Xu hướng phát triển của tài chính thay thế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Xu hướng phát triển của tài chính thay thế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam 29/04/2022 08:46:00 3500

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Xu hướng phát triển của tài chính thay thế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

29/04/2022 08:46:00

Lưu Ánh Nguyệt1, Đào Thị Lành2

 

Tài chính thay thế là các kênh, quy trình, công cụ tài chính đã xuất kiện và phát triển bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống (ngân hàng, thị trường vốn). Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai của tài chính thay thế và còn khoảng cách lớn so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Singapore... Trong đó, các mô hình cho vay ngang hàng (CVNH), gọi vốn cộng đồng (GVCĐ) là phổ biến nhất và có tác động nhất định đến hệ thống tài chính. Sự phát triển của các mô hình CVNH, GVCĐ đặt ra một số vấn đề đối với hệ thống tài chính Việt Nam như tăng rủi ro đối với thị trường, tăng áp lực và nhiều thách thức đối với các chủ thể trong hệ thống tài chính. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý đối với các mô hình này, nhất là các quy định cho phép hoạt động, trách nhiệm của các bên tham gia. Bên cạnh đó, sự phát triển tất yếu và các lợi ích của các mô hình CVNH, GVCĐ cũng đòi hỏi Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình này phát triển và bảo vệ lợi ích của các bên tham gia.

Từ khóa: Tài chính thay thế, CVNH, GVCĐ, công nghệ tài chính, fintech.

Alternative finance refers to financial channels, processes and instruments that have emegred and developed outside of traditional finance system.Vietnam is in the early stages of alternative finance development, with the strongest development being in peer-to-peer lending and crowdfunding models. There is a large distance compared to Indonesia, Thailand, Singapore. However, the trend of alternative finance causes increases in risks to the finance market, lack of regulation and supervision, challenges for stakeholders. The development of peer-to-peer lending and crowdfunding requires to complete the legal framework for these models, especially regulations about the responsibilities of the participating parties. Simultaneously, the inevitable development and benefits of such models supposes the necessary of appropriate support policies to enhance the development of alternative finance and to protect consumers in the financial sector.

Keyword: Alternative finance, peer-to-peer lending, crowdfunding, fintech.

 

1. Một số vấn đề lý luận về tài chính thay thế

Tài chính thay thế được Trung tâm Nghiên cứu tài chính thay thế của Cambridge (CCAF, 2017) sử dụng với ý nghĩa là các kênh, quy trình, công cụ tài chính đã xuất hiện và phát triển bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống (ngân hàng, thị trường vốn). Tài chính thay thế bao gồm các mô hình cho vay, đầu tư và phi đầu tư khác nhau, cho phép các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức khác huy động vốn thông qua thị trường trực tuyến. Thông thường, những người gây quỹ này đáp ứng nhu cầu tài trợ của họ thông qua các khoản tiền được tổng hợp từ đám đông hoặc mạng lưới các nhà đầu tư nhỏ lẻ và chuyên nghiệp. CCAF phân loại tài chính thay thế thành nhóm: mô hình nợ, mô hình vốn chủ sở hữu hoặc mô hình không đầu tư (Bảng 1).

Bảng 1. Các mô hình tài chính thay thế

 

Phân loại

Mô hình kinh doanh

Các bên liên quan

Mô hình cho vay

CVNH

Cho vay khách hàng

Cá nhân/tổ chức có vốn cung cấp khoản vay nợ cho khách hàng có nhu cầu.

Cho vay doanh nghiệp

Cá nhân/tổ chức có vốn cung cấp khoản vay nợ cho doanh nghiệp.

Cho vay tài sản

Cá nhân/tổ chức có vốn cung cấp khoản nợ, dựa trên tài sản đảm bảo cho khách hàng/ doanh nghiệp có nhu cầu.

Cho vay bảng

cân đối kế toán

Cho vay khách hàng

Nền tảng cung cấp khoản vay nợ trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu.

Cho vay doanh nghiệp

Nền tảng cung cấp khoản vay nợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Cho vay tài sản

Nền tảng cung cấp khoản nợ, dựa trên tài sản đảm bảo cho khách hàng/doanh nghiệp có nhu cầu.

Giao dịch hóa đơn

Giao dịch hóa đơn

Cá nhân/tổ chức có vốn mua hóa đơn, các khoản phải thu từ doanh nghiệp với giá chiết khấu.

