Phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi ngân sách

Phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi ngân sách 05/11/2021 08:14:00 624

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi ngân sách

05/11/2021 08:14:00

(Tapchitaichinh.vn) Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 đề ra một trong những chỉ tiêu trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN) là hướng tới giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63%. Trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng này xuống khoảng 60% tổng chi ngân sách.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, ngày 02/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1845/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025.

Giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN

Chương trình đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong 08 nhóm lĩnh vực: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý lao động và thời gian lao động.

Trong đó, Chương trình nhấn mạnh việc triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi NSNN. Trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.

Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa bổ sung NSNN ngoài dự toán, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài…, dành nguồn phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách; kiểm soát số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật. Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Đưa tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021-2025 xuống dưới 5.000 dự án để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Trong quản lý, sử dụng tài sản công, tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó là hoàn thiện các cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này. Tăng cường quản lý việc mua sắm tài sản công, hạn chế mua xe ô tô công và thiết bị đắt tiền...

Hoàn thiện thể chế chính sách trên các lĩnh vực

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Chương trình đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

Chương trình đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách trên các lĩnh vực. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN năm 2015, đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý nợ công và triển khai công cụ, nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, bảo đảm an toàn và bền vững nợ công, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tập trung tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và đẩy nhanh xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển...

Trong quản lý chi ngân sách, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, gắn với tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng NSNN và các nguồn lực tài chính công.

Trần Huyền

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%