Rủi ro trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Rủi ro trên thị trường chứng khoán Việt Nam 02/08/2021 15:55:00 8109

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Rủi ro trên thị trường chứng khoán Việt Nam

02/08/2021 15:55:00

Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Thị trường chứng khoán (TTCK)1 Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ kể từ giữa năm 2020 đến nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn thì xu hướng đi lên của TTCK đã dẫn đến lo ngại về nguy cơ “bong bóng” tài sản. Tuy nhiên qua phân tích thực trạng Việt Nam cho thấy, rủi ro “bong bóng” tài sản là không quá lớn nhưng vẫn cần lưu ý những yếu tố không bền vững tiềm ẩn. Hiện nay, Việt Nam cần tập trung tăng cường giám sát TTCK, phục hồi kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô và sự bền vững của hệ thống ngân hàng, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy sự phát triển dài hạn của thị trường.

1. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 và những tháng đầu năm 2021

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đã phục hồi nhanh và tăng trưởng vượt kỳ vọng. Dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK từ cuối tháng 01/2020; chỉ số Vn-Index giảm từ 1.000 điểm cuối năm 2019 xuống còn 645 điểm cuối tháng 3/2020 - mức giảm sâu nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường đã có sự phục hồi ngoạn mục trở lại 1.000 điểm vào tháng 12/2020. Tính đến ngày 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng 11,48% so với cuối năm 2019. Sang đến đầu năm 2021, chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng điểm, đến ngày 31/3/2021 đạt 1.191,44 điểm.

Cùng với đó, thanh khoản và huy động vốn cũng tăng mạnh, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường. Năm 2020, mức vốn hóa thị trường đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019; huy động vốn của TTCK đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20%; giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3%. Trong quý I/2021, tổng mức huy động vốn trên TTCK đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với dịch Covid-19 và phục hồi tốt nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index (các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI)2. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư ngoại có quy mô lớn đang sử dụng MSCI Frontier Markets Index như điểm chuẩn.

Các yếu tố chính đóng góp vào sự tăng điểm của TTCK có thể kể đến như: (i) Dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt; (ii) Nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được ban hành như đẩy mạnh đầu tư công, giảm mặt bằng lãi suất…; (iii) Ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo, kinh tế tăng trưởng khả quan so với khu vực và thế giới giúp tạo kỳ vọng tích cực về thị trường Việt Nam.

2. Rủi ro đặt ra và một số khuyến nghị

Bên cạnh xu thế tăng điểm tích cực, trên TTCK đang tiềm ẩn một số yếu tố không bền vững:

(i) Tăng trưởng của TTCK đang không phù hợp với trạng thái của nền kinh tế và không tương xứng với giá trị của một số doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam đạt được kết quả tốt trong việc duy trì kinh tế tăng trưởng dương 2,91% trong năm 2020 và 4,48% trong quý I/2021, nhưng so với những năm trước dịch Covid-19 thì đây là tốc độ tăng trưởng thấp. Trong khi đó, tốc độ tăng của các chỉ số chứng khoán cao hơn nhiều lần so với tăng trưởng kinh tế và xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh3. Cùng đó, sự tăng lên của chứng khoán còn cho thấy mặt chưa hiệu quả trong chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất được hạ xuống thấp để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh nhưng dường như dòng vốn không đi vào các lĩnh vực sản xuất4 mà chảy sang các kênh đầu tư và đầu cơ, trong đó có chứng khoán.

(ii) Dòng tiền lớn chảy vào TTCK gần đây đến từ nguồn các nhà đầu tư cá nhân, trong khi đây là nhóm nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm đầu tư với tâm lý dễ dao động. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đang liên tục tăng và đạt kỷ lục. Lũy kế cả năm 2020, có 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 392.527 tài khoản (99,7%), cao nhất trong 20 năm trở lại. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong quý I/2021 khi có gần 230 nghìn tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới, tương ứng khoảng 60% số tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm trên 99% trên thị trường cổ phiếu với gần 3 triệu tài khoản giao dịch. Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân tuy đã đóng góp tích cực vào sự phục hồi và tăng trưởng của TTCK nhưng cũng tiềm ẩn những biến động khó lường.

(iii) Dòng vốn cho vay từ các công ty chứng khoán qua giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán cũng chảy mạnh vào thị trường. Tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ giao dịch ký quỹ xác lập kỷ lục mới, với gần 81.000 tỷ đồng, tăng 59%. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ dư nợ giao dịch ký quỹ/tổng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán vẫn ở mức dưới 1 nhưng thực tế thị trường đã xuất hiện các trường hợp tiến sát mức trần giới hạn.

(iv) Tình trạng thao túng giá cổ phiếu có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, tác động tiêu cực đến niềm tin, tính minh bạch trên thị trường. Với khối lượng giao dịch trên TTCK hiện còn tương đối nhỏ thì việc thao túng giá cổ phiếu tương đối lớn. Mặc dù thời gian qua có nhiều vụ việc thao túng giá bị phát hiện và xử phạt nhưng với chế tài của Việt Nam còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi thì chưa đủ tính răn đe.

(v) Hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HOSE gần đây cũng đặt ra những rủi ro trên thị trường. Nghẽn lệnh giao dịch làm cho việc xác định cung - cầu thực trên thị trường gặp khó khăn, thậm chí là không thể xác định được. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và làm tăng mức độ biến động của thị trường. Thực tế tại những phiên thị trường giảm sâu, số lượng các lệnh bán ra tăng vọt, gây ra hiện tượng nghẽn lệnh, dẫn tới việc không thể xác định được lực cung và cầu, làm sai lệch giá cổ phiếu và chỉ số. 