Chứng khoán

Chứng khoán nợ

Cá nhân/tổ chức có vốn mua chứng khoán nợ, thường là trái phiếu hoặc giấy ghi nợ với lãi suất cố định.

Trái phiếu nhỏ

Cá nhân/tổ chức có vốn mua chứng khoán từ công ty dưới dạng trái phiếu không có bảo đảm. Số lượng trái phiếu phát hành nhỏ hơn nhiều số lượng trái phiếu yêu cầu tối thiểu khi phát hành trên thị trường trái phiếu có tổ chức.

Mô hình GVCĐ

Cơ sở đầu tư

GVCĐ trên cơ sở vốn cổ phần

Cá nhân/tổ chức có vốn mua cổ phần phát hành bởi các công ty

GVCĐ bất động sản

Cá nhân/tổ chức có vốn cung cấp vốn cổ phần hoặc khoản vay nợ thứ cấp cho bất động sản.

Chi sẻ lợi nhuận

Cá nhân/tổ chức mua chứng khoán từ công ty, như cổ phần và chia sẻ lợi nhuận hoặc tiền bản quyền của doanh nghiệp

Không đầu tư

GVCĐ giải thưởng

Những người ủng hộ cung cấp tài trợ cho các cá nhân, dự án hoặc công ty để đổi lấy những lợi ích phi tiền tệ như phần thưởng hoặc sản phẩm.

GVCĐ quyên góp

Người quyên góp cung cấp tài trợ cho các cá nhân, dự án hoặc công ty dựa trên động cơ từ thiện mà không mong đợi nhận được các khoản trả lại bằng tiền hoặc vật chất.

Nguồn: CCAF (2020)

Các mô hình nợ phổ biến là các hoạt động CVNH, trong khi mô hình GVCĐ phổ biến là huy động vốn trên cơ sở vốn cổ phần và huy động vốn không trên cơ sở đầu tư. Mô hình tài chính thay thế phổ biến nhất thế giới và đặt ra nhiều vấn đề về chính sách, khung pháp lý trên thế giới, cũng như tại Việt Nam là mô hình CVNH và GVCĐ. Do đó, những nội dung tiếp theo của bài viết sẽ tập trung hơn vào 2 mô hình chủ yếu là CVNH và GVCĐ.

1.1. Cho vay ngang hàng

Khái niệm

Đây là mô hình vay mượn giữa những người trong cùng một nhóm (gia đình, tôn giáo, nghề nghiệp…) hoặc trong cùng một cộng đồng. Sự phát triển của công nghệ đã tạo đột phá cho mô hình CVNH từ CVNH vật lý sang CVNH trực tuyến, với sự mở rộng đáng kể của các đối tượng tham gia, thúc đẩy sự phát triển nhanh của mô hình này trong những năm gần đây. CVNH trực tuyến là một mô hình kinh doanh vận hành trên nền tảng kỹ thuật số, tập hợp người đi vay và người cho vay trên nền tảng số đó. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam3, hoạt động CVNH được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được thực hiện trên nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty vận hành nền tảng (công ty CVNH) ghi nhận và lưu trữ bằng các bản ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty CVNH, được đăng tải cho khách hàng đăng ký tham gia nền tảng truy cập.

Cơ chế vận hành

Bên đi vay: Người vay sử dụng dịch vụ của nền tảng CVNH bao gồm nhóm khách hàng cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Khi có nhu cầu, người vay trực tiếp đăng ký lên sàn kết nối tài chính thông qua website hoặc ứng dụng trên thiết bị di động, đồng thời cung cấp thông tin/ảnh chụp các chứng từ tùy theo sản phẩm vay theo quy định của sàn giao dịch. Trong trường hợp được kết nối thành công với người cho vay, người vay có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ bản cứng khớp với các thông tin điện tử đã cung cấp trước đó. Ký hợp đồng vay trực tiếp với người cho vay và nhận giải ngân từ người cho vay.

Bên cho vay: Người cho vay sử dụng dịch vụ của nền tảng CVNH, ký hợp đồng sử dụng dịch vụ và nhận được tài khoản truy cập vào sàn để nhận đơn vay và quản lý các khoản vay. Khi có đơn vay do nền tảng chuyển đến, người cho vay thực hiện xem xét toàn bộ thông tin và tự ra quyết định phê duyệt tín dụng ngay trên hệ thống. Đối với các đơn vay đã được phê duyệt, người cho vay ký kết hợp đồng vay với khách hàng vay, giải ngân và thu hồi nợ, đồng thời cập nhật kết quả thực hiện trên hệ thống quản lý vay.

