Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 10/01/2022 11:40:00 24397

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

10/01/2022 11:40:00

Vũ Nhữ Thăng

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

 

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nền kinh tế, trong đó có thị trường tài chính (TTTC). Đến nay, TTTC Việt Nam đã được hình thành về cơ bản, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc huy động tiết kiệm và phân bổ các nguồn vốn. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2020, TTTC Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, bảo đảm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng cho khu vực doanh nghiệp, đồng thời phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, TTTC Việt Nam được đánh giá là vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng, chưa hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và tiềm ẩn một số rủi ro, hạn chế cần giải quyết. Điều này đã đặt ra yêu cầu định hướng phát triển TTTC giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng lành mạnh, hiện đại, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, bắt kịp những xu hướng mới của TTTC quốc tế, góp phần thực hiện tốt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng TTTC giai đoạn 2011 - 2020; xu hướng phát triển TTTC của các quốc gia và bài học cho Việt Nam, từ đó đề xuất định hướng phát triển TTTC Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Từ khóa: Tài chính, TTTC, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

After 30 years of renovation, Vietnam has achieved many important achievements in economic development, including the financial market. Up to now, Vietnam's financial market has been basically formed, playing a particularly important role in mobilizing savings and allocating capital sources. Especially, in the period 2011 - 2020, Vietnam's financial market has made remarkable progress in both quality and quantity, ensuring well the function of providing capital for the economy, supporting the growth of the business sector, as well as effectively serving the economic restructuring. However, the development of Vietnam's financial market has not been yet commensurate with the country’s potential and deeply integrated into the international market. Besides, Vietnam's financial market has also had a number of potential risks and limitations that need to be addressed. These have set a requirement to orient the development of financial markets in the period of 2021 - 2030 in a healthy and modern direction, ensuring a reasonable structure between the money market, capital market and insurance market, catching up with new trends of the international financial market, improving the productivity, efficiency and competitiveness of the economy. The article analyzes and evaluates the current situation of financial markets in the period of 2011 - 2020; the development trends of financial markets of other countries and lessons for Vietnam, thereby proposing orientations for the development of Vietnam's financial markets in the period of 2021 - 2030.

Keywords: Finance, financial market, banking, securities, insurance.

  

1. Thị trường tài chính và sự cần thiết phát triển thị trường tài chính

Thị trường tài chính là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng các khoản vốn ngắn hạn hoặc dài hạn thông qua các công cụ tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, công cụ phái sinh, các giấy tờ có giá, các khoản vay, ngoại hối, hàng hóa cơ bản...). Dưới góc độ cấu trúc, TTTC bao gồm hai cấu phần là thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Thị trường tiền tệ là thị trường tài chính ngắn hạn, nơi diễn ra hoạt động phát hành và mua bán các công cụ tài chính ngắn hạn (thường dưới 01 năm) nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn của các chủ thể trong nền kinh tế và đảm bảo tính thanh khoản của các công cụ tài chính này. Ngoài ra, thị trường tiền tệ còn là công cụ để ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ nhằm điều tiết lạm phát, lãi suất và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Thị trường tiền tệ được chia thành 03 cấu phần là thị trường liên ngân hàng, thị trường mở và thị trường tiền gửi. Các công cụ trên thị trường tiền tệ có độ an toàn tương đối nhưng thường mang lại lợi tức thấp là tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu ngân hàng trung ương, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, hối phiếu, chấp phiếu, hợp đồng mua bán lại.

Thị trường vốn là nơi phát hành và và mua bán các công cụ tài chính có kỳ hạn trên 01 năm, là nơi giải quyết quan hệ cung, cầu về vốn dài hạn của Chính phủ, các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Thị trường vốn được phân thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh. Các công cụ thị trường vốn gồm cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, TPDN và các loại chứng khoán phái sinh. Do thời gian luân chuyển vốn dài hạn hơn so với thị trường tiền tệ nên công cụ trên thị trường vốn thường có độ rủi ro cao hơn và tỷ suất lợi nhuận cao hơn để bù đắp rủi ro cho nhà đầu tư.

