Kinh tế thế giới hồi phục nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Kinh tế thế giới hồi phục nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro 04/08/2021 08:58:00 419

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế thế giới hồi phục nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

04/08/2021 08:58:00

Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập

Kinh tế thế giới trong những tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu hồi phục nhờ tác động từ các gói kích thích kinh tế của các nước và hoạt động triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch Covid-19 tại nhiều nước. Tuy nhiên, sự hồi phục của kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại kể từ cuối tháng 3/2021 tại nhiều nước như Hoa Kỳ, châu Âu và một số nước tại châu Á (Philippines, Thái Lan, Indonesia…); rủi ro từ bất bình đẳng thu nhập. Sự hồi phục của kinh tế thế giới phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, hiệu quả của các chính sách kinh tế, giá cả hàng hóa và khả năng chống chịu của các nước.

1. Tình hình kinh tế toàn cầu

Các hoạt động kinh tế toàn cầu trong những tháng đầu năm 2021 có xu hướng được mở rộng khi chỉ số PMI sản xuất tăng từ 53,6 điểm (01/2021) lên 53,9 điểm (02/2021) và 55 điểm (3/2021)1 do tác động của các gói kích thích kinh tế và việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 4/2021), tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo tăng từ -3,3% trong năm 2020 lên 6% trong năm 2021.

Đối với các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế tăng từ -4,7% trong năm 2020 lên 5,1% trong năm 2021 do vắc-xin được tiêm rộng rãi cho người dân và sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, Hoa Kỳ được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 6,4% trong năm 2021; Nhật Bản tiếp tục hồi phục kinh tế nhờ các chính sách kích thích kinh tế, với tốc độ tăng trưởng từ -4,8% trong năm 2020, dự báo tăng lên 3,3% trong năm 2021 và 2,5% vào năm 2022. Kinh tế các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo tăng từ -6,6% trong năm 2020 lên 4,4% trong năm 2021 và đạt 3,8% trong năm 2022.

Đối với các nước mới nổi và đang phát triển, do hạn chế của người dân trong việc tiếp cận vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nên trong năm 2021, các nước mới nổi và đang phát triển sẽ tiếp tục phải tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi và đang phát triển được dự báo tăng từ -2,2% trong năm 2020 lên 6,7% trong năm 2021 và đạt 5% trong năm 2022. Kinh tế Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2021 đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 18,3% trong quý I/2021 - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1992, chủ yếu do các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 nghiêm ngặt, sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021 được dự báo đạt 8,4% (tăng so với mức 2,3% trong năm 2020). Hoạt động của nền kinh tế Thái Lan bị chậm lại do dịch Covid-19 tái bùng phát vào tháng 12/2020; tăng trưởng năm 2021 dự báo đạt 2,6% (cao hơn so với -6,1% của năm 2020). Tại Philippines, nhờ các biện pháp kiểm soát Covid-19, tăng trưởng kinh tế năm 2021 được dự báo đạt 6,9% (tăng so với mức -9,5% trong năm 2020).

Giá cả thế giới và lạm phát

Giá cả hàng hóa thế giới tăng nhờ sự hồi phục của nhu cầu toàn cầu. Chỉ số giá hàng hóa của IMF trong quý I/2021 có xu hướng tăng từ 137,2 điểm trong tháng 01/2021 lên 141,04 điểm trong tháng 3/20212. Giá dầu thế giới trong 4 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 19/4/2021) có xu hướng tăng do lượng tồn kho dầu của Hoa Kỳ giảm và căng thẳng địa - chính trị tại Trung Đông. Giá WTI bình quân giao ngay trong tháng 4/2021 đạt 60,93 USD/thùng, tăng 18,18% so với tháng 01/2021; giá Brent bình quân giao ngay trong tháng 4/2021 đạt 63,74 USD/thùng, tăng 17,13% so với tháng 01/2021. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA, 4/2021), giá dầu WTI và Brent bình quân giao ngay lần lượt đạt 58,89 USD/thùng và 62,28 USD/thùng trong năm 2021.

