Huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam 28/02/2022 16:13:00 1343

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

28/02/2022 16:13:00

Lê Minh Hương

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

 

Thế kỷ XXI được xem là "Thế kỷ của biển và đại dương" khi kinh tế biển trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược biển của các quốc gia. Nhiều nước, gồm cả quốc gia có biển hay không có biển, đều có chủ trương dịch chuyển hướng phát triển dựa vào không gian đất liền sang tận dụng hoặc tạo ảnh hưởng trên không gian biển thông qua việc ban hành chiến lược cũng như các luật kinh tế biển riêng biệt, xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ về tài chính, thuế, bảo hiểm… cho phát triển kinh tế biển. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển với nhiều ngành từ khai thác tài nguyên biển, du lịch và dịch vụ biển, logistics đến các ngành mới như năng lượng tái tạo. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu kinh nghiệm huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển ở một số nước trên thế giới, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.

Từ khóa: Kinh tế biển; nguồn lực tài chính; huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính.

The 21st century is called the "Century of the seas and oceans" when the marine economy becomes an important content in the maritime strategy of countries. Many countries, including maritime and landlocked countries, haveactively shifted the direction of development from depending on land space to taking advantage or influencing on maritime space through the issuance of strategies, laws on marine economy, the development of financial policies to support finance, tax, insurance... for marine economic development. Vietnam is considered as a country with great advantages and potential for marine economic development with many industries based on marine resource exploitation, tourism and marine services, logistics to new industries such as renewable energy. The article will focus on studying the experience of mobilizing, allocating and utilizing financial resources for marine economic development in some countries around the world, thereby proposing lessons for Vietnam.

Keywords: Marine economy; financial resource; mobilizing, allocating and utilizing financial resources.

1. Một số vấn đề lý luận về kinh tế biển và nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển

Lý luận về kinh tế biển được nghiên cứu vào những năm 70 của thế kỷ XX bởi Ủy ban Phân tích kinh tế Hoa Kỳ và dần được bổ sung, phát triển cho đến những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại sự khác biệt về khái niệm, tiêu chí phân loại cũng như phương pháp tiếp cận về kinh tế biển giữa các quốc gia cũng như trong các nghiên cứu. Trong đó, tại Anh, kinh tế biển bao gồm các hoạt động liên quan đến lao động trên hoặc trong biển như việc sản xuất hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ liên quan trực tiếp tới hoạt động trên hoặc trong biển (UK Marine Industries Alliance, 2016). Tại Hàn Quốc, kinh tế biển là những hoạt động kinh tế diễn ra trên biển mà các hàng hóa và dịch vụ đặt trong hoạt động biển và những hoạt động sử dụng các nguồn lực biển như một yếu tố đầu vào. Tại Việt Nam, kinh tế biển là những hoạt động kinh tế diễn ra ở vùng ven biển, trên các hải đảo, ở ngoài biển và thềm lục địa (Võ Nguyên Giáp, 1987). Kinh tế biển là kéo dài của kinh tế đất liền” nên “cư dân biển phải khác với cư dân nông nghiệp lúa nước” và “kinh tế biển phải được đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đảm bảo an ninh quốc phòng để hình thành một yếu tố an ninh biển tổng hợp (Nguyễn Chu Hồi, 2007). Kinh tế biển là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển (Bùi Tất Thắng, 2007).

Mặc dù chưa có sự thống nhất hoàn toàn song các cách tiếp cận về khái niệm và nội hàm của kinh tế biển vẫn có những điểm tương đồng, đó là không gian biển là cơ sở hình thành kinh tế biển. Đồng thời, kinh tế biển bao gồm các hoạt động trực tiếp và gián tiếp liên quan đến biển. Vì vậy, về cơ bản nội hàm kinh tế biển được hiểu là các hoạt động kinh tế diễn ra trong phạm vi biển (khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác hải sản biển; du lịch biển; cảng biển; năng lượng gió trên biển); các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn lực từ biển (công nghiệp ven biển) và các hoạt động phụ trợ cung ứng đầu vào cho kinh tế biển (đóng và sửa chữa tàu, thuyền; vận tải biển…).

