Cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam 17/02/2022 16:09:00 2637

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

17/02/2022 16:09:00

Nguyễn Văn Vẹn

Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tài chính - Marketing

 

Tài chính cho đô thị thông minh (ĐTTM) là huy động, thu hút nguồn tài chính để xây dựng, vận hành và phát triển ĐTTM. Cơ chế, chính sách tài chính là tổng thể các quan điểm, giải pháp và công cụ tài chính mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể có liên quan đến việc hình thành, xây dựng và phát triển ĐTTM theo định hướng mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, để hoạt động xây dựng và phát triển ĐTTM thành công, các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, cần ưu tiên xây dựng, thẩm định và ban hành chính sách tài chính cho ĐTTM.

Từ khóa: ĐTTM, nguồn vốn, tài chính ĐTTM.

Financing smart cities is mobilizing and attracting financial resources to build, operate and develop smart cities. Financial mechanisms and policies are the combination of viewpoints, solutions and financial tools that the State utilizes to influence the subjects involved in the formation, construction and development of smart cities, following the goal of socio-economic development of the country. Therefore, to construct and develop successfully smart cities, countries, especially Vietnam, need to prioritize the development, appraisal and issuance of financial policies for smart cities.

Keywords: Smart cities, capital sources, financing smart cities.

1. Một số vấn đề về đô thị thông minh

1.1. Khái niệm về đô thị thông minh

Thuật ngữ “ĐTTM” ngày càng được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong các tài liệu khoa học, quản trị, kinh tế và chính sách của các quốc gia. Theo Albino và cộng sự (2015), khái niệm ĐTTM bắt đầu từ những năm 1990, được sử dụng chủ yếu để mô tả việc áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng đô thị. Bakıcı và cộng sự (2013) lập luận, ĐTTM là một đô thị tiên tiến về công nghệ, kết nối con người, thông tin và các yếu tố của đô thị sử dụng các công nghệ mới để tạo ra sự bền vững, tạo ra đô thị xanh hơn có khả năng sáng tạo, cạnh tranh thương mại và nhằm tăng chất lượng cuộc sống. Giffinger và cộng sự (2007) cho thấy, ĐTTM là một đô thị tốt, hướng đến tương lai, được xây dựng dựa trên sự kết hợp thông minh gồm 6 đặc trưng: kinh tế thông minh, con người thông minh, quản trị thông minh, di động thông minh, môi trường thông minh và đời sống thông minh. Nghiên cứu của Nam và Pardo (2011) xác định ba khía cạnh ĐTTM gồm công nghệ thông minh, con người thông minh, cộng tác thông minh. Trong khi đó, Abella và cộng sự (2017) xác định ĐTTM là một hệ sinh thái các dự án, sáng kiến và hành động được thực hiện bởi tất cả các tổ chức công - tư cung cấp dịch vụ cho người dân với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ. Tại Việt Nam, việc lựa chọn xây dựng ĐTTM có ý nghĩa chiến lược, trong đó tìm kiếm huy động nguồn tài chính cho xây dựng và phát triển ĐTTM là rất cần thiết.

1.2. Những cơ hội, thách thức và rào cản phát triển đô thị thông minh

Cơ hội đối với phát triển đô thị thông minh

[1] Tạo ra sự đổi mới, cơ hội để hướng đến tương lai thông minh.

Để tồn tại và cải thiện chất lượng cuộc sống, những nỗ lực đổi mới liên tục của con người đã được triển khai ở tất cả các lĩnh vực, từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, CNTT để tạo ra giá trị mới tốt hơn (Lee và cộng sự, 2012). ĐTTM là một sự lựa chọn nhằm mang lại chất lượng môi trường sống đô thị tốt hơn cho công dân, giải quyết thách thức các căn bệnh xã hội, mục tiêu cuối cùng của đổi mới là tạo ra một tương lai thông minh (Canton, 2015). Tương lai thông minh của đô thị giải quyết các vấn đề phức tạp nhằm bảo vệ môi trường sống, tạo ra môi trường sống hiện đại, đảm bảo xanh, sạch và an toàn, cũng như mang lại những cơ hội tốt hơn cho mọi người trong việc học hỏi và phát triển cá nhân, tham gia vào các mối quan hệ cộng đồng, đảm bảo cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh với nguồn tài chính đầy đủ (Streitz, 2015). Xây dựng ĐTTM tạo ra một tương lai thông minh không những là cơ hội để hiện đại hóa đất nước thông qua việc đầu tư các thiết bị thông minh, công nghệ tiên tiến, chiến lược mà còn góp phần giữ gìn công bằng xã hội, thượng tôn luật pháp, minh bạch, trách nhiệm; đồng thời phát huy trí tuệ tập thể, sự gắn kết của cộng đồng (Kramer và Pfitzer, 2016).