1.1. Chức năng và vai trò của thị trường tài chính

Thị trường tài chính có ba chức năng cơ bản, đó là: hình thành giá các tài sản tài chính thông qua tác động qua lại giữa những người mua và những người bán; tạo tính thanh khoản cho các tài sản tài chính; giảm bớt chi phí tìm kiếm và chi phí thông tin giao dịch các tài sản tài chính. Do đó, TTTC đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Thông tin tài chính là kênh dẫn vốn và sử dụng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế. Thông qua TTTC các chủ thể cần vốn có thể huy động được vốn phục vụ cho nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất; những chủ thể tạm thời thừa vốn cũng có những kênh đầu tư đa dạng để sinh lợi cho phần vốn nhàn rỗi. Việc điều hòa vốn từ nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn, từ nơi sử dụng vốn có hiệu quả thấp sang nơi có hiệu quả cao sẽ giúp tạo ra sự phân bổ vốn hiệu quả, góp phần gia tăng các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh và nâng cao tính cho toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, TTTC thúc đẩy việc tích lũy và tập trung vốn để hiệu quả phục vụ cho các nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của doanh nghiệp và Nhà nước. Ngoài ra, TTTC hoạt động hiệu quả cũng giúp trực tiếp cải thiện phúc lợi kinh tế của các cá nhân bằng cách giúp họ chọn thời điểm cho việc mua sắm tốt hơn (không cần phải đợi đến khi có đủ tiền mới thực hiện mua sắm mà có thể tiêu tiền trước rồi sẽ tìm nguồn tiền trả sau thông qua các khoản vay).

Không những vậy, TTTC tạo thuận lợi cho những hoạt động điều tiết vĩ mô của Nhà nước vào nền kinh tế. Thông qua TTTC, Nhà nước có thể huy động vốn bằng việc bán cổ phần, phát hành trái phiếu ra nước ngoài… để tài trợ cho các dự án đầu tư của Nhà nước trong thời kỳ thiếu vốn đầu tư; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách mở cửa, cải cách kinh tế của Chính phủ. Ngoài ra, Nhà nước có thể sử dụng các công cụ trên TTTC để thực hiện và điều hành chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhằm điều chỉnh khối lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, thông qua đó có thể đảm bảo kinh tế vĩ mô và an toàn của hệ thống tài chính.

1.2. Sự cần thiết của phát triển thị trường tài chính trong giai đoạn tới

Bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo là khó khăn và bất định hơn nhiều so với giai đoạn 2011 - 2020. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng sâu rộng, để lại hậu quả nặng nề, lâu đài đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư và TTTC toàn cầu... Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài nhiều năm làm tăng xu hướng chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại. Toàn cầu hóa và hội nhập có bước thay đổi về tốc độ, bản chất, phạm vi và quy mô, chuyển từ đa phương quốc tế sang khu vực, nhóm đối tác và hợp tác song phương. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; tuy nhiên, cũng tạo ra sự điều chỉnh lớn khi sẽ có những ngành tăng trưởng mạnh mẽ và những ngành phải thu hẹp đáng kể. Bối cảnh này buộc các nước phải tập trung vào giải quyết những vấn đề của TTTC và phát triển TTTC để tăng sức chống chịu của hệ thống tài chính, giảm bớt các tác động tiêu cực và nắm bắt các cơ hội giúp phục hồi nền kinh tế - tài chính nhanh và phát triển bền vững hơn.

Thị trường tài chính được hình thành tùy thuộc vào điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội của mỗi nước nên có những đặc thù riêng ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, ngày nay với tốc độ tự do hóa toàn cầu, không một thị trường nào có thể phát triển riêng lẻ mà phải có mối liên hệ lẫn nhau. Theo đó, sẽ có một số xu hướng phát triển TTTC trên thế giới trong thời gian tới chi phối đến TTTC của từng quốc gia.

(i) Hệ thống tài chính sẽ biến đổi sâu sắc, thậm chí có thể định hình nên hệ thống tài chính mới do sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, tài chính cá nhân, thanh toán điện tử, quản lý quỹ…. Tài chính số, tài chính chia sẻ, tài chính xanh sẽ phát triển vượt bậc trong thập kỷ tới (bao gồm sự phát triển nhanh chóng của các đồng tiền kỹ thuật số và ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương quan tâm đến việc nghiên cứu, phát triển đồng tiền số quốc gia - CBDC).

(ii) Xu hướng hình thành/đổi mới các trung tâm tài chính để cạnh tranh thu hút vốn đầu tư từ các trung tâm tài chính lớn tầm khu vực và quốc tế.