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, nhiều hoạt động kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cùng với những vấn đề kể trên, xu hướng ngược chiều đi lên của TTCK đã dẫn đến những lo ngại về rủi ro “bong bóng” trên TTCK. Mặc dù vậy, một số phân tích chỉ ra nếu dùng hệ số P/E để định giá thị trường thì mức P/E của Việt Nam hiện là 18 - 19 lần, cao hơn so với đầu năm 2020 (khoảng 15 lần) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2006 - 2007 (trên 30 lần)5 và cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực6, cho thấy rủi ro “bong bóng” tài sản trên TTCK chưa rõ nét. TTCK được đánh giá sẽ có sự điều chỉnh thời gian tới nhưng khả năng thị trường lao dốc mạnh là khó xảy ra. Dự báo năm 2021, thị trường vẫn tăng trưởng tích cực, mức độ phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư về rủi ro thị trường, tính ổn định của kinh tế trong nước và bền vững của hệ thống ngân hàng.

Do vậy, giải pháp trước mắt cần thực hiện là xử lý tình trạng ngẽn lệnh trên sàn HOSE, tăng cường giám sát với TTCK; đồng thời tập trung phục hồi kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán và bất động sản. Kiểm soát được dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động của doanh nghiệp và đà tăng trưởng của nền kinh tế là rất cần thiết trong việc nâng cao giá trị thực của chứng khoán. Các giải pháp để ổn định giá cả, tiếp tục kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra như thời gian qua sẽ giúp duy trì kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư trên TTCK.

Lãi suất được dự báo sẽ điều chỉnh tăng trong thời gian tới và dẫn tới lo ngại đây có thể là cú sốc với TTCK. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh dịch bệnh còn những diễn biến khó lường, các hoạt động kinh tế chưa phục hồi, nhất là những lĩnh vực quan trọng như du lịch, vận tải… thì việc lãi suất tăng mạnh thời gian tới sẽ khó có thể xảy ra. Lãi suất được điều chỉnh tăng dần sẽ không gây ra các cú sốc lớn đối với TTCK và cũng là yếu tố kiềm chế thị trường tăng trưởng “nóng”.

Bài học từ các cuộc khủng hoảng tài chính nói chung và các lần đổ vỡ chứng khoán lớn nói riêng trên thế giới cho thấy, một trong các nguyên nhân kích hoạt khủng hoảng đến từ các bất ổn trong hệ thống ngân hàng. Tại Việt Nam, “bong bóng” tài sản năm 2006 - 2007 đã hình thành cùng với tín dụng chảy mạnh vào chứng khoán, bất động sản và kéo theo nhiều bất ổn sau đó. Hiện nay, các chỉ số về hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn đang khá tích cực. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức thấp (dưới 3%). Tuy vậy, tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản đang có dấu hiệu tăng trong những tháng gần đây7, cho thấy vẫn cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản để tránh rủi ro tín dụng dẫn đến những bất ổn trong nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo (2020), Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới năm 2020

2. Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo (2021), Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới quý I/2021.

3. Hà An (2021), Cẩn thận rủi ro TTCK, http://cand.com.vn/Thi-truong/Can-than-rui-ro-thi-truong-chung-khoan-636987/.

4. Lê Thanh (2021), Sẽ siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, https://tuoitre.vn/se-siet-tin-dung-vao-bat-dong-san-chung-khoan-2021041508094906.htm

5. Minh An (2021), TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ cận biên của MSCI, https://laodong.vn/kinh-te/ttck-viet-nam-chiem-ti-trong-lon-nhat-trong-ro-can-bien-cua-msci-868697.ldo.

6. VietNam Finance (2021), Liệu có “bong bóng chứng khoán”, https://www.bsc.com.vn/tin-tuc/tin-chi-tiet/774772-lieu-co-bong-bong-chung-khoan.

7. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020.

8. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2021.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 8 tháng 4/2021

*1 Bài viết tập trung vào thị trường cổ phiếu Việt Nam.

*2 Trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index, tại thời điểm ngày 31/12/2020, Việt Nam chiếm tỷ trọng 15,05% và là thị trường lớn thứ 2, sau Kuwait với tỷ trọng 21,68%. Với việc Kuwati được nâng hạng lên thị trường mới nổi, MSCI sẽ tiến hành loại toàn bộ cổ phiếu Kuwait ra khỏi danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index cho tới tháng 11/2021, đưa tỷ trọng của Việt Nam lên thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số với tỷ trọng 28,78%.

*3 Cổ phiếu RGC của Công ty Cổ phần đầu tư PV - Inconess đã nhảy vọt với mức tăng hơn 700% trong vòng khoảng 3 tháng đầu năm 2021 (từ 3.200 đồng vào đầu năm lên gần 25.000 đồng vào đầu tháng 4/2021) trong khi doanh nghiệp này thua lỗ 2 năm liên tiếp và mức lỗ năm 2020 gần 14 tỷ đồng.

*4 Tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 12,13%, trong khi tăng trưởng GDP là 2,91% (năm 2019, tín dụng tăng trưởng 13,65%, GDP tăng trưởng 7,02%).

*5 Giai đoạn 2006 - 2007 là giai đoạn thị trường xuất hiện “bong bóng” chứng khoán.

*6 P/E của Singapore là 24 lần, Thái Lan là 26 lần, Philippines là 28 lần, Indonesia là 29 lần và Malaysia là 22 lần…

*7 Trong quý I/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 2,93%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020, nhưng từ tháng 3/2021 đã tăng trở lại. Tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%, cao hơn mức tăng chung của tín dụng.