Ngày 05/4/2022, Chi đoàn thanh niên Viện Chiến lược và chính sách tài chính (CLTC) phối hợp với Chi đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chi đoàn Ban nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức Tọa đàm “Tầm nhìn chính sách cho Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tham dự tọa đàm có các đoàn viên các chi đoàn: Viện CLTC, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát. Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các đoàn viên chia sẻ quan điểm, góc nhìn về các vấn đề đương đại, đồng thời thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đoàn thanh niên năm 2022, nhằm tăng cường các hoạt động, đóng góp của đoàn thanh niên đối với công tác chuyên môn và tạo điều kiện cho các đoàn viên giao lưu chuyên môn, trao đổi công tác. Đến dự và chỉ đạo Tọa đàm tại điểm cầu Viện CLTC có TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện CLTC.
TS. Lê Thị Thùy Vân phát biểu khai mạc Tọa đàm
TS. Lê Thị Thùy Vân cho biết, khủng hoảng y tế, tài chính, kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều khái niệm, mô hình phát triển kinh tế trên toàn cầu, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, gia tăng sự dịch chuyển của dòng vốn vào các lĩnh vực xanh và bền vững. Trong bối cảnh những vấn đề toàn cầu như môi trường, rác thải, biến đổi khí hậu… ngày càng trở nên trầm trọng, nhiều nền kinh tế lớn đang cùng nhau chung tay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia đã đưa ra các chiến lược phát triển bền vững và chuyển đổi số nhằm tăng cường khả năng ứng phó của nền kinh tế với các cuộc khủng hoảng mới. Các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, với những thách thức và cơ hội lớn từ sự phát triển của công nghệ, từ các xu hướng đầu tư mới. Quốc gia nào tạo dựng được động lực phát triển mới, nắm bắt được cơ hội sẽ vươn lên trong thập kỷ tới.
Nhiều quốc gia trên thế giới, như Liên minh châu Âu, các quốc gia trong khu vực, như Singapore, Thái Lan… đã có những hành động chính sách hướng tới phát triển kinh tế số xanh, coi chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên tới. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số, thông qua xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số và chuyển đổi xanh trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Để hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra đối với phục hồi kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, đòi hỏi các đột phá chính sách, giải pháp chiến lược từ tất cả các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là từ các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách. Trên cơ sở đó, Tọa đàm đã tập trung trao đổi về 2 xu hướng chuyển đổi nổi bật, bao gồm xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Tọa đàm đã ghi nhận các tham luận, cũng như nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của đoàn viên các chi đoàn. Những ý kiến đóng góp sẽ giúp cho đoàn viên của 3 chi đoàn nâng cao kiến thức, tầm nhìn chính sách, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn trong thời gian tới.
Trung tâm TT&DVTC