Ngô Thắng Lợi
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Việt Nam phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mục tiêu tổng quát trong định hướng phát triển đất nước được đưa ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng. Một nước phát triển không phải chỉ hùng mạnh và bền vững về kinh tế mà xã hội cũng phải đạt được trình độ phát triển bền vững tương xứng. Bài viết tập trung phân tích về khía cạnh quản lý phát triển xã hội, quá trình hoàn thiện tư duy và quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội bền vững; đánh giá thực trạng quản lý phát triển xã hội theo quan điểm bền vững trong thời gian qua ở Việt Nam; khuyến nghị giải pháp quản lý phát triển xã hội bền vững trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Phát triển xã hội, bền vững, quản lý, chính sách, thành quả tiến bộ xã hội.
Vietnam strives to become a socialist-oriented developed country by the middle of the 21st century. This is the general goal of the country's development orientation set in the draft political report at the 13th Party Congress. A developed country has both strong, sustainable economics and society. The article focuses on analyzing aspects of social development management, the process of perfecting the Party's viewpoints on sustainable social development management; assessing the current status of social development management from sustainable viewpoints in Vietnam over the past time; recommending solutions to manage sustainable social development in the new context.
Keywords: Social development, sustainability, management, policies, achievements of social progress.
1. Một số vấn đề về quản lý phát triển xã hội bền vững
1.1. Phát triển xã hội bền vững
Quan điểm phát triển xã hội bền vững lần đầu tiên được đưa vào trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Theo đó, phát triển xã hội bền vững thể hiện ở việc duy trì lâu dài khả năng cải thiện nhanh chóng sự tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường sống của người dân dựa trên sự gắn kết chặt chẽ với các thành quả của phát triển kinh tế.
Tiêu chí phản ánh phát triển bền vững xã hội là các chỉ số phản ánh sự bảo đảm của kinh tế đối với các thành quả của tiến bộ xã hội gồm: hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống dân cư (khi kinh tế tăng trưởng 1% thì mức sống dân cư thay đổi bao nhiêu phần trăm); hệ số tăng trưởng vì phát triển con người (khi kinh tế tăng trưởng 1% thì Chỉ số phát triển con người - HDI thay đổi bao nhiêu phần trăm); hệ số tăng trưởng vì giảm nghèo (khi kinh tế tăng trưởng 1% thì tỷ lệ hộ nghèo giảm bao nhiêu phần trăm); hệ số tăng trưởng - bất công bằng (khi kinh tế tăng trưởng 1% thì Hệ số GINI thay đổi bao nhiêu phần trăm).
1.2. Quản lý phát triển xã hội bền vững
Về phương diện lý luận và nguyên tắc phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội là tổ chức sự can thiệp của các tác nhân trong xã hội (với một bộ máy và các công cụ tương thích) vào các lĩnh vực xã hội (về chất lượng cuộc sống và môi trường sống của người dân), nhằm hướng tới các mục tiêu cần đạt tới về sự tiến bộ xã hội phù hợp với trình độ phát triển của đất nước.
Quản lý phát triển xã hội bền vững bao hàm nội dung phức tạp hơn, đó là quá trình quản lý sự phát triển xã hội hướng tới tính bền vững, tức là trong mục tiêu và chính sách, không chỉ quan tâm đến các thành quả của tiến bộ xã hội, mà còn đặc biệt chú ý đến khía cạnh gắn kết, bảo đảm sự tương thích đồng bộ giữa cải thiện tiến bộ xã hội với các thành quả của phát triển kinh tế.
Quá trình phát triển nhận thức và quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội có thể hệ thống hóa lại, đó là sự phát triển từ quan điểm chú trọng phát triển xã hội đơn chiều đến quan điểm phát triển xã hội bền vững (Hình 1).