[2] Tạo ra cộng đồng đô thị bền vững.

Thực tiễn cho thấy, ĐTTM là quá trình phát triển luôn luôn gắn với quá trình đô thị hóa, sáng tạo của con người. Theo đó, ĐTTM ứng dụng các công nghệ mới nhằm giảm tác động môi trường, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo Liên hợp quốc (2018), mục tiêu ĐTTM được thiết lập thông qua 17 tiêu chí chấm dứt nghèo đói và các thiếu thốn trong chiến lược cải thiện sức khỏe và giáo dục, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng, đại dương và hệ sinh thái của loài người. ĐTTM có tiềm năng hiện thực hóa nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Corbett, 2017).

Tại Việt Nam, việc triển khai ĐTTM là cơ hội để đạt được phát triển toàn diện trên những khía cạnh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giám sát chất lượng không khí, môi trường và chất lượng nước ở đô thị. Aamir và cộng sự (2014) cho rằng, ĐTTM giúp sử dụng năng lượng điện tối ưu, thân thiện với môi trường, các nguồn tài nguyên tái tạo sử dụng hiệu quả thông qua các hệ thống CNTT và truyền thông. Năng lượng tái tạo được sử dụng hiệu quả sẽ góp phần cải thiện môi trường, khí hậu và hiệu ứng nhà kính (Ahuja và Khosla 2019). Trong ĐTTM, mạng lưới điện thông minh được đưa vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sẽ trở nên an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế hơn, giảm tiêu thụ năng lượng, cung cấp năng lượng tái tạo và giảm các-bon (Chui và cộng sự, 2018). Bên cạnh đó, ĐTTM cũng tập trung vào quy hoạch đô thị bền vững thông qua cấu trúc cơ bản về xây dựng đô thị bền vững (Sanseverino và cộng sự, 2015). Ngoài ra, ĐTTM cũng tạo ra một cơ chế giám sát chất lượng hệ thống mở sử dụng giao tiếp không dây và xử lý dữ liệu, lưu trữ và truyền tải, hệ thống thu thập dữ liệu, truyền dữ liệu, lưu trữ dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu với sự trợ giúp của điện toán đám mây (Chen và Han, 2018).

[3] Mang lại lợi thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ĐTTM được kỳ vọng sẽ là động lực của các nền kinh tế - xã hội trong tương lai. Mỗi ĐTTM có những đặc điểm, đặc thù, khác biệt riêng để tạo ra lợi thế, gia tăng năng lực cạnh tranh, trong đó ĐTTM sáng tạo đóng vai trò giúp đạt được lợi thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Sáng tạo, lớp sáng tạo hay các ngành công nghiệp sáng tạo sẽ là đại diện cho trung tâm sáng tạo có ảnh hưởng đến mọi hoạt động của con người, đặc biệt là khi thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với triển vọng về ngành công nghiệp giải trí sẽ trở thành ngành công nghiệp cơ bản có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của xã hội loài người. ĐTTM là cơ hội tạo ra lợi thế chung về tăng trưởng đô thị, kinh tế; là động lực, nền tảng cho sự đổi mới, thay đổi nhân khẩu học, kinh tế, chính sách, nền văn hóa, ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển dẫn đến sự hình thành nhiều ngành công nghiệp mới (Hartley, 2009).

Thách thức phát triển đô thị thông minh

Quá trình xây dựng và phát triển đô thị hiện đại là một thách thức đặt ra đối với các quốc gia. Nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự đoán có thể dẫn đến kết quả không đạt được mục tiêu đặt ra cho cộng đồng đô thị, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của đô thị. Những thách thức cho các đô thị hiện đại tập trung xung quanh các nội dung như: dàn trải đô thị mất kiểm soát; ô nhiễm môi trường; logistics đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý chất thải; dân số già; phân tầng xã hội, mức độ giàu nghèo, khu vực nghèo đói; mức độ tham gia của người dân trong quản lý các vấn đề công thấp. Những thách thức này là bài học cho các nước tiến hành xây dựng và phát triển ĐTTM, trong đó có Việt Nam.