Nền tảng CVNH: Nền tảng kỹ thuật số được thể hiện dưới dạng website, ứng dụng di động… được phát triển, vận hành, duy trì bởi một công ty. Tư cách pháp nhân của công ty đó phụ thuộc vào quy định pháp luật của nước sở tại. Nền tảng CVNH đóng vai trò kiểm soát rủi ro, bao gồm đánh giá và sàng lọc rủi ro tín dụng của người vay thông qua nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng khai thác dữ liệu, trích xuất các đặc điểm văn bản từ mô tả của người vay và dữ liệu lớn dựa trên mạng nơ-ron. Để thực hiện được các chức năng trên, nền tảng CVNH phải có năng lực nghiên cứu, công nghệ, phần mềm và kỹ thuật tiên tiến.

1.2. Gọi vốn cộng đồng

Khái niệm

Đây là mô hình được Tổ chức Ủy ban Chứng khoán Quốc tế (IOSCO) coi là một loại hình tài chính dựa trên thị trường, phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty khởi nghiệp đổi mới. Mô hình GVCĐ sử dụng nền tảng công nghệ để thực hiện việc kêu gọi và tạo vốn cho các dự án, mà chủ yếu là các dự án khởi nghiệp của các cá nhân hay một dự án mới của doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Các công ty tư nhân có thể huy động vốn từ đám đông thông qua bán các chứng khoán của công ty như cổ phiếu mà không cần các trung gian tài chính truyền thống.

Cơ chế vận hành

Bên đầu tư thường là các thành viên của cộng đồng thuộc mỗi nền tảng GVCĐ. Các thành viên này thường xuyên theo dõi các dự án trên nền tảng và quyết định mức độ đầu tư vào mỗi dự án đang gọi vốn trên nền tảng GVCĐ. Bên đầu tư thường không có kinh nghiệm đầu tư chuyên nghiệp, có thể có những động cơ khác ngoài kỳ vọng lợi nhuận tài chính thuần túy và tự chịu rủi ro, trách nhiệm đối với việc cấp vốn.

Bên gọi vốn đầu tư đăng thông tin về dự án mà mình muốn GVCĐ lên trên nền tảng gọi vốn và tự chịu rủi ro, trách nhiệm đối với hoàn trả vốn. Bên gọi vốn có thể hoàn trả bằng quà tặng, cổ phần hoặc dưới các hình thức khác, nhưng không chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sản phẩm hay dự án.

Các nền tảng GVCĐ cung cấp một địa chỉ (website, ứng dụng di động…) cho những cá nhân muốn đầu tư, cho phép cá nhân hoặc nhóm tổ chức mới khởi nghiệp chia sẻ ý tưởng, giải thích ngắn gọn và rõ ràng sản phẩm và mục đích sử dụng vốn huy động từ cộng đồng cho dự án. Sau thời gian quy định, nếu dự án không kêu gọi đủ số tiền ban đầu đề ra thì toàn bộ số tiền đã gây quỹ được sẽ trả về cho từng người hỗ trợ. Điều này thúc đẩy chủ dự án phải thường xuyên tương tác với cộng đồng như cập nhật tiến độ thực hiện dự án, giới thiệu các ưu đãi với các mức độ đầu tư, trả lời các ý kiến đóng góp. Mức độ tương tác càng cao thì càng thuyết phục được cộng đồng về sự tin cậy và tâm huyết của chủ dự án.

2. Xu hướng phát triển của tài chính thay thế ở một số quốc gia trên thế giới

Theo Prnewswire, trong giai đoạn 2021 - 2025, quy mô của thị trường tài chính thay thế sẽ tăng trưởng trung bình 10%/năm, đạt 176,15 tỷ USD vào năm 2025. CVNH và GVCĐ vẫn chiếm tỷ trọng lớn và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các loại tài chính hợp tác cũng như tài chính thay thế trong năm 2019 - 2020. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - tài chính toàn cầu, thị trường CVNH và GVCĐ toàn cầu (không bao gồm Trung Quốc) đã tăng trưởng 3% (năm 2019) và tăng 24% (năm 2020).