Hình 1. Sự phát triển quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội
Giai đoạn trước năm 1986 (trước Đại hội Đảng lần thứ VI): Quan điểm phát triển nhấn mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong bối cảnh kinh tế còn đang phát triển thấp. Theo định hướng này, Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế trên nhiều khía cạnh về phát triển xã hội, là một trong 20 nước có thu nhập bình quân thấp nhưng chỉ số HDI đạt mức trung bình theo cách xếp loại của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam luôn nằm trong nhóm 50 nước thấp nhất thế giới, chỉ đạt dưới 80 USD/người/năm (những năm 80 của thế kỷ XX, thấp hơn Lào: 94 USD/người/năm, Campuchia: 191 USD/người/năm), với mức sống rất thấp và tỷ lệ nghèo đói cao.
Giai đoạn 1986 - 2000 (từ Đại hội Đảng lần thứ VI - VIII): Các Văn kiện Đại hội Đảng trong giai đoạn này đã nhấn mạnh đến khuyến khích làm giàu hợp pháp và coi việc một bộ phận dân cư giàu lên trước là cần thiết cho sự phát triển, chấp nhận sự chênh lệch thu nhập do năng suất và hiệu quả. Thành quả của giai đoạn này thể hiện tốc độ tăng trưởng cao, đạt trung bình 7,58% (giai đoạn 1991 - 2000), thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh (đạt 402 USD/người, tăng 5 lần so với năm 1980, vượt qua Lào: 328 USD/người và Campuchia 283 USD/người, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh (trước năm 1986 tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 70%, nhưng đến năm 2000 con số này chỉ còn khoảng 20% theo chuẩn quốc tế). Tuy nhiên, sự phân hóa xã hội và tham nhũng gia tăng.
Giai đoạn 2001 - 2016 (từ Đại hội Đảng lần thứ IX - XI): Quan điểm của Đảng trong giai đoạn này là phát triển toàn diện. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế nhanh, từng bước gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã chuyển sang nhóm các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (năm 2009), trong khi đó các tiêu chí xã hội vẫn được cải thiện tích cực, khoảng cách thu nhập giảm, tỷ lệ nghèo giảm mạnh.
Từ năm 2016 đến nay (Đại hội Đảng lần thứ XII - XIII): Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra quan điểm phát triển xã hội bền vững, theo đó quản lý phát triển xã hội phải hướng tới phát triển xã hội bền vững. Yêu cầu đặt ra trong các chính sách phát triển là phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đại hội Đảng lần thứ XIII thể hiện quan điểm phát triển xã hội bền vững theo hướng nâng cao chất lượng của phát triển xã hội gắn với chất lượng phát triển kinh tế, cụ thể là phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, dân số, gắn dân số với phát triển, quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi, an sinh xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII đều khẳng định các thành quả của phát triển xã hội phải được bảo đảm vững chắc bằng các thành quả về phát triển kinh tế.
2. Thực trạng quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
2.1. Kết quả đạt được
Việt Nam luôn định hướng các mục tiêu phát triển xã hội ở mức cao và hoàn thành vượt mức.
Việt Nam đã đặt mục tiêu cho phát triển xã hội ở mức cao tương đương các nước có trình độ phát triển trung bình cao (Bảng 1). Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2020, phần lớn các chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt mức so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người, sau khi tính lại theo phương pháp mới, đã chạm ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình. Chỉ số HDI có cải thiện vượt bậc, năm 2020 là 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam mặc dù không đạt mục tiêu đặt ra nhưng liên tục được cải thiện và xếp thứ hạng cao (84/189 quốc gia). Năm 2021, mặc dù kinh tế - xã hội của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn đặt các mục tiêu kế hoạch khá tích cực và nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn được cải thiện hơn so với năm 2020 để duy trì sự ổn định xã hội cho mọi tầng lớp dân cư. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 3 - 3,5% (cao hơn 11,3% so với mức đạt được năm 2020), thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD/người (tăng 2,62% so với năm 2020).
Bảng 1. Một số chỉ tiêu thành quả phát triển xã hội Việt Nam, 2011 - 2020
Tên chỉ tiêu
|
Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2020
|
Thực hiện giai đoạn 2011 - 2020
|
Thu nhập bình quân đầu người (USD/người)
|
3.000
|
3.230
|
Chỉ số HDI
|
0,7
|
0,704
|
Tuổi thọ bình quân (tuổi)
|
75
|
74,2
|
Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân/năm (%)
|
1 - 1,5
|
1,4
|
Hệ số giãn cách thu nhâp (lần)
|
8 - 10
|
9,79
|
Hệ số GINI
|
0,4 - 0,5
|
0,424
|
Ghi chú: * là ước thực hiện
Nguồn: Niên giám thống kê, số liệu điều tra VHLSS
Thành quả phát triển kinh tế tác động tích cực đến phát triển xã hội.
