ADB lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam

ADB lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam 24/09/2021 08:11:00 322

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

ADB lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam

24/09/2021 08:11:00

(Chinhphu.vn) Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo do dịch Covid - 19 nhưng cơ quan này vẫn lạc quan với triển vọng tốt trong trung và dài hạn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, về tốc độ tăng trưởng, ADB dự báo kinh tế Việt Nam ​​đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm 2021 và 6,5% vào năm 2022. Bên cạnh đó, lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Các chuyên gia của ADB cũng phân tích một số chỉ số vĩ mô và các chính sách điều hành. Cụ thể, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, với lãi suất chính sách không thay đổi kể từ tháng 10 năm 2020. Các ngân hàng thương mại mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mức tăng thu của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm 2021 ước tính cao hơn khoảng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020. Chi tiêu giảm 5,8% so với cùng kỳ chủ yếu do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và do việc cắt giảm chi thường xuyên. Ngân sách 8 tháng đầu năm 2021 đạt mức thặng dư ước tính tương đương 1,3% GDP năm 2020.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.  Do đó, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức với rủi ro chính là đại dịch kéo dài nếu tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin trên toàn quốc không tăng đáng kể.

“Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II/2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng. Vì vậy, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, của việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu”, ông Andrew Jeffries cho hay.

Theo các chuyên gia ADB, nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm do dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10 - 11% trong năm 2021, thấp hơn chỉ tiêu 12%.

Cũng theo ADB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ cho các khách hàng thông qua tái cơ cấu nợ, duy trì phân loại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có và cho vay ưu đãi đến ngày 30/6/2022. Do đó, cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022 khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nước ngoài chính của Việt Nam, nhất là Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng dệt, may và giầy dép, điện tử và điện thoại di động của Việt Nam.

Báo cáo của ADB cho rằng triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 và năm 2022 của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm, tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Huy Thắng

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%