Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu 01/10/2021 10:40:00 3862

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

01/10/2021 10:40:00

Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống, sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh bình thường mới là chấp nhận “sống chung với dịch” thì doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng, khai thác triệt để các thị trường, nhất là các chuỗi cung ứng nhằm mang lại những giá trị không chỉ cho chính các doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

M:\1.10.jpg

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, sự vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn, làm cho các doanh nghiệp, kể cả lớn hay nhỏ đều rơi vào tình trạng khó khăn trong việc đầu tư, kinh doanh, cũng như mở rộng thị trường. Các công ty toàn cầu sẽ có xu hướng điều chỉnh các chiến lược sản xuất và chuỗi cung ứng để xây dựng khả năng phục hồi. Do đó, các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia đang thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo khảo sát về nguồn cung ứng toàn cầu của QIMA, nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng, hợp tác với các thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu quốc tế cho thấy, 43% số người được khảo sát tại Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là quốc gia nằm trong ba khu vực địa lý mua hàng hàng đầu của họ vào đầu năm 2021 và khoảng 1/3 số người mua trên toàn cầu. Sự gần gũi của Việt Nam với Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng là một trong những lý do giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh và kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, với chi phí lao động thấp, sự ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được Nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ làm cho Việt Nam dần trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất khi là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA)… Đây là những yếu tố thúc đẩy bổ sung cho các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Đơn cử như, sau một năm thực thi EVFTA, mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện tại thị trường EU. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR và nằm trong nhóm 10 quốc gia cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thụ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Mặc dù cơ hội đang mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất.

M:\1.10-.png

Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do Việt Nam chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước hầu như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam thường không được đánh giá cao trong việc tuân thủ những quy định quốc tế. Trong khi những công ty đa quốc gia thường có những yêu cầu khắt khe theo chuẩn quốc tế khi đầu tư và hợp tác kinh doanh. Đây được coi là một yêu cầu khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện tại làm cho các doanh nghiệp khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Báo cáo “Vai trò của khu vực FDI trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam” của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), khu vực FDI đóng vai trò quan trọng vào tốc độ gia tăng nhanh của xuất khẩu Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, kể từ khi Samsung có mặt tại Bắc Ninh vào năm 2007, Việt Nam nổi lên là trung tâm sản xuất phần cứng và thiết bị điện tử trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng 80% thiết bị điện tử và phần cứng được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích xuất khẩu và hầu hết được sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI. Nếu tính chung tất cả các lĩnh vực, sự tham gia của Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam) vào chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh từ 38,6% (năm 2007) lên trên 52,3% (năm 2020). Song doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm gia công thay vì các hoạt động có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Tập đoàn Samsung hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các đầu vào sản xuất cho Samsung không đến từ các nhà cung cấp trong nước, dẫn đến làm gia tăng tỷ lệ liên kết ngược (nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài để sản xuất gia công sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba) của Việt Nam trong những năm gần đây.

Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong thời gian qua, mặc dù dòng vốn FDI gia tăng song điều này không đồng nghĩa với việc làm gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối cung ứng, Việt Nam cần có sự thay đổi chính sách. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu cung cấp đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp FDI.

Quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan, bao gồm: Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định các ưu tiên chiến lược, tạo ra các khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp cần được nâng cao trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội từ xu thế mới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch, các chính sách FDI cần phải thận trọng hơn, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính... Trong đó, Việt Nam cần tập trung củng cố khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với khu vực FDI, từ đó tận dụng cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam còn đến từ các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao môi trường kinh doanh thông qua việc cải thiện các chỉ số quan trọng như gia nhập thị trường, tiếp cận điện năng, sở hữu trí tuệ... Do vậy, các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và có kế hoạch tốt để Việt Nam luôn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, để có thế bắt kịp sự gia tăng của thị trường và tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải đáp ứng nguồn lao động có trình độ lao động cao.

Dương Hà

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%