Đây là khía cạnh phản ánh tính bền vững trong phát triển xã hội. Các thành quả của tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã lan tỏa tích cực, mang tính đồng thuận đến việc thực hiện các chỉ tiêu tiến bộ xã hội (Hình 2).
Hình 2. Tăng trưởng GDP và sự thay đổi thành quả tiến bộ xã hội
Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp tính toán từ Niên giám thống kê
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tăng trưởng thu nhập luôn đạt mức tích cực của các tiêu chí phản ánh thành quả tiến bộ xã hội. Mức sống dân cư thể hiện ở mức thu nhập thực, giai đoạn 2010 - 2020 tăng bình quân là 2,5%; chỉ số HDI tăng bình quân hằng năm là 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,64%/năm. Năm 2021, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì tính bền vững xã hội: (i) Lĩnh vực giáo dục đã được chuyển đổi linh hoạt kế hoạch học tập, giảng dạy, bảo đảm giáo dục phổ thông, đào tạo nhân lực gắn với tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ thích ứng an toàn dịch bệnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 26,5%, đạt mục tiêu đề ra; (ii) Việt Nam cũng thực hiện tốt công tác dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91% dân số, phát triển mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội đạt khoảng 35 - 36%, bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28 - 29% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt mục tiêu đề ra; (iii) Các hướng dẫn cụ thể về chính sách lao động, tiền lương cho doanh nghiệp và người lao động cũng được thực hiện kịp thời, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền lương của người lao động.
Việc hoàn thiện thể chế và chính sách quản lý xã hội đã tạo ra những đột phá trong trong phát triển xã hội bền vững.
Hệ thống pháp luật và các văn bản mang tính luật tại Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đổi mới phù hợp, tạo môi trường pháp lý cho phát triển xã hội bền vững. Hiến Pháp năm 2013 đã khẳng định, Nhà nước bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã thể chế hóa lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương và quan hệ lao động; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 với những sửa đổi quan trọng đối với chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nhân thọ; Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định các quyền lợi của trẻ em rõ ràng hơn.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, chính sách kiềm chế lạm phát thực hiện khá thành công, mặc dù tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao (bình quân đạt 6,84%/năm), nhưng tỷ lệ lạm phát luôn duy trì mức dưới 4%, năm 2019 chỉ là 2,73%; nhờ đó, mức sống của dân cư được cải thiện vững chắc hơn. Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng chính sách kiềm chế lạm phát vẫn được quan tâm, vẫn được duy trì ở mức 4% như kế hoạch Quốc hội đề ra.
Ngân sách nhà nước hằng năm đã ưu tiên tăng chi cho phát triển xã hội. Tốc độ tăng chi ngân sách cho lĩnh vực xã hội tăng bình quân 9%/năm trong cả giai đoạn 2011 - 2020, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (ước bình quân đạt 6,84%/năm). Năm 2021, với vai trò chủ đạo của nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp với vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước cho công tác phòng, chống dịch, Việt Nam đã giải quyết được mục tiêu ổn định xã hội trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Các chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển các lĩnh vực xã hội luôn được cải thiện. Theo đó, các chính sách về lao động và việc làm ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách giáo dục, chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế đã được hình thành trong cả nước, số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh, hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Sự nhất quán về chính sách giảm nghèo bền vững đi đôi với khuyến khích làm giàu hợp pháp. Chính sách từng bước hướng tới bảo đảm cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân với chất lượng ngày càng cao hơn. Chính sách ưu đãi người có công được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng đối tượng, mức thụ hưởng với chế độ ưu đãi toàn diện hơn.
