Ưu tiên nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh

Ưu tiên nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh 18/04/2022 16:35:00 1043

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ưu tiên nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh

18/04/2022 16:35:00

(Haiquanonline.com.vn) - TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính chia sẻ về việc triển khai các giải pháp tài chính đã được triển khai cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và kế hoạch trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính.

Thời gian qua, các kế hoạch tài chính, chính sách và nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh đã được Bộ Tài chính triển khai như thế nào, thưa ông?

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không phải chủ đề mới nhưng đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Về mặt chủ trương, nội dung này đã được đề cập nhiều tại Nghị quyết của Đảng, Trung ương. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trên 3 khía cạnh: ban hành chính sách thuế; chi và huy động nguồn lực và khía cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức.

Về chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát, ban hành các chính sách thuế nhằm góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính sách thuế này đề cập đến hai trụ cột: hạn chế sản xuất và sử dụng các loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm và sử dụng năng lượng sạch, tiêu dùng xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, về chính sách thuế để hạn chế sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính đã ban hành thuế Bảo vệ môi trường, một số mặt hàng có điều chỉnh tăng, trong đó có một số mặt hàng tăng kịch khung như: xăng, dầu diezen, dầu mazut, dầu nhờn, túi nilon. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có mức thuế suất đối với hàng hóa gây tác động xấu tới môi trường được điều chỉnh tăng dần và có sự phân biệt thuế suất đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thân thiện với môi trường hơn.

Cụ thể như để khuyến khích phát triển ô tô điện chạy bằng pin thân thiện với môi trường thì thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đã được điều chỉnh giảm 3-12 điểm phần trăm so với mức thuế suất cũ, xuống còn 1–3% tùy loại xe và áp dụng từ ngày 1/3/2022 đến hết 28/2/2027, sau đó thuế suất được áp dụng từ 4-11%. Theo đó, chính sách thuế này đã góp phần hạn chế sản xuất, sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, về chính sách thuế để khuyến khích đầu tư sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường thì có các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các loại phí về môi trường được sửa đổi, bổ sung nhằm hướng đến thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và xanh hóa sản xuất, thúc đẩy lối sống và tiêu dùng bền vững.

Về chính sách chi, cùng với chủ trương của Chính phủ là luôn ưu tiên cho tăng trưởng xanh, Bộ Tài chính ngày càng hoàn thiện chính sách chi thông qua việc trình cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, các quy định về chi ngân sách cho bảo vệ môi trường. Ví dụ, chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường thời gian qua đã được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Theo đó, mức bố trí chi cho sự nghiệp môi trường hàng năm không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách, gồm cả Trung ương và địa phương. Trong đó tập trung chi cho phát triển khoa học công nghệ về sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ cao sử dụng nguồn lực ngân sách, các chương trình cấp quốc gia, các dự án phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, dự án nghiên cứu xử lý chất thải rắn…

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% và cần 70% từ các nguồn lực khác. Việc huy động các nguồn lực này đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Là một trong những cơ quan xây dựng chính sách và cân đối nguồn cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính luôn ý thức rằng nguồn lực ngân sách có hạn chế và cần có sự đồng hành của xã hội, DN, nhà tài trợ nước ngoài, các cơ quan… thì mới đạt mục tiêu đề ra về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Vừa rồi các Bộ cũng ưu tiên lồng ghép trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội các mục tiêu phát triển bền vững, các ưu tiên đầu tư, một số chương trình mục tiêu gắn với tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong việc huy động vốn, nguồn lực trái phiếu xanh, thị trường chứng khoán đã manh nha các sản phẩm trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ các dự án công trình xanh như thủy lợi, bảo vệ môi trường. Cụ thể, năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành 523 tỷ đồng cho các dự án xanh, Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 80 tỷ đồng; đến năm 2018, thành phố Hồ Chí Minh phát hành được 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho các dự án.

Xin ông chia sẻ một số thông tin về việc triển khai các kế hoạch tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới?

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến 2030, trong đó tập trung vào mục tiêu cân đối nguồn lực hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát các chính sách thuế để phục vụ tốt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và ưu tiên ngân sách cho các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nguồn vốn ngân sách không đủ để bao quát hết tất cả chi phí để phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Do đó rất cần có sự hỗ trợ của xã hội, các nhà tài trợ và nguồn vốn ODA. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi luôn ý thức rằng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng và luôn ưu tiên dành nguồn lực để phục vụ cho mục tiêu này. Bộ Tài chính cũng rất quan tâm tới việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán và mong thời gian tới sẽ phát hành được trái phiếu doanh nghiệp xanh để hỗ trợ cho việc đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%