Chính sách tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Chính sách tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam 27/01/2022 17:02:00 4929

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

27/01/2022 17:02:00

Phạm Thị Thanh Tâm

Đại học Quốc tế Hồng Bàng

 

Nhu cầu tài nguyên tăng cao là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế quá nóng cũng như sự bùng nổ về dân số ở quy mô toàn thế giới. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên đã làm cạn kiệt nguyên liệu thô, tạo ra chất thải, từ đó tác động lớn đến môi trường và kinh tế - xã hội. Chuyển từ hình thức kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một cách giảm các tác động từ sự thay đổi này. KTTH giải quyết hiệu quả các vấn đề về tài nguyên, chất thải và khí thải mà xã hội đối mặt nhờ phát triển một chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ theo một phương thức khác, từ đó phục hồi, tái tạo và duy trì sự cân bằng bền vững của môi trường. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, việc chuyển dịch mô hình phát triển từ kinh tế truyền thống sang KTTH đã trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, để có được sự chuyển dịch như vậy đòi hỏi có các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách tài chính. Bài viết sẽ phân tích, đánh giá các chính sách tài chính cho phát triển KTTH tại Việt Nam, trong đó tập trung vào chính sách thuế, chi tiêu công xanh, chính sách phát triển thị trường tài chính, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam.

Từ khóa: KTTH, tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.

The high demand for resources is the result of overheating economic development as well as a world-wide population explosion. Moving from a traditional economy to a circular economy is an effective way to reduce the impact of this change. It can be said that the exploitation and use of resources has exhausted raw materials, creating waste, thereby having a great impact on the environment and socio-economics. Statistically, the sources of input materials have doubled since the 1980s and tenfold since 1900. Not only the increase in the volume of input materials consumed, we also witness the difference, the There is a significant division between the consumption regions of developing countries and developed countries (Wiedmann et al., 2015). The circular economy effectively solves the problems of resources, waste and emissions that society faces by developing a supply chain that produces to consume in a different way, thereby recovering and regenerating. and maintain a sustainable balance of the environment. Therefore, in recent years, the shift of development model from traditional economy to circular economy has become a trend in the world. However, to achieve such a transformation requires many supportive policies, especially financial policies. The article will analyze and evaluate financial policies for the development of the circular economy in Vietnam, focusing on tax policies, green public spending, and financial market development policies for the circular economy; thereby proposing recommendations for Vietnam.

Key words: Circular economy, sustainable development, natural resources.

1. Kinh tế tuần hoàn và chính sách tài chính đối với kinh tế tuần hoàn

1.1. Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn bắt đầu được chú ý nghiên cứu trong một thập kỷ gần đây, và được xem là một phương thức hiệu quả để đạt được đồng thời mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế. KTTH là một phạm trù mới nên phần lớn các nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực này trong những năm qua đã đưa ra các khái niệm và cách tiếp cận khác nhau. Thuật ngữ “KTTH” lần đầu xuất hiện trong nghiên cứu của Pearce và Turner (1990) về mối quan hệ giữa môi trường và các hoạt động kinh tế. Nghiên cứu này đã chỉ ra dòng lưu chuyển khép kín của nguyên vật liệu trong một hệ thống kinh tế mà “mọi vật đều là đầu vào của vật khác”. Các nghiên cứu về KTTH dựa trên quan điểm rằng tác động của tăng trưởng kinh tế làm suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm giảm khả năng sinh sản của sinh quyển. Do đó, cần phải thay đổi cách thức sản xuất và tiêu dùng từ “tuyến tính” sang “tuần hoàn” để dung hòa giữa tăng trưởng kinh tế và các lợi ích môi trường (Murray và cộng sự, 2017).