Rào cản của phát triển đô thị thông minh

Dựa trên nghiên cứu của Nripendra (2019) và các nghiên cứu trước đây, trong 6 khía cạnh (quản trị, kinh tế, công nghệ, xã hội, môi trường, pháp lý và đạo đức) có 31 rào cản được công nhận đối với phát triển ĐTTM.

Về quản trị, ĐTTM phải đối mặt với các rào cản như thiếu hợp tác và phối hợp giữa các mạng lưới vận hành đô thị trong việc triển khai ĐTTM; tầm nhìn quản lý CNTT cho sự phát triển ĐTTM chưa rõ ràng; các bất ổn chính trị. Ngoài ra, các rào cản liên quan đến quản trị còn do người dân thiếu lòng tin vào cơ quan quản lý và chính phủ, gây cản trở xây dựng và sự phát triển ĐTTM; sự tham gia của khu vực công - tư kém hiệu quả; chưa có hệ thống thông tin chung để đảm bảo khả năng quản lý toàn diện từ đầu đến cuối cơ sở hạ tầng và dịch vụ ĐTTM.

Về kinh tế - tài chính, các rào cản đối với ĐTTM bao gồm: thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT thông minh (hệ thống điện dựa trên năng lượng mặt trời, điện toán đám mây, hệ thống giao thông thông minh, giải pháp năng lượng thông minh …). Các doanh nghiệp địa phương thiếu năng lực cạnh tranh để đối phó với những thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển ĐTTM. Bên cạnh đó, thiếu chi phí đào tạo CNTT và phát triển kỹ năng, chi phí đào tạo CNTT cao cũng là rào cản đối với phát triển ĐTTM. Ngoài ra, sự biến động ngày càng tăng và không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu… cũng gây ra một số tác động cản trở đối với việc phát triển ĐTTM.

Về xã hội, những rào cản mà ĐTTM gặp phải là: thiếu sự tham gia của người dân; mức độ nhận thức của cộng đồng về ĐTTM và tác động của mô hình này đối với chất lượng cuộc sống còn thấp; các vấn đề đa dạng địa lý, sự phát triển không cân bằng về địa lý; mức độ bất bình đẳng cao trong giáo dục, thu nhập, kỹ năng công dân.

Về công nghệ, các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách phát triển ĐTTM thiếu kiến thức chuyển đổi công nghệ hoặc khả năng thực thi cần thiết cho sự phát triển ĐTTM sẽ làm cản trở quá trình phát triển ĐTTM. Ngoài ra, việc đa số người dân chưa có khả năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật số hiện đại; các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật như các mối đe dọa từ tin tặc và vi-rút, quyền riêng tư thấp; chi phí cho chuyên gia, tư vấn, cài đặt, vận hành, bảo trì cao; các sự cố hệ thống đột xuất xảy ra do hệ thống CNTT đô thị... cũng gây ra những khó khăn cho việc phát triển ĐTTM.

Về môi trường, ĐTTM sẽ gặp phải một số rào cản như thiếu tầm nhìn đối với việc tiêu thụ năng lượng; dân số tăng ở các đô thị; thiếu đồng bộ về tính bền vững; suy thoái nguồn tài nguyên như nguồn cung cấp nước ngọt, nguyên vật liệu sản xuất cạn kiệt và giảm nguồn thực phẩm; không có khả năng chuyển đổi theo quỹ đạo cac-bon thấp và các biện pháp giảm phát thải của các đô thị....

Về luật pháp và đạo đức, các vấn đề văn hóa như thiếu nguồn cảm hứng sáng tạo và văn hóa chia sẻ của những người sống cùng nhau trong các ĐTTM; vấn đề dữ liệu mở và khả năng truy cập có thể cản trở quá trình cung cấp, kinh doanh dịch vụ thông tin qua các ứng dụng của ĐTTM chuyển đến cho người dân và doanh nghiệp đô thị; thiếu minh bạch và trách nhiệm pháp lý trong hoạt động cung cấp các dịch vụ thông minh; thiếu các quy định và chính sách tiếp cận… là những rào cản đối với phát triển ĐTTM.

