Năm 2021, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về phương hướng chỉ đạo điều hành đối với tình hình triển khai thực hiện và quản lý vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm1. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đã được Bộ Tài chính ban hành2. Nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ NSNN năm 2021, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về NSNN, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xảy ra thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một số thông tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thanh quyết toán vốn đầu tư công: Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/02/2021; Thông tư 48/2021/TT-BTC ngày 28/6/2021...
1. Tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2021 là 620,08 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm 16 nghìn tỷ kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao)3. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu công trong năm 2021 chưa đạt được mục tiêu đề ra:
Công tác công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn NSNN tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm
Công tác giao chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn NSNN tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm và thực hiện nhiều lần, đặc biệt là đối với một số dự án khởi công mới năm 2021, do các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, một số dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá dài so với quy định, làm cho cho các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến đầu tháng 12/2021, tổng số vốn chưa được phân bổ chi tiết là 28,91 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 21,29 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài là 7,62 nghìn tỷ đồng. Đối với các bộ, cơ quan trung ương, số vốn chưa phân bổ là 8,12 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 2,7 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5,36 nghìn tỷ đồng). Các địa phương có số vốn chưa phân bổ là 20,79 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 18,53 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2,26 nghìn tỷ đồng). Nguồn ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ theo mục tiêu là 5,64 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 3,38 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2,26 nghìn tỷ đồng). Vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 15,15 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với nguồn NSTW: 15/50 bộ và 29/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao, trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%). Nguyên nhân là do chưa phân bổ cho các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 do không có nhu cầu sử dụng, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Một số bộ, ngành, địa phương được điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 theo Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 đang thực hiện các thủ tục phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn.
Đối với nguồn vốn cân đối NSĐP: 47/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối NSĐP tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết địa phương. Tuy nhiên vẫn còn 12/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm và chưa đạt được mục tiêu đề ra
Giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2021: Thanh toán tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ (cả năm đạt khoảng 75,79% dự toán, đạt 78,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phủ giao), đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (cả năm đạt khoảng 41,01%), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, 34/50 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 55%, trong đó có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (trong đó, 3 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).
Trong năm 2021, ngoài vấn đề là các bộ, ngành, địa phương còn tập trung giải ngân theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 được phép kéo dài, chuyển nguồn thì còn có một số nguyên nhân quan trọng tác động đến giải ngân vốn đầu tư công.
(i) Vướng mắc trong giai đoạn triển khai và thực hiện dự án đầu tư công
Trong thời gian qua, quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn do giá vật liệu tăng cao (giá cát, sỏi, sắt thép) đã làm ảnh hưởng đến công tác thẩm định giá vật tư, thiết bị, việc huy động nguồn lực và tiến độ thi công của các nhà thầu.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu; không huy động được nhân lực cho các công trình, cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố. Công tác triển khai phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương chưa được thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, trong đó có các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, các cơ quan hành chính làm việc qua hệ thống công nghệ thông tin nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công việc, đặc biệt trong công tác thẩm định tại các cơ quan chuyên ngành4.
Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã phải chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật... Đồng thời, từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều cần phải có sự thống nhất với nhà tài trợ.
(ii) Công tác đấu thầu gặp nhiều khó khăn
Công tác đấu thầu còn tồn tại một số vấn đề chủ yếu là do các cơ quan thực thi, một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu theo quy định có trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều bước. Thông thường để có đầy đủ thủ tục có thể giải ngân được vốn cho một dự án khởi công mới thường mất khoảng hơn 4 tháng mới có thể ký kết hợp đồng và khởi công xây dựng, do đó công tác giải ngân vốn cho các dự án mới trong những tháng đầu năm thường bị chậm so với tiến độ. Một số dự án đầu tư công từ nguồn ODA ngoài tiêu chí lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu thì phải thực hiện quy định của nhà tài trợ dẫn đến quá trình giải ngân vốn chậm. Ngoài ra, một số dự án vốn nước ngoài chậm tiến hành đấu thầu là do chuyên gia tư vấn quốc tế xây dựng hồ sơ thầu và đánh giá thầu không sang được hoặc sang chậm dẫn tới nhà tài trợ chậm xem xét và cho ý kiến về hồ sơ mời thầu và hệ quả là kết quả đấu thầu chậm, chưa phê duyệt được hợp đồng, vướng mắc với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu nên chưa thể triển khai.