Kinh tế tuần hoàn hướng tới việc thay đổi các mô hình sản xuất và tiêu dùng truyền thống, giới thiệu các quy trình mới và các mô hình kinh doanh hướng đến phát triển bền vững. Sự chuyển đổi căn bản trong kinh doanh và trong nền kinh tế sẽ kéo theo những tác động tới kinh tế, môi trường và xã hội. Các cơ quan, tổ chức như Ủy ban châu Âu (EC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); chính phủ các quốc gia như Nhật Bản, Thụy Điển… đã thừa nhận vai trò trung tâm của KTTH đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Theo Graziela và cộng sự (2018), áp dụng KTTH như một mô hình kinh tế trong tương lai đòi hỏi những sự điều chỉnh, bổ sung các chính sách, trong đó có các chính sách tài chính. Để triển khai hiệu quả mô hình KTTH, chính phủ các nước đã triển khai nhiều chính sách tài chính hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách thuế, chi tiêu công xanh, chính sách phát triển thị trường tài chính cho KTTH…

1.2. Chính sách tài chính đối với kinh tế tuần hoàn

Hiện nay, các chính phủ sử dụng biện pháp can thiệp chủ yếu dựa trên hệ thống thuế khóa và chi tiêu của chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu liên quan tới chuyển đổi mô hình kinh tế sang mô hình KTTH. Chính sách tài chính, đặc biệt là tài chính công, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ cấu trúc cũng như khả năng phát triển của KTTH. Các chính sách tài chính sẽ giúp chuyển đổi một cách triệt để quá trình dịch chuyển sang KTTH. Bên cạnh đó, quá trình mua sắm công sẽ thu hút một lượng lớn các khoản đầu tư vào KTTH, từ đó tạo nguồn lực và bước đệm để phát triển KTTH; đồng thời giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư tư nhân vào nền KTTH.

Là một trong những công cụ quan trọng của các chính phủ, chính sách thuế có vai trò chính trong điều tiết và định hướng nền kinh tế hướng tới KTTH bởi những tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó tạo ra những nhận thức và chuyển biến xã hội. Bên cạnh đó, chính sách thuế còn được áp dụng nhằm hạn chế việc sử dụng nguyên vật liệu gây ô nhiễm môi trường. Các hình thức áp dụng thuế bao gồm: đánh thuế đối với chất thải; đánh thuế tài nguyên sử dụng lần đầu; chuyển gánh nặng thuế từ lao động sang nguyên vật liệu; đánh thuế phương tiện dựa trên giá trị phát thải CO2...

Trong khi đó, chi tiêu công xanh sẽ đảm bảo cung cấp nguồn lực lớn cho nền KTTH. Bên cạnh mục tiêu bảo vệ môi trường, chi tiêu công xanh còn tạo lực cầu trên thị trường mua sắm công xanh, góp phần xây dựng tiêu chí mua sắm công xanh của chính phủ đối với hàng hóa và dịch vụ (Nguyễn Hồng Thắng, 2021). Tuy vậy, mua sắm công xanh cần cân nhắc tới khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đạt hiệu suất môi trường của các đối tác.

Trong các công cụ hỗ trợ nền KTTH, thị trường tài chính ít được kỳ vọng như các công cụ chính sách thuế hay chi tiêu công. Tuy nhiên, các chính sách phát triển thị trường tài chính nếu thực hiện đồng bộ và xuyên suốt sẽ tạo được một hệ thống đầu tư vững chắc và lâu dài. Chính sách phát triển thị trường tài chính trong KTTH bao gồm chính sách phát triển thị trường vốn cổ phần và vốn nợ; các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm và đầu tư giai đoạn đầu; phát triển ngân hàng và bảo hiểm với mục tiêu phát triển bền vững. Các hình thức này gồm: (i) Phát triển thị trường vốn cổ phần và vốn nợ thông qua đầu tư vào các quỹ cổ phần đại chúng; đầu tư vào các công ty áp dụng, cho phép hoặc hưởng lợi từ KTTH; (ii) Phát hành hoặc đầu tư vào trái phiếu hoặc các khoản vay tài trợ trực tiếp cho hoạt động của KTTH; (iii) Phát triển ngân hàng và bảo hiểm nhằm cung cấp các giải pháp tài chính và dịch vụ tư vấn để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang KTTH.

