Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sau “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sau “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư 17/09/2021 09:45:00 1579

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sau “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư

17/09/2021 09:45:00

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tập trung tại các khu công nghiệp, đang tạo ra sức ép lớn đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội đề ra, cũng như kỳ vọng của các tổ chức quốc tế.

1. Các kịch bản tăng trưởng sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư

GDP thấp hơn kỳ vọng

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 đối với Việt Nam hiện nay là vô cùng khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 đang tập trung tại nhiều địa phương, trong đó có những ổ dịch tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh1 và thành phố Hồ Chí Minh làm cho nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, chuỗi sản xuất có thể bị đứt gãy, nếu như không kiểm soát được dịch bệnh. Hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử. Theo đó, trong tháng 5/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang giảm 40,9% so với tháng 4/2021 và 33,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử giảm lần lượt 53,6% và 46,9%, dẫn đến có thể làm giảm sản lượng sản xuất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc thu hẹp sản xuất ở một số khu công nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nguồn lực lao động, kéo theo giảm sản lượng xuất khẩu, từ đó làm hụt thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP quý II/2021 được dự báo khoảng 5,5 - 5,8% và tăng trưởng nửa đầu năm vào khoảng 5%. Tăng trưởng sau đó sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và cả năm có thể tăng trưởng 6,1 - 6,3%.

Tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 có thể thấp hơn kỳ vọng do tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một số yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp như giá vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng; dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, đà tăng của hoạt động bán lẻ chậm lại do đợt bùng dịch lần thứ tư cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa và doanh số bán lẻ2.

Mặc dù kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định nhưng tăng trưởng GDP quý II/2021, cũng như 6 tháng đầu năm sẽ có sự điều chỉnh. Do đó, dự kiến quy mô GDP 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%)3.

Triển vọng tăng trưởng lạc quan

Các tổ chức quốc tế lại đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo hướng tích cực.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/6 nhận định, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 và được hưởng lợi từ các biện pháp tài khóa, hỗ trợ đầu tư công và dòng vốn đầu tư FDI mạnh mẽ. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,8% được đưa ra cuối năm 2020 do những ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất được WB dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN4.

Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics đã có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á mới nhất. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan và nền kinh tế dự báo phục hồi như trước Covid-19 trong nửa cuối năm 2021, trong đó GDP dự báo tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong khu vực.

Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng Standard Chartered xuất bản đầu tháng 6/2021 với tựa đề “Việt Nam - tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay”, Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021 và 7,3% năm 2022 (hạ dự báo so với mức 7,8% được đưa ra vào tháng 01/2021). Việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng là do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 thứ tư đã có những ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ và là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch bệnh. Việt Nam bắt đầu tiêm vắc-xin từ ngày 08/3 với khoảng 1 triệu người đã được tiêm chủng, phần lớn là các nhân viên y tế tuyến đầu. Việc triển khai tiêm chủng mở rộng là điều kiện quan trọng để mở của trở lại du lịch và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế bền vững trong thời gian tới.

2. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm được dự báo còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức.

Lạm phát có xu hướng tăng tại một số quốc gia do chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đã đưa ra các gói hỗ trợ quy mô lớn, áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, giá các các loại hàng hóa đầu vào sản suất tăng do nhu cầu gia tăng đột biến sau cú sốc nguồn cung…5, làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam. Theo Ngân hàng Standard Chartered, lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt 3,8%. Điều đáng lưu ý là, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt các quốc gia châu Á, Đông Nam Á, tiềm ẩn ở châu Âu làm gia tăng rủi ro dịch bệnh đối với Việt Nam.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tiếp tục có tác động tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… đồng thời làm gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nền kinh tế. Điều đáng lưu ý là sức chống chịu của doanh nghiệp ngày càng suy giảm do chịu tác động liên tục của dịch bệnh. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào cũng là vấn đề cần lưu tâm trong bối cảnh nhu cầu thế giới tăng đột biến đã gây ra sự thiếu hụt và tăng giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào. Thu hút vốn FDI phục hồi chậm, trong khi dự báo dòng vốn FDI toàn cầu sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, tập trung vào các nước đã phổ biến vắc-xin quy mô lớn, kiểm soát tốt bệnh dịch; do vậy, cần có chính sách đặc thù đủ mạnh và quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công và thu hút FDI. Một thách thức khác là nợ xấu của một số ngân hàng đang có xu hướng tăng cao do tác động liên tục của dịch bệnh đến doanh nghiệp, làm suy giảm chất lượng tài sản.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 được xác định là đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại... Vì vậy, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021. Trong đó, đẩy nhanh tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp cần phải đặt lên hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp phải đảm bảo vấn đề an toàn sản xuất, các khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm 5K và tiêm vắc-xin. Đồng thời, để đảm bảo an toàn sản xuất phải tiêm vắc-xin cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ cao; xe vận chuyển hàng hóa quá cảnh; khu vực hải quan, cần có các chính sách đầu tư đặc biệt, ưu đãi mạnh hơn cho đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, tiếp tục đẩy nhanh hộ chiếu vắc-xin để thúc đẩy du lịch, hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo lên động lực phát triển... Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp và nguồn cung vắc-xin hạn chế.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, các cấp cũng cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất - kinh doanh. Đồng thời cần tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch. Đặc biệt, các bộ ngành cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp.