2. Thực trạng chính sách và nguồn tài chính phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

2.1. Chính sách cho xây dựng và phát triển đô thị thông minh

Hiện nay, chính sách tài chính dành riêng cho xây dựng và phát triển ĐTTM ở Việt Nam chưa được ban hành. Các địa phương vận dụng quy định của Nhà nước một cách riêng lẻ, phân tán, manh mún theo những cách khác nhau. Đơn cử như tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng theo: Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13; Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015; chi phối hoạt động hạch toán kế toán, quyết toán và báo cáo của các đơn vị; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh còn áp dụng thêm Nghị quyết số 54/2017/QH14 “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, thành phố đã ban hành nhiều văn bản và nghị quyết để hỗ trợ việc phát triển ĐTTM như: Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý; Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022; Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 về thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố

2.2. Nguồn vốn cho xây dựng đô thị thông minh

Nhìn chung, nguồn vốn cho xây dựng ĐTTM tại Việt Nam chưa thống nhất tập trung. Việt Nam đang thực hiện theo cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên - vừa tập trung vừa phân tán thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai ĐTTM theo đề án riêng. Điều này dẫn đến nguồn vốn huy động hạn chế và khó triển khai thành công, trong khi việc xây dựng ĐTTM cần đến nguồn vốn lớn. Riêng thành phố Hồ Chí Minh - địa phương triển khai sớm đề án ĐTTM từ hai nguồn vốn cụ thể: (i) Vốn ngân sách nhà nước (NSNN): thành phố thực hiện thu chi theo cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 và nguồn để lại từ ngân sách trung ương để đầu tư phát triển cho thành phố. Nguồn vay nợ bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vay; (ii) Nguồn vốn ngoài nhà nước (vốn xã hội hóa, vốn hợp tác công tư - PPP) như: nhượng quyền khai thác, thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành, xây dựng - vận hành - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - vận hành, xây dựng - sở hữu - vận hành; xây dựng - vận hành - quản lý; xây dựng - sở hữu - vận hành - chuyển giao... Theo kế hoạch thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 1 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2030, trong khi nguồn vốn đầu tư phát triển phụ thuộc chủ yếu vào tái chiết khấu từ thu NSNN trên địa bàn, khi tái chiết giảm từ 33% xuống còn 18% vào năm 2017, ảnh hưởng lớn tới đầu tư phát triển thành phố. Giai đoạn 2013 - 2019, thành phố Hồ Chí Minh huy động 56.332 tỷ đồng, trong đó 28,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn thu phát hành trái phiếu đô thị, 4 nghìn tỷ đồng từ nguồn tồn Kho bạc Nhà nước, vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức là 23.431 tỷ đồng (Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, 2020a, 2020b). Nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm qua không ngừng tăng, từ 241.632 tỷ đồng (năm 2015) lên 7,94%, (năm 2016), 19,04% (năm 2017), 17,09% (năm 2018) và 10,28% (năm 2019) với tổng giá trị đầu tư của khoảng 400.905 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng thấp dần qua các năm, năm 2015 là 23,4% sau đó đến năm 2019 giảm xuống còn 13,4%. Vốn khu vực ngoài nhà nước có tỷ trọng tăng dần từ 76,6% (năm 2015) lên 86,6% (năm 2019). Có thể thấy, nguồn vốn cần cho các dự án ĐTTM rất lớn, trong đó nguồn vốn “mồi” từ Nhà nước đầu tư kích cầu cho các đô thị ở giai đoạn đầu là rất quan trọng. Cùng với đó, việc hoàn thiện chính sách tài chính phù hợp để huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau cho xây dựng và phát triển ĐTTM của Việt Nam là cần thiết.

2.3. Hạn chế về cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong thời gian qua

Từ thực tế các địa phương trong quá trình triển khai đề án phát triển ĐTTM có thể thấy một số hạn chế còn đang tồn tại. Chính sách hướng dẫn toàn diện về mô hình chung triển khai các ĐTTM vẫn còn thiếu. Tài chính cho ĐTTM sử dụng vốn NSNN áp dụng theo khoản 3 Điều 6 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện Nghị định này chỉ dừng lại ở cấp độ sử dụng nguồn NSNN đầu tư ứng dụng CNTT trong khi các dự án đầu tư cho ĐTTM cần đến nguồn vốn quy mô lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh và các bên tham gia cũng như sự vận hành cả thị trường tài chính, huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

