10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2021 do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính bình chọn

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2021 do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính bình chọn 31/12/2021 17:11:00 1288

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2021 do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính bình chọn

31/12/2021 17:11:00

1. Hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong bối cảnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do đại dịch Covid-19

Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa về cơ bản đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời hỗ trợ người lao động, người dân có thu nhập bị giảm sâu, các đối tượng yếu thế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đã được hoàn thành, bám sát các nhiệm vụ được giao, giúp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở đảm bảo kiểm soát tốt cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và an ninh tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

M:\1-.jpg

Tổng thu NSNN năm 2021 đạt hơn 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP ước thực hiện (GDP ước thực hiện là 8.398,6 nghìn tỷ đồng). Cơ cấu thu NSNN được cải thiện theo hướng ngày càng bền vững hơn, thu nội địa đạt khoảng 83% tổng thu NSNN, thu từ dầu thô và hoạt động xuất - nhập khẩu đạt khoảng 14% tổng thu NSNN. Chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách, đạt hơn 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% so với dự toán. Chi NSNN đã từng bước được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bội chi NSNN được giữ ở mức mục tiêu dưới 4% GDP. Nợ công đến cuối năm đạt khoảng 43,7% GDP, đảm bảo trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.

2. Thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập nhiều kỷ lục mới

Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bứt phá và thiết lập các mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 21 năm hoạt động. VN-Index lập đỉnh lịch sử, chạm mốc 1.500,81 điểm ngày 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. HNX-Index cũng đạt mức đỉnh 468,73 ngày 18/11, tăng 130% so với cuối năm 2020. Số lượng nhà đầu tư trong nước mở mới đạt hơn 1,3 triệu tài khoản, cao hơn tổng số tài khoản mở mới của 4 năm trước cộng lại, đưa tổng số tài khoản chứng khoán đạt gần 4,1 triệu (chiếm khoảng 4% dân số). Khối ngoại đã bán ròng trên 61,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), gấp hơn 4 lần so với năm 2020, đây là con số kỷ lục về lượng bán ròng của nhà đầu tư ngoại từ trước đến nay. Thanh khoản thị trường bình quân đạt 1,12 tỷ USD/phiên, lập kỷ lục tại phiên ngày 23/12 với giá trị gần 53 nghìn tỷ đồng (2,5 tỷ USD). Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 9,19 triệu tỷ đồng, bằng 147,97% GDP, tăng 37,6% so với năm 2020. Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong năm 2021 tăng 23% so với năm 2020, trong đó huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá, cổ phần hóa đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020. Ngoài ra, đầu tháng 7/2021, hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán thành phồ Hồ Chí Minh đã chính thức được đưa vào vận hành, qua đó đáp ứng nhu cầu giao dịch của thị trường. Tiếp đó, sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ngày 11/12 cũng được kỳ vọng sẽ thống nhất các mảng thị trường chứng khoán đang phân tán và thu hút dòng vốn mới vào thị trường.

M:\2-.jpg

3. Thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và yêu cầu cấp bách về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, ngày 26/5/2021, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (Quỹ) đã được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền; vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Sự ra đời của Quỹ đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, các tổ chức trong và ngoài nước. Tính đến ngày 31/12/2021, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ của hơn 582 nghìn lượt tổ chức, cá nhân, huy động được hơn 8,8 nghìn tỷ đồng; khoảng 7,94 nghìn tỷ đồng đã được trích từ Quỹ để mua vắc-xin. Nhờ việc sử dụng Quỹ đảm bảo đúng quy định, kịp thời chi cho công tác phòng dịch nên công tác tiêm vắc-xin cho người dân được đẩy mạnh. Năm 2021, cả nước đã tiêm gần 137,6 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 75 triệu liều mũi 1, gần 60,2 triệu liều mũi 2 và trên 1,1 triệu liều bổ sung/nhắc lại. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 97% và tiêm đủ 2 liều là 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên. Nỗ lực bao phủ vắc-xin góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