(iii) Xu thế tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế cũng đi kèm với việc đặt ra yêu cầu cao hơn về mở cửa TTTC; cam kết về môi trường pháp lý đối với hoạt động và cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng; cam kết về thanh toán, chuyển tiền, giao dịch tài chính xuyên biên giới… (là những nội dung được bao hàm trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới).

(iv) Các quốc gia trên thế giới tiếp tục quá trình tái cơ cấu và nâng cao năng lực giám sát an toàn hệ thống tài chính, trong đó quá trình cải cách thường bao gồm ba trụ cột cơ bản: quản lý, phát triển hoạt động của hệ thống ngân hàng theo hướng vừa đảm bảo cạnh tranh lành mạnh vừa duy trì ổn định; xây dựng thị trường vốn và phát triển cơ sở nhà đầu tư phi ngân hàng; tăng cường quy định và giám sát theo mô hình cẩn trọng.

Có thể nói, việc hình thành TTTC có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây là thị trường tiền đề cho mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội được diễn ra, bắt đầu từ việc tạo lập nguồn vốn đến nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và cuối cùng là hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc xây dựng một TTTC vững mạnh, ổn định và phát triển cần phải được chú trọng, nhất là trong bối cảnh tự do hóa toàn cầu như hiện nay.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, TTTC phát triển tương đối nhanh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu luân chuyển vốn trong nền kinh tế, phân bổ vốn hiệu quả, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế sau 30 năm đổi mới. Dù vậy, TTTC Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn như: quy mô TTTC còn nhỏ, thiếu tính ổn định và tồn tại sự mất cân đối giữa các khu vực thị trường; mức độ áp dụng công nghệ thông tin của hệ thống tài chính còn thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; quản lý, giám sát TTTC còn tồn tại hạn chế (Nguyễn Minh Tân, 2021). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tài chính chưa hoàn thiện; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững; yêu cầu quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực công nghệ 4.0, ngân hàng số, công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đang còn để ngỏ (Nguyễn Tiến Hưng và Lê Thị Huyền Trang, 2021). Ngoài ra, quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn còn một số thách thức về quy mô và năng lực tài chính của TCTD, mức độ an toàn chưa bền vững so với các nước trong khu vực, hoạt động xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn (Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu, 2021); trong khi những vẫn đề này sẽ bị làm chậm hoặc trầm trọng hơn dưới tác động của đại dịch Covid-19 (Hà Huy Tuấn, 2021). Nếu những vấn đề này không sớm được khắc phục và xử lý, Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế nói chung và TTTC nói riêng, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và hoàn thành mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Bối cảnh kinh tế - tài chính thế giới và trong nước giai đoạn tới tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng đan xen những cơ hội đối với TTTC Việt Nam. Đặc biệt, khi vai trò của TTTC ngày càng gia tăng trong thời kỳ phục hồi hậu Covid-19 đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải phát triển TTTC Việt Nam theo hướng hiện đại, lành mạnh, bền vững, có tính thích ứng cao và chống chịu tốt với các cú sốc kinh tế, với cơ cấu hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô giai đoạn 2021 - 2030.

2. Thực trạng thị trường tài chính giai đoạn 2011 - 2020

2.1. Những kết quả đạt được

[1] Quy mô TTTC tăng nhanh.

Quy mô TTTC không ngừng tăng, đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó, quy mô thị trường vốn tăng trưởng mạnh và từng bước thu hẹp khoảng cách với thị trường tiền tệ, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp để ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt là có thêm nguồn lực mở rộng quy mô hoặc đầu tư vào công nghệ, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.

Hình 1. Quy mô TTCK và quy mô tín dụng ngân hàng, 2011 - 2020

Đơn vị: %GDP

image

          Nguồn: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước

[2] Thị trường tiền tệ ngày càng phát triển và đi vào ổn định.

Thanh khoản toàn hệ thống các TCTD được cải thiện tích cực, mặt bằng lãi suất giảm, giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Tín dụng tăng trưởng hợp lý, đáp ứng vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, đảm bảo kiểm soát lạm phát và chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vào các ngành sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, giảm tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn và ngoại tệ giảm dần.

