Chính sách hỗ trợ ngành vận tải hàng không của Hoa Kỳ ứng phó với dịch Covid-19

Chính sách hỗ trợ ngành vận tải hàng không của Hoa Kỳ ứng phó với dịch Covid-19 13/08/2021 18:31:00 1387

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách hỗ trợ ngành vận tải hàng không của Hoa Kỳ ứng phó với dịch Covid-19

13/08/2021 18:31:00

Nguyễn Quỳnh Trang

Vận tại hàng không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm trực tiếp với hơn 750 nghìn việc làm và cung cấp gián tiếp hơn 10 triệu công việc cho người lao động; là ngành trung gian hỗ trợ các hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch Covid-19, ngành vận tải hàng không đã chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doangh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không chở khách.

Theo đánh giá kết quả hoạt động của 11 hãng không lớn nhất Hoa Kỳ, các hãng hàng không chở khách của nước này đã phải chịu khoản lỗ trước thuế là 5,5 tỷ USD trong quý I/2021, doanh thu hoạt động giảm 56% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do trong năm 2020, dịch bệnh kéo dài, các lệnh hạn chế đi lại đã dẫn đến nhu cầu di chuyển sụt giảm nghiêm trọng, đẩy hàng loạt các hãng hàng không Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ phá sản, cắt giảm biên chế sâu, kéo theo hàng triệu người lao động mất việc làm. Trước tình hình nghiêm trọng, thông qua Đạo luật Ổn định Kinh tế Coronavirus năm 2020 (CARES Acts) với tổng trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho ngành hàng không (dưới hình thức hỗ trợ tiền mặt trực tiếp và các chương trình cho vay ưu đãi), đây là gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay cho lĩnh vực kinh tế này. Theo đó, đối với hình thức hỗ trợ tiền mặt, các doanh nghiệp hàng không vận tải chở khách nhận được 25 tỷ USD, các hãng vận chuyển hàng hóa nhận được 4 tỷ USD, các nhà thầu trong lĩnh vực hành không, như phi hành đoàn mặt đất… nhận được 3 tỷ USD để trả lương cho người lao động. Đối với các chương trình cho vay ưu đãi, các hãng hàng không chở khách và các hãng hàng không vận chuyển được tiếp cận với các gói cho vay có giá trị lần lượt là 25 tỷ USD và 4 tỷ USD.

Gói cứu trợ cho ngành hàng không chở khách

Nhằm đảm bảo người lao động giữ lại được việc làm và cũng như có đủ nguồn lực để duy trì hệ thống vận tải hàng không phục vụ hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất máy bay, sản xuất dầu khí, du lịch…, tháng 4/2020, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra gói hỗ trợ tiền mặt trị giá 25 tỷ USD cho các hãng hành không chở khách, chủ yếu nhằm giúp các doanh nghiệp trang trải chi phí lương cho người lao động. Ngoài các khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp, các hãng hàng không có thể đăng ký tham gia chương trình vay ưu đãi trị giá 25 tỷ USD để giải quyết những yêu cầu thanh toán cấp thiết.

Để tránh nguy cơ doanh nghiệp sử dụng nguồn hỗ trợ sai mục đích, nằm ngoài mục tiêu chính hướng tới người lao động của gói cứu trợ, Chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu các hãng hàng không nhận viện trợ không được cắt giảm biên chế và mức lương, không sa thải nhân viên, tiếp tục duy trì dịch vụ và các chặng bay đang vận hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp không được tham gia các hoạt động như thu mua lại cổ phiếu, chia cổ tức và phải hạn chế các khoản bồi thường thù lao tài chính cho các giám đốc điều hành cấp cao cho tới ngày 31/9/2020. Riêng đối với khoản vay ưu đãi, các doanh nghiệp sẽ phải phát hành chứng quyền cổ phiếu cho Chính phủ, đồng thời Chính phủ được quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp với một mức giá cố định.

Nhiều doanh nghiệp hàng không đã nộp đơn xin tiếp cận nguồn vốn sau khi chương trình cho vay ưu đãi được ban hành. Theo báo cáo của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, United Airlines, hãng hàng không lớn thứ 4 tại Hoa Kỳ về số lượng hành khách, đã đăng ký khoản vay lên tới 4,5 tỷ USD. Ngoài những hàng hãng không lớn, một số hàng hàng không giá rẻ như JetBlue và Frontier Airline… và hãng hàng không khu vực như Elite Airways, Southern Airways Express… cũng tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này.