2.2. Một số tồn tại, hạn chế
Xu thế phát triển chậm lại của các thành quả tiến bộ xã hội
Bảng 2. Một số tiêu chí phản ánh thành quả tiến bộ xã hội
Chỉ tiêu
|
Giai đoạn
1991 - 2000
|
Giai đoạn
2001 - 2010
|
Giai đoạn
2010 - 2020
|
Tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người (bình quân/năm, %)
|
25
|
20
|
8,8
|
Tỷ lệ hộ nghèo (%)
|
38,9
|
10,7
|
7,4
|
Chỉ số HDI (%)
|
0,527
|
0,616
|
0,678
|
Nguồn: Tính toán từ Niên giám thống kê
Theo Bảng 2, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2001 - 2010 bằng 80% giai đoạn 1991 - 2000, sang giai đoạn 2010 - 2020, bằng 44% giai đoạn 2001 - 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm với tốc độ chậm dần trong giai đoạn 30 năm, theo đó giai đoạn 2001 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo chỉ bằng 27,5% giai đoạn 1991 - 2000, nhưng đến giai đoạn 2011 - 2020 con số này bằng 69,16% so với giai đoạn 2001 - 2010. Tương tự như vậy, giá trị HDI tăng với tốc độ chậm dần, giai đoạn 2001 - 2010, giá trị HDI cao hơn giai đoạn 1991 - 2000 là 16,89%, thì HDI giai đoạn 2011 - 2020 chỉ cao hơn giai đoạn 2001 - 2010 là 10,06%. Sự cải thiện chậm dần các tiêu chí phản ánh thành quả phát triển xã hội bản thân nó đã bao hàm tính chất thiếu bền vững trong quản lý phát triển xã hội mà nguyên nhân chính là do: tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm dần theo chu kỳ 10 năm, từ 1991 đến nay đã làm cho mức đầu tư phát triển xã hội giảm dần. Riêng năm 2021, cùng với sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế (đạt khoảng 50% kế hoạch đặt ra), nhiều chỉ tiêu xã hội có xu hướng giảm như: tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) chỉ giảm được 0,5 - 1 điểm phần trăm (đạt 50% kế hoạch và thấp hơn so với năm 2020, đạt xấp xỉ 1 điểm phần trăm), tỷ lệ thất nghiệp là 2,67% (cao hơn năm 2020 là 2,26%), chỉ số giá cả tiêu dùng mặc dù đạt chỉ tiêu kế hoạch nhưng cao hơn năm 2020 (3,23%).
Tác động đồng thuận của kinh tế đến phát triển xã hội có hiệu ứng giảm dần
Từ kết quả tính toán các hệ số co giãn của tăng trưởng đến các tiêu chí tiến bộ xã hôi trong thời gian 30 năm qua cho thấy, vẫn có tác động đồng thuận của phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, mức độ đồng thuận đang có biểu hiện giảm dần với mức độ ngày càng lớn. Đây là một biểu hiện đáng lo ngại về tính bền vững trong quản lý phát triển xã hội. Nguyên nhân chính là do các thành quả tăng trưởng kinh tế không được sử dụng thích hợp cho phát triển con người, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, nâng cao mức sống dân cư.
Bảng 3. Tác động của tăng trưởng kinh tế đến cải thiện
các tiêu chí tiến bộ xã hội
Chỉ tiêu
|
Giai đoạn 1991 - 2000
|
Giai đoạn 2001 - 2010
|
Giai đoạn 2011 - 2020
|
Hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống
|
2,04
|
1,66
|
0,39
|
Hệ số tăng trưởng vì giảm nghèo
|
2,07
|
1,93
|
1,30
|
Hệ số tăng trưởng vì phát triển con người
|
0,30
|
0,28
|
0,18
|
Nguồn: Tính toán hệ số co giãn theo số liệu niên giám thống kê các năm
Sự bất công bằng trong phân phối thu nhập có xu hướng gia tăng
Trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bất công bằng trong phân phối thu nhập của Việt Nam có xu hướng gia tăng cả theo chiều rộng (hệ số GINI) và theo chiều sâu (khoảng giãn cách thu nhập của 20% dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất, tỷ lệ thu nhập của 40% dân số nghèo nhất trong tổng thu nhập dân cư). So với chuẩn quốc tế, bất công bằng theo chiều rộng đã chuyển từ cận dưới lên cận trên của bất công bằng vừa và đang có xu hướng chuyển lên mức bất công bằng cao. Năm 2021, dịch Covid-19 đã gây gián đoạn việc học tập, làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các địa phương, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền có sự chênh lệch lớn.