Hình 2. Tăng trưởng tín dụng, M2, GDP và lạm phát, 2011 - 2020

Đơn vị: %

image

Nguồn: Tổng cục Thống kế, Ngân hàng Nhà nước

[3] Quá trình tái cơ cấu TTTC đạt được một số kết quả.

Đối với hệ thống các ngân hàng, chất lượng tín dụng được cải thiện, xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2011 - 2020 được đẩy mạnh và đạt được kết quả khả quan1. Các TCTD yếu kém đã được xử lý, tái cơ cấu giúp tình hình thanh khoản ổn định trở lại, tránh được nguy cơ đổ vỡ lây lan sang các TCTD khác. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD cơ bản được xử lý.

Thị trường chứng khoán được tái cấu trúc mạnh mẽ, số lượng các công ty chứng khoán giảm nhưng tăng mạnh về quy mô và chất lượng2. Quá trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục triển khai, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có những bước tiến đáng kể.

Các mục tiêu của khu vực bảo hiểm (tốc độ tăng tổng doanh thu bảo hiểm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; doanh thu phí bảo hiểm/GDP) giai đoạn 2011 - 2020 đều đạt/gần đạt theo mục tiêu đề ra3.

[4] Hệ thống định chế tài chính hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn, chuẩn mực hơn với khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện.

Kiểm soát rủi ro được cải tiến và dần tiệm cận thông lệ quốc tế, như việc áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại4. Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cho thị trường tài chính ngày càng hoàn thiện theo hướng: (i) Tăng cường các biện pháp xử lý TCTD yếu kém, các hành vi vi phạm trên thị trường; (ii) Nâng cao tính minh bạch, kỷ luật thị trường và chuẩn mực giám sát; (iii) Tiệm cận gần hơn với thông lệ, nguyên tắc và các cam kết quốc tế; thúc đẩy thị trường tài chính phát triển nhanh, mạnh hơn, góp phần đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính.

[5] Các sản phẩm dịch vụ tài chính phát triển nhanh, xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ mới.

Trên cả ba thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm dịch vụ tài chính phát triển nhanh, xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các tệp khách hàng khác nhau. Đặc biệt, các sản phẩm ngày càng được phát triển theo hướng tích hợp công nghệ do ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính được đẩy mạnh5.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

[1] Quy mô TTTC còn nhỏ và có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Quy mô TTTC phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, hạn chế khả năng phát triển và hội nhập quốc tế. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam tương đương 219% GDP, thấp hơn so với 320% GDP của bình quân nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 84% GDP, thấp hơn các thị trường cổ phiếu trong khu vực (từ 93 - 243% GDP, ngoại trừ Indonesia); dư nợ thị trường trái phiếu đạt 44,7% GDP, còn nhỏ so với thị trường cổ phiếu và một số thị trường trái phiếu trong khu vực6. Trong đó, dư nợ thị trường TPDN đạt 14,5% GDP, chỉ bằng khoảng 1/2 bình quân các thị trường TPDN châu Á (25,8% GDP).

[2] Cơ cấu TTTC vẫn mất cân đối, còn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian qua, mặc dù có sự dịch chuyển trong cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản vẫn dựa vào ngân hàng (bank-based). Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực (tăng liên tục từ 103% năm 2011 lên 143% năm 2020). Hệ thống TCTD chiếm khoảng 95% tổng tài sản của hệ thống tài chính trong giai đoạn 2011 - 2020; thị trường vốn mới chiếm hơn 1/3 vốn cung ứng cho nền kinh tế (so với mức bình quân 2/3 của các thị trường trong khu vực ASEAN). Sản phẩm trên thị trường vốn còn thiếu đa dạng, chất lượng một số hàng hóa chưa đảm bảo; cơ sở nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định 242, chưa tạo được sự gắn kết giữa chức năng huy động vốn dài hạn của TTTC với hệ thống bảo hiểm, an sinh xã hội. Ngoài ra, vai trò huy động vốn trung, dài hạn của thị trường bảo hiểm cho nền kinh tế còn chưa cao7. Hệ thống bank-based tiềm ẩn một số rủi ro cố hữu và có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống tài chính; đây là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới.

[3] Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam còn hạn chế.

