Năm 2022: Điều hành giá thận trọng, linh hoạt và chủ động

Năm 2022: Điều hành giá thận trọng, linh hoạt và chủ động 23/12/2021 08:14:00 676

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Năm 2022: Điều hành giá thận trọng, linh hoạt và chủ động

23/12/2021 08:14:00

(HQ Online) - Lạm phát dự kiến ở mức 1,9% trong năm 2021 sẽ giúp giảm áp lực lên năm 2022 khi mà có nhiều yếu tố đang tạo áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát, điều hành giá. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá.

M:\nb4.jpg

Các gói kích thích kinh tế và việc kiểm soát dịch bệnh sẽ tác động lớn đến công tác điều hành giá năm 2022 Ảnh: ST

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp. Theo đó, công tác quản lý, điều hành giá đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra (kiểm soát lạm phát dưới 4%) và được kiểm soát ở mức thấp, dự kiến khoảng 1,9%; còn lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8-0,9%. Đây là dấu ấn trong công tác điều hành của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế - xã hội trong nước.

Theo nhận định của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, một trong những yếu tố góp phần hoàn thành mục tiêu quản lý, điều hành giá là do đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, định hướng lớn về quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn. Cùng với đó, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là việc tính toán, xây dựng kịch bản lạm phát, kịch bản điều hành giá phù hợp, làm cơ sở cho việc đưa ra các đề xuất, kiến nghị điều hành phù hợp trong từng thời điểm, từng giai đoạn.

Chuyên gia Cấn Văn Lực chỉ ra 4 nguyên nhân khiến giá cả trong nước tăng chậm so với thế giới: sức sản xuất, sức cầu của nền kinh tế còn yếu khiến áp lực chi phí chậm chuyển thành áp lực lạm phát; xu hướng tăng chậm lại của cung tiền; nhóm hàng hóa thiết yếu ngoài lõi gồm lương thực, thực phẩm, điện nước, nhà ở và vật liệu xây dựng không tăng mạnh như giai đoạn trước dịch, một số mặt hàng còn giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào; dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh, nhưng giá bán chưa thể tăng tương ứng do sức cầu yếu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, người bán hàng sẵn sàng giữ nguyên hoặc giảm giá để kích cầu, chấp nhận biên lợi nhuận giảm.

Còn theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán SSI, lạm phát năm nay chỉ trong khoảng 1,8-2%, mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua.

"Dường như lạm phát chưa đến Việt Nam khi nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố, cũng như ước tính cả năm chênh lệch khá lớn so với CPI của các quốc gia trên thế giới. Trước đó, CPI tháng 11/2021 tại Việt Nam chỉ tăng 0,32% so với tháng trước. Còn CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng giai đoạn năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016", bà Hoàng Việt Phương phân tích.

Năm 2022 đối mặt với áp lực cao

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn. Trong đó, gói kích thích kinh tế hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng nhưng cũng tạo áp lực lên lạm phát khiến công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2021.

Bộ Tài chính dự báo, có rất nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2022. Theo đó, giá nhiên liệu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường; giá vật liệu xây dựng chịu áp lực từ tác động giá thế giới và nhu cầu đầu tư khi kinh tế phục hồi; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào dịp lễ, tết; giá phân bón, thức ăn chăn nuôi có thể tăng do tác động chi phí đầu vào tăng. Giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến nếu phải điều chỉnh theo lộ trình thị trường sẽ tác động tới mặt bằng giá cả như giá dịch vụ giáo dục, giá điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Đặc biệt, áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi xu hướng các nước đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược khiến giá cả nguyên liệu tăng cao; đặc biệt trong thời điểm đầu năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng theo quy luật tăng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo nhiều chuyên gia, công tác điều hành giá năm 2022 cũng phải tính toán đến sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế, tình hình dịch bệnh kiểm soát nhanh hơn dự kiến sẽ kích thích tăng trưởng nhanh hơn và gia tăng áp lực lạm phát. Cùng với đó, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi… là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nhiều kịch bản điều hành giá năm 2022 đã được xây dựng, trong đó có cả kịch bản lạm phát thấp và kịch bản lạm phát cao trong điều kiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành giá.

Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn

Thùy Linh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%