Để phát triển kinh tế biển cần các nguồn lực gồm nguồn lực tài chính, đất đai và tài nguyên, con người (nguồn nhân lực), khoa học công nghệ và nguồn lực phi vật thể. Trong đó, nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển là khả năng về tài chính mà các chủ thể trong xã hội có thể sử dụng nhằm thực hiện khai thác các nguồn lợi từ biển. Nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển có thể tồn tại dưới dạng tiền, tài sản vật chất hoặc phi vật chất. Kết quả của quá trình phân phối các nguồn tài chính cho phát triển kinh tế biển là sự hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ - một lượng nhất định các nguồn tài chính đã huy động được để sử dụng cho một mục đích nhất định. Như vậy, sự vận động của nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển gắn với quá trình huy động và phân bổ các quỹ tiền tệ vào các mục đích cụ thể. Trong đó, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển là việc tìm kiếm và thu hút các nguồn lực tài chính từ các khu vực, đối tượng khác nhau trong nền kinh tế. Phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển là quá trình phân chia, sử dụng các nguồn lực thu hút được vào các hoạt động (như đầu tư, chi tiêu, trợ cấp...) nhằm đạt được các mục tiêu khác nhau của mỗi chủ thể.

Các nguồn lực tài chính có thể huy động, phân bổ và sử dụng từ chủ thể là Nhà nước và ngoài Nhà nước. Trong đó, đối với nguồn lực tài chính nhà nước cho phát triển kinh tế biển có thể huy động trực tiếp qua: thuế (bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí cho ngân sách nhà nước - NSNN); vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); phát hành trái phiếu trên thị trường tài chính trong nước hoặc quốc tế. Sau đó, khu vực nhà nước có thể phân bổ các nguồn lực tài chính trực tiếp qua các công cụ là chi tiêu ngân sách (cho cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, trợ cấp bảo hiểm…), đầu tư công (gồm cả các dự án hợp tác công tư - PPP) cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường giao thông ven biển, hệ thống cảng biển, hệ thống trạm tránh trú bão… hoặc qua thị trường tài chính bằng cách mua cổ phiếu của doanh nghiệp, cấp tín dụng qua hệ thống ngân hàng; thông qua các ưu đãi về chính sách thuế, tín dụng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư tư tư nhân vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế biển... hoặc phân bổ qua các chương trình mục tiêu quốc gia khác hướng đến xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội… trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng. Đối với tài chính của khu vực ngoài nhà nước, huy động nguồn lực từ khu vực này thông qua tiết kiệm của doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình, đầu tư nước ngoài, kiều hối, vốn của các tổ chức phi chính phủ… Các nguồn lực tài chính sau đó sẽ được phân bổ qua các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, các chương trình phi chính phủ… Bên cạnh tài chính nhà nước và ngoài nhà nước còn có sự kết hợp giữa hai khu vực này dưới hình thức các dự án PPP.

2. Kinh nghiệm huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển ở một số nước

2.1. Kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển ở một số nước

Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển là quá trình khai thác nhiều nguồn vốn khác nhau trong nền kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu tối ưu cho đầu tư phát triển kinh tế biển. Ở các nước, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau qua: thu NSNN; đầu tư trong và ngoài nước; PPP; chính sách tài chính đất đai.

Huy động nguồn lực tài chính thông qua thu NSNN

Củng cố và nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực vào ngân sách được xem là một công cụ quan trọng hướng tới phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng. Theo đó, nhiều quốc gia đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để củng cố nguồn thu từ thuế và thu ngân sách khác, chủ yếu là cải cách thuế nhằm hoàn thiện các chính sách thuế, tăng cường hiệu quả thu thuế và chống thất thu. Trong đó, để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh để thu hút đầu tư vào kinh tế biển, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của nhiều nước trên thế giới đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Mức thuế suất thuế TNDN trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm từ 32% (năm 2000) xuống 25% (năm 2015) và 22% từ năm 2018 đến nay1. Trong khu vực ASEAN, thuế suất trung bình thuế TNDN đã giảm từ 25,1% (năm 2010) xuống còn 21,7% (năm 2020)2.

Cùng với đó, nhiều quốc gia đang thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu thông qua việc tăng thuế tiêu dùng. Phần lớn các quốc gia điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT nhằm tăng thu ngân sách.3 Bên cạnh đó, phát triển bền vững và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng chung trên toàn cầu. Vì vậy, xây dựng và áp dụng thuế môi trường đã trở thành một xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng (bao gồm cả nước phát triển và nước đang phát triển). Trong khu vực OECD, thu NSNN từ các khoản thuế liên quan đến môi trường chiếm khoảng 3 - 10% tổng thu NSNN từ thuế.

Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển từ đầu tư trong và ngoài nước

Các nước xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế biển. Trong đó, chính sách ưu đãi thuế TNDN được thực hiện thông qua các hình thức như miễn, giảm thuế TNDN; cho phép một số loại tài sản cố định thuộc một số ngành trong kinh tế biển được phép áp dụng chế độ khấu hao nhanh; cho phép khấu trừ vào chi phí hợp lý hợp lệ một tỷ lệ nhất định đối với các khoản chi như chi nghiên cứu phát triển, chi xúc tiến xuất khẩu. Đơn cử như tại Trung Quốc, để thu hút đầu tư vào ngành khai thác thủy hải sản xa bờ, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách ưu đãi như: miễn thuế thu nhập cho tất cả các doanh nghiệp tham gia đánh bắt cá xa bờ; các dự án thủy sản liên quan đến ngành đánh bắt được miễn hoặc được giảm 50% thuế TNDN như đối với doanh nghiệp tham gia vào dự án đánh bắt cá (Pricewaterhouse Coopers, 2012); miễn thuế TNDN 1 năm và giảm thuế xuất khẩu đối với các nhà máy đóng tàu cá phục vụ trong nước và xuất khẩu; miễn thuế GTGT đối với việc nhập khẩu các thiết bị đánh cá như tàu cá và thiết bị điện lạnh phục vụ đánh bắt. Ngoài ra, một số tài sản cố định như tàu cá được phép áp dụng chế độ khấu hao nhanh. Tại Malaysia, Chính phủ áp dụng chính sách miễn,giảm thuế TNDN đối với một số ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển như: miễn,giảm thuế thu nhập cho vận tải bằng tàu biển của Malaysia (chỉ áp dụng cho người dân trong nước); giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp vào dịch vụ du lịch khám chữa bệnh từ 50 - 100% đến năm 2020; doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh khách sạn 4 - 5 sao sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đầu tư lên đến 70 - 100%. Tại Singapore, Chính phủ miễn thuế 5 - 10 năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực mũi nhọn, trong đó có ngành đóng tàu, sửa chữa tàu, thiết bị vận tải, hóa dầu... Tại Australia, Chính phủ đã thực hiện một số ưu đãi thuế đối với các ngành kinh tế biển có sức lan tỏa mạnh, có tính liên kết cao và tạo ra nhiều việc làm của vùng, như: dịch vụ cảng biển, vận tải biển, đóng tàu, du lịch biển, nuôi trồng thủy sản...

Ưu đãi thuế đối với cá nhân tham gia các hoạt động kinh tế biển cũng được các nước sử dụng để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển. Chính sách ưu đãi này thường được thực hiện thông qua các hình thức để giảm nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho một số nhóm đối tượng như thuyền viên, ví dụ cho phép khấu trừ một tỷ lệ nhất định thuế TNCN, áp dụng thuế suất thuế TNCN ở mức thấp, thực hiện chính sách giảm trừ nghĩa vụ thuế. Cụ thể như: (i) Miễn thuế, hoàn thuế, áp dụng thuế suất thuế TNCN 0% (Anh, Phần Lan, Lithuania, Na Uy, Malaysia); (ii) Miễn thuế và an sinh xã hội (Bỉ); (iii) Giảm thuế và giảm tỷ lệ đóng góp an sinh xã hội (Đan Mạch, Hy Lạp); (iv) Giảm trừ trực tiếp nghĩa vụ thuế (Ireland).

Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển thông qua PPP

Cùng với nguồn lực từ NSNN, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua hình thức PPP cũng được nhiều nước áp dụng, nhằm hình thành cơ sở hạ tầng đồng bộ cho phát triển kinh tế biển cũng như tăng cường nguồn lực cho khoa học, công nghệ biển. Trong đó, Chính phủ Đức đầu tư xây dựng cảng và các công trình hạ tầng phục vụ cảng (luồng hàng hải và hệ thống quản lý hàng hải tàu biển, đường vào cảng...), các công ty tư nhân đấu thầu khai thác quản lý cảng và đầu tư các công trình trên cảng (nhà văn phòng, kho bãi, thiết bị bốc xếp tại bến và bãi, các thiết bị khác phục vụ cho hoạt động của cảng). Tại Canada, Chính phủ đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và thu thập dữ liệu phục vụ bảo tồn các hệ sinh thái biển. Năm 2020, Canada đã đầu tư 1,2 triệu CAD để hỗ trợ phát triển hệ thống quản lý dữ liệu khoa học dựa trên web để tích hợp và chia sẻ dữ liệu khoa học đại dương.