1.3. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chính sách thuế

Để hạn chế chất thải nhựa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KTTH đối với nhựa, các quốc gia châu Âu đã đề xuất các mức thuế suất áp dụng với chất thải nhựa khác nhau, như tại Italy là 450 EUR/tấn, Anh là 200 GBP/tấn. Nhờ việc áp dụng thuế, nhựa đã được tái sử dụng như một nguồn tài nguyên, từ đó giảm khối lượng nhựa trong sản xuất và thải ra môi trường, cũng như hạn chế được tác động tiêu cực của chất thải nhựa.

Đối với thuế tài nguyên sử dụng lần đầu, các quốc gia châu Âu áp dụng đối với các vật liệu thô như cát, sỏi và đá được sử dụng trong ngành xây dựng. Chính sách đánh thuế tài nguyên sử dụng lần đầu sẽ kích thích hiệu quả sử dụng tài nguyên của các ngành, lĩnh vực.

Đối với thuế phương tiện dựa trên giá trị phát thải CO2, trong những năm qua, hầu hết các quốc gia châu Âu áp thuế phương tiện dựa trên giá trị phát thải CO2 nhằm giảm lượng khí thải và các chất ô nhiễm không khí, đồng thời khuyến khích sử dụng xe điện.

Ngoài hình thức áp thuế, chính phủ các quốc gia còn ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tái chế thân thiện với môi trường. Tại Trung Quốc, trước các vấn đề cấp bách về môi trường, Luật Thúc đẩy KTTH đã được ban hành và có hiệu lực ngày 01/01/2009 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền KTTH, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, hiện thực hóa sự phát triển bền vững. Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra các hỗ trợ ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu, như miễn hay hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào theo tỷ lệ nhất định. Ngoài ra, Trung Quốc còn áp dụng hình thức trợ cấp thuế và phí cho doanh nghiệp chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang KTTH. Nếu một doanh nghiệp mua và sử dụng thiết bị đặc biệt trong danh mục quy định nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và nước, sản xuất an toàn thì chi phí mua thiết bị có thể được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

Chính sách chi tiêu công xanh

Tại châu Âu, trong kế hoạch hành động KTTH năm 2020, mua sắm công xanh trở thành tiêu chí bắt buộc cho các khoản chi tiêu công xanh ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ Trung Quốc thực hiện dự án “Xây dựng xã hội thân thiện môi trường”, ban hành một loạt chính sách thúc đẩy mua sắm xanh. Năm 2005, nước này cũng đã ban hành một số chỉ đạo về “thúc đẩy phát triển nền kinh tế tái sử dụng”, trong đó nhấn mạnh, Trung Quốc cần tăng cường sử dụng các sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm nước, nhãn tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, nhãn môi trường, nhãn thực phẩm xanh và thực phẩm hữu cơ xanh, giảm sử dụng các sản phẩm dùng nhiều bao bì và sản phẩm chỉ dùng 1 lần. Ngoài ra, tất cả các cơ quan chính phủ đều phải thực hiện mua sắm xanh.

Các nước ASEAN tuy chưa ban hành luật riêng về mua sắm xanh, nhưng chính phủ nhiều nước đã có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển tiêu dùng bền vững và nền kinh tế tái sử dụng. Bước khởi động của việc phát triển mua sắm xanh là thực hiện 3R (tái sử dụng, giảm thiểu, tái chế) và dán nhãn sinh thái. 