(iii) Giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ dự án
Đây là hạn chế lớn đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, mỗi địa phương gặp các khó khăn khác nhau. Trên thực tế, có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Thêm vào đó, những vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; việc đo đạc, kiểm đếm và áp dụng mức đền bù cũng còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi; quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện; chính quyền cấp cơ sở e ngại va chạm với người dân do không nắm vững các quy định pháp lý về công tác thu hồi đất. Ngoài ra, thủ tục khi bàn giao đất quốc phòng cho các địa phương để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các sân bay còn có một số vướng mắc.
(iv) Nhà thầu chưa chú trọng công tác làm hồ sơ thanh, quyết toán hợp đồng đối với một số dự án chuyển tiếp
Một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng do khó khăn về xác nhận khối lượng hoàn thành với nhà thầu và tư vấn, hồ sơ nghiệm thu khối lượng chưa thống nhất, phải rà soát nên chưa thể hoàn thành được các chứng từ để thực hiện các thủ tục kiểm soát chi, rút vốn. Nhiều chủ đầu tư chưa khẩn trương thực hiện các thủ tục giải ngân khi các dự án đã có khối lượng thực hiện và nghiệm thu.
Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như ảnh hưởng của địa hình phức tạp, yếu tố thời tiết, mưa lũ; công trình nằm ở vùng sâu, vùng biên giới; tính chất đặc thù chưa đến thời điểm nghiệm thu hoàn thành dự án...
2. Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Để thực hiện nhiệm vụ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
(i) Công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu cần được đẩy nhanh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, sớm khởi công công trình. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán khi có khối lương nghiệm thu, không để dồn vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
(ii) Đối với dự án hoàn thành, cần tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu và lập báo cáo quyết toàn dự án hoàn thành. Đối với các dự án chuyển tiếp, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý và nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán cho các nhà thầu. Đối với dự án khởi công mới năm 2022, lập hồ sơ thiết kế và dự toán theo đúng quy định, phê duyệt và lựa chọn nhà thầu để sớm thi công dự án.
(iii) Các chủ đầu tư cần đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, kiên quyết xử lý nghiệm thu và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
(iv) Tình hình giải ngân của từng dự án cần được theo dõi chặt chẽ, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn dồn vào cuối năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2022.
(v) Giá vật liệu xây dựng cần có các biện pháp quyết liệt để kiểm soát, hạn chế tối đa tình trạng thao túng giá, gây ảnh hưởng đến hiệu quả và giải ngân nguồn vốn dự án đầu tư công.
(vi) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công cần được đẩy mạnh, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm, gây khó khăn, chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Hoàng Như Quỳnh
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2021), Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2021.
2. Bộ Tài chính (2021), Báo cáo NSNN năm 2021.
3. Bộ Tài chính (2021), Số liệu thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 của các bộ, ngành và địa phương.
Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 1+2/2022
*1 Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 05/4/2021, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021, Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021, Nghị quyết 127/NQ-CP ngày 18/10/2021, Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021, (x) Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021, Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021, Nghị quyết 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021, Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03/12/2021.
*2 Quyết định số 255/QĐ-BTC ngày 04/3/2021, Quyết định số 993/QĐ-BTC ngày 14/5/2021, Quyết định số 994/QĐ-BTC và Quyết định 996/QĐ-BTC ngày 14/5/2021, Quyết định số 1227/QĐ-BTC và Quyết định số 1230 ngày 25/6/2021.
*3 Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 79,72 nghìn tỷ, trong đó 73,05 nghìn tỷ là vốn trong nước và 6,67 nghìn tỷ là vốn nước ngoài. Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2021 là 540,36 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng kế hoạch vốn đã được giao là 524,36 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước).
*4 Do đặc thù của tài liệu công trình xây dựng khi trình các cơ quan có thẩm quyền đều bao gồm bản vẽ, có kích thước lớn nên việc thực hiện qua hệ thống công nghệ thông tin gặp khó khăn.