(TBTCO) - Sáng 07/4, phát biểu tại Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực vì cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bộ Tài chính luôn nỗ lực vì doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của doanh nghiệp (DN), người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, đồng thời vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Từ quý 4/2021, nhờ vừa phòng chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế, nước ta đã đạt được thành công về kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn nỗ lực vì doanh nghiệp. Ảnh: Đức Minh
Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Bộ trưởng cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đã vượt 16,5% dự toán. GDP năm 2021 tăng 2,58%, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Bội chi ngân sách đạt 3,41% GDP, thấp hơn mức Quốc hội giao là 4%. Nợ Chính phủ và nợ công trong tầm kiểm soát, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc “đây là thành công rất lớn”. Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các DN, hiệp hội DN và người dân.
Điểm lại các kết quả đạt được trong quý I/2022, theo Bộ trưởng, quý I/2022, GDP tăng 5,03%, thu ngân sách đạt 472 nghìn tỷ đồng, đạt 33,5% dự toán; xuất siêu gần 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, lạm phát quý I tăng 1,92% do giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu thế giới tăng cũng đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
“Đại dịch tác động sâu rộng mọi ngõ ngách kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính rất chia sẻ với DN, Bộ đã kịp thời trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chế độ, chính sách về gia hạn, miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Năm 2021, đã thực hiện miễn, giảm lên tới 129 nghìn tỷ đồng” - người đứng đầu ngành Tài chính cho hay.
Ngoài các chính sách miễn giảm thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã tham mưu trích quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trả cho người lao động; giảm tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông… Một loạt các chính sách đã được ban hành.
Kịp thời ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế
Để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc xin phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi (thông qua cắt giảm chi thường xuyên) và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022.
Diễn đàn nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Đức Minh
Đồng thời, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin để huy động thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xuất cấp hàng trăm nghìn tấn gạo và nhiều vật tư y tế hỗ trợ nhân dân chống dịch.
“Chúng tôi đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có chính sách sát thực, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN phát triển. Bộ Tài chính ngoài tham mưu và điều hành chính sách tài khóa, còn thực hiện phối hợp điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Bộ Tài chính là bộ tham mưu, ban hành chính sách, chúng tôi luôn suy nghĩ ban hành các chính sách phải sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN, đảm bảo mục tiêu Tài chính Nhà nước, Tài chính DN, Tài chính dân cư cùng phát triển toàn diện, hài hòa và mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định tại diễn đàn.
Sang năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
“Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và áp dụng ngay từ ngày 1/2/2022. Chính sách này được ban hành từ rất sớm. Dự kiến năm 2022 giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính đối với cộng đồng DN” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Liên quan đến giá xăng dầu tăng, Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi rất trăn trở và đã tính bài toán tác động của giá xăng dầu tới nền kinh tế. Giá dầu thô tăng đến 130 USD/thùng, đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng tới DN cũng như nguồn thu ngân sách mà DN đóng góp. Tuy nhiên, nếu để điều chỉnh, phải thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ, không chỉ là các giải pháp về thuế, phí, mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, xăng dầu dự trữ, Quỹ Bình ổn giá, chống buôn lậu…”.
Theo Bộ trưởng, giá xăng dầu thế giới đứng ở mức cao, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia lân cận. Đây là kết quả nỗ lực của cơ quan điều hành.
Nhắc đến gói kích cầu thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ trưởng cho biết, gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023), đòi hỏi các chương trình, kế hoạch phải thực hiện nhanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc bài phát biểu tại Diễn đàn, người đứng đầu Bộ Tài chính gửi lời cảm ơn tới cộng đồng DN, mong DN tiếp tục thành công, nâng cao sức cạnh tranh.
“Với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để sát cánh cùng DN” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định./.
Minh Anh