Chính sách phát triển thị trường tài chính cho kinh tế tuần hoàn

Để sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn tài nguyên, Nhật Bản khuyến khích phát hành trái phiếu xanh để thúc đẩy các dự án môi trường phát triển. Năm 2014, Ngân hàng Phát triển Nhật Bản lần đầu tiên phát hành trái phiếu xanh, số lượng phát hành tăng dần theo các năm. Năm 2017, Bộ Môi trường đã công bố nguyên tắc trái phiếu xanh đảm bảo tính nhất quán với nguyên tắc trái phiếu xanh do Tổ chức kiểm toán ICMA ban hành. Trái phiếu xanh được phép giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán (Nguyễn Thị Thu, 2020).

Một số bài học cho Việt Nam

Nghiên cứu kinh nghiệm ở một số quốc gia cho thấy, để khuyến khích chuyển đổi sang KTTH, Nhà nước cần ban hành khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ và gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Kinh nghiệm từ châu Âu và Trung Quốc cho thấy, chính sách thuế là công cụ có hiệu quả thúc đẩy chuyển đổi kinh tế truyền thống sang KTTH; thống nhất tư duy sản xuất và phát triển KTTH của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Bên cạnh đó, nhằm giảm lượng rác thải, tăng cường việc tiêu các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, chi tiêu công xanh giữ vai trò chủ đạo. Qua đó, việc ban hành các đạo luật về mua sắm công xanh sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng khoa học - công nghệ mới vào quá trình sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm đạt hiệu suất với môi trường, đồng thời thúc đẩy các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào KTTH. Ngoài ra, Nhà nước cần tập trung vào chính sách phát triển thị trường tài chính (phát hành trái phiếu xanh...) nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn vốn cho các dự án môi trường, các dự án liên quan đến phát triển KTTH.

2. Thực trạng chính sách tài chính đối với kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, nhiều yếu tố của KTTH đã được đề cập trong các lĩnh vực công nghệ sạch ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng, khuyến khích tái chế, sử dụng sản phẩm tái chế. Điều này cho thấy xu hướng tất yếu của chuyển dịch sang KTTH tại Việt Nam trong bối cảnh hướng tới phát triển bền vững như nhiều quốc gia trên thế giới. KTTH có thể áp dụng vào tất cả các ngành trong nền kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, tài nguyên môi trường… Việt Nam chưa có những mô hình KTTH mang đầy đủ nội hàm nhưng xét theo mục tiêu, nội dung thì đã có những mô hình hay phương thức kinh doanh mang những biểu hiện của mô hình này từ rất sớm. Xét theo khía cạnh lý thuyết của KTTH có thể thấy, KTTH tại Việt Nam đang được tiếp cận theo ngành kinh tế. Các ngành này đã bước đầu tham gia vào quá trình vận hành trong chuỗi giá trị gia tăng hoặc gián tiếp có vai trò hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH.

Hiện nay, các hoạt động đầu tư thực hiện KTTH có thể nhận được các ưu đãi tương tự như các hoạt động bảo vệ môi trường. Các chính sách ưu đãi chủ yếu gồm có một số chính sách như miễn, giảm thuế; cho vay với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trợ giá sản phẩm... Nhà nước ban hành các ưu đãi thuế cho các hoạt động công nghiệp thúc đẩy phát triển của nền KTTH thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thấp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng liên quan đến bảo vệ môi trường; miễn giảm thuế xuất - khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với những sản phẩm sản xuất là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến...

Về chi tiêu ngân sách nhà nước, Chính phủ ưu tiên mua sắm chi tiêu công hướng tới các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hâu và tăng trưởng xanh. Ưu tiên chính sách chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường theo hướng tập trung nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 2006 đến nay, cơ chế chi ngân sách áp dụng đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% trong tổng chi ngân sách dự toán hằng năm. Ngoài ra, Nhà nước đã ban hành một số quy phạm pháp luật khuyến khích mua sắm các sản phẩm xanh, như Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 về việc ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng đã yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách mua thiết bị tiết kiệm năng lượng từ ngày 01/01/2013.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục dán nhãn xanh, nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế, ưu tiên các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Đồng thời, Chính phủ cũng ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư công đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh theo cơ cấu ngành nghề, tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến tác động của biến đổi khí hậu.

