Chính sách tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế

Chính sách tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế 18/01/2022 09:37:00 2418

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế

18/01/2022 09:37:00

(HQ Online) Chính sách tài khóa là yếu tố trọng tâm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua. Việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong kích thích, phục hồi nền kinh tế.

M:\nb2.jpg

Gói hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng sẽ là nền tảng tốt để tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: ST

Cú huých” kích thích thị trường

Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là nguồn lực đến từ chính sách tài khóa với quy mô lên tới hơn 290 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, về chính sách miễn, giảm thuế, trong năm 2022 sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Chính sách đầu tư phát triển được coi là trọng tâm của chính sách tài khóa của Chương trình này. Theo đó, giai đoạn 2022-2023 sẽ tập trung tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực y tế được bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội được cấp tối đa 5.000 tỷ đồng; Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3.150 tỷ đồng; Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được cấp vốn điều lệ tối đa 300 tỷ đồng; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước...

Để huy động nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa này, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp khác để khai thác các nguồn lực như: sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi trong phạm vi thẩm quyền.

Chính sách tài khóa của chương trình được các chuyên gia, DN đánh giá cao. Theo TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, gói hỗ trợ này có độ lan tỏa rất cao, phần lớn người dân, DN được hưởng lợi. Cụ thể, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ kích thích mạnh tiêu dùng trong nước. Thị trường trong nước rất lớn, là trụ đỡ quan trọng cho các DN, do đó giảm thuế GTGT là cú huých mạnh để kích thích thị trường trong nước”. Bên cạnh đó, trong 176 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách thì có hơn 113.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, với việc Việt Nam đang có những ách tắc về hạ tầng thì điều này sẽ tạo ra cơ sở, nền tảng tốt để tạo sự phát triển.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng đặt nhiều kỳ vọng vào gói hỗ trợ tài khoá. Ông Việt cho biết đây là gói hỗ trợ rất sát sườn với DN, trong đó, DN quan tâm nhiều nhất gói liên quan tới hỗ trợ lãi suất, giảm thuế GTGT. Theo ông Thân Đức Việt, việc miễn giảm thuế, phí và lãi suất là kỳ vọng rất lớn của DN, cần triển khai ngay.

Cải cách thủ tục để được tiếp cận nhanh nhất

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), gói phục hồi kinh tế là hỗ trợ của Chính phủ để nền kinh tế bứt tốc và chính sách tài khóa là một trong những nội dung cơ bản của gói hỗ trợ. Về thể chế, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan để khởi thảo việc cụ thể hóa Nghị quyết, phấn đấu hoàn thành trong tháng 1, ví dụ như vấn đề miễn giảm thuế, bố trí nguồn lực cho chính sách tài khóa.

“Về tổ chức thực hiện, lần này, chúng tôi sẽ có thông điệp để DN biết và thụ hưởng nếu đúng đối tượng, tránh việc người đáng được hưởng lại không được hưởng. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ cho DN tiếp cận thông tin”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi rất mừng là đối tượng của gói hỗ trợ lần này đã có thêm DNNVV, hợp tác xã - nhóm yếu cần phải cứu. Còn với các DN lớn, Bộ Tài chính vẫn đang song hành các chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu để ra các cơ chế chính sách đột phá hơn để sau khi phục hồi thì các DN có thể triển khai ngay”.

Theo ông Tiến, một trong những vấn đề Bộ Tài chính tập trung là cải cách thủ tục hành chính, cố gắng làm sao để DN, người dân tiếp cận nhanh nhất, nếu không chính sách đưa ra sẽ không thể đạt yêu cầu. Cùng với đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các đơn vị giám sát kiểm tra để làm sao phải đảm bảo “trúng, đúng và hiệu quả” như của Quốc hội yêu cầu. Điều quan trọng nữa là, bên cạnh tuyên truyền cho DN tiếp cận gói hỗ trợ đúng đối tượng thì phải tuyên truyền để DN có nhận thức rằng sự đổ vỡ thời gian qua là bài học để tránh, để cơ cấu lại, phù hợp với tình hình kinh tế mới và cuộc cách mạng chuyển đổi số. Đây sẽ là nội dung các cơ chế tài chính sẽ hướng tới.

“Về quản lý nhà nước, chúng tôi cho rằng, đây là một cuộc thử lửa để xem trách nhiệm phục vụ của cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và xã hội như thế nào. Chúng ta không còn dư địa thời gian, sau khi đưa ra gói hỗ trợ thì triển khai thế nào hiệu quả, trúng đích và để có được điều đó thì phải có sự giám sát, kiểm tra. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao năng lực quản trị của Chính phủ đối với nền kinh tế”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

 

Khuyến nghị một số vấn đề của gói hỗ trợ, cụ thể là về chính sách tài khóa, theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, có một thực tế là các gói giải ngân từ đầu tư công đến các gói hỗ trợ đều chậm. Trong khi đó, giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn do có nhiều hạng mục, nhiều nguồn vốn, nhiều cơ chế, điều kiện khác nhau, nhiều chính sách biện pháp khác nhau, do vậy, việc thực hiện và giải ngân kịp thời chương trình phục hồi kinh tế là tối quan trọng trong năm 2022 - 2023.

Hoài Anh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%