Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 04 - 08/10/2021

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 04 - 08/10/2021 08/10/2021 16:12:00 241

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 04 - 08/10/2021

08/10/2021 16:12:00

 

 

Tổng cầu

 

Đầu tư

Theo Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn 43.397 tỷ đồng (gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 401 tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết 42.972/42.996 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch năm 2021. Tính đến hết quý III/2021, dự kiến giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch (gồm 26.498 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021, đạt 61,7% và 224/401 tỷ đồng vốn kế hoạch kéo dài). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 24.332/38.564 tỷ đồng, đạt 63,5% kế hoạch, tập trung ở các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách, đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, các dự án BT và dự án trả nợ đọng, hoàn ứng giao vốn lớn...

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT giải ngân được 2.390/4.837 tỷ đồng vốn ODA, đạt 49,1% kế hoạch vốn năm 2021, tập trung ở các dự án: Phát triển GTVT Đồng bằng Bắc Bộ (WB6), Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương - Hợp phần cầu (LRAMP), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên, cầu cạn Mai Dịch, đường sắt Cát Linh - Hà Đông…

(Theo baodauthau.vn ngày 01/10)

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2021, Vương quốc Anh có 434 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,98 tỷ USD, chiếm gần 1% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Với kết quả trên, Anh đứng thứ 14/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án FDI của nhà đầu tư Vương quốc Anh tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 118 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,54 tỷ USD, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đăng ký 1,04 tỷ USD, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với 7 dự án, tổng vốn đầu tư 701,44 triệu USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tính đến nay, Vương quốc Anh đã có đầu tư tại 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam, bao gồm cả khu vực dầu khí. Trong đó, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh với 195 dự án, tổng vốn đăng ký 905,75 triệu USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là dầu khí với 5 dự án, tổng vốn đăng ký là 688,17 triệu USD, chiếm 17,3%; thứ ba là tỉnh Đồng Nai với 9 dự án, tổng vốn đăng ký 584,38 triệu USD, chiếm 14,7%.

(Theo congthuong.vn ngày 01/10)

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao cho các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương (NSTW) là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, nguồn vốn NSTW bổ sung có mục tiêu đạt 11,51% dự toán; vốn cho địa phương vay lại đạt 7,78% dự toán. Đây là mức giải ngân rất thấp, tốc độ giải ngân rất chậm. Với tình hình này, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt khoảng 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân chậm nổi bật nhất là do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới việc nhập máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… bị kéo dài. Bên cạnh đó, còn có việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay. (Theo nhandan.vn ngày 07/10)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng 9/2021, dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 tăng 6,5% so với tháng 8/2021 và giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%). Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%). (Theo baodauthau.vn ngày 05/10)

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng số tiền thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước khoảng 26.252 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chi khoảng 2.150 tỷ đồng (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) và 7.456 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, 16.646 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Với nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Tài chính dự kiến ngân sách Trung ương sẽ chi khoảng 1.520 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của năm 2021. Về tiến độ thực hiện, Bộ Tài chính cũng cho biết, đã nhận được văn bản đề nghị của 8 địa phương gồm Bến Tre, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang và Hải Dương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, duy nhất mới có tỉnh Hậu Giang báo cáo theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã bổ sung có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Trung ương cho ngân sách của tỉnh Hậu Giang, với số tiền gần 3,7 tỷ đồng. (Theo TTXVN ngày 03/10)

Xuất - nhập khẩu

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 9/2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 821 triệu USD, giảm 8,2% so với tháng 8/2021. Lũy kế 9 tháng 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9%; lâm sản đạt 832 triệu USD, tăng 46,4%. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Hiện, các thị trường này chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 9/2021 ước đạt 211 triệu USD; lũy kế 9 tháng đầu năm2021 ước đạt trên 2,275 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ năm 2020. Các thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Cameroon, Thái Lan, Chile, chiếm khoảng 55% tổng giá trị gỗ và lâm sản nhập khẩu cả nước.