M:\3.jpg

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính

Chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có vai trò quan trọng, là mạch máu của nền kinh tế. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là một trong những yếu tố then chốt đối với chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng. Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số trên cơ sở thiết lập hệ sinh thái tài chính số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã và đang tập trung nguồn lực nhằm ưu tiên phát triển 4 nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển tài chính điện tử hướng tới tài chính số, gồm: cơ sở dữ liệu tài chính; chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; định danh và xác thực điện tử. Việc triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã được Bộ Tài chính quan tâm, tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả như: hệ thống văn bản hoạch định chiến lược, quy hoạch hệ sinh thái số, chương trình hành động xây dựng Bộ Tài chính số cơ bản được ban hành đầy đủ; tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã hoàn thành kết nối, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 53,47%; các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi của ngành Tài chính (TABMIS, VNACCS/VCIS, TMS…) tiếp tục được nghiên cứu để triển khai xây dựng thế hệ mới, áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 một số lĩnh vực trọng yếu của ngành Tài chính cơ bản hoàn thành việc xây dựng Chính phủ số…

5. Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Vượt qua nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn giữ đà tăng trưởng tích cực, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 336,25 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Đáng chú ý, cả nước có 35 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 nhóm hàng so với năm 2020, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%). Đặc biệt, cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực thực thi nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” của các doanh nghiệp và việc tận dụng được những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do.

M:\5.jpg

 6. Siết chặt quy định về trái phiếu doanh nghiệp, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành

Ngay từ đầu năm 2021, nhiều quy định đối với quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP...) đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, TPDN phát hành ra công chúng phải đăng ký chào bán, niêm yết; giao dịch trên thị trường chứng khoán và TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, năm 2021, thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng “nóng”, với khoảng 95% giá trị TPDN phát hành trong nước là phát hành riêng lẻ. Mức huy động từ doanh nghiệp bất động sản chiếm 38% tổng giá trị phát hành và khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Trong những tháng cuối năm, nhiều quy định đối với phát hành và giao dịch TPDN tiếp tục được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt các tiêu chuẩn khi tham gia thị trường TPDN (như Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN...). Theo đó, các ngân hàng thương mại không được phép mua TPDN phát hành để cơ cấu nợ. Các tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngoài ra, các quy định về mục đích phát hành TPDN được sửa đổi nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích... Nhìn chung, các quy định đều chặt chẽ hơn, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường TPDN.

7. Kinh tế thế giới phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt khoảng 5,9% trong năm 2021 - lấy lại đà tăng trưởng trước cuộc khủng hoảng Covid-19 nhờ việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và các gói kích thích kinh tế của các nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tại các nước phát triển đạt khoảng 5,2%; các nước mới nổi và đang phát triển đạt khoảng 6,4%. Các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ cũng đã dần hồi phục, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6% (cao hơn so với -3,4% trong năm 2020). Tại Trung Quốc, mặc dù có sự gián đoạn nguồn cung điện, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn đạt khoảng 8% trong năm 2021 (cao hơn so với 2,3% trong năm 2020), động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), do sự nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế và thị trường lao động được cải thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5% (cao hơn so với -6,3% trong năm 2020). Các nước ASEAN-5 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 2,9% trong năm 2021 (cao hơn so với -3,4% trong năm 2020). Trong đó, Thái Lan có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 0,96% (nhưng vẫn cao hơn so với -6,1% của năm 2020), do tác động của dịch bệnh và căng thẳng chính trị gia tăng.

8. Lạm phát thế giới tăng cao kỷ lục

Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường tiếp tục tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi cầu tiêu dùng hồi phục đã đẩy giá hàng hóa tăng cao; cùng với đó, giá năng lượng leo thang là những nguyên nhân làm cho lạm phát toàn cầu tăng mạnh. Theo IMF, lạm phát năm 2021 tại các nước phát triển đạt khoảng 2,8% (so với 0,7% trong năm 2020). Trong đó tại Hoa Kỳ, lạm phát có xu hướng tăng liên tục kể từ đầu năm, bình quân năm 2021 đạt khoảng 4,3% (so với 1,2% trong năm 2020) và cao gấp hơn 2 lần mức lạm phát mục tiêu 2% của Chính phủ Hoa Kỳ. Tại Eurozone, lạm phát cũng liên tục tăng, bình quân cả năm đạt khoảng 2,2% (so với 0,3% trong năm 2020) chủ yếu do ảnh hưởng từ giá năng lượng tăng mạnh. Tại các nước mới nổi và đang phát triển, lạm phát năm 2021 đạt khoảng 5,5% (năm 2020 là 5,1%), trong đó, lạm phát tăng mạnh tại nhóm các nước mới nổi và phát triển ở châu Âu, đạt khoảng 8,4% (so với 5,4% trong năm 2020); nhóm các nước Mỹ La-tinh và Caribe là khoảng 9,3% (so với 6,4% năm 2020); nhóm các nước Trung Đông và Trung Á là khoảng 11,7% (so với 10,1% trong năm 2020).