Bảng 2. Quy mô ước tính của CVNH và GVCĐ

 

Mô hình tài chính

2019

2020

Quy mô

(tỷ USD)

Thị phần (%)

Quy mô (tỷ USD)

Thị phần (%)

CVNH tiêu dùng

103,107

59

34,74

31

CVNH kinh doanh

20,813

12

15,374

14

CVNH tài sản

4,593

3

3,073

3

GVCĐ cho bất động sản

2,874

2

2,777

2

GVCĐ dựa trên quyên góp

2,68

2

7,002

6

GVCĐ dựa trên vốn chủ sở hữu

1,093

1

1,52

1

GVCĐ dựa trên phần thưởng

0,897

0,51

1,25

1

Các mô hình tài chính khác

 

20,49

 

42

Nguồn: Ziegler và cộng sự (2021)

Trung Quốc là thị trường CVNH và GVCĐ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 48% tổng giá trị thị trường CVNH và GVCĐ toàn cầu trước năm 2019. Tuy nhiên, những thay đổi về khung pháp lý tại quốc gia này đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về giá trị và thị phần của thị trường CVNH và GVCĐ tại Trung Quốc, giảm còn 1% trong năm 2020. Hoa Kỳ, Canada đã trở thành các quốc gia có thị phần lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 50% giá trị giao dịch toàn cầu, theo sau là Anh, Liên minh châu Âu (không bao gồm Anh), châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), Mỹ La-tinh.

Cho vay ngang hàng tiêu dùng vẫn là mảng chiếm thị phần lớn nhất, với tổng khối lượng khoản 33,6 tỷ USD năm 2019 (không tính thị trường Trung Quốc). Trong những năm gần đây, CVNH có mức tăng trưởng ổn định trên toàn cầu và được công nhận là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong các mô hình tài chính thay thế. Tuy nhiên, thị phần của loại mô hình này đã giảm vào năm 2020, với giá trị khoảng 34,7 tỷ USD.

Về mô hình GVCĐ, đây là mô hình tài chính thu hút giới đầu tư và mang lại nhiều quyền lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu. Năm 2012, có 536 website hoạt động gây quỹ cộng đồng hỗ trợ huy động 2,7 tỷ USD trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Massolution, vốn huy động toàn cầu từ hình thức GVCĐ đã tăng 167% trong năm 2014, đạt 16,2 tỷ USD. Tính đến năm 2015, tổng số vốn huy động được thông qua hình thức này trên toàn cầu là 34,4 tỷ USD. Trong đó, Bắc Mỹ là khu vực có quy mô huy động vốn từ GVCĐ cao nhất, 17,25 tỷ USD, theo sau bởi khu vực châu Á với 10,54 tỷ USD. Tốc độ huy động vốn tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á (210% năm 2015), theo sau bởi châu Phi (101%), châu Âu (98,6%), Bắc Mỹ (82%). Hiện trên thế giới có hơn 2.000 quỹ cộng đồng đang hoạt động. Quy mô GVCĐ đạt khoảng 12,27 năm 2020 và dự báo đạt 25,8 tỷ USD vào năm 2027.

3. Thực trạng phát triển tài chính thay thế tại Việt Nam

3.1. Cho vay ngang hàng

Năm 2015, những nền tảng đầu tiên cung cấp dịch vụ CVNH đã xuất hiện tại Việt Nam. Tính đến nay, hoạt động CVNH đã phát triển trong gần 7 năm, nhưng còn non trẻ so với hoạt động ngân hàng truyền thống tại Việt Nam, cũng như ngành CVNH trên thế giới.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp đang cung cấp các nền tảng CVNH. Trong đó, có nhiều công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia, Singapore. Vốn điều lệ các công ty CVNH thường nhỏ, dưới 1 tỷ đồng hoặc từ 1 - 10 tỷ đồng, rất ít công ty có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng.

Các nền tảng CVNH tại Việt Nam cũng có các tính năng, quy trình cung cấp hoặc cho vay theo mô hình CVNH phổ biến trên thế giới. Lãi suất cho vay của các công ty CVNH thường không quá 20%/năm theo quy định của Bộ Luật Dân sự, nhưng đi kèm với nhiều loại phí, như phí tư vấn, phí trả nợ trước hạn, tổng các khoản phí và lãi khách hàng phải trả có thể lên đến 30 - 50%/tháng4. Điều này ngược lại với mô hình CVNH tại nhiều quốc gia, như Zopa của Anh luôn đảm bảo lãi suất trên nền tảng này thấp hơn 20% so với lãi suất ngân hàng.