(Theo baodauthau.vn ngày 01/10)

Giá trị gia tăng quý III/2021 của ngành nông nghiệp tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%", ông Việt cho hay. Về nhập khẩu, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt hơn 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính của nông lâm thủy sản Việt Nam. (Theo nhandan.vn ngày 05/10)

Cân đối vĩ mô

 

Tín dụng

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý IV/2021 đối với toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “cao và khá cao”, tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này. Đây là mức cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (quý I/2014). Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong quý IV/2021 và tăng 10,4% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 11,9% tại kỳ điều tra trước. Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng 12,6% (điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước). Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 4% trong quý IV/2021 và tăng 12,3% trong năm 2021, tiếp tục điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ điều tra trước. Bên cạnh đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý III/2021 được các tổ chức tín dụng nhận định có chiều hướng “tăng nhẹ” so với quý II/2021. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2021 và trở về mức ổn định tính đến cuối năm 2021 sau khi dịch Covid-19 được khống chế, nền kinh tế dần phục hồi. (Theo TTXVN ngày 04/10)

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), trong tháng 9/2021, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 417.958 tỷ đồng và 14,2 tỷ cổ phiếu, giảm 17,52% về giá trị và giảm 8,21% về khối lượng so với tháng 8/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch đạt trên 3,59 triệu tỷ đồng và tổng khối lượng giao dịch đạt trên 125,56 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng 290,69% về giá trị và tăng 135,73% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.342,06 điểm, tăng 0,80% so với tháng 8/2021 và tăng 21,58% so với đầu năm. Các chỉ số đều có xu hướng tăng: VNAllshare đạt 1379,12 điểm, tăng 1,45% so với tháng 8/2021 và tăng 33,58% so với đầu năm; VN30 đạt 1453,76 điểm, giảm 1,76% so với tháng 8/2021 và tăng 35,77% so với đầu năm. Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng 9/2021 bao gồm: ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) tăng 11,84%, ngành năng lượng (VNENE) tăng 8,82% và ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 5,76% so với tháng trước. Các chỉ số ngành sụt giảm so với tháng 8/2021 gồm có ngành bất động sản (VNREAL) giảm 2,80% và ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) giảm 8,99%. (Theo baodauthau.vn ngày 05/10)

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 9/2021, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới là 114.962 tài khoản, giảm 5.803 tài khoản so với tháng 8/2021.Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới là 114.713 tài khoản và 97 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của khối ngoại tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tổ chức nước ngoài mở thêm 31 tài khoản, là tháng ghi nhận mức cao thứ hai trong năm 2021 (tăng gần gấp đôi so với 17 tài khoản trong tháng 8/2021), cá nhân nước ngoài chỉ mở mới 121 tài khoản. Tới thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,73 triệu tài khoản chứng khoán. Bên cạnh đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, chỉ số VN-Index tăng nhẹ trong tháng 9/2021 khi có sự phân hóa hiệu suất giữa các ngành, với nhóm ngành thực phẩm đồ uống, nguyên vật liệu, tiện ích, bán lẻ, vận tải, năng lượng đóng vai trò dẫn dắt và bù đắp áp lực giảm điểm bởi ngành bất động sản. (Theo TTXVN ngày 06/10)

Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 9/2021, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tại HNX giảm mạnh so tháng trước. Trong đó, sản phẩm hợp đồng tương lai có tổng khối lượng giao dịch (KLGD) đạt 3,26 triệu hợp đồng, tương ứng KLGD bình quân đạt 163.101 hợp đồng/phiên, giảm 35,99% so tháng trước. Phiên giao dịch có KLGD cao nhất tháng đạt 236.548 hợp đồng vào ngày 29/9. Khối lượng hợp đồng mở (OI) tại phiên giao dịch cuối tháng 9 đạt 40.162 hợp đồng, tăng 32,77% so tháng 8/2021, đây cũng là mức OI cuối tháng cao thứ hai trong vòng 9 tháng qua. Ngày 28/9/2021, ghi nhận khối lượng mở OI cao nhất trong tháng, đạt 41.574 hợp đồng. Hợp đồng tương lai TPCP không có giao dịch trong tháng 9/2021. Trong diễn biến giảm mạnh về KLGD thị trường, song nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức lại có xu hướng giao dịch khá tích cực so tháng trước. Theo đó, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 0,91% lên 1,57% tổng KLGD toàn thị trường. Giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm cả tự doanh) cũng tăng  từ 21,97% lên 23,73% KLGD toàn thị trường. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng KLGD trên thị trường phái sinh của HNX đạt 37,82 triệu hợp đồng, tương ứng KLGD bình quân đạt 205.098 hợp đồng/phiên, tăng 29,5% so mức bình quân của năm 2020. (Theo nhandan.vn ngày 07/10)

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cả sơ cấp và thứ cấp tiếp tục có diễn biến sôi động trong tháng 9/2021. Cụ thể, trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch TPCP đạt 242,4 nghìn tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân đạt 12,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 47% so với tháng 8/2021; trong đó giá trị giao dịch mua - bán lại chiếm 27,73% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 1% tổng giá trị toàn thị trường, trong đó giá trị bán ròng đạt 691 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch trên TPCP đạt trên 2 triệu tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt xấp xỉ 11 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 6,97% so với năm 2020. Như vậy, thị trường có tổng dư nợ đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2020.