Hình thức PPP được quy định theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, khung pháp lý về PPP chưa rõ ràng và có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Quản lý đối với các dự án PPP còn thiếu chặt chẽ từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát. Hoạt động giám sát có nơi chưa thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ và dễ xảy ra sai sót ở các khâu triển khai, gây thất thoát trong quá trình thi công dự án. Sự phân chia lợi ích giữa Nhà nước và khu vực tư nhân cũng chưa có cơ chế rõ ràng, chi tiết đối với từng loại hình dự án, xác định cụ thể chi phí và rủi ro dự án. Việc triển khai ĐTTM còn cần đến văn bản hướng dẫn cụ thể về danh mục kêu gọi đầu tư chi tiết cho từng hạng mục, để đảm bảo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước tham gia. Phát triển kinh tế khu vực tư nhân trong lĩnh vực CNTT cũng còn nhiều hạn chế, thiếu các chính sách tài chính đủ mạnh thu hút khu vực này, trong đó việc ban hành lộ trình chung, đồng bộ hóa hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng ĐTTM, đảm bảo về nguồn vốn cho đặc trưng ĐTTM bao gồm hạ tầng thông minh, di chuyển thông minh, con người thông minh, đời sống thông minh… chưa được hoàn thiện.

Khung cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng về việc tiếp cận nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân về CNTT, doanh nghiệp sáng tạo tham gia cho đầu tư phát triển ĐTTM còn thiếu. Thị trường tài chính cho ĐTTM bắt đầu manh nha hình thành, tuy nhiên thiếu một khuôn khổ pháp lý để vận hành ổn định và cơ chế phát triển các công ty tài chính, quỹ đầu tư, liên kết quỹ đầu tư trong và ngoài nước, trung tâm tài chính mạnh cho xây dựng và phát triển ĐTTM.

2.4. Những tác động tích cực của cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam thời gian tới

Trong những năm qua phát triển các đô thị Việt Nam đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó việc tiếp cận, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị được ứng dụng mạnh mẽ, kế thừa thành tựu đã đạt được. Việc đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển ĐTTM tại Việt Nam thời gian tới dự báo sẽ mạng lại nhiều tác động tích cực đến phát triển mô hình này. Cơ chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển ĐTTM góp phần làm tăng trưởng kinh tế đô thị và ĐTTM, nâng cao khả năng thu hút và phát triển thị trường tài chính thông qua dòng chảy tài chính cho khu vực này.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường tài chính Việt Nam sẽ được mở rộng thông qua việc gia tăng thị trường tài chính tại các đô thị, rút ngắn khoảng cách quy mô tài chính với thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách cho phát triển ĐTTM sẽ giúp hình thành đầu mối, trung tâm kết nối thu hút tài chính từ các khu vực trong và ngoài nước góp phần khai thông dòng chảy tài chính lan tỏa giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không những vậy, cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển ĐTTM góp phần bổ sung lý luận về cơ chế, chính sách tài chính cho ĐTTM trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

3. Một số khuyến nghị chính sách tài chính cho phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Việt Nam cần chú trọng tiếp cận toàn diện việc xây dựng, hình thành và thúc đẩy phát triển thị trường tài chính bao gồm thị trường vốn, thị trường tiền tệ cho ĐTTM. Các chính sách khuyến khích cho hoạt động đầu tư, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, cơ chế tạo nguồn thu từ ĐTTM cần được nghiên cứu và hoàn thiện. Cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động đầu tư công, PPP, hợp tác quốc tế trong đầu tư tài chính cần được rà soát toàn diện và bổ sung theo hướng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, PPP, xây dựng - vận hành - chuyển giao, xây dựng - chuyển giao vào tất cả các lĩnh vực ĐTTM ở Việt Nam như hạ tầng thông minh, năng lượng thông minh, di chuyển thông minh... Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ĐTTM theo hướng phân cấp hợp lý, chịu trách nhiệm trong thẩm quyền quyết định về tài chính cho các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư vào ĐTTM ở các địa phương, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn NSNN. Đồng thời, rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển toàn diện hệ sinh thái tài chính quốc gia, bao gồm: phát triển các định chế tài chính, mô hình tài chính, công cụ tài chính, thúc đẩy liên kết và kiểm soát chặt chẽ các chủ thể khác trong hệ sinh thái tài chính ĐTTM. Các chính sách thúc đẩy kết nối, hợp tác, thiết lập mạng lưới tài chính toàn cầu cần được ban hành nhằm tạo sự liên kết thúc đẩy tìm kiếm cơ hội cho các chủ thể tham gia đầu tư vào ĐTTM Việt Nam.

Các nội dung được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung để đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP cho phát triển ĐTTM. Theo đó, khuôn khổ pháp lý cần được hoàn thiện rõ ràng, chi tiết đối với hình thức đầu tư PPP nói chung và cụ thể trong từng lĩnh vực của phát triển ĐTTM nói riêng. Ngoài ra, Việt Nam cần xác định các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân được khuyến khích cung cấp, đơn cử như cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ ĐTTM. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, theo dõi trong quá trình thực hiện các dự án PPP.