Huy động nguồn lực tài chính thông qua chính sách tài chính đất đai

Tại Trung Quốc, các khu kinh tế nói chung và khu kinh tế ven biển nói riêng được áp dụng chính sách miễn giảm thuế đất có thời hạn để thu hút đầu tư. Tại Hàn Quốc, với định hướng phát triển kinh tế biển thông qua việc phát triển các khu kinh tế ven biển, Chính phủ đã áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách tài chính đất đai. Các khu kinh tế ven biển của Hàn Quốc chủ yếu được phát triển trên đất nông nghiệp, ngư nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không gặp khó khăn do chính sách nhất quán của Chính phủ ưu tiên sử dụng đất vào phát triển công nghiệp. Giá đất được Chính phủ và chính quyền địa phương kiểm soát, được tính toán trên cơ sở lợi ích mà khu kinh tế ven biển đem lại nên thường ở mức cao so với mức trung bình, vì vậy, việc đền bù được tiến hành thỏa đáng và thuận lợi.

2.2. Kinh nghiệm phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển ở một số nước

Cùng với việc huy động, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế biển được các nước thực hiện qua một số kênh như chi NSNN đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực; các ưu đãi về chính sách tín dụng và chính sách bảo hiểm.

Ưu tiên phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính thông qua chi NSNN cho đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực biển.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho kinh tế biển là một trong những lĩnh vực được ưu tiên ở nhiều nước trên thế giới và thường thực hiện thông qua việc chi NSNN cho hệ thống cảng biển nhằm phát triển kinh tế hàng hải; hạ tầng năng lượng tái tạo; hạ tầng cho khai thác, chế biến thủy, hải sản và hạ tầng khu công nghiệp ven biển. Đơn cử như Ấn Độ đã tăng cường chi NSNN cho phát triển hệ thống cảng (bao gồm cảng biển quy mô lớn và cảng nhỏ). Trong đó, mức trung bình chi cho hệ thống cảng biển chiếm khoảng 15% NSNN dành cho Bộ Vận tải. Chính phủ Singapore ưu tiên sử dụng NSNN để hỗ trợ ngành hàng hải thử nghiệm và nắm bắt các công nghệ mới hướng tới xây dựng hệ thống hàng hải kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Singapore còn đầu tư phát triển một hệ thống quản lý giao thông tàu biển thế hệ mới; xây dựng phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về an toàn và an ninh hàng hải cũng như các khía cạnh hoạt động của hệ thống vận tải cảng biển mới; phát triển an ninh mạng và hoạt động cảng thông minh; phát triển Trung tâm Dữ liệu hàng hải Singapore dưới dạng kho lưu trữ dữ liệu một cửa. Tại Trung Quốc, Chính phủ ưu tiên chi NSNN để xây dựng các khu nuôi trồng thủy sản biển, tập trung vào các khu vực ưu việt, các loài đặc biệt; xây dựng cảng cá; thiết lập khu bảo tồn biển vùng đất ngập nước; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học nghề cá… Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rất chú trọng chi ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng và trợ cấp nhiên liệu khai thác cá xa bờ. Hơn nữa, nhằm phát triển thủy sản theo hướng bền vững, trong giai đoạn 2015 - 2019, Trung Quốc đã chi khoảng 1,69 tỷ CYN (250 triệu USD) để phát triển các nông trại biển nuôi trồng thủy hải sản xa bờ. Hiện Trung Quốc có khoảng 250 nông trại biển và các nông trại biển đã tạo ra 3,19 nghìn tỷ CYN (471,7 tỷ USD) về lợi ích kinh tế (bao gồm cả thu nhập từ du lịch khi du khách đến câu cá giải trí và ăn uống tại nông trại). Tại Indonesia , Chính phủ nước này tập trung chi đầu tư phát triển và cải thiện các vùng nuôi trên biển theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn Indonesia Gap và một số vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC, Naturland và Global GAP thông qua việc hỗ trợ xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng các vùng nuôi như hạ tầng - kỹ thuật (điện, thủy lợi, giao thông) và các hệ thống dịch vụ (hệ thống sản xuất giống, hệ thống phòng thí nghiệm, các nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học). Tại Australia, Chính phủ đã xây dựng các chương trình ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng (cảng, đường sắt, đường bộ, cơ sở du lịch, viễn thông, ...). Các nước châu Âu tăng cường chi NSNN cho đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, chi NSNN cho nghiên cứu khoa học tập trung vào một số ngành kinh tế biển mới như điện gió ngoài khơi, khai thác một số loại hải sản có giá trị gia tăng cao và nuôi trồng xa bờ; phục vụ bảo tồn hệ sinh thái biển hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững. Trong lĩnh vực khai thác, chế biển, thủy hải sản, Chính phủ Indonesia đã tăng cường nghiên cứu, phát triển kỹ năng và công nghệ mới cho khai thác thủy sản, đặc biệt là dự án nghiên cứu khai thác cá ngừ lớn nhất thế giới. Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh chi NSNN nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến thủy sản thông qua hợp tác với các tổ chức khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Chính phủ Anh chi khoảng 4 tỷ GBP, tương đương 6,5 tỷ USD cho việc nghiên cứu và chuyển đổi năng lượng sóng biển và thủy triều. năm 2014, Hàn Quốc đã dành tới 17,9%, khoảng 16,9 nghìn tỷ KRW (tương đương 15,4 tỷ USD) trong tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực liên quan tới phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, trong đó có công nghệ gió biển. Chính phủ New Zealand tăng đầu tư cho các chương trình khoa học và các dự án liên quan đến kinh tế biển xanh. Đơn cử như Dự án Nền tảng môi trường biển với kinh phí 115 triệu NZD (thực hiện trong 7 năm) với mục tiêu cung cấp hiểu biết sâu về môi trường ven biển và đại dương, thủy sản, tài nguyên đáy biển, nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế biển hiệu quả song song với việc duy trì tính toàn vẹn và đa dạng sinh học biển.