Lạm phát tăng tại hầu hết các nước và khu vực do giá cả hàng hóa tăng. Tại Hoa Kỳ, lạm phát tăng từ 1,4% trong tháng 01/2021 lên 2,6% trong tháng 3/2021 chủ yếu do giá năng lượng tăng3; lạm phát tại Trung Quốc tăng từ -0,3% lên 0,4% - mức cao nhất kể từ tháng 10/2020 trong bối cảnh chỉ số giá nhóm hàng phi nông nghiệp tăng mạnh (tăng 0,7% trong tháng 3/2021); lạm phát tại Eurozone tăng từ 0,9% lên 1,3% do chi phí giá dịch vụ tăng (tăng 1,3% trong tháng 3/2021) và năng lượng tăng (tăng 4,3% trong tháng 3/2021); lạm phát tại Philippines tăng từ 4,2% lên 4,5%; lạm phát tại Thái Lan tăng từ -0,34% lên -0,08%.

Theo IMF (4/2021), các biện pháp nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ và các gói kích thích kinh tế tại các nước phát triển sẽ khuyến khích người dân tăng nhu cầu mua sắm, do đó giá cả hàng hóa sẽ tăng, làm cho lạm phát trong năm 2021 có xu hướng tăng, từ 0,7% (năm 2020) lên 1,6% (năm 2021) và đạt 1,7% (năm 2022). Tuy nhiên, tại các nước mới nổi và đang phát triển, lạm phát lại giảm từ 5,1% (năm 2020) xuống còn 4,9% (năm 2021) và 4,4% (năm 2022) do dư địa chính sách để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế không còn nhiều nên cầu tiêu dùng tại nhóm nước này có thể giảm, từ đó ảnh hưởng tới lạm phát.

Thương mại thế giới

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thương mại toàn cầu chỉ đạt tốc độ tăng trưởng -8,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, sang đầu năm 2021, khi các nước bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc-xin và các gói kích thích kinh tế thì thương mại toàn cầu sẽ được hồi phục, nhưng vẫn đối diện với thách thức lớn liên quan đến diễn biến phức tạp của đại dịch, cũng như xu hướng bảo hộ thương mại. Ngoại trừ Hoa Kỳ, cán cân thương mại tại nhiều nước tiếp tục thặng dư nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Theo IMF (4/2021), tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng 8,4% trong năm 2021 và 6,5% trong năm 2022.

Điều chỉnh chính sách

Nhằm thực hiện mục tiêu ổn định nền kinh tế, đối phó với dịch Covid-19, sang năm 2021, các nước tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Chính sách tiền tệ

Tại Hoa Kỳ, trong những tháng đầu năm 2021, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục duy trì biên độ lãi suất cho vay ở mức thấp, với lãi suất cơ bản giữ ổn định 0 - 0,25%. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế.

Tại Nhật Bản, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy lạm phát, Nhật Bản tiếp tục duy trì lãi suất -0,1% và chương trình mua trái phiếu chính phủ không hạn chế, đồng thời thực hiện một số điều chỉnh đối với chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất ngắn hạn giữ ở mức -0,1% và lãi suất dài hạn là 0%; nới rộng biên độ lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm 0 - 0,25% (thay cho mức 0 - 0,2% trước đó).

Tại Indonesia, trong bối cảnh lạm phát được dự báo tiếp tục ở mức thấp, tỷ giá đồng IDR ổn định và nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược thời hạn 7 ngày (BI-7DRR) đã được Ngân hàng Trung ương Indonesia giảm 25 điểm phần trăm xuống còn 3,5% vào tháng 02/2021. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay cũng được giảm 25 điểm phần trăm xuống còn lần lượt là 2,75% và 4,25%.

Chính sách tài khóa

Tại châu Âu, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ giảm nguy cơ thất nghiệp khẩn cấp, Ủy ban châu Âu đã cung cấp khoản hỗ trợ tài chính trị giá 304 triệu EUR cho Hungary trong tháng 02/20214. Tại Đức, kế hoạch tháng 3 tăng chi 5,8 tỷ EUR cho y tế trong bối cảnh dịch bệnh khó kiểm soát trong đó có các khoản chi các xét nghiệm coronavirus, tiêm chủng cho bác sĩ, người dân và viện trợ khẩn cấp cho bệnh viện. Tại Tây Ban Nha, nhằm đối phó với dịch Covid-19, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 13,4 tỷ USD trong tháng 02/2021.

Tại Hoa Kỳ, gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua trong tháng 3/2021, trong đó, khoản trợ cấp trực tiếp trị giá 1.400 USD cho hầu hết người dân Hoa Kỳ trưởng thành, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ cho tiêm chủng và xét nghiệm, 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025.

