Hiệp định RCEP: Tác động đến khu vực và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Hiệp định RCEP: Tác động đến khu vực và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam 16/08/2021 07:28:00 2922

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hiệp định RCEP: Tác động đến khu vực và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

16/08/2021 07:28:00

Trần Thị Hà

Ngày 15/11/2021, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán. Tính đến ngày 30/4/2021 đã có 3 quốc gia phê chuẩn RCEP, gồm: Trung Quốc (thông qua ngày 08/3/2021), Nhật Bản (28/4/2021), Singapore (09/4/2021) . RCEP hiện là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới với quy mô thị trường 2,3 tỷ người, chiếm 29% GDP và 25% thương mại toàn cầu. Dự kiến khi có hiệu lực thực thi, RCEP sẽ tạo ra kết nối cung ứng lớn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. RCEP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy động lực đổi mới cho thương mại nội vùng và tăng cường chuỗi giá trị giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; đồng thời dự báo sẽ mang lại lợi ích cho các nước Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

1. Tác động đến khu vực và Việt Nam

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, 2020), các nước ASEAN đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể kỳ vọng bổ sung thêm lợi ích và cơ hội khi tham gia vào RCEP1. Petri và Plummer (2020) sử dụng mô hình cân bằng tổng thể (CGE) đã ước tính lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu và khu vực mà RCEP mang lại như sau: RCEP sẽ làm tăng thu nhập thực tế của thế giới thêm 186 tỷ USD vào năm 2030, trong khi lợi ích CPTPP mang lại chỉ là 147 tỷ USD. Các thành viên RCEP sẽ có mức thu nhập thực tế 174 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 0,4% tổng GDP của các thành viên. Ba quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là: Trung Quốc (85 tỷ USD), Nhật Bản (48 tỷ USD), Hàn Quốc (48 tỷ USD). Ngoài ra, RCEP mang lại lợi ích lớn cho Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đến năm 2030, Indonesia có thể hưởng lợi 3 tỷ USD, Malaysia 4 tỷ USD, Thái Lan 4 tỷ USD và Việt Nam 3 tỷ USD. Các nền kinh tế khác cũng thu được lợi nhuận đáng kể từ thương mại khu vực, liên kết chuỗi giá trị khu vực mạnh hơn và mở ra nhiều cơ hội hơn cho đầu tư nước ngoài.

Theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP, 2014), một số mặt hàng của Việt Nam có sức cạnh tranh cao đã thống trị thị trường khu vực và toàn cầu (gạo, cà phê, hạt tiêu và hạt điều…), bên cạnh đó là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mô hình xuất khẩu của quốc gia. RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, nhờ sự đa dạng các sản phẩm có nguồn gốc từ các mặt hàng trên và gia tăng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này.

Với việc ký kết RCEP, nhóm các nền kinh tế tham gia hiệp định thể hiện cam kết tiếp tục hội nhập kinh tế. Đặc biệt, RCEP giúp lấp khoảng trống trong hệ thống thương mại khu vực, tạo ra một thỏa thuận thương mại chưa từng có giữa 3 quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

2. Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát trên thế giới và Việt Nam, làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực chưa được nối lại, thậm chí có thêm sự đứt gãy khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam và tập trung tại các khu công nghiệp (Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi có các nhà máy sản xuất lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc như Sam Sung, Hosiden…). Cùng với đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi các nước mới nổi và đang phát triển cũng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam trên các khía cạnh như thương mại, đầu tư, quy tắc xuất xứ…