Theo IMF, chỉ số giá hàng hóa thế giới bình quân năm 2021 là 160,04 điểm, tăng 51,2% so với năm 2020. Đặc biệt là giá dầu tăng cao, trong đó giá dầu WTI tăng cao nhất trong 7 năm, đạt mức bình quân năm gần 70 USD/thùng; giá dầu Brent bình quân giao ngay khoảng 71 USD/thùng - mức cao nhất trong 3 năm gần đây.

M:\8.jpg

9. G20 thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Ngày 30/10/2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh Rome (Italy), nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Theo đó, mức thuế tối thiểu này sẽ áp dụng đối với các công ty có doanh thu hợp nhất hằng năm từ 750 triệu EUR (khoảng 867 triệu USD). Việc thực thi biểu thuế doanh nghiệp mới đòi hỏi các nước tham gia ban hành các quy định mới. Đây là một thách thức lớn đối với các nước tham gia, trong đó có cả Hoa Kỳ. Thỏa thuận này do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian điều phối. Có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Các nước kỳ vọng đưa thỏa thuận lịch sử này thành một công ước được ký kết vào năm 2022 và có hiệu lực vào năm 2023. Thỏa thuận có hiệu lực thực thi sẽ giúp tạo thêm mỗi năm 150 tỷ USD tiền thuế thu trên toàn cầu, trong đó có 125 tỷ USD từ khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất, có lợi nhuận nhiều nhất thế giới đang hoạt động ở các nước hiện có mức thuế thấp hơn 15%. Thỏa thuận này sẽ giúp các hệ thống thuế khóa quốc tế công bằng hơn và hoạt động tốt hơn trong nền kinh tế số hóa và toàn cầu hóa.

10. Sự trỗi dậy của tài sản mã hóa

Năm 2021, tài sản mã hóa phát triển mạnh trên thế giới, thu hút sự chú ý từ Trung tâm tài chính phố Wall và các nhà lập pháp trên toàn cầu. Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên, đã trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp ở El Salvador. Nhiều công ty lớn trên thế giới cũng đã mua Bitcoin để sử dụng trong các giao dịch kinh doanh và làm tài sản dự trữ nhằm kiềm chế lạm phát do tiền pháp định gây ra. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã phê duyệt ba quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin EFT để đầu tư vào các hợp đồng tương lai. Đến cuối năm 2021, khối lượng hợp đồng tương lai Bitcoin trên Sàn Giao dịch Chicago Mercantile (Hoa Kỳ) được sử dụng cho các Bitcoin ETF đã tăng lên 700 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với năm 2020. Giá Bitcoin đã chạm mức cao kỷ lục 69 nghìn USD vào ngày 10/11/2021.

Tháng 3/2021, NFT - một loại tài sản mã hóa đại diện cho các vật phẩm hữu hình hoặc vô hình, chứa các thông tin xác minh tài sản độc nhất, đã trở thành “cơn sốt” trên toàn cầu với lượng truy cập từ khóa NFT tăng 11.000% so với năm 2020, thậm chí vượt các chủ đề “nóng” như Covid-19, Crypto, Metaverse để trở thành từ khóa của năm. Doanh số giao dịch NFT đã tăng 220 lần so với năm 2020, đạt 22 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường của 100 NFT phổ biến nhất trên thị trường đạt 16,7 tỷ USD.

Trước sự “bùng nổ” về giá trị của tài sản mã hóa, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án tài sản mã hóa cũng đạt 25,1 tỷ USD, tăng 719% so với năm 2020, với 38 vòng đầu tư mạo hiểm có giá trị trung bình từ 176 triệu USD/vòng. Các công ty thu hút nguồn vốn mạo hiểm lớn nhất là những công ty hoạt động trong lĩnh vực trò chơi NFT, giao dịch hoặc môi giới, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tài chính tài sản mã hóa.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%