Lạm phát Việt Nam tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

Lạm phát Việt Nam tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây 04/10/2021 09:03:00 3670

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Lạm phát Việt Nam tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

04/10/2021 09:03:00

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82%, mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Đây được xem là điều kiện thuận lợi và dư địa cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan, bởi nguy cơ tăng giá vẫn tiềm ẩn, nhất là những tháng cuối năm và năm 2022.

M:\4.10-.jpg

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng thấp 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng 8/2021. Trong đó, có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính giảm giá và 6/11 nhóm tăng giá. Cụ thể, 5 nhóm hàng giảm giá, bao gồm: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,99%, làm CPI chung giảm 0,37%; nhóm giáo dục giảm 2,89%, làm CPI chung giảm 0,18 điểm phần trăm; nhóm giao thông giảm 0,16%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%. 6 nhóm hàng tăng giá gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,01% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.

Bình quân 9 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Nguyên nhân làm giảm CPI trong 9 tháng là do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm. Ngoài ra, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng, làm cho giá điện sinh hoạt bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,99% so với cùng kỳ 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho người dân hạn chế đi lại từ đó tác động làm giá vé máy bay 9 tháng giảm 20,91% so với cùng kỳ năm 2020, giá du lịch trọn gói giảm 2,69%. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường cũng làm cho CPI tăng thấp.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng 8/2021, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung đã phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá xăng, dầu và giá gas tăng.

Nhiều yếu tố đan xen tác động đến lạm phát cuối năm

Với mức tăng CPI tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% theo yêu cầu đặt ra là rất khả thi, tuy vậy, cũng không nên chủ quan, bởi nguy cơ tăng giá vẫn tiềm ẩn, nhất là những tháng cuối năm và năm 2022. Cụ thể, biến động của giá xăng dầu: giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 24,8%, làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Tết Nguyên đán và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội sẽ làm cho giá gạo tăng. Ngoài ra, rủi ro về thiên tai bão lũ có thể làm giá một số mặt hàng tăng cục bộ tại một số địa phương tác động nhất định tới CPI. Có thể thấy, việc giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỷ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Cùng với đó, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa xuất - nhập khẩu, nhất là đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất - nhập khẩu. Các yếu tố tác động gián tiếp tới tâm lý tiêu dùng nói chung như rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán… cũng góp phần tăng áp lực lạm phát những tháng cuối năm.

M:\4.10.jpeg

Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới cần được theo dõi sát, để kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn cần được đánh giá, phân biệt kỹ, từ đó đưa ra những chính sách kiểm soát phù hợp.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này lên CPI chung. Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, việc cung ứng cho thị trường trong nước nên được ưu tiên hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát lạm phát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ cần được cân nhắc kỹ, bởi gói hỗ trợ lớn sẽ phát sinh lo ngại về lạm phát. Doanh nghiệp và người dân rất cần các gói hỗ trợ sau những ảnh hưởng do đại dịch. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ, gói kích thích kinh tế phải ở mức độ phù hợp, bảo đảm lượng tiền tệ lưu hành trên thị trường ở mức an toàn. Vì đó, Việt Nam cần tính toán không quá kéo dài thời gian hỗ trợ, gói hỗ trợ không quá nhiều, bởi sẽ gây áp lực cho lạm phát. Các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất - kinh doanh tiết kiệm tối đa chi phí.

Dự báo lạm phát năm 2021 của Việt Nam đạt 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ và tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục giữ ổn định chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản. Đồng thời, tín dụng vào các lĩnh vực “nóng”, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản cần được tăng cường kiểm soát, có các giải pháp điều tiết nhằm tạo sự ổn định trên thị trường, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.

Nguyễn Hạnh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%