Để phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế hàng hải, Chính phủ Malaysia cũng đã cho vay hỗ trợ nhiều chương trình đào tạo địa phương và quốc tế, hội thảo và hội nghị về đào tạo cho nhân viên hàng hải. Tại Singapore, với chính sách coi nhân lực là nguồn tài nguyên hữu dụng cao nhất tăng trưởng, Chính phủ rất chú trọng tới đào tạo nhân lực, đặc biệt là đối tượng có trình độ cao về kinh tế biển. Hằng năm, một phần ngân sách được phân bổ để chi cho đào tạo hàng hải. Bên cạnh đó, các quy định về chế độ đãi ngộ nhân công trong ngành biển với mức lương điều chỉnh hằng quý và năm cũng được ban hành.

Phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính thông qua chính sách ưu đãi về tín dụng cho phát triển kinh tế biển

Tại châu Âu, Quỹ Hàng hải và Ngư nghiệp châu Âu (EMFF) đã được thành lập với tổng ngân sách là 6,4 tỷ EUR cho giai đoạn 2014 - 2020 để hỗ trợ nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. EMFF hỗ trợ cho các nước EU thông qua các khoản tài trợ và công cụ tài chính điển hình như hỗ trợ cho Estonia thông qua việc cung cấp các khoản vay cho người chế biến cá trị giá 15 triệu EUR. EMFF 2014 - 2020 cung cấp 3 sản phẩm tài chính cho nghề cá và nuôi trồng thủy sản gồm: (i) Cho vay đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; (ii) Cho vay đầu tư dài hạn cho người chế biến cá; (iii) Cho vay tăng trưởng cho người chế biến cá. EMFF cũng đầu tư 88 triệu EUR trong chương trình khai thác thủy sản Bulgaria. Đồng thời thông qua một gói đầu tư quan trọng cho ngành hàng hải, khai thác và nuôi trồng thủy sản của Pháp trị giá khoảng 587,9 triệu EUR. Tại Australia, Chính phủ nước này đã hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi đối với những ngành kinh tế biển mới nổi như: công nghệ sinh học biển, năng lượng biển...

Phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính thông qua các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm đối với một số hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế biển

Tại Trung Quốc, bảo hiểm thương mại được khuyến khích theo chương trình định hướng chính sách, trong đó Nhà nước trợ cấp phí bảo hiểm. Mỗi chương trình bảo hiểm phải được phê duyệt bởi Ủy ban điều tiết bảo hiểm Trung Quốc. Vì vậy, để triển khai chương trình bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại sẽ hợp tác với chính quyền địa phương, các cơ quan hành chính quản lý ngành thủy sản, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trong việc cung cấp bảo hiểm nuôi trồng thủy sản. Tại Thái Lan, nhằm giảm gánh nặng của Chính phủ trong việc bù đắp thiệt hại của ngư dân, thúc đẩy ngư dân tự quản trị rủi ro, một chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp Thái Lan sẽ cho ngư dân vay vốn chi trả phí bảo hiểm và Chính phủ Thái Lan sẽ chi trả một phần phí bảo hiểm thay cho ngư dân nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Bên cạnh đó, các chính sách phòng ngừa rủi ro cho hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng được chú trọng. Chính phủ liên kết với các công ty bảo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị trả về do những rủi ro từ chiến tranh hay chính sách bảo hộ, kiểm tra chất lượng từ nước nhập khẩu. Khi đó, các doanh nghiệp này sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường tối thiểu 30% giá trị lô hàng bị trả về.

3. Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển, vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, cảng biển sâu và có điều kiện để phát triển hàng hải, hàng không, du lịch biển, nuôi trồng thủy hải sản… Với chiều dài bờ biển 3.260 km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản biển đa dạng, phong phú, đồng thời có vị trí địa kinh tế, chính trị rất quan trọng. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560 km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 41,2 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam.

Nhờ tiềm năng, lợi thế sẵn có và các chủ trương, định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế biển ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được kết quả khả quan trên nhiều mặt. Quy mô kinh tế biển theo xu hướng tăng, hạ tầng cảng biển, đội tàu biển và các dịch vụ phụ trợ đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển mới chỉ đạt hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới đạt 1.300 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20 - 22% GDP cả nước. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo tuy đã được quan tâm đầu tư mới nhưng còn thiếu và yếu. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng hóa thông qua cảng trên đầu người chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan. Giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển vẫn chủ yếu từ các nghề biển truyền thống, trong khi các nghề biển công nghệ cao (năng lượng sóng thủy triều, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hóa chất, dược liệu biển...) chưa được tập trung nghiên cứu. Các ngành kinh tế biển mũi nhọn được ưu tiên phát triển, như: dầu khí, đóng tàu, hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản chưa tận dụng được cơ hội, tiềm năng, lợi thế để phát triển. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới những tồn tại hạn chế trên là do hệ thống chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển chưa đồng bộ, chưa tính hết các đặc thù của kinh tế biển nên chưa tạo được sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động phát triển kinh tế biển và đủ hấp dẫn thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế khu vực và thế giới dự báo sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển; ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ... tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho sự phát triển kinh tế biển trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ở trong nước, trước xu hướng điều chỉnh trong Chiến lược biển của các quốc gia, những chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị thế, vai trò của kinh tế biển trong phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu Việt Nam "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước". Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định một trong ba khâu đột phá của Chiến lược là “Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương”. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển.

Chính sách phát triển kinh tế biển, ven biển cần được xây dựng đồng bộ với trọng tâm là quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế biển

Kinh tế biển là ngành kinh tế tổng hợp, để các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các ngành kinh tế biển phát huy hiệu quả, cần có chiến lược và quy hoạch phát triển cụ thể, rõ ràng và mang tính tổng thể nhằm hài hòa giữa phát triển kinh tế biển, các tỉnh ven biển và phát triển kinh tế xã hội của các nước. Vì vậy, các nước thường ban hành Chiến lược biển, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế biển làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch cho từng ngành kinh tế biển cũng như hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế biển đã được ban hành từ năm 2018, tuy nhiên các định hướng vĩ mô liên quan đến Chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế biển chưa được ban hành đầy đủ. Vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ trong chính sách phát triển kinh tế biển, Chính phủ cần ban hành quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể phân vùng phát triển đối với các loại hình khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; quy hoạch các khu phục vụ du lịch biển; nuôi trồng thủy hải gần và xa bờ và phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi.