Trên thị trường sơ cấp, trong tháng 9/2021. Kho bạc Nhà nước chào thầu TPCP tổng cộng qua 20 đợt và huy động được 38.458 tỷ đồng, tăng 29,5% so với tháng 9/2021; trong đó trái phiếu kỳ hạn 15 năm chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất, đạt 40,6%, tương ứng với khối lượng phát hành 15.624 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, 145 đợt đấu thầu đã được tổ chức, huy động được 248.738 tỷ đồng; trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 237.714 tỷ đồng, đạt 67,91% kế hoạch năm 2021. Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2021.

(Theo TTXVN ngày 06/10)

Bất động sản

Theo khảo sát của công ty Jone Lang Lasalle (JLL), tại miền Nam, thị trường đất công nghiệp không có nguồn cung mới được triển khai trong quý III/2021, nguồn cung ở khu vực này tiếp tục duy trì ở mức 25.220 ha. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng tương đối ảm đạm với duy nhất một nguồn cung mới được tung ra, từ dự án được xây dựng từ quý I/2021. Tổng nguồn cung phân khúc nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 3,3 triệu m2.

Các khu công nghiệp đang hoạt động cũng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất để phục vụ phòng chống dịch. Do vậy, thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và lẫn nhà xưởng xây sẵn. Đà tăng của của giá đất cũng bị kim hãm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định. Mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất và nhà đầu tư chưa thể triển khai các hoạt động mở rộng kinh doanh nhưng giá đất vẫn tiếp tục tăng và đạt mức 114 USD/m2/kỳ hạn thuê, tăng 0,75% so với quý II/2021 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn giữ ổn định ở mức 4,5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 1,4% so với năm 2020, như là một hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ dịch bệnh. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn tại khu vực phía Nam lần lượt duy trì ở mức 85% và 87%. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, thị trường sẽ sôi động trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.

(Theo TTXVN ngày 06/10)

Chính sách

Đến đầu tháng 10 năm 2021, tổng kinh phí đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg là gần 15,8 nghìn tỷ đồng, trên 19 triệu lượt đối tượng. Trong đó, 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác đã được thụ hưởng. Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỷ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ trên 11,86 triệu đối tượng (chiếm 62,4% toàn quốc). Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách ứng phó về kinh tế của Việt Nam để thích ứng với dịch bệnh còn có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội còn rụt rè, hạn chế và chậm triển khai, dẫn tới khó duy trì các thành tích tăng trưởng kinh tế như trước đây. (Theo TTXVN ngày 06/10)

Nhận định

chuyên gia

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Với kết quả tăng trưởng GDP 3 quý năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 1,42%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 phương án tăng trưởng GDP cả năm. Cụ thể, phương án một là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 3%, theo đó thì GDP quý IV/2021 phải đạt 7,06% trở lên. Phương án hai là tăng trưởng cả năm đạt 3,5%, theo đó thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 8,84% trở lên. Tuy nhiên, tăng trưởng quý IV/2021 có nhiều điểm đặc biệt, phụ thuộc rất nhiều vào đề án thích ứng an toàn Covid-19. Do đó, để đạt được mức tăng trưởng cao như các phương án nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, để thực hiện lộ trình mới, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị “đóng băng” hay đóng cửa. Lao động phải được dịch chuyển, hiện các khu công nghiệp tại nhiều thành phố lớn đang xảy ra tình trạng thiếu lao động tức thời. (Theo haiquanonline.com.vn ngày 02/10)

Ngân hàng Standard Chartered

Ngân hàng Standard Chartered vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 xuống 2,7% từ mức 4,7%, sau khi tăng trưởng trong quý III/2021 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ hồi phục trong quý IV/2021, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào tiến trình mở cửa trở lại của các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Khả năng kiểm soát dịch Covid-19 sẽ tác động đến triển vọng trong ngắn hạn. Do vậy, Ngân hàng Standard Chartered cũng đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế sẽ gia tăng trong năm 2022 và duy trì mức dự báo tăng trưởng cho năm tới ở mức 7%. Đồng thời dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì mức lãi suất chính sách ở mức 4% để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tiếp tục thận trọng với các rủi ro lạm phát có thể bị tác động bởi các yếu tố đến từ yếu tố nguồn cung. Mức dự báo của ngân hàng có thể sẽ giảm xuống, cùng với đó là việc giảm lãi suất có thể xảy ra, nếu những tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế kéo dài quá tháng 10. Kịch bản đó có thể ảnh hưởng tới vị thế thương mại của Việt Nam. (Theo congthuong.vn ngày 07/10)

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%