Các chính sách cần được điều chỉnh theo hướng giảm thiểu rủi ro trong đầu tư tài chính cho ĐTTM để thu hút nguồn vốn tư nhân. Cơ chế bảo lãnh cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án ĐTTM có khả năng rủi ro cao cần được hoàn thiện. Đồng thời, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro vận hành, xây dựng, thị trường, chính sách cho các dự án đầu tư quan trọng vào ĐTTM như carbon thấp, năng lượng tái tạo...

Để giảm gánh nặng tài chính và tạo động lực cho quá trình hiện đại hóa, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách tài chính cho phát triển “quỹ nghiên cứu phát triển” đủ mạnh cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo phát triển ĐTTM. Cơ chế thị trường, xã hội hóa cần được khuyến khích, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng phát triển ĐTTM thông qua công cụ trái phiếu kho bạc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp để gây quỹ cho ĐTTM phát triển cần được khuyến khích. Ngoài ra, Việt Nam cần có cơ chế triển khai linh hoạt các công cụ tài chính như PPP; trái phiếu xanh; hợp đồng hiệu quả tiết kiệm năng lượng; tài chính tăng thuế; tài chính cổ đông; đầu tư tư nhân và các công cụ khác.

Việt Nam cần xây dựng và phát triển các mô hình tài chính thông minh để thu hút vốn từ xã hội như: mô hình nguồn vốn và các loại tài chính cơ bản (tài chính trực tiếp, tài chính trung gian, các định chế tài chính tham gia khác); các công cụ nợ cao cấp (tài trợ bằng nợ đề cập đến việc mua lại vốn bằng cách đi vay, các khoản cho vay, cấu trúc bảo lãnh phổ biến); vốn chủ sở hữu; cơ chế tài chính công; chuyển mô hình từ cấp vốn công sang mô hình hợp đồng PPP; mô hình nhu cầu đầu tư cho các dự án ĐTTM; trái phiếu thông minh; tài trợ cộng đồng; quản lý nợ và sử dụng nợ công hiệu quả

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện các dự án có nhiều rủi ro như thiếu tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng, công nghệ 4.0, công nghệ thông minh, điều khiển tự động... do thiếu hiểu biết về các cơ hội thị trường. Do đó, để thu hút vốn từ khu vực tư nhân và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, Việt Nam cần bổ sung thêm các công cụ tài chính như: (i) Đồng cấp vốn để giảm nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và do đó giảm các tổn thất tiềm ẩn; (ii) Hỗ trợ cổ phần nhằm cung cấp vốn thông qua cổ phần cho các nhà đầu tư phát triển tư nhân; (iii) Bảo lãnh cho các ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân - bảo lãnh các dự án thua lỗ đầu tiên cho khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, cụ thể như: (i) Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; (ii) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; (iii) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh

Tài liệu tham khảo

1. Albino,V., Umberto, B., & Rosa, M.. D. (2015), Smart Cities: Definitions, Dimensions, Performance, and Initiatives, Journal of Urban Technology, 2015, vol. 22, issue 1, 3 - 21.

2. Ahuja K & Khosla, A. (2019), A Novel Framework for Data Acquisition and Ubiquitous Communication Provisioning in Smart Cities, Futur. Gener. Comput. Syst. 101 785 - 803.

3. Bakıcı, T., Almirall, E., & Wareham, J. (2013), A Smart City Initiative: The Case of Barcelona, J. Knowl”, Econ.4, 135 - 148.

4. Nam, T., & Pardo. T. (2011), Conceptualizing Smart City with Dimensions of Technology, People, and Institutions, Proceedings of the 12th Annual International Digital Government Research Conference, 282 - 291.

5. Sanseverino, E.R., Scaccianoce, G., Vaccaro, V., Carta, M., & Sanseverino, R.R (2015), Smart Cities and Municipal Building Regulation for Energy Efficiency, Int. J. Agric. Environ. Inf. Syst. (IJAEIS) 6, 56 - 82.

6. Streitz, N. (2015), Citizen-centered Design for Human and Sociable
Hybrid Cities,
In I. Theona, & D. Charitos (Eds.), Hybrid city 2015
- Data to the people, Proceedings of the 3rd international biannual
conference , 17 - 20.

7. Tranos, E., & Gertner, D. (2012), Smart Networked Cities?, Innovation: The European Journal of Social Science Research, 25(2), 175 - 190.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 1/2022

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%