Bảng 4. Giá trị các chỉ số phản ánh bất công bằng phân phối thu nhập
|
Giãn cách thu nhập (lần)
|
Tiêu chuẩn “40” (%)
|
Hệ số GINI
|
Tiêu chuẩn quốc tế
Bất công bằng cao
Bất công bằng vừa
Bất công bằng thấp
|
Trên 10
Trên 8 - 10
Dưới 8
|
Dưới 12%
Từ 12 - 17%
Trên 17%
|
Trên 0,5
Từ 0,4 - 0,5
Nhỏ hơn 0,4
|
Việt Nam
Giai đoạn 1991 - 2000
Giai đoạn 2001 - 2010
Giai đoạn 2011 - 2018
|
8,11
9,23
9,683
|
16,06
14,97
14,85
|
0,365
0,395
0,428
|
Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu điều tra VHLSS
Sự bất cập của các chích sách liên quan đến phát triển xã hội bền vững
Trong thời gian dài, chính sách đặt mục tiêu phát triển xã hội cao trong bối cảnh một nền kinh tế tăng trưởng chậm đã làm cho các mục tiêu xã hội cao không được bảo đảm bằng nguồn lực tài chính và vật chất tương ứng. Trong trường hợp đó, việc đạt được các mục tiêu cao về phát triển xã hội đã gây áp lực lớn cho nguồn lực ngân sách nhà nước.
Chính sách phát triển dàn đều là một bất cập trong quản lý phát triển xã hội bền vững. Các mục tiêu về tiến bộ xã hội gắn với phân bổ ngân sách, vốn đầu tư dàn đều theo quy mô dân số hay diện tích đối với mọi địa phương, mọi vùng có các điều kiện phát triển không giống nhau đã gây cản trở khả năng bứt phá của những địa phương có tiềm năng phát triển xã hội và ngược lại. Từ đó đã làm quá tải đối với các địa phương, các vùng khác.
Chính sách phát triển “vì người nghèo” đã luôn đặt họ vào trạng thái bị động, hưởng thụ vào nguồn tài chính - ngân sách hay các nguồn viện trợ vật chất các chương trình xóa đói giảm nghèo. Điều đó đã không tạo cơ hội cho người nghèo, vùng nghèo được trực tiếp tham gia vào việc tạo nên thành quả phát triển kinh tế, từ đó tạo ra sự không bền vững trong hưởng thụ thành quả giảm nghèo hay phát triển xã hội đối với những vùng nghèo, vùng khó khăn. Một số chính sách giải quyết việc làm cho người nghèo vùng nghèo lại không có hiệu quả vì bản thân họ bị thiếu việc làm nhưng lại không được trang bị những điều kiện cần thiết để thực hiện.
Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu một cơ chế, một đầu mối hay một thiết chế/tổ chức quản lý chịu trách nhiệm bao quát, đầu mối cho toàn bộ các lĩnh vực phát triển xã hội ở cấp trung ương và địa phương. Trong hộ máy quản lý, chỉ có các cơ quan quản lý một số lĩnh vực phát triển xã hội theo tuyến dọc nhưng lại thiếu các cơ quan làm chức năng này theo tuyến ngang.
3. Định hướng và các giải pháp quản lý phát triển xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2030
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu phát triển đất nước, theo đó đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 thuộc nhóm nước phát triển có mức thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có những chuyển đổi quan trọng, trong đó những chuyển biến trong quản lý phát triển xã hội đóng vai trò quyết định.