Các sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến khá đa dạng, gồm vay vốn có tài sản bảo đảm và các sản phẩm cho vay vốn không có tài sản bảo đảm, nhưng chủ yếu là sản phẩm vay vốn không có tài sản bảo đảm, thời gian vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Đối với khoản vay cá nhân, các công ty CVNH đưa ra các sản phẩm vay đa dạng như vay tín chấp theo lương; vay theo sổ hộ khẩu; vay theo đăng ký xe máy; vay trả góp; vay theo hóa đơn điện, nước; vay theo giấy đăng ký xe ô tô… Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty CVNH cũng đưa ra các sản phẩm dịch vụ như: tài trợ các khoản phải thu, tài trợ bên mua hàng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại điện tử…

Đối tượng vay vốn trong mô hình CVNH chủ yếu là nhóm người lao động trẻ tuổi, có thu nhập thấp, không tiếp cận được tín dụng chính thức. Người đi vay từ công ty CVNH thường là lao động trẻ tuổi (86% khách hàng có độ tuổi 20 - 39, 14% có độ tuổi 40 - 60); có thu nhập thấp (3 - 7 triệu đồng/tháng), chưa tiếp cận được vay vốn ngân hàng và có thói quen sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội. Theo thống kê của Vụ Chính sách tiền tệ, cả nhà đầu tư hay người cho vay và người đi vay tham gia mô hình CVNH đều nhỏ lẻ. Nhà đầu tư tham gia vào các công ty này với số tiền dưới 10 triệu đồng; cá nhân chủ yếu là cung cấp các khoản vay nhỏ dưới 10 triệu đồng, thời hạn vay chủ yếu theo ngày; với doanh nghiệp thì khoản vay thường dưới 400 triệu đồng, thời hạn vay dưới 1 năm.

Bên cạnh các công ty cung cấp nền tảng đơn thuần5, các nền tảng CVNH đang hướng tới phát triển ở cấp độ cao hơn, tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính, thể hiện ở việc thúc đẩy hợp tác với tổ chức tín dụng và tự huy động vốn cho vay. Một số ngân hàng kết hợp với công ty công nghệ để cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ như Dragon Bank, Thebank, Gobear là 3 công ty cổ phần hợp tác và kết nối với ngân hàng trong việc tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, việc một số công ty CVNH tự huy động vốn để cho vay, về bản chất thì đây là một hoạt động ngân hàng và phải được cấp phép nên hành vi này cần được kiểm soát, ngăn chặn. Loại hình này thường bị cấm tại các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công ty CVNH tại Việt Nam hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng thông qua việc hợp tác hoặc cung cấp dịch vụ cho các công ty cầm đồ trong việc tìm kiếm khách hàng, thậm chí phân phối khoản vay thông qua nền tảng trực tuyến. Thông qua công ty CVNH, hoạt động cho vay của các tổ chức cầm đồ chuyển từ không gian vật lý sang không gian trực tuyến. Trong trường hợp này, công ty cung cấp nền tảng không thể gọi là công ty CVNH mà chỉ là một công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động cho vay của công ty cầm đồ. Cùng với đó, nhiều hành vi phạm pháp “núp bóng” CVNH đã xuất hiện như cho vay lãi nặng, rửa tiền, tài chính đa cấp bất chính, lừa đảo người cho vay/nhà đầu tư, mua bán thông tin cá nhân của người vay, nhà đầu tư trái phép.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn lỗ hổng về pháp lý đối với quản lý CVNH. Hiện Việt Nam không có căn cứ để đánh giá các công ty cung cấp nền tảng CVNH có hoạt động đúng bản chất. Nếu đối chiếu với quy định của một số quốc gia, nhiều công ty CVNH tại Việt Nam đang hoạt động sai về bản chất, thể hiện ở những vấn đề như: không đảm bảo các yêu cầu về tách bạch tài chính nền tảng và người dùng, yêu cầu về công bố thông tin và làm sai lệch hiểu biết của nhiều người về mô hình CVNH.