Việc huy động nguồn lực cần được đa dạng hóa nhằm phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, kết nối hệ thống trong toàn vùng, liên vùng

Một trong những yếu tố góp phàn tạo nên sự phát triển nhanh của một số mô hình khu kinh tế biển là sự phát triển nhanh và đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản, giúp các khu kinh tế có được sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Nhà nước cần có sự phân bổ NSNN cho phát triển hạ tầng kinh tế biển theo trọng tâm, trọng điểm và tăng cường các chính sách để thu hút các nguồn lực khác thông qua các hình thức PPP vào hạ tầng kinh tế biển. Việc xây dựng chương trình ưu tiên cũng như bố trí NSNN đầu tư kết cấu hạ tầng (cảng, đường sắt, đường bộ, cơ sở du lịch, viễn thông...) cần được tính dựa trên giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển đóng góp vào GDP của quốc gia, tính liên kết và độ lan tỏa của ngành kinh tế biển, mức độ sử dụng lao động và triển vọng của ngành trong tương lai.

Các chính sách cần được chọn lọc và tập trung vào một hoặc một số ngành kinh tế biển mũi nhọn, đặc biệt là các chính sách tài chính

Kinh nghiệm các nước thường lựa chọn các ngành kinh tế biển có thế mạnh và sức lan tỏa đến các ngành kinh tế khác để ban hành các chính sách hỗ trợ. Một số ngành kinh tế biển được nhiều nước ưu tiên phát triển gồm kinh tế hàng hải (đầu tư hệ thống cảng biển), khai thác thủy hải sản biển, năng lượng biển (gió biển, sóng biển...) và phát triển các khu kinh tế ven biển. Nhờ định hướng đúng đắn, Singapore trở thành điểm trung chuyển hàng hóa và dầu thô nhộn nhịp nhất thế giới và được mệnh danh là “thành phố hàng hải toàn cầu”; Hàn Quốc, Trung Quốc trở thành những quốc gia hàng đầu thế giới trong phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng điện gió ngoài khơi nói riêng. Việt Nam với nguồn lực ngân sách hạn hẹp, việc chọn lọc một hoặc một số ngành kinh tế biển có thế mạnh như ngành khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản biển; ngành du lịch biển sẽ tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế phụ trợ khác.

Việt Nam cần tăng cường các chính sách nhằm phát triển kinh tế biển bền vững

Để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, bên cạnh việc tăng nguồn lực cho hoạt động điều tra, quản lý tài nguyên biển, phục hồi và tái tạo các nguồn lợi thủy sản, các nước tập trung chính sách cho phát triển các ngành như nuôi trồng và khai thác thủy hải sản xa bờ; phát triển năng lượng thủy triều, năng lượng sóng biển, năng lượng gió biển ngoài khơi; ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác tài nguyên biển như khai thác dầu khí ở vùng biển sâu, rất sâu và dưới đáy biển; khai thác tài nguyên gen sinh vật đại dương cho các mục tiêu công nghiệp, y dược, nông nghiệp, thực phẩm… Trong đó, Trung Quốc và Indonesia là những quốc gia được đánh giá là thành công trong việc xây dựng các chính sách thúc đẩy và phát triển các hoạt động khai thác và nuôi trồng xa bờ. Vì vậy, trong giai đoạn tới, bên cạnh các ngành kinh tế biển truyền thống, Việt Nam cần hướng chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành kinh tế biển mới như ngành nuôi biển, khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi…

Nguồn lực tài chính cần được tập trung cho nghiên cứu khoa học công nghệ biển

Theo xu hướng quốc tế, khoa học công nghệ biển những năm gần đây và tương lai tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như nghiên cứu phát triển các công nghệ biển liên quan đến thủy sản, đặc biệt là chiến lược “nuôi biển” với mục tiêu nuôi, trồng hải sản bền vững; khai thác, vận chuyển tài nguyên khoáng sản ở tầng đáy biển sâu, khai thác tại chỗ và xây dựng các công trình biển lớn... với các công nghệ mũi nhọn như công nghệ giám sát môi trường, công nghệ cao thăm dò nhanh đáy đại dương, công nghệ khai thác khí hydrat tự nhiên, công nghệ sinh học biển... Để khắc phục tình trạng khai thác không hợp lý dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển, các nước trên thế giới ngày càng chú trọng tới việc phát triển và ứng dụng những thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong khai thác và bảo vệ bền vững tài nguyên biển. Vì vậy, bên cạnh việc tăng chi NSNN cho nghiên cứu khoa học công nghệ biển, các nước còn áp dụng các chính sách ưu đãi thuế TNDN và thuế nhập khẩu để thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển. Kinh nghiệm của Indonesia, Trung Quốc trong phát triển nuôi biển; kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Âu trong phát triển điện gió ngoài khơi là những bài học ý nghĩa trong việc hoạch định các chính sách phát triển các ngành kinh tế biển mới ở Việt Nam.