3.1. Quan điểm định hướng hoàn thiện quản lý phát triển xã hội bền vững trong tình hình mới
Phát triển xã hội được xem như là mục tiêu cuối cùng trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước
Lý thuyết kinh tế học phát triển hiện đại cho thấy, phát triển nền kinh tế là quá trình vận động và phát triển đồng thời cả phát triển lĩnh vực kinh tế và phát triển lĩnh vực xã hội. Phát triển lĩnh vực kinh tế tạo ra các điều kiện vật chất và tài chính, tạo ra các tiềm lực để thực hiện phát triển, xét theo kết quả cuối cùng, phát triển lĩnh vực kinh tế là việc tạo ra sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, đem lại sự giàu có cho đất nước và con người. Tuy vậy, mục tiêu của phát triển không phải là vì sự giàu có cho đất nước hay con người mà chính là phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người.
Phát triển kinh tế là điều kiện cần và thực hiện phân phối thành quả của phát triển kinh tế là điều kiện đủ cho phát triển xã hội bền vững
Để phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội, sự hạnh phúc cho con người thì không thể không nói đến khía cạnh giàu có - một yếu tố cấu thành của hạnh phúc và được tạo nên bởi quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả. Tuy vậy, sự phát triển mạnh của kinh tế trong nhiều trường hợp đã không thúc đẩy nhanh sự tiến bộ xã hội, do quá trình phân phối thành quả kinh tế bất hợp lý. Vì vậy, cần xác định phát triển kinh tế là điều kiện cần để phát triển xã hội, nhưng việc phân phối thành quả của phát triển kinh tế là điều kiện đủ để thực hiện phát triển xã hội.
Việt Nam cần đặt các mục tiêu cao cho phát triển xã hội bền vững
Tương ứng với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, với hơn 50% dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu1, Việt Nam cần phải đặt mục tiêu phát triển xã hội cao và bền vững. Theo đó, đến năm 2030, chỉ số HDI đạt 0,75; hệ số GINI đạt dưới 4; khoảng cách thu nhập là 8. Mục tiêu phát triển xã hội bền vững đặt ra yêu cầu cải thiện ở mức cao các hệ số tương quan giữa các tiêu chí phản ánh tiến bộ xã hội với phát triển kinh tế. Năm 2022, mặc dù trong điều kiện khó khăn bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng Chính phủ vẫn đặt các mục tiêu khá cao về phát triển xã hội: GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD (năm 2021 ước đạt 3.660 - 3.680 USD), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%.
Nguyên lý của mô hình phát triển hài hòa nền kinh tế là cơ sở hợp lý nhất trong xây dựng các chính sách quản lý phát triển xã hội bền vững
Mô hình phát triển hài hòa dựa trên nguyên tắc không để ai tụt lại phía sau đã đặt ra yêu cầu không chỉ là phân phối lại thành quả kinh tế cho các tầng lớp yếu thế trong xã hội, mà còn tạo điều kiện để mọi người được trực tiếp tạo ra các thành quả của phát triển kinh tế. Các nguyên lý này cần phải được nhấn mạnh khi hoạch định các chính sách phát triển xã hội gắn kết và được bảo đảm bằng thành quả kinh tế.
Bộ máy quản lý phát triển xã hội bền vững là yếu tố bảo đảm hiệu quả và tính khả thi của mục tiêu phát triển xã hội bền vững
Bộ máy quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh một nền kinh tế phát triển ở trình độ trung bình cao và cao đòi hỏi phải có sự “phân vai” và gắn kết chặt chẽ giữa các tác nhân, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nhân tố thị trường và xã hội.
3.2. Đề xuất mô hình tổ chức quản lý phát triển xã hội bền vững
Mô hình phát triển hài hòa trong quản lý phát triển xã hội bền vững
Mục tiêu của mô hình: Bảo đảm thực hiện gắn kết tốt nhất thành quả của phát triển xã hội với quá trình phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả. Tính chất bao trùm (hài hòa) thể hiện trên cả hai góc độ: bảo đảm không chỉ làm cho con người sống trong điều kiện kinh tế thịnh vượng, mà còn cần các điều kiện về cuộc sống có môi trường lành mạnh; tạo điều kiện cho con người thuộc tất cả các tầng lớp cư dân cùng có điều kiện tham gia tạo nên thành quả phát triển và thụ hưởng thành quả phát triển một cách công bằng.