Để thu hút khách vay, nhiều nền tảng CVNH đưa ra các thông tin về các gói khuyến mãi cho khách hàng như cho vay với lãi suất 0% trong vòng 10 ngày đầu tiên, miễn phí tư vấn và phí dịch vụ... Tuy nhiên, các chương trình khuyến mại này thường sai sự thật.6

3.2. Gọi vốn cộng đồng

Hiện mô hình GVCĐ tại Việt Nam đang phát triển với quy mô nhỏ và còn nhiều hạn chế. Nhiều nền tảng website GVCĐ ra đời, phát triển, xây dựng được uy tín và niềm tin từ cộng đồng đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây. Mô hình GVCĐ chính thức xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2012. Cho đến nay, một số website kêu GVCĐ nổi bật là IG9, FirstStep, Fundstart, Charity Map, FundingVN…, tuy nhiên đã ngừng hoạt động, với khoảng thời gian hoạt động trung bình chỉ 2 - 3 năm. Một số trường hợp đã có đóng góp lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp như: (i) IG9 (năm 2012 - 2013): Đây là sàn GVCĐ đầu tiên tại Việt Nam, với hơn 40 dự án gọi vốn thành công có quy mô từ 7 - 15 triệu đồng cho một dự án; (ii) FirstStep (năm 2015 - 2016) là website cho nhiều lĩnh vực về khởi nghiệp như: nông nghiệp, phần mềm, giải trí, games, từ thiện… với nhiều tính năng nổi bật về hệ thống thanh toán qua ví điện tử, hoàn trả tiền tự động và linh hoạt, minh bạch, dễ quản lý danh sách những người đóng góp, tỷ lệ thành công của các dự án được gây quỹ khá cao. FirstStep đã đóng góp không nhỏ trong việc gia tăng niềm tin thị trường về GVCĐ tại Việt Nam. Tuy vậy, vốn huy động trên giao diện này chủ yếu là vốn chủ sở hữu với giá trị nhỏ, từ 200.000 - 2.000.000 đồng. Các nhà đầu tư chủ yếu nhận lại hiện vật liên quan đến dự án mà họ đầu tư như sách, truyện, thực phẩm…

  Trong năm 2020 - 2021, GVCĐ bất động sản đã xuất hiện và đang phát triển. Theo mô hình này, các dự án bất động sản được chia thành nhiều phần để các nhà đầu tư cùng tham gia. Các gói đầu tư sẽ được đánh mã số hợp đồng riêng để đảm bảo loại bỏ khả năng đầu tư vượt giá trị tài sản. Các nhà đầu tư có thể góp vốn để cùng đầu tư vào một sản phẩm và nhận về cả gốc và lợi nhuận trong 2 năm. Một số công ty đã và đang thực hiện GVCĐ bất động sản là Công ty Bất động sản M.Land, Phu Cuong Golden Land (Công ty Phú Cường). Các thông tin về GVCĐ bất động sản được đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể cho mô hình GVCĐ. Thậm chí, căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các hoạt động huy động vốn từ công chúng chưa được cấp phép là không hợp pháp (Điều 8 Khoản 2). Việc thiếu các quy định pháp luật cụ thể cho mô hình GVCĐ đã hạn chế doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc nếu làm cũng chỉ gọi vốn cho các dự án quy mô nhỏ vài chục triệu đồng để tránh gặp rủi ro pháp lý, điều này dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu gọi vốn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

4. Những vấn đề đặt ra từ xu hướng phát triển của tài chính thay thế tại Việt Nam

Luật pháp Việt Nam chưa có quy định về hình thức CVNH và GVCĐ nên hoạt động CVNH và GVCĐ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người tham gia. Những quy định hiện nay về tín dụng hay huy động vốn trên thị trường tài chính chính thức đều không phù hợp với mô hình hoạt động CVNH, GVCĐ và các công ty cung cấp nền tảng đối với các dịch vụ này. Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Luật Đầu tư cũng không quy định về hoạt động CVNH. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực CVNH thường đăng ký ngành nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vẫn đầu tư môi giới tài chính và tự nhận là công ty CVNH cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Theo đánh giá của CCAF (2021), việc có khung pháp lý phù hợp với các công ty CVNH, GVCĐ sẽ góp phần thúc đẩy quy mô của các mô hình tài chính mới này. Quy mô thị trường CVNH, GVCĐ và các loại tài chính thay thế khác trên đầu người tại Việt Nam đang cao hơn so với các quốc gia trong khu vực (như Philippines, Thái Lan), nhưng thấp hơn nhiều so với Indonesia và có khoảng cách lớn so với Singapore. Trong khi các nước này đều đã ban hành những quy định pháp lý rõ ràng đối với mô hình CVNH, GVCĐ, thiết lập khung pháp lý thử nghiệm Sandbox trong những năm gần đây thì Việt Nam vẫn còn thận trọng trong ban hành các quy định pháp lý đối với các loại hình kinh doanh mới. Hạn chế này không chỉ đối với CVNH, GVCĐ mà là vấn đề chung đối với các mô hình kinh tế chia sẻ khác.

