Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022

Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 23/02/2022 09:44:00 24567

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022

23/02/2022 09:44:00

Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Mục tiêu kép “đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã đi đúng hướng, tạo nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi trong năm tới.

1. Kinh tế Việt Nam năm 2021

GDP quý IV đảo chiều, tăng 5,22% đưa GDP năm 2021 tăng 2,58%

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng trưởng kinh tế có mức giảm sâu nhất vào quý III. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành những quyết sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” kịp thời để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. GDP năm 2021 tăng 2,58% so với năm trước (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ. Cụ thể, năm 2021, khu vực dịch vụ chỉ tăng 1,22%. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm 2020, làm giảm 0,02 điểm phần trăm tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.

Tổng cầu quý III sụt giảm do nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch Covid-19, nhưng đã phục hồi vào những tháng cuối năm

Hoạt động thương mại và dịch vụ

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng tích cực 28,1% so với quý trước nhưng cả năm 2021 vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 4.789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm 2020, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%). Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 0,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 19,3%; du lịch lữ hành giảm 59,9%; dịch vụ khác giảm 16,8%.

Xuất - nhập khẩu

Mặc dù đà tăng xuất - nhập khẩu trong quý III/2021 đã bị chững lại do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên trong quý IV/2021 năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đã dần phục hồi góp phần thúc đẩy xuất - nhập khẩu. Kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2021 đạt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, cao nhất kể từ năm 2018. Xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc đều tăng trưởng tốt trong năm 2021. Nhập khẩu trong năm 2021 đạt khoảng 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất xuất khẩu tăng cao, cùng với giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2021, đặc biệt là giá các loại nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất. Suất siêu trong năm 2021 đạt khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1,19% kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Đầu tư

Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý III/2021. Đóng góp chính vào tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội đến từ khu vực ngoài nhà nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy giảm về vốn giải ngân nhưng vẫn đạt kết quả khả quan về vốn đăng ký, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục chậm tiến độ, ảnh hưởng đến vốn đầu tư toàn xã hội và đà phục hồi của kinh tế trong nước. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt khoảng 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020, bao gồm: khu vực nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9%; khu vực ngoài nhà nước đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực có vốn FDI đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1%. Vốn đầu tư của khu vực nhà nước tăng chậm do giải ngân chậm tiến độ. Ngoài nguyên nhân bị ảnh hưởng bởi tình trạng phải giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trong quý III còn do tăng giá nguyên, vật liệu và các khó khăn đã tồn tại lâu năm như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thủ tục đầu tư, bố trí vốn; năng lực của chủ đầu tư. Vốn thực hiện từ nguồn NSNN năm 2021 đạt khoảng 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm 8,6% so với năm trước (năm 2020 bằng 90,5% và tăng 33,6%).

Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020 - mức tăng thấp nhất 5 năm trở lại đây. Trong đó, 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 7 nhóm tăng. Đáng chú ý, nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép có mức tăng cao nhất với 0,22%. Nguyên nhân làm cho CPI tăng thấp là do giá xăng dầu, gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước làm tổng cầu giảm; học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương.

Cuối năm 2021 (ngày 28/12/2021), lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang ở mức 0,81%/năm (ngày 29/12/2021), tăng 0,66%/năm so với cuối năm 2020. Tính chung cả năm 2021, lãi suất liên ngân hàng bình quân kỳ hạn qua đêm là 0,75%/năm, giảm 17,95% so với cuối năm 2020.

Lãi suất cho vay, lãi suất ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân 3 - 6%/năm. Tính chung cả năm 2021, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm gần 1%/năm.

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, linh hoạt, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất - kinh doanh

Chính sách tài khóa

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong tháng 12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, quy định mức thu một số một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10 - 50% so với quy định hiện hành, tập trung chính vào các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như du lịch, xây dựng, vận tải… Đồng thời, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất gói miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2022 dự kiến có quy mô hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với quy mô gói hỗ trợ vừa qua. Lũy kế đến hết 15/12/2021, thu NSNN đạt 1.438,89 nghìn tỷ đồng, bằng 107,1% dự toán. Thu nội địa, thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu và thu từ dầu thô vượt dự toán (thu nội địa là 1.178 nghìn tỷ đồng, đạt 103,9% dự toán). Chi NSNN đạt 1.338,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% dự toán. Do tiến độ chi NSNN thấp hơn tiến độ thu NSNN nên về tổng thể cân đối NSNN tính đến ngày 15/12/2021 có thặng dư 100,79 nghìn tỷ đồng.

Chính sách tiền tệ

Trong năm 2021, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Tính đến ngày 24/12/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,97% so với cuối năm 2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020.

2. Triển vọng kinh tế năm 2022

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO 9/2021), kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,5% vào năm 2022. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Standard Chartered (10/2021) đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế Việt Nam sẽ tăng trong năm 2022 và duy trì mức tăng trưởng 7%, nhưng phụ thuộc vào tiến trình mở cửa trở lại của các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Mặc dù kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ được thúc đẩy ở thời kỳ hậu dịch Covid-19. IHS Market (11/2021) dự báo đà tăng trưởng GDP phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, do việc tăng cường triển khai vắc- xin từng bước giúp hạn chế đại dịch và cho phép mở cửa dần du lịch quốc tế.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì sự ổn định vĩ mô và có xu hướng phục hồi trong thời gian tới. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 được Quốc hội đề ra là 6 - 6,5% (Nghị quyết 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021). Tuy nhiên, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế tài chính thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường, tăng trưởng toàn cầu có xu hướng chậm lại, cạnh tranh kinh tế, thương mại quốc tế ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, trong nước, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường, quan hệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế.

Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

 

Tài liệu tham khảo

1. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB, 9/2021), Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á.

2. Ngân hàng Thế giới (WB,10/2021), Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam.

3. Tổng cục Thống kê (2021), Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 1+2/2022

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%