Động lực thực hiện mô hình: Xã hội là đối tượng để hướng tới mục tiêu phát triển xã hội chứ không phải là từng con người cụ thể. Tính bao trùm trong phát triển xã hội được thể hiện trên các chiều cạnh phát triển như: không gian lãnh thổ (các địa phương), sở hữu (các doanh nghiệp) và trên mọi ngành và lĩnh vực của nền kinh tế. Để bảo đảm phát triển xã hội bền vững, cần hướng tới một mục tiêu liên kết gồm tăng trưởng, tạo việc làm và vì người nghèo.
Điều kiện thực hiện: Phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả vẫn là một điều kiện trung tâm. Trong khía cạnh này, tạo việc làm có năng suất cao là vấn đề có ý nghĩa sống còn, nhất là trong điều kiện cạnh tranh và cách mạng khoa học công nghệ hiện nay. Phát triển xã hội không chỉ là hưởng thành quả phát triển kinh tế, mà còn là động lực của phát triển kinh tế; tạo sự tiến bộ, công bằng trong đầu vào, đầu ra của nền kinh tế, từ tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế tới việc phân phối kết quả lao động và cả đóng góp về vốn và lao động sáng tạo.
Các chính sách phát triển xã hội bền vững cần thích ứng với nền kinh tế phát triển ở trình độ trung bình cao và cao
Trọng tâm của đổi mới chính sách xã hội là chuyển từ số lượng sang chất lượng, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Một nền kinh tế phát triển có mức thu nhập trung bình cao (năm 2030) và thu nhập cao (năm 2045) đòi hỏi các chính sách xã hội cần được cải cách mang tính tạo điều kiện hoặc đón đầu cho sự phát triển. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ gia tăng, di cư và đô thị hóa diễn ra nhanh, các áp lực mới sẽ tăng cùng với nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, do đó các chính sách xã hội cần được định hướng lại phù hợp với biến đổi nhân khẩu.
Kinh nghiệm của các nước thành công trong chuyển đổi từ vị trí thu nhập trung bình thấp sang trung bình cao đều phải dành một tỷ lệ ngày càng cao trong chi tiêu công cho các lĩnh vực xã hội. Giai đoạn đầu là chi tiêu cho giáo dục theo yêu cầu phổ cập giáo dục, tiếp sau đó là nhu cầu chi tiêu cao cho y tế, an sinh xã hội. Do vậy, Việt Nam cần vận dụng kinh nghiệm quốc tế nhằm đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu công cho các lĩnh vực xã hội.
Trong bối cảnh thị trường lao động phát triển mạnh, một số chính sách về quản lý dân cư và lao động không còn phù hợp, do đó cần được thay đổi. Theo đó, để tránh hiện tượng phân mảng trong thị trường lao động, cần xóa bỏ cơ chế đăng ký hộ khẩu thường trú nhằm tạo điều kiện cho lao động được di chuyển thuận lợi giữa các vùng, miền trong cả nước.
Các chính sách phát triển xã hội bền vững (chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối giữa vùng; đào tạo nghề cho lao động nông nông thôn, lao động nghèo…), cần được đẩy mạnh triển khai nhằm tạo sự lan tỏa tích cực từ vùng giàu, vùng động lực sang vùng nghèo, giúp giảm bớt sự bất công bằng trong cơ hội phát triển và phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
Năm 2022, việc thực hiện mục tiêu kép cần được vận dụng linh hoạt trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh; đảm bảo vừa phục hồi, phát triển kinh tế bền vững sau dịch bệnh, vừa kiểm soát phòng, chống tốt dịch bệnh. Các quy định phòng, chống dịch của địa phương cần được ban hành phù hợp, đồng bộ với Trung ương nhằm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế trong trạng thái thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Về lĩnh vực quản lý phát triển xã hội bền vững, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống giáo dục, y tế cơ sở, hệ thống an sinh xã hội, ngân sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, an sinh xã hội cho người lao động để đủ khả năng phản ứng có hiệu quả đối với dịch Covid-19.