Tại Trung Quốc, nhằm tăng cường củng cố lực lượng và trang thiết bị trong quốc phòng, Trung Quốc đã đưa ra dự thảo ngân sách 209 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2021 (tăng 6,8% so với năm 2020).

Tại Nhật Bản, trong năm tài khóa 20215, Nhật Bản đã thông qua ngân sách trị giá 976 tỷ USD nhằm tăng cường các biện pháp giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19, cũng như tăng chi cho an sinh xã hội và quốc phòng6. Trong đó, các khoản chi cho an sinh xã hội là 35.840 tỷ JPY, chiếm khoảng 30% tổng ngân sách, do tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản tăng nhanh, làm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao. Ngân sách dành cho quốc phòng là 5.340 tỷ JPY, tăng 0,5% so với năm trước7. Ngoài ra, trong khoản ngân sách mới có quỹ dự phòng trị giá 45,67 tỷ USD được dùng để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế và kinh tế.

Malaysia đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 4,9 tỷ USD trong tháng 3/2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bao gồm tăng chi cho tiêm chủng, tăng hỗ trợ tiền mặt, trợ cấp, đẩy mạnh công tác đào tạo cho các cá nhân và doanh nghiệp.

2. Một số hàm ý cho Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới năm 2021 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, kinh tế Việt Nam cũng chịu một số tác động nhất định.

Tác động tích cực

Dưới tác động của Covid-19, các chuỗi giá trị toàn cầu đang trong giai đoạn “tái định hình”, do đó, Việt Nam có cơ hội tham gia vào quá trình tái phân bổ các cơ sở sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp thách thức liên quan đến số hóa, chủ nghĩa bảo hộ và năng lực hấp thụ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Khi cầu tiêu dùng toàn cầu tăng thì Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước. Đồng thời, vốn FDI vào Việt Nam tăng thêm trong điều kiện Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh tốt và nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Tác động tiêu cực

Giá dầu thế giới tăng sẽ ảnh hưởng tới giá đầu ra và khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu do chi phí vận chuyển và nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng. Tuy nhiên, giá dầu tăng cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu vào các nước xuất khẩu dầu mỏ như Hoa Kỳ vì khi đó giá dầu tăng làm tăng thu nhập và tiêu dùng của các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Khuyến nghị chính sách

Việt Nam cần tiếp tục các biện pháp phòng và chống dịch. Để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân trong đại dịch thì Việt Nam cần có những giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ mức độ tổn thương và đảm bảo các khoản trợ cấp đến đúng và chính xác các đối tượng cần trợ giúp.

Khi nhu cầu toàn cầu đang trên đà hồi phục, trước cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước, Việt Nam cần tăng cường tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm nâng cao cơ hội cạnh tranh và nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng và cơ hội cạnh tranh.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút thêm được vốn FDI. Tuy nhiên, để có thể thu hút được vốn FDI thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần được cải thiện, do đó, Việt Nam cần tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Dịch Covid-19 xảy ra làm cho thói quen tiêu dùng được thay đổi, các hình thức thanh toán trực tuyến, bán hàng trực tuyến được đẩy mạnh hơn, do đó, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa tới công tác phát triển thương mại điện tử, áp dụng công nghệ 4.0 trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ, hàng hóa.

Tài liệu tham khảo

1. EIA (4/2021), Short-Term Energy Outlook.

2. IMF (4/2021), World Economic Outlook.

3. IMF (2020), World Economic Outlook Oct 2020.

5. IMF (01/2021), World Economic Outlook Update.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 9 tháng 5/2021

*1 Theo báo cáo của JPMorgan về chỉ số PMI sản xuất toàn cầu trong các tháng 1, 2 và 3/2021.

*2 Chỉ số giá hàng hóa của IMF trong tháng 02/2021 đạt 140,4 điểm.

*3 Giá năng lượng trong tháng 3/2021 tăng 13,2%, cao hơn so với mức tăng 3,7% trong tháng 02/2021.

*4 Khoản viện trợ này là một phần của gói tín dụng 504 triệu EUR được Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt cho Hungary vào tháng 10/2020, trong đó 200 triệu EUR đã được giải ngân vào tháng 12/2020.

*5 Bắt đầu từ ngày 01/4/2021.

*6 https://www.reuters.com/article/us-japan-economy-budget-idUSKBN2BI165.

*7 https://www.japantimes.co.jp/news/2020/12/21/business/economy-business/japan-record-high-budget/.