Thương mại

Hiệp định RCEP thực thi sẽ cắt giảm thuế quan về 0% đối với nhiều mặt hàng của các quốc gia tham gia, theo đó chi phí giao dịch được cắt giảm do nhiều thủ tục được đơn giản hóa. Vì vậy, việc xuất khẩu hàng hóa nói chung và các mặt hàng chủ lực (nông nghiệp, dệt may, da giầy, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin…) của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thuận lợi. Những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn thuộc khu vực RCEP. Tỷ trọng xuất khẩu Việt Nam sang các nước RCEP tăng từ 44% (năm 2010) lên 44,1% (năm 2018), sau đó giảm còn 41,8% (năm 2019). Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ) với tổng giá trị đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước; thị trường ASEAN ở vị trí thứ tư với tổng giá trị đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; tiếp đó là Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Bên cạnh đó, Việt Nam gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các nước trong khu vực có nhiều mặt hàng tương đồng, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, 2020), tỷ trọng nhập khẩu từ khối RCEP trong tổng nhập khẩu vẫn chiếm tỷ lệ cao, chiếm 70,7% trong năm 2019 so với 67,4% trong năm 2010. Trong giai đoạn 2009 - 2019, Việt Nam có xu hướng gia tăng thâm hụt thương mại với thị trường RCEP, đặc biệt với Trung Quốc và Hàn Quốc. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc tăng nhanh từ năm 2015 sau khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết với mức tăng trung bình 22,3%/năm giai đoạn 2010 - 2014, tăng lên 31,4%/năm trong giai đoạn 2015 - 2017. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc liên tục tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2015; mặc dù có sự giảm dần từ năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao. Theo Tổng cục thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%.

Với việc RCEP được thực thi, người tiêu dùng trong nước có nhiều sự lựa chọn về các mặt hàng tiêu dùng với mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng đa dạng, trong khi giá bán thấp hơn đến từ các quốc gia trong Hiệp định. Điều này làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh. Để có thể duy trì được thị trường  , các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Đầu tư

Giai đoạn 2017 - 2020, trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư chiến lược vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan2. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng mới trong và sau dịch Covid-19, Việt Nam ngày càng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút các dòng đầu tư này, đặc biệt là tiếp tục duy trì sự thu hút vốn đầu tư từ khu vực RCEP.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm sao lựa chọn được chất lượng của các dự án đầu tư nói chung, khu vực RCEP nói riêng. Theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chủ trương xuyên suốt là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chủ trương sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài là chủ trương đúng, nhưng việc thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi và kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP, hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là vấn đề rất phức tạp.

Quy tắc xuất xứ

Việc áp dụng một bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho cả khu vực RCEP thay vì thực hiện 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng biệt ở 5 FTA, như hiện nay khi RCEP có hiệu lực thực thi sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa để được hưởng ưu đãi theo quy tắc xuất xứ của EVFTA hay CPTPP thì RCEP mang lại nhiều thuận lợi hơn cho các nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo quy tắc xuất xứ trong RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong 3 trường hợp: (i) Là hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; (ii) Hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; (iii) Hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại quy tắc cụ thể mặt hàng. Theo đó, Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn nguyên liệu Việt Nam cho ngành may nước họ; hay xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn do nguyên phụ liệu của hàng may mặc được nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy tắc xuất xứ trong các hiệp định đều có những điểm khá phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Hơn nữa, theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần đáp ứng quy định xuất xứ bằng cách phát triển công nghiệp hạ nguồn để hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường FTA.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Chương trình Aus4Reform (2020), Thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

2. Tổng cục Thống kê, Số liệu thương mại 4 tháng đầu năm 2021.

Tiếng Anh

3. ADB (2020), Regional Comprehensive Economic Partnership: Overview and Economic Impact.

4. Ganyi gives (2021), Impact of the RCEP Trade Agreement on the Asia - Europe Supply.

5. Lisandra Flach, Hannah Hildenbrand và Feodora Teti (2021), The Regional Comprehensive Economic Partnership Agreement and Its Expected Effects on World Trade.

6. Peter A. Petri và Michael G. Plummer (2020), East Asia Decouples from the United States: Trade War, COVID-19, and East Asia’s New Trade Blocs.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 11 tháng 5/2021

*1 Hiệp định RCEP giúp Brunei đa dạng hóa nền kinh tế, dần thay thế phụ thuộc vào dầu khí; Singapore tham gia thêm vào lĩnh vực kế toán, tư vấn và kỹ thuật; Malaysia thu được lợi nhuận từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu…

*2 Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 2 năm 2017 và 2018, Hàn Quốc năm 2019, Singapore năm 2020.