Mô hình tổ chức quản lý phát triển xã hội bền vững
Để tổ chức quản lý phát triển xã hội bền vững, cần có mô hình chức quản lý phát triển xã hội bền vững, trong đó có sự phối hợp hợp lý giữa các chủ thể trong bộ máy quản lý nhà nước (Hình 3). Nguyên lý hoạt động của mô hình này là Đảng đóng vai trò lãnh đạo, đẩy nhanh sự tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, cần phân định nội dung quản lý phát triển xã hội cho các chủ thể khác nhau theo cơ chế: (i) Nhà nước đóng vai trò là chủ thể chính trong quản lý các lĩnh vực xã hội; (ii) Chức năng cung ứng dịch vụ xã hội và tổ chức phát triển hoạt động phát triển xã hội cần từng bước chuyển dần cho thị trường (khu vực tư nhân) và xã hội thông qua các kênh khác nhau.
Hình 3. Mô hình tổ chức quản lý phát triển xã hội bền vững

Nguồn: Tác giả
Theo đó, khi thị trường lao động và các dịch vụ xã hội phát triển, Nhà nước tập trung chủ yếu bảo đảm cơ chế và quản lý vĩ mô chung, tức là bảo đảm “luật chơi” và “sân chơi”, những điều kiện tối thiểu để thực hiện các nội dung phát triển xã hội hoặc cung ứng dịch vụ xã hội cho tầng lớp yếu thế, người nghèo trong xã hội. Trước mắt, khu vực tư nhân thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhóm xã hội có điều kiện về kinh tế, sau đó tiến tới cung cấp cho các lĩnh vực phát triển xã hội. Các tổ chức xã hội, người dân tham gia trong nhiều hoạt động quản lý phát triển xã hội.
Để thực hiện vai trò là chủ thể chính quản lý phát triển xã hội, Nhà nước cần tổ chức lại bộ máy quản lý xã hội, trong đó phân định rõ chức năng của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Cụ thể, các bộ, ngành chủ quản các lĩnh vực xã hội như Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế… cần làm rõ hơn mối quan hệ kép vừa quản lý nhà nước, vừa tham gia quản lý phát triển xã hội. Trong thời gian tới, cần thể chế hóa lĩnh vực quản lý phát triển xã hội, có phương án thành lập Hội đồng quốc gia về quản lý phát triển xã hội trực thuộc Chính phủ nhằm kết nối các hoạt động của một số hội đồng, ủy ban, chương trình cấp quốc gia về phát triển xã hội bền vững.
Kết luận
Phát triển xã hội bền vững đề cập đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường sống của con người gắn với các thành quả của tăng trưởng kinh tế và được bảo đảm vững chắc bằng các thành quả của tăng trưởng kinh tế. Quan điểm này đặt ra những vấn đề cần được hoàn thiện trong lý luận và thực tiễn triển khai quản lý phát triển xã hội bền vững. Theo đó, khi đặt mục tiêu phát triển bền vững xã hội, các nhà quản lý không chỉ đưa ra các mục tiêu về phát triển xã hội mà cần gắn kết các thành quả của tiến bộ và công bằng xã hội với thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Để phát triển xã hội bền vững, cần coi trọng việc lồng ghép các vấn đề xã hội trong các chính sách về tăng trưởng kinh tế và bảo đảm tính đồng bộ trong các chính sách phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Bên cạnh đó, cần đưa các nội dung quản lý phát triển xã hội vào vị trí việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế để bảo đảm tính hệ thống trong bộ máy quản lý phát triển xã hội.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (2016), Việt Nam 2035, Nhà xuất bản Hồng Đức.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020); Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
3. Đảng cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
4. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995); C. Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Chính phủ (2021); Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
6. Ngô Thắng Lợi (2019), Mối quan hệ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hôi; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
7. Phạm Quang Minh (2020), Quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
8. Phùng Hữu Phú, Lê hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (2016), Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
9. Trần Quốc Toản, Phùng Hữu Phú, Tạ Ngọc Tấn (2019), Thể chế phát triển nhanh, bền vững, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
10. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm 2001 - 2020, Nhà xuất bản Thống kê.
11. Tổng cục Thống kê (2016, 2018, 2020), Số liệu điều tra mức sống dân cư Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê.
Tiếng Anh
12. UNDP (2010, 2016, 2018, 2020), Human Development Report, United National Development Programe New York.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6/2021
*1 Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khái vọng Việt Nam 2035.