Khả năng tham gia các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến nuôi trồng và khai thác thủy sản biển của ngư dân cần được tăng cường

Ngành kinh tế biển thường chịu ảnh hưởng nhiều rủi ro từ thiên tai. Vì vậy, để thúc đẩy các ngành kinh tế biển, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, Nhà nước sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm để chia sẻ rủi ro. Bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm nuôi trồng và khai thác thủy sản biển nói riêng ở Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ bảo hiểm thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm nuôi trồng và khai thác thủy sản biển. Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm cần được nghiên cứu và đa dạng hóa để phù hợp với đặc thù ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng và khai thác xa bờ

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Bùi Tất Thắng (2007), Quan niệm và giải pháp chủ yếu của Chiến lược biển Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, (5), tr.18 - 22.

2. Lại Lâm Anh (2013), Quản lý kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam -Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Lê Thanh Sơn (2017), Chính sách phát triển kinh tế biển và hải đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Luận án tiến sĩ, Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

Tiếng Anh

4. Justin Ilakini (2013), Fisheries Subsidies and IncentivesPprovided by the Peoples Republic of China to Its Distant Water Fishing Industry, Pacific Islands Forum Fisheries Agency (FFA) Secretariat paper.

5. Nazery Khalid, Armi Suzana Zamil, Farida Farid (2008), The Asian Experience in Developing the Maritime Sector: Some Case Studies and Lessons for Malaysia, Center for Economic Studies and Ocean Industries.

6. OECD (2016), The Ocean Economy in 2030, OECD Publishing, Paris.

7. Rui Zhao, Stephen Hynes and Guang Shun He (2015), Blue Growth in the Middle Kingdom: An Analysis of China’s Ocean Economy, National University of Ireland, Galway: Sea Change.

8. Sarah Gardner, Matthew Tonts and Carmen Elrick (2006), Asocio - economic Analysis and Description of the Marine Industries of Australia’s South - West Marine Region, Australian Government: Prepared for the Department of the Environment and Water Resources.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 1/2022

 

*1 Anh đã 4 lần giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 24% xuống 19% và giảm tiếp còn 17% từ ngày 01/4/2020. Phần Lan giảm thuế suất thuế TNDN từ 24,5% xuống 20% từ ngày 01/01/2014. Tây Ban Nha giảm thuế suất từ 28% năm 2015 xuống 25% từ năm 2016. Luxembourg giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 21% xuống 19% năm 2017 và 18% năm 2018. Na Uy giảm từ 25% xuống 23% năm 2018. Hy Lạp (sau khi tăng 3 điểm phần trăm, từ 26% năm 2014 lên 29% từ tháng 7/2015) tiếp tục giảm xuống 26% từ năm 2020.

*2 Thuế suất thuế TNDN phổ thông ở Thái Lan đã giảm từ 25% năm 2010 xuống còn 20% từ năm 2015; Indonesia đã giảm từ 25% năm 2010 xuống 22% từ năm 2020. Lào đã giảm từ 35% năm 2010 xuống 20% từ năm 2020. Singapore duy trì mức thuế suất phổ thông là 17%...

*3 Các nước OECD, thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) tăng trung bình 1,5 điểm phần trăm, từ 17,6% năm 2008 lên mức kỷ lục là 19,2% năm 2018. Malaysia chuyển sang áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ với mức thuế suất 6% áp dụng chung cho cả hàng hóa và dịch vụ từ ngày 01/4/2015 thay cho thuế bán hàng và dịch vụ có mức thuế suất phổ thông 10% và 5% đối với một số sản phẩm dầu mỏ, mức thuế suất 6% đối với dịch vụ. Nam Phi tăng thuế suất thuế GTGT từ 14% lên 15% kể từ ngày 01/4/2018 nhằm giải quyết mối lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn thu lớn hơn dự kiến.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%