Chính phủ cũng ban hành các ưu đãi về lãi suất cho các hoạt động về bảo vệ môi trường như các ưu đãi về lãi suất; phát hành trái phiếu xanh của Việt Nam, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương mà nguồn huy động được tài trợ cho các dự án thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời... Đồng thời, các quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cũng được thành lập với mục tiêu cho vay với lãi suất ưu đãi. Việt Nam có 41 tổ chức quỹ bảo vệ môi trường, tín dụng xanh được triển khai theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020.

Các chính sách tài chính đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi kinh tế sang KTTH. Nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các địa phương, phong trào chuyển đổi của các tổ chức như “Không xả thải ra môi trường” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mô hình bio-gas tại các gia đình nông thôn nhằm tạo ra năng lượng từ chất thải… đã ra đời.

Mặc dù, các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ đã khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang KTTH, tuy nhiên, trong ngắn hạn, những chính sách này chưa đủ để bù đắp chi phí của doanh nghiệp khi xanh hóa hoạt động sản xuất. Đây là một trong nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn chuyển sang KTTH, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi định hướng sản xuất xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi chi phí sản xuất của doanh nghiệp cần được tối ưu ở mức thấp nhất. Đồng thời, các chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động tái chế hay sử dụng sản phẩm tái sử dụng, sản phẩm xanh còn thiếu (Nguyễn Hồng Thắng, 2021).

Ngoài ra, mặc dù có một số định hướng chi tiêu công tập trung vào KTTH, tuy nhiên quy trình thủ tục còn khó khăn, không ổn định, dẫn đến không ít khó khăn trong quá trình cung ứng. KTTH vẫn được coi là một trong số các lựa chọn phát triển với nhiều rủi ro, các chính sách về phát triển thị trường tài chính cho KTTH chưa nhiều. Điều này đã gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư.

3. Một số định hướng chính sách tài chính để phát triển kinh tế tuần hoàn

Trên cơ sở phân tích thực trạng KTTH ở Việt Nam và thực tế thực hiện các chính sách tài chính khi chuyển đổi sang mô hình KTTH ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra, chính sách tài chính trong thời gian tới cần tập trung vào 4 nội dung chính.

[1] Việt Nam chưa có khung pháp lý cho chuyển đổi sang mô hình KTTH. Các quy định pháp luật hướng tới áp dụng mô hình KTTH còn dàn trải tại nhiều văn bản và chủ yếu tập trung ở khía cạnh bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khi hậu. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH, đóng vai trò kiến tạo hiệu quả.

[2] Các chính sách ưu đãi về thuế cho phát triển KTTH cần được bổ sung và hoàn thiện để khuyến khích các đối tượng tham gia và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình này. Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện rà soát và sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế, phí hiện hành, xác định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế được ưu đãi để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch (thuế bảo vệ môi trưởng, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất - khẩu, các loại phí về bảo vệ môi trường…). Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách sẽ giúp các chính sách này phù hợp với thực tế và có tính bao quát hơn, từ đó bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu về chuyển đổi sang mô hình KTTH trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần được thu hẹp; không ưu đãi thuế đối với những ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên hoặc không có tác động lan tỏa lớn tới phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của KTTH. Điều này vừa giúp giảm thất thu ngân sách nhà nước và giảm cơ hội chuyển giá, trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp.