Gói hỗ trợ dưới dạng tiền mặt và khoản vay lãi suất thấp đã giúp nhiều doanh nghiệp cầm cự được trong những tháng đầu của đại dịch và người lao động giữ được việc làm. Tuy nhiên, theo Hãng tin CNBC, khi gói hỗ trợ tiền mặt trị giá 25 tỷ USD đợt 1 hết hạn vào cuối tháng 9/2020, do doanh thu và nhu cầu đi lại vẫn tiếp tục sụt giảm, American Airlines và United Airlines đã sa thải tổng cộng 32 nghìn nhân viên. Trong khi đó, Southwest Airlines, hãng hàng không lớn thứ ba tại Hoa Kỳ chưa từng có lịch sử sa thải nhân viên, cũng có thể sa thải 7 nghìn lao động nếu không tiếp tục nhận được hỗ trợ. Trước tình hình này, Chính phủ Hoa Kỳ lại một lần nữa mở rộng gói hỗ trợ tiền mặt, giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn để trả lương và giữ lại việc làm cho người lao động. Theo đó, Chính phủ đã tiếp tục đưa ra gói cứu trợ trị giá 14 tỷ USD nằm trong khuôn khổ Đạo luật Ổn định Kinh tế Coronavirus năm 2020 (CARES Acts) cho các hãng hàng không, giúp các doanh nghiệp này chi trả chi phí lương cùng điều kiện cấm sa thải người lao động và duy trì các chặng bay cho tới cuối tháng 3/2021.

Do tình hình dịch bệnh không có nhiều tiến triển tích cực và nhu cầu đi lại vẫn ảm đạm kìm hãm tốc độ hồi phục của ngành hàng không, dưới áp lực của các hãng hàng không về việc sa thải người lao động, Tổng thống Joe Biden tiếp tục đưa ra gói cứu trợ lần thứ 3 trị giá 14 tỷ USD, nằm trong khuôn khổ gói kích thích Kế hoạch giải cứu Hoa Kỳ. Gói cứu trợ tiếp tục đưa ra các yêu cầu cấm sa thải, cắt giảm lương và có hiệu lực trong vòng 6 tháng (hết hạn vào tháng 9/2021). Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, có tổng cộng 354 hãng hàng không chở khách nhận được hỗ trợ trong đợt 1; 318 hãng trong đợt 2 và 11 hãng trong đợt 3.

Mặc dù, tính từ đầu năm 2020 (thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ) đến nay, một số các hãng hàng không nhỏ của Hoa Kỳ như Trans State Airlines, Compass Airlines… đã phá sản do hoạt động yếu kém và tài chính không đảm bảo từ trước khi đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, khi đặt sức khỏe của ngành hàng không Hoa Kỳ lên bàn cân với các quốc gia khác có thể thấy, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, khả năng chịu đựng của các hãng hàng không Hoa Kỳ tốt hơn nhiều so với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới. Theo Tạp chí Forbes, một số hãng hàng không lớn như Virgin Australia (hãng hàng không lớn thứ hai tại Úc), Air Deccan (hãng hàng không giá rẻ lớn nhất tại Ấn Độ), Aviance Holdings (hãng hàng không lớn thứ hai tại Nam Hoa Kỳ)… đã nộp đơn phá sản hoặc tái cấu trúc toàn doanh nghiệp trong năm 2020. Tại châu Á, Thai Airways (hãng hàng không lớn nhất của Thái Lan) cũng đã được Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan chấp thuận kiến nghị tổ chức lại doanh nghiệp.

