Đồng chí Hồ Ðức Phớc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Tài chính: Bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện dịch bệnh kéo dài

Đồng chí Hồ Ðức Phớc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Tài chính: Bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện dịch bệnh kéo dài 08/10/2021 16:11:00 219

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đồng chí Hồ Ðức Phớc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Tài chính: Bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện dịch bệnh kéo dài

08/10/2021 16:11:00

(Nhandan.vn) Trong tháng 9, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đã có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp cấp độ nguy cơ của từng địa bàn, để thiết lập trạng thái “bình thường mới”, tạo điều kiện phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.

Cùng trong điều kiện “bình thường mới” đó, công tác cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cũng có những thay đổi linh hoạt để phù hợp thực tế nền kinh tế. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Ðức Phớc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Tài chính chung quanh vấn đề cân đối NSNN trong điều kiện dịch bệnh kéo dài.

PV: Thưa Bộ trưởng, đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình thu chi NSNN năm 2021?

Bộ trưởng Hồ Ðức Phớc: Như chúng ta đã biết, từ giữa năm 2021 trở lại đây, đất nước chúng ta đã phải đối phó với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, phạm vi tác động rộng hơn, buộc nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách và giãn cách tăng cường, kể cả các địa phương trọng điểm kinh tế như thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Hà Nội... Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội của người dân, tác động tiêu cực đến hoạt động thu, chi NSNN.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất điều chỉnh chính sách tài khóa linh hoạt, thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… (tổng mức trong năm 2021 khoảng 140 nghìn tỷ đồng), ưu tiên dành các nguồn lực cần thiết để tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân (tổng mức khoảng 26 nghìn tỷ đồng). Huy động thêm sự đóng góp thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ cho phòng, chống dịch, để nhanh chóng khôi phục trạng thái bình thường mới ở các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Trước tác động của dịch bệnh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân, số thu NSNN những tháng qua gặp nhiều khó khăn. Thu NSNN tháng 9 ước đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là số thu nội địa ước đạt 49 nghìn tỷ đồng, tiếp tục giảm mạnh (khoảng 17 nghìn tỷ đồng) so với tháng 8. Tuy nhiên, nhờ số thu quý I và quý II đạt khá (quý I đạt 30,1% dự toán, quý II đạt 27,6% dự toán) và một số khoản thu mang tính đột biến như thu tăng thêm từ các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản... cho nên tổng số thu 9 tháng đầu năm vẫn đạt 80,2% dự toán; trong đó: Thu nội địa ước đạt 77% dự toán, tăng 5,9%; thu từ dầu thô ước đạt 125,4% dự toán, tăng 5,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 98,2% dự toán, tăng 30,3%.

Về chi NSNN, tổng chi NSNN 9 tháng ước đạt 61,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 45,8% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 72,1% dự toán; chi thường xuyên đạt 70% dự toán. Số liệu nêu trên cho thấy các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, cho nên về tổng thể cân đối NSNN 9 tháng có thặng dư. Tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương có bội chi, còn ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Vì vậy, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa bảo đảm nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến hết tháng 9, đã thực hiện phát hành được 237,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,21 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.

PV: Như vậy chúng ta đều yên tâm rằng ngân sách luôn đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đặt ra từ đầu năm và cân đối NSNN luôn được Bộ Tài chính điều hành linh hoạt và hiệu quả. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về tình hình ngân sách dành cho công tác phòng, chống dịch và chi cho nghĩa vụ trả nợ vay của Chính phủ?

Bộ trưởng Hồ Ðức Phớc: Trong điều kiện thu - chi NSNN như vậy, có thể nói rằng cả ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSÐP) đều đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ước tính đến hết tháng 9, NSNN đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng, trong đó chi cho phòng, chống dịch là 19,7 nghìn tỷ đồng và chi cho hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 9,4 nghìn tỷ đồng. Số NSTW đã chi là 16,35 nghìn tỷ đồng, bao gồm 10,83 nghìn tỷ đồng từ dự phòng NSTW năm 2021 để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch; 5,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vắc-xin; 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Các địa phương đã chi từ NSÐP là 12,75 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Bộ Y tế sử dụng 1.237 tỷ đồng từ nguồn năm 2020 chuyển sang, đồng thời chi từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 thêm 2,75 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin. Lũy kế đến nay, số đã quyết định chi để mua vắc-xin là 15,53 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh phí sử dụng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 gần 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định xuất cấp hơn 152 nghìn tấn gạo và cả vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm.

Mặc dù cân đối NSNN có những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tài khóa phù hợp để bảo đảm cân đối NSNN, bảo đảm nguồn thanh toán chi trả các khoản nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết và dự toán năm 2021 đã được giao. Chúng ta cũng đủ khả năng để bảo đảm chi cho các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thường xuyên theo dự toán, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ước thực hiện năm 2021, bội chi NSNN ở trong mức 4% GDP Quốc hội quyết định, nợ công khoảng từ 42% đến 43% GDP, tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN khoảng 25%, trong ngưỡng giới hạn an toàn. Việc bảo đảm thu, chi NSNN góp phần bảo đảm xếp hạng tín nhiệm quốc gia và chúng ta đều rất tự hào khi Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng thế giới (Moody’s, S&P và Fitch) giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

PV: Trong bối cảnh cân đối NSNN có những khó khăn, thời gian tới, Bộ Tài chính có đề xuất với Chính phủ phương án phát hành trái phiếu chính phủ/công trái hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Ðức Phớc: Hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xây dựng để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở nội dung của chương trình được phê duyệt, căn cứ tổng mức vay của NSNN được Quốc hội phê duyệt hằng năm để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay trả nợ công, bao gồm nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước. Thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung thực hiện huy động vốn trong nước thông qua đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường. Khối lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành chiếm gần 90% tổng vốn vay trong nước của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, giảm đến mức thấp nhất rủi ro phụ thuộc vào nguồn vốn vay nước ngoài, tăng tính an toàn, bền vững của danh mục nợ công.

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, công trái xây dựng Tổ quốc cũng là một loại trái phiếu chính phủ được phát hành nhằm huy động nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư xây dựng công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác. Chúng ta đều biết rằng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện huy động vốn trong nước qua kênh đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường như đã thực hiện rất thành công trong giai đoạn vừa qua. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật với chi phí hợp lý, hiệu quả để huy động các nguồn lực trong nền kinh tế cho đầu tư phát triển đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Sông Trà 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%