[3] Mua sắm công xanh là một công cụ có lợi cho cả hai bên (người mua và nhà cung cấp) nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường. Trên bình diện chung, khả năng triển khai mua sắm công xanh ở Việt Nam là tương đối thuận lợi bởi khung pháp lý về cơ bản đã có; quy chế và quy trình mua sắm đấu thầu đã được luật hóa và mua sắm công xanh hiện nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần có khung chính sách thuận lợi và hệ thống mua sắm hoàn chỉnh, minh bạch; chính sách thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững. Nhận thức của xã hội nói chung và nhận thức của đội ngũ cán bộ khu vực công nói riêng về sản phẩm xanh cần được thay đổi. Bên cạnh đó, năng lực về công nghệ cũng cần được nâng cao để có thế áp dụng những sản phẩm xanh một cách tốt nhất.

[4] Thị trường tài chính là nơi cung ứng và dẫn vốn cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, để chuyển đổi hiệu quả sang nền KTTH, thị trường tài chính cần được phát triển theo cả chiều sâu và chiều rộng. Theo đó, khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của thị trường tài chính cần tiếp tục hoàn theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào TTCK Việt Nam. Trên thực tế, khả năng thẩm thấu vốn đầu tư gián tiếp của khối các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá còn rất mỏng trong khi đây lại là khu vực có tiềm năng nhất. Vì thế, muốn tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài nhằm phát triển thị trường chứng khoán cũng như phát triển kinh tế, cần phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn. Song song với việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, Việt Nam cần phải có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần niêm yết trên sàn giao dịch và phát triển hoạt động giao dịch thứ cấp trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, các kênh phân phối. Từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt:

1. Trương Thị Mỹ Nhân (2019), Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 12/2019.

2. Ngô Anh Phương, Lưu Ánh Nguyệt (2019), Nền KTTH của Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính.

3. Nguyễn Hồng Thắng (2021), Chính sách tài chính đối với KTTH ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 8/2021.

4. Nguyễn Thị Thu (2020), Chính sách thúc đẩy KTTH ở Trung Quốc và Nhật Bản, Thông tin Phục vụ Lãnh đạo số 2, tháng 01/2020.

Tiếng Anh:

5. Bahl, R. and Johannes L. (1992), Urban Public Finance in Developing Countries, New York: Oxford University Press.

6. Biwei S. et al. (2013), A Review of the Circular Economy in China: Moving from Rhetoric to Implementation, Journal of Cleaner Production 42 (2013) pp.215 - 227.

7. Circle Economy, (2020), Report Financing Policy Interventions for a Circular Economy, https://www.circle-economy.com/news/report-financial-policy-interventions-for-a-circular-economy.

8. COM (2014), Towards A Circular Economy: A Zero Waste Programme for Europe, Communication from the Commission to the European Parliament the Council, the European Economic and Social Committee and the Committee of the Regions, Brussels (EN).

9. Graziela D. A. et al. (2018), Circular Economy: Overview of Barriers, ScienceDirect, Procedia CIRP 73 (2018), pp.79 - 85.

10. Huynh Trung Hai, Nguyen Duc Quang, Nguyen Trung Thang and Nguyen Hoang Nam (2020), Circular Economy in Vietnam, DOI: 10.1007/978-981-15-1052-6_22.

 

Phụ lục

Kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam

 

STT

Ngành

Những biểu hiện

11

Nông, lâm, ngư nghiệp

- Khi các hộ gia đình, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tự tuần hoàn các sản phẩm của quá trình hoạt động, bản thân các doanh nghiệp, hộ gia đình đó là một tác nhân (ví dụ mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC), mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Ruộng (VACR) trong các trang trại…).

22

Khai khoáng

- Tuần hoàn trong nội tại doanh nghiệp khai khoáng (ví dụ như Tập đoàn TKV Quảng Ninh tuần hoàn lại nước trong quá trình tuyển than giúp tiết kiệm nước, thu lại được than).

- Theo vòng đời dự án, khi khai thác khoáng sản xong, các mỏ có thể được xây dựng làm khu du lịch, các loại đất đá khi khai thác tạo ra sẽ dùng để hoàn thổ hoặc sử dụng vào mục đích khác.