Các gói viện trợ thuộc Đạo luật Ổn định Kinh tế Coronavirus năm 2020 đã kịp thời trợ giúp nhiều hãng hàng không tại Hoa Kỳ tránh khỏi nguy cơ phá sản khi đối diện với dịch Covid-19, giúp duy trì hoạt động hàng không phục vụ cho các hoạt động kinh tế trong các ngành nghề khác và quan trọng nhất là giúp người lao động giữ được việc làm, thu nhập, được hưởng quyền lợi của bảo hiểm y tế trong khoảng thời gian đại dịch diễn ra. Bên cạnh đó, quá trình rà soát thủ tục nhanh chóng đã giúp nhiều doanh nghiệp hàng không, từ các hãng hàng không lớn đến các hãng hàng không giá rẻ, tiếp cận được nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản trong thời kỳ khó khăn. Hơn thế nữa, sự hỗ trợ của Chính phủ có thể góp phần xây dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư vào ngành hàng không, thúc đẩy khả năng huy động vốn của các hãng hàng không.

Có nên tiếp tục gia hạn gói cứu trợ?

Các gói cứu trợ cho vận tải hàng không chở khách nói riêng và ngành hàng không nói chung đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế. Những điều kiện mà gói cứu trợ ngắn hạn đưa ra đảm bảo tối ưu hóa lợi ích của toàn xã hội, đặc biệt là người lao động - đối tượng mà chính sách trực tiếp hướng tới. Tuy nhiên, việc có nên tiếp tục gia hạn gói cứu trợ tiền mặt trong nửa cuối năm 2021 vẫn cần được Chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc thận trọng.

Hiện nay khi vắc-xin đã được tiêm phổ biến tại Hoa Kỳ và các lệnh hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ thì trong trung hạn và dài hạn, thách thức mà doanh nghiệp thực sự đối mặt nằm ngoài những vấn đề bức thiết trong ngắn hạn như trang trải lương, chi phí như thời gian dịch bệnh, mà yếu tố quyết định sự sống của doanh nghiệp hàng không Hoa Kỳ sẽ phụ thuộc vào doanh thu, tốc độ phục hồi nhu cầu di chuyển của khách hàng. Đây là những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và khó dự đoán. Việc gia hạn các gói cứu trợ ngắn hạn cho tới khi ngành hàng không hồi phục là không bền vững, làm tiêu tốn ngân quỹ mà không đem lại nhiều lợi ích chắc chắn cho xã hội. Việc tiếp tục mở rộng các gói cứu trợ cũng sẽ đi ngược lại với mục tiêu ban đầu của chính sách. Thay vào đó, Chính phủ có thể gián tiếp hỗ trợ ngành hàng không thông qua việc đưa ra những chính sách kích cầu, hỗ trợ thuế, nhiên liệu… Những biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không phục hồi doanh thu, cải thiện “sức khỏe” tài chính doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích tích cực cho chuỗi giá trị của ngành hàng không. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp hàng không cũng cần có những giải pháp của riêng mình để thu hút khách hàng, tự nâng cao doanh thu và sức bền của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo

1. Abate, M., Christidis, P., & Purwanto, A. J. (2020), Government Support to Airlines in the Aftermath of the Covid-19 Pandemic, Journal of air transport management, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7489892/#fn1.

2. Heimlich, J. (2021), Impact of Covid-19: Data Updates. Airlines For America. https://www.airlines.org/dataset/impact-of-covid19-data-updates/.

3. Lori Aratani, I. D. (2020), U.S. Airlines Begin Negotiations for Coronavirus Aid Focused on Front-line Workers, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/local/trafficandcommuting/us-airlines-begin-negotiations-on-bailout-aid-focused-on-front-line-workers/2020/04/06/42b8d910-7834-11ea-b6ff-597f170df8f8_story.html.

4. Mercatus Center (2020), The Economic Case Against a Second Airline Payroll Bailout, https://www.mercatus.org/publications/corporate-welfare/economic-case-against-second-airline-payroll-bailout.

5. OECD (2020), Covid-19 and the Aviation Industry: Impact and Policy Responses, https://www.oecd.org/coronavirus/policy-responses/covid-19-and-the-aviation-industry-impact-and-policy-responses-26d521c1/.

6. O'Mara, J. (2021), The Aviation Industry Leaders Report 2021, Produced with Airline Economics, KPMG, https://home.kpmg/ie/en/home/insights/2021/02/aviation-report-2021-government-lifelines.html.

7. Rucinski, T., & Shepardson, D. (2020), Major U.S. Airlines Accept Government Aid for Payrolls; American and Alaska Also Seeking loans, Reuters, https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-usa-airlines-idUSKCN21W2XA.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 11 tháng 5/2021