Chất lượng cung cấp thông tin và minh bạch trên thị trường còn khoảng cách so với quốc tế; năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và tài chính của các trung gian tài chính còn hạn chế. Bên cạnh đó, chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt, chưa theo kịp với chuẩn mực kế toán quốc tế, tạo kẽ hở để một số tổ chức lợi dụng hạch toán sai bản chất giao dịch. Khung pháp lý về hoạt động của thị trường chưa hoàn thiện và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường8. Ngoài ra, mức độ áp dụng công nghệ thông tin của hệ thống tài chính còn thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chưa theo kịp với những đòi hỏi của thực tế ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

[4] Vấn đề giám sát an toàn hệ thống còn nhiều bất cập.

hình giám sát tài chính phân tán theo chuyên ngành nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính, chưa có đầu mối mang tính tích hợp để giám sát toàn diện hoạt động của thị trường tài chính, theo dõi sự luân chuyển của dòng tiền, của các hoạt động đầu tư chéo, sở hữu chéo và các giao dịch ngân hàng ngầm. Ngoài ra, phương thức giám sát thiên về giám sát tuân thủ mà chưa chú trọng đúng mức giám sát trên cơ sở rủi ro; giám sát cẩn trọng vĩ mô thị trường tài chính chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, quyền hạn của các cơ quan giám sát còn nhiều hạn chế, nhất là thẩm quyền tiếp cận thông tin và chế tài xử lý vi phạm và giám sát an toàn.

[5] Thị trường vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro, hạn chế riêng.

Đối với thị trường ngân hàng, quá trình xử lý nợ xấu tại các TCTD còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết, chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Việt Nam còn thấp, việc tăng vốn và triển khai áp dụng BASEL II trên toàn hệ thống còn khó khăn và chậm so với kế hoạch. Tình hình tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém diễn ra chậm, đặc biệt tại các ngân hàng mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt, nợ xấu và lãi dự thu tập trung lớn tại các ngân hàng này. Thêm vào đó, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao chưa minh bạch, có hiện tượng cho vay bất động sản, chứng khoán nhưng được che giấu dưới hình thức cho vay phục vụ các nhu cầu đời sống. Sở hữu chéo tại các TCTD tuy được cải thiện nhưng chưa được xử lý triệt để.

Ngoài ra, trên thị trường vốn, cơ cấu thị phần mất cân đối lớn, chủ yếu tập trung vào các công ty chứng khoán lớn, có tiềm lực tài chính mạnh; sản phẩm còn sơ khai, chưa đa dạng, có ít sản phẩm chứng khoán phái sinh. Cơ sở nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức trong nước, thiếu vắng những nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu vẫn phụ thuộc lớn vào các ngân hàng thương mại, chưa hình thành hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phòng hộ, quỹ tín thác... Trong khi đó, thị trường cổ phiếu dù cải thiện về quy mô nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Thị trường TPDN tiềm ẩn rủi ro do thiếu minh bạch thông tin (chưa có tổ chức định mức xếp hạng tín nhiệm có uy tín). Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và mức độ thuận lợi luân chuyển dòng vốn vào/ra TTCK còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn ngoại.

3. Một số định hướng phát triển thị trường tài chính

Trong giai đoạn 2021 -2030, phát triển toàn diện TTTC Việt Nam cần gắn với những xu hướng vận động mới của TTTC thế giới, bám sát những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, những yếu tố đặc thù của TTTC Việt Nam cần được nhắc tới như: hài hòa cấu trúc giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD, phát triển và nâng hạng TTCK, sự tham gia sâu hơn của khu vực bảo hiểm để cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế...

Phát triển thị trường tiền tệ ổn định, minh bạch, hiện đại, phù hợp với định hướng và lộ trình cơ cấu lại thị trường tài chính

Các thành viên tham gia thị trường cần đa dạng hóa. Theo đó, cần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống các nhà môi giới tiền tệ, các nhà giao dịch sơ cấp; đồng thời, khuyến khích sự phát triển của các tổ chức chuyên nghiệp trên thị trường.

Các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ cũng cần được đa dạng hóa, đặc biệt là các công cụ phòng ngừa rủi ro thị trường. Việc sử dụng các công cụ phái sinh trên thị trường tiền tệ về tỷ giá và lãi suất cần được đẩy mạnh nhằm phân tán và phòng ngừa rủi ro trên thị trường. Các sản phẩm cần được chuẩn hóa và hoàn thiện để tạo điều kiện cho các công cụ hiện có trên thị trường được giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Thị trường tài chính Việt Nam cần phát triển đồng bộ và tăng tính liên kết, giảm tình trạng phân khúc và thiếu tính liên thông giữa các thị trường bộ phận, bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, thị trường ngoại hối, thị trường tín dụng - huy động ngắn hạn. Thông tin minh bạch và có chất lượng giúp thành viên thị trường tiếp cận dễ dàng, giảm tình trạng thông tin bất cân xứng và rủi ro đạo đức trong việc xác định giá cả, hạn mức, rủi ro đối tác.

