Doanh nghiệp bảo hiểm: Đầu tư trên 500 nghìn tỷ đồng trở lại nền kinh tế

Doanh nghiệp bảo hiểm: Đầu tư trên 500 nghìn tỷ đồng trở lại nền kinh tế 08/09/2021 08:33:00 1385

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Doanh nghiệp bảo hiểm: Đầu tư trên 500 nghìn tỷ đồng trở lại nền kinh tế

08/09/2021 08:33:00

Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng với dư địa tăng trưởng trong năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục khởi động 4 tháng đầu năm 2021 khá thuận lợi. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế trên 500 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Tăng trưởng tích cực

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện Việt Nam có 72 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 20 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Có hai doanh nghiệp mới gia nhập thị trường bảo hiểm đó là Bảo hiểm HD được thành lập năm 2020 thuộc khối phi nhân thọ và Công ty Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam, thành lập năm 2021 thuộc khối nhân thọ. Năm 2021 cũng có thêm 1 công ty môi giới bảo hiểm được thành lập. Việc các công ty tiếp tục gia nhập thị trường bảo hiểm cũng phần nào phản ánh sự hấp dẫn của ngành bảo hiểm Việt Nam.

Tính hết tháng 4/2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm ước đạt 608.324 tỷ đồng (tăng 22,72% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 101.471 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 506.853 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm nay đạt khoảng 61.208 tỷ đồng (tăng 19,12% so với cùng kỳ năm 2020). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 19.241 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 41.967 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong 4 tháng đầu năm 2021, khối doanh nghiệp trên đầu tư trở lại nền kinh tế đạt khoảng 501.292 tỷ đồng (tăng 22,06% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 52.485 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 448.807 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, doanh thu và khoản đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp ngành bảo hiểm tăng trên 22% trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục đứng vững trước những khó khăn chung của nền kinh tế, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. 

Tiếp tục bứt phá

Theo đánh giá của Tập đoàn Tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re, thị trường bảo hiểm toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến. Sự gián đoạn doanh thu phí bảo hiểm do giãn cách xã hội không ảnh hưởng nhiều, khi người tiêu dùng chuyển sang tiêu dùng trực tuyến. Bên cạnh đó, tại các thị trường phát triển, dòng sản phẩm bảo hiểm cá nhân có mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi cũng cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới đã nhanh chóng áp dụng kinh doanh số trong lĩnh vực bảo hiểm. Swiss Re dự báo tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu năm 2021 - 2022 sẽ tăng từ 1,3% năm 2020 lên 3,6%/năm và tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ sẽ phục hồi, tăng 3% sau khi giảm mạnh trong năm 2020. Swiss Re cũng xác định các động lực chính cho sự tăng phí bảo hiểm trong năm 2021 - 2022 là giá “cứng” trong bảo hiểm thương mại trong lĩnh vực phi nhân thọ và nhận thức về rủi ro tăng lên khi đối diện với dịch Covid-19 đang và sẽ thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ.

Nhận định về thị trường bảo hiểm Việt Nam, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, tăng trưởng doanh thu phí sẽ tốt hơn trong năm 2021. Theo đó, các chuyên gia này kỳ vọng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt là 22% và 10 - 12% so với cùng kỳ. Lý giải cho những dự báo tăng trưởng này, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ phục hồi về mức trước dịch Covid-19, giúp thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ. Theo dự báo của nhiều tổ chức, dự báo tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại mức 6,5% trong năm 2021, do đó, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng có thể đạt mức tăng trưởng trước dịch Covid-19.

Đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện cho biết, năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm đạt 6.600 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020. Hai nghiệp vụ bán lẻ trọng tâm là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người vẫn tiếp tục được quan tâm, trong đó mục tiêu tăng trưởng của bảo hiểm xe cơ giới là 10% và bảo hiểm con người 14%. Để đạt được các mục tiêu này, công ty tiếp tục tập trung gia tăng những trải nghiệm tiện ích cho khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Những ứng dụng này sẽ được triển khai trong hành trình trải nghiệm của khách hàng, từ khi mua hàng (mua online bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, sản phẩm được đóng gói theo nhu cầu riêng biệt) đến việc giải quyết bồi thường (giám định và bồi thường đơn giản và minh bạch hóa bằng công nghệ)…

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cũng đã thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể, sẽ duy trì tổng doanh thu 5.024 tỷ đồng; phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế 277 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với mức thực hiện năm 2020. Cùng với đó, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh phấn đấu đạt tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tối thiểu đạt 10%, tăng trưởng hơn 18% so với năm 2020; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 12%. Để đạt mục tiêu này, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận như cải tiến chất lượng dịch vụ bảo hiểm; đa dạng hóa, tăng cường các kênh khai thác qua ngân hàng, online, môi giới, đại lý…; chuẩn hóa các quy trình khai thác, bồi thường, giảm thiểu trục lợi bảo hiểm… Đồng thời, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cũng sẽ tập trung tái cấu trúc sản phẩm chưa có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào các khách hàng lớn, tập trung quản lý để tạo hiệu quả.

Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, với những giải pháp sáng tạo, đột phá đã đề ra, kỳ vọng doanh thu, thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2021. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần lưu ý một số rủi ro hiện hữu có ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành. Theo đó, bên cạnh tác động hiện hữu từ dịch Covid-19 lên nền kinh tế, doanh nghiệp và đời sống người dân làm cho nhu cầu bảo hiểm giảm sút, thì môi trường lãi suất thấp kéo dài cũng sẽ tác động đến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn, do phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán - chuyên gia của SSI Research nhận định.

Bên cạnh đó, SSI Research cho biết, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã làm cho các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm và xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Việc này làm cho các doanh nghiệp bảo hiểm không thể duy trì các hợp đồng tái cố định và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời, ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.

Lê Minh Hương

Tài liệu tham khảo

1. Bảo hiểm Bảo Minh (2021), Nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2021.

2. Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (2021), Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu.

3. Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (2021), Danh sách doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

4. Duy Thái (2021), Doanh nghiệp bảo hiểm năm 2021: khởi sắc chặng đầu, nhiều “ông lớn” vẫn thận trọng trong cả năm, Thời báo Tài chính Việt Nam (online).

5. SSI Research (2021), Triển vọng ngành Bảo hiểm năm 2021: môi trường lãi suất thấp - một thách thức thực sự.

6. Swiss Re Institute (2020), Sigma 7/2020: Global economic and insurance outlook.

7. Thu Hoài (2021), PTI đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm năm 2021 đạt 6.600 tỷ đồng, Tạp chí Tài chính (online).

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 11 tháng 6/2021