Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới”

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới” 12/10/2021 13:25:00 591

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới”

12/10/2021 13:25:00

Sáng ngày 12/10/2021, tại Hà Nội, Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới” dưới sự chủ trì của PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung - Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Thương mại và TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 300 các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với sự bùng phát đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc ngành nghề kinh tế và chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Hội nhập quốc tế có nhiều biến động, tạo ra nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen đối với phát triển kinh tế nói chung, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm nói riêng. Trong những năm gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; cũng như tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ tài chính thích ứng với những yêu cầu của bối cảnh mới. Việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm luôn là nội dung trọng tâm của hầu hết các chiến lược liên quan đến phát triển hệ thống tài chính. Điều này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua và đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng mức độ bao phủ của dịch vụ tài chính trên toàn quốc, góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm vẫn còn tồn tại những bất cập. Quy mô thị trường dịch vụ tài chính chưa tương xứng với tiềm năng; cấu trúc thị trường chưa cân đối giữa thị trường ngân hàng và thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Ngoài ra, giám sát an toàn hệ thống còn chưa chú trọng đến giám sát trên cơ sở rủi ro, giám sát cẩn trọng vĩ mô thị trường tài chính chưa được quan tâm đúng mức; các dịch vụ tài chính xanh còn hạn chế. Vấn đề bảo vệ lợi ích người tiêu dùng dịch vụ tài chính, quản trị dữ liệu riêng tư, bảo mật thông tin còn nhiều hạn chế; nhiều sản phẩm tài chính mới như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng còn thiếu quy định pháp lý... Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu, định hướng đề ra cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tài chính trong giai đoạn tới.

PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung (đứng) phát biểu

Tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung cho rằng, việc ứng dụng nhiều hơn công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm tài chính được nhiều quốc gia chú trọng trong đó Việt Nam để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, cũng như phát huy lợi thế để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển các dịch vụ tài chính trong bối cảnh mới cũng đi kèm không ít thách thức. Vì vậy, với chủ đề “Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới”, Hội thảo sẽ cung cấp những nghiên cứu, tri thức mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong kinh doanh của ba loại hình dịch vụ này. Hội thảo tập trung làm rõ 3 khía cạnh của bối cảnh mới, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19, gồm: (i) Tích hợp các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; (ii) Xanh hóa các dịch vụ - tài chính - ngân hàng; (iii) Số hóa các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Đối với tích hợp các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, PGS.TS. Đào Minh Phúc và TS. Vũ Mai Chi (Học viện Ngân hàng) cho biết, xu hướng tích hợp tài chính đã được nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản quan tâm từ đầu những năm 90, thể hiện dưới các hình thức như: Bancassurance; Ngân hàng đa năng toàn cầu (universal banking) hay các tập đoàn tài chính… Xu hướng này giúp các trung gian tài chính có được lợi ích về mặt kinh tế, giúp các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán duy trì thị phần, đa dạng hóa dịch vụ, tối đa hóa lợi nhuận, nâng cao khả năng cạnh tranh chính; thúc đẩy lĩnh vực tài chính phát triển mạnh mẽ; đồng thời cũng tăng lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, xu hướng này cũng gây không ít thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp và các bên liên quan trong hệ thống tài chính (xung đột lợi ích, rủi ro lan truyền, khó khăn trong quản lý tài chính…). Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, quá trình tích hợp đã diễn ra mạnh mẽ và rõ nét hơn, mặc dù tích hợp tài chính mới chỉ diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhưng cũng đã tạo ra các kênh phân phối dịch vụ tài chính đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hệ thống tài chính Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực toàn cầu, yêu cầu đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính kết hợp với công nghệ tài chính (fintech) để thúc đẩy tài chính toàn diện được chú trọng, theo đó mối liên kết giữa ngân hàng thương mại, chứng khoán và công ty bảo hiểm sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Do đó, Việt Nam cần chú trọng các vấn đề về: (i) Ban hành các chính sách liên quan đến tích hợp tài chính; (ii) Công tác giám sát tích hợp các dịch vụ tài chính; (iii) An toàn và bảo mật thông tin khách hàng; (iv) Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp, chú trọng phát triển và đa dạng các sản phẩm tích hợp công nghệ số hóa hiện đại.

Các đại biểu tham dự trực tuyến hội thảo

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tích hợp các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm là vấn đề tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều thách thức, đó là: bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu của khách hàng, quản trị dữ liệu big data, quy trình ứng dụng ngân hàng số.

Đối với xu hướng xanh hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng, TS. Đặng Thị Minh Nguyệt (Trường Đại học Thương mại) cho biết, phát triển tài chính xanh tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Khung pháp lý và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng xanh vẫn chưa đầy đủ (tiêu chí, tiêu chuẩn, thang đo). Các ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn khi thực hiện tín dụng xanh. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tín dụng. Nguồn lực đào tạo, nguồn nhân lực để thẩm định các dự án tín dụng xanh còn thiếu. Do đó, các hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh và các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh như: các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội (hoàn thiện sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội), mô hình triển khai; tỷ trọng vốn tín dụng cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh cần được ban hành. Các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh cũng cần được tập trung xây dựng và ban hành. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tuyên truyền về phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng xanh cần được tăng cường.

Đối với số hóa ngành ngân hàng, ThS. Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân Hàng nhấn mạnh, ngành ngân hàng hiện nay đang chịu tác động lớn của 6 nhân tố chính: (i) Sự phát triển của công nghệ; (ii) Sự gia nhập và ngày càng lớn mạnh của các công ty fintech; (iii) Sự thay đổi và đòi hỏi trải nghiệm ngày càng cao của khách hàng; (iv) Sự điều chỉnh của pháp luật; (v) Các yếu tố chính trị; (vi) Những thay đổi về kinh tế. Trước những sự tham gia sâu rộng của các công ty fintech và sự phát triển của công nghệ số hóa, ngành ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội, quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới, chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, an toàn bảo mật hơn… Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm nhiều thách thực đòi hỏi những đổi mới về thể chế, vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng - tài chính thời kỳ số hóa.

Toàn cảnh hội thảo

TS. Lê Thị Thùy Vân (đứng) phát biểu

Hội thảo đã có nhiều ý kiến xoay quanh các chủ đề được thảo luận. Tiếp thu các ý kiến từ các vị đại biểu, TS. Lê Thị Thùy Vân một lần nữa nhấn mạnh, những vấn đề về tích hợp các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; xanh hóa các dịch vụ tài chính - ngân hàng; số hóa các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Các nội dung trình bày tham luận, trao đổi thảo luận của các đại biểu đã bổ sung thêm nhiều luận cứ, nghiên cứu, ý kiến tham mưu, phản biện chính sách cho phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trong trạng thái kinh tế mới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng lớn tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận cũng gợi mở ra nhiều vấn đề, hướng nghiên cứu mới cho các giảng viên, các nhà nghiên cứu; nhà hoạch định chính sách trong các lĩnh vực kinh tế nói chung và các lĩnh vực tài chính nói riêng.

Trung tâm TT&DVTC

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%