Tại khu vực Đông Nam Á, đã có 4 quốc gia xây dựng cơ chế Sandbox là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Các quốc gia này đều đã ban hành các quy định cụ thể, thể hiện rõ quan điểm và lập trường của Chính phủ trong quản lý và giám sát hoạt động CVNH, GVCĐ. Theo khảo sát của Tập đoàn United Overseas Bank Limited, các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam vẫn chưa phát triển bằng các nước ASEAN khác trong khu vực. 28% công ty Fintech sẽ chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở, so với tỷ lệ 13% công ty sẽ chọn Việt Nam. Singapore hiện là trung tâm Fintech khu vực, với 45% số doanh nghiệp đặt trụ sở và chiếm 51% tổng vốn đầu tư vào Fintech tại ASEAN. Do đó, để thực hiện mục tiêu về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng khoa học công nghệ làm động lực tăng trưởng trong giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam phải sớm hoàn thiện khung pháp lý đối với công nghệ tài chính nói chung, CVNH và GVCĐ nói riêng.

Xu hướng phát triển của GVCĐ, CVNH trên toàn thế giới cho thấy sự phát triển tất yếu của mô hình này trong nền kinh tế số. Tại Việt Nam, phát triển GVCĐ, CVNH phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển công nghệ tài chính7, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và phát triển nền kinh tế số8, kinh tế chia sẻ9 và tài chính toàn diện10. Khung pháp lý hiện hành chưa có các quy định cụ thể, định nghĩa chi tiết về Fintech, nhưng Chính phủ đang có kế hoạch sớm ban hành các biện pháp quản lý và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này vào giai đoạn tới, đồng thời cho phép phát triển, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính như e-KYC, API mở, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây.

Nếu phát triển lành mạnh và đúng bản chất, CVNH và GVCĐ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống tài chính như: phát triển thị trường tài chính hiện đại, thúc đẩy tài chính toàn diện, và khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức và thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm qua với dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 47,84 tỷ USD vào cuối năm 2017. Đây chính là dư địa cho phát triển các dịch vụ tài chính hướng tới tài chính toàn diện, bao gồm cả CVNH và GVCĐ.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam11, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới. Trong đó, có ràng buộc điều kiện sẽ áp đặt một chương trình thử nghiệm thí điểm cho một dịch vụ tài chính mới, áp đặt số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể tham gia thử nghiệm thí điểm hoặc hạn chế phạm vi của chương trình thí điểm. Mức độ hạn chế được cam kết sẽ không được phức tạp hơn mức cần thiết để đạt được mục tiêu. Do đó, việc đặt ra cơ chế thử nghiệm đối với các dịch vụ tài chính mới, bao gồm cả CVNH và GVCĐ tại Việt Nam là điều tất yếu.

Tuy nhiên, phát triển CVNH, GVCĐ tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản, đòi hỏi phải có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển. Khi tham gia GVCĐ, chủ dự án phải minh bạch dự án, do đó thường có tâm lý lo sợ về việc mất ý tưởng khi kêu gọi cộng đồng góp vốn, đặc biệt trong môi trường kinh doanh bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế như tại Việt Nam.

Rào cản khác là vấn đề tiếp cận thông tin tín dụng, đầu tư để đánh giá chất lượng người vay, người cho vay, nhà đầu tư. Tại nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ…, sau khi được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực CVNH, các công ty này sẽ được phép truy cập cơ sở dữ liệu chung về đánh giá tín dụng của hệ thống để thực hiện các nghiệp vụ đánh giá rủi ro cần thiết. Hoặc các quốc gia ban hành các hạn mức