 nghìn tỷ đồng và từ 1 nghìn tỷ đồng đến dưới 5 nghìn tỷ đồng không ngừng tăng qua các năm, cụ thể: Năm 2006 tương ứng là 4 địa phương, 3 địa phương và 21 địa phương, năm 2011 tương ứng là 10 địa phương, 8 địa phương và 34 địa phương, thì đến năm 2020 tương ứng là 25 địa phương, 18 địa phương và 20 địa phương. Tương ứng với đó, giai đoạn 2007 - 2010 có 11 địa phương điều tiết về ngân sách trung ương, giai đoạn 2011 - 2016 có 13 địa phương và giai đoạn 2017 - 2020 có 16 địa phương.

*3 Trong đó, 13 FTA đã có hiệu lực, 2 FTA chưa phê chuẩn và sắp có hiệu lực, 2 FTA đang đàm phán.