33

Công nghiệp chế biến, chế tạo

- Việc sử dụng tuần hoàn nước, các nguyên vật liệu… trong ngành đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng.

- Sản xuất ra các sản phẩm có các hợp phần dễ tháo rời để thuận tiện thay thế khi có một bộ phận bị hỏng, hạn chế lượng rác thải ra môi trường.

- Các cửa hàng buôn bán đồ cũ cũng là một tác nhân trung gian quan trọng trong chuỗi giá trị gia tăng thúc đẩy KTTH.

44

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

- Xem xét dòng chảy của chất thải trong nền kinh tế, bản thân những hộ gia đình, các doanh nghiệp chính là tác nhân quan trọng trong mắt xích ứng dụng lý thuyết KTTH để tái sử dụng lại nguồn nước.

- Vai trò của các đơn vị xử lý chất thải đóng vai trò là trung gian trong thúc đẩy tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải do các hoạt động kinh tế, dân sinh gây ra.

55

Xây dựng

- Xây dựng là ngành tạo ra khối lượng chất thải khá lớn nhưng đồng thời cũng là ngành có nhiều lợi thế trong việc tuần hoàn các loại chất thải trong quá trình xây dựng (Đất đá, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng được tái chế làm vật liệu xây dựng hoặc tái sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng hoặc chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng).

66

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

- Hệ thống đặt cọc hoàn trả trong chuỗi bán hàng cũng là một tác nhân cần được thúc đẩy cho việc ứng dụng lý thuyết của KTTH thu hồi lại được các sản phẩm để có thể tái chế.

- Các ngành nghề buôn bán phụ tùng, sửa chữa là tác nhân để kéo dài vòng đời sản phẩm, hướng tới mục đích của KTTH.

77

Vận tải kho bãi

- Đây là ngành gián tiếp giúp vòng tuần hoàn có thể diễn ra.

88

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

- Sự tuần hoàn của các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống như các nhà hàng, khách sạn (ví dụ dùng thức ăn thừa của khách hàng làm thức ăn chăn nuôi) giúp hạn chế rác thải thực phẩm, tận dụng tốt nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí chăn nuôi.

99

Thông tin và truyền thông

- Thông tin và truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về KTTH, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo nhiều mô hình tuần hoàn.

110

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

- Tín dụng xanh, trái phiếu xanh vừa là nguồn lực để thúc đẩy tuần hoàn, vừa là một sản phẩm tài chính có tiềm năng.

111

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ

- Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ giúp nghiên cứu được các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, các mô hình KTTH có thể áp dụng, góp phần tìm ra hướng đi đúng đắn của KTTH. Các công nghệ nghiên cứu góp phần ứng dụng, thúc đẩy chuyển hóa sang nền KTTH.

112

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

- Các hoạt động cho thuê xe cộ, máy móc, thiết bị, gián tiếp ủng hộ lý thuyết của KTTH, hạn chế sản xuất, rác thải…

113

Giáo dục và đào tạo

- Giáo dục và đào tạo là ngành nghề giúp nâng cao nhận thức của lớp trẻ về KTTH (“kế hoạch nhỏ”, “tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, lốp xe, làm chậu trồng cây…”)

114

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội

- Rác thải từ y tế là loại rác thải đặc biệt, cần có quy trình thu gom và xử lý đúng tiêu chuẩn. Lượng rác thải y tế một năm thải ra rất lớn, do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng KTTH vào ngành y tế là cần thiết.

115

Hoạt động dịch vụ khác

- Hoạt động sửa chữa các đồ dùng cũng là một khía cạnh mà KTTH hướng tới vì giúp kéo dài vòng đời các sản phẩm.

116

Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế

- Hoạt động nghiên cứu về KTTH của các cơ quan, tổ chức quốc tế sẽ góp phần tìm được hướng đi đúng đắn, thúc đẩy KTTH tại Việt Nam.

Nguồn: Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (2019)

 

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6/2021

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%