Trong bối cảnh cả nước quyết tâm đạt “mục tiêu kép” nhưng cần phải để ý khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định vĩ mô không chỉ ở các chỉ số kinh tế mà cả vấn đề lao động, an sinh xã hội. Theo đó, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đánh giá cả ba trụ cột: phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, trong điều kiện chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, cần tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích nghi với bối cảnh mới; trong đó nên tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ban hành các chính sách làm tăng chi phí, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này.

Nguyễn Trọng Đức

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Anh Nhi (6/2021), “Biến số” làn sóng Covid thứ 4 và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam 2021, Tạp chí điện tử VnEconomy, https://vneconomy.vn/bien-so-lan-song-covid-thu-4-va-trien-vong-tang-truong-cua-viet-nam-2021.htm

2. Đỗ Lê (5/2021), Phép thử với triển vọng kinh tế 2021, Thời báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/phep-thu-voi-trien-vong-kinh-te-2021-114536.html

3. Nguyễn Hòa (5/2021), Làn sóng Covid-19 lần thứ 4: Sức ép cho mục tiêu tăng trưởng, báo Công thương, https://congthuong.vn/lan-song-covid-19-lan-thu-4-suc-ep-cho-muc-tieu-tang-truong-157933.html.

4. Phương Anh (6/2021), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thảo luận Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, Tạp chí Kinh tế và Dự báo,https://kinhtevadubao.vn/bo-ke-hoach-va-dau-tu-thao-luan-de-an-thuc-day-tang-truong-kinh-te-nam-2021-17441.html

Tiếng Anh

5. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Dữ liệu về lạm phát, https://data.stats.gov.cn/english/easyquery.htm?cn=A01.

6. IHS Markit (5/2021), Daily Global Market Summary - 21 May 2021.

7. Standard Chartered (6/2021), Standard Chartered Expects Vietnam to Continue Recording Strong Performance in 2021, Press Release, https://av.sc.com/vn/en/content/docs/vn-en-news-media-expects-vietnam-to-continue-recording-strong-performance.pdf.

8. WB (6/2021), Global Recovery Strong but Uneven as Many Developing Countries Struggle with the Pandemic’s Lasting Effects, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2021/06/08/world-bank-global-economic-prospects-2021.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 12 tháng 6/2021

  

    

  

*1 Hai địa phương chiếm 10% tổng vốn FDI và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

*2 TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

*3 Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

*4 Kinh tế của Thái Lan dự kiến tăng trưởng 2,2% trong năm 2021, trước khi tăng tốc lên 5,1% vào năm 2022 nhờ sự phục hồi của du lịch và lữ hành toàn cầu; Indonesia đạt 4,4% vào năm 2021 và tăng lên 5% vào năm 2022; Philippines đạt 4,7% vào năm 2021 và 5,9% vào năm 2022; Malaysia đạt 6% vào năm 2021 với điều kiện ổ dịch Covid-19 vẫn còn trong tầm kiểm soát và việc phân phối vắc-xin được đẩy mạnh.

*5 Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng nhanh kể từ đầu năm 2021 khi tăng liên tiếp 3 tháng, từ 1,4% (tháng 01/2021) lên 4,2% (tháng 4/2021). Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 9/2008, trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ mở cửa trở lại, làm cho nhu cầu tăng cao, giá hàng hóa tăng trong khi nguồn cung còn hạn chế. Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong hai năm tương ứng là 1,4% và 1,2%, tăng mạnh so với mức 0,3% của năm 2020; tại Nhật Bản, lạm phát là 0,1% và 0,7%, tăng so với mức 0% và cải thiện đáng kể so với tình trạng giảm phát kể từ tháng 10/2020. Tại Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát cũng có xu hướng tăng từ đầu năm 2021 khi tăng từ -0,3% (tháng 01/2021) lên 0,9% (tháng 4/2021) và ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 9/2020).