Hoạt động thị trường tiền tệ - ngân hàng cần được đẩy mạnh theo cơ chế thị trường, tiến tới cho phép thành viên tham gia thị trường được tự do quyết định mức lãi suất huy động vốn và cho vay dựa trên cung cầu vốn. Ngoài ra, môi trường hoạt động cho các TCTD cần tạo sự bình đẳng và an toàn; thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch là bắt buộc trong hoạt động kinh doanh.

Phát triển thị trường vốn theo chiều sâu nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế

Thị trường vốn cần được phát triển ổn định, bền vững với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, TPCP và TPDN; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển thị trường TPDN để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Cơ sở hàng hóa trên thị trường cần được đa dạng hóa, tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, triển khai các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, phát hành các sản phẩm trái phiếu phù hợp với nhu cầu nhà đầu tư. Chứng khoán niêm yết cần được nâng cao chất lượng.

Cơ sở nhà đầu tư cần được tăng cường nhằm tăng số lượng nhà đầu tư và phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp để giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nước ngoài, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, qua đó tạo nền tảng cho sức cầu của thị trường. Đây sẽ là khâu trọng yếu trong Chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2030. Bên cạnh đó, hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phòng hộ, tín thác cũng cần được hình thành. Khu vực bảo hiểm cũng cần tham gia sâu hơn vào TTTC, đặc biệt là thị trường vốn để cung ứng vốn trung và dài hạn bền vững. Thị trường bảo hiểm cần được phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm/GDP đến năm 2025 phấn đấu đạt 3,5% theo Quyết định số 242. Đồng thời, vai trò của các tổ chức trung gian thị trường như các công ty kiểm toán độc lập, các công ty định giá tài sản, xếp hạng tín nhiệm… cần được tăng cường nhằm đảm bảo hoạt động lành mạnh và gia tăng tính minh bạch của TTTC.

Phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính

Trong xu hướng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ tài chính, ngân hàng, để tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, cần bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng. “Tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” cần được phát triển để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững. Các sản phẩm dịch vụ tài chính, các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ, các sản phẩm fintech trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng cần được phát triển đa dạng và sớm triển khai cơ chế thí điểm.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập, liên kết với TTTC khu vực và quốc tế. Cấu trúc thị trường và sản phẩm cần được sớm hình thành, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong quá trình hội nhập, tăng cường thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng

Hệ thống các TCTD cần được cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD yếu kém; cơ chế, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động mua bán nợ cần được hoàn thiện; qua đó thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ để tăng cường khả năng xử lý nợ xấu; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém.

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán cần được cơ cấu lại thông qua việc tiến hành rà soát, đánh giá phân loại các tổ chức này theo chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch và trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng cần được đổi mới; năng lực tài chính, quản trị rủi ro cần được nâng cao theo thông lệ quốc tế, nhằm tăng cao sức cạnh tranh, bảo vệ tối đa tài sản và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các định chế tài chính nhà nước cần được tái cơ cấu toàn diện. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng của các định chế tài chính nhà nước cần được tăng cường nhằm đảm bảo các tổ chức này hoạt động đúng mục tiêu và hạn chế rủi ro trong thời gian tới.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính

Năng lực giám sát cần được củng cố và nâng cao theo hướng xây dựng hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính.

Công tác giám sát cần được nâng cao hiệu quả với ba nội dung trọng yếu: giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát thận trọng vĩ mô và vi mô. Ngoài ra, chất lượng công tác thanh tra được nâng cao theo hướng từng bước thiết lập kỷ luật thị trường, cưỡng chế thực thi các quy định pháp lý, nâng cao chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTTC (rửa tiền, chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường, giao dịch nội gián, trục lợi bảo hiểm...).

Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính đồng bộ, hiện đại, từng bước theo hướng phát triển chung của thế giới

Hệ thống các quy định pháp lý cần được tiếp tục hoàn thiện, hướng tới các chuẩn mực quốc tế tốt nhất và phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam như: áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS, IFRS), nguyên tắc quản trị điều hành (khuôn khổ quản trị của OECD, nguyên tắc giám sát của Hiệp hội các nhà quản lý giám sát bảo hiểm quốc tế - IAIS...).

Các thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối... cần được nghiên cứu và áp dụng vào quá trình xử lý, thu thập, phân tích, nhận định và dự báo kịp thời những vấn đề liên quan đến thị trường tài chính. Đồng thời, các kênh cung cấp thông tin cần được đa dạng hóa để phát triển các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn nhưng giá thành rẻ hơn.

Chất lượng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng cần được nâng cao, tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cần được phát triển, nhằm tăng tính liên kết giữa các thị trường bộ phận trong nước và mở rộng phạm vi kết nối ra toàn cầu.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (2020), Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại lĩnh vực tài chính thời kỳ 2021 - 2020 và Phương hướng, mục tiêu phát triển nền tài chính quốc gia thời kỳ 2021, kế hoạch 5 năm 2021-2025.

2. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu (2021), Đánh giá kết quả cơ cấu lại TTTC Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030

3. Hà Huy Tuấn (2021), Những vấn đề nổi bật của TTTC thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và một số lưu ý cho năm 2021.

4. Nguyễn Minh Tân (2021), Để đảm bảo an ninh TTTC Việt Nam trong bối cảnh mới.

5. Nguyễn Tiến Hưng & Lê Huyền Trang (2021), Thực trạng phát triển thị trường vốn Việt Nam.

Tiếng Anh

6. Antràs, P.Desai, M. and Foley, F.C. (2009), Multinational Firms, FDI Flows and Imperfect Capital MarketsQuarterly Journal of Economics , Vol. 124 No. 3, pp. 1171 - 1219.

7. Bencivenga, V.Smith, B. and Starr, R. (1996), Equity Markets, Transaction Costs, and Capital Accumulation: An IllustrationWorld Bank Economic Review , Vol. 10 No. 2, pp. 241 - 265.

8. Greenwood, J and Jovanovic, B (1990), Financial Development, Growth and the Distribution of Income, Journal of Political Economy, 98 (5, Part 1) (1990), pp. 1076 - 1107.

9. Levine, R. and Zervos, S. (1998), Stock Markets, Banks, and Economic GrowthThe American Economic Review, Vol. 88 No. 3, pp. 537 - 558.

10. Rajan, R.G. and Zingales, L. (2003), The Great Reversals: The Politics of Financial Development in the Twentieth Century”, Journal of Financial Economics, Vol. 69 No. 1, pp. 5 - 50.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 5/2021

*1 Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống giảm từ 3,1% (năm 2011) xuống còn 1,8% (năm 2020).

*2 Tính đến ngày 31/12/2020, có 82 công ty chứng khoán đang hoạt động với tổng tài sản đạt 209 nghìn tỷ đồng, tăng 157% so với cuối năm 2011, tổng vốn chủ sở hữu đạt 94 nghìn tỷ đồng, tăng 156%.

*3 Theo Quyết định 193/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025.

*4 Hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, 6 ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, các ngân hàng còn lại cũng đang tích cực tăng vốn và cải thiện cơ cấu tài sản để áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 và cao hơn là hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II.

*5 Thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD vào năm 2020, tăng 77% trong vòng 3 năm. Số lượng các công ty fintech đã tăng gấp gần 3 lần, từ khoảng 40 công ty (năm 2017) lên khoảng 115 công ty (năm 2020).

*6 Thái Lan (81%), Singapore (91%), Malaysia (108%).

*7 Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng tài sản hệ thống tài chính; tổng giá trị đầu tư vào TPCP, TPDN của các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ thị trường TPCP, TPDN. Hệ thống bank-based tiềm ẩn một số rủi ro cố hữu và có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống tài chính.

*8 Chưa có nghị định về thị trường mua - bán nợ; chưa có khung pháp lý quản lý, giám sát đối với tập đoàn tài chính; một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ như cho vay ngang hàng, fintech, tiền kỹ thuật số…, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng; cần hoàn thiện một số quy định pháp lý theo yêu cầu hội nhập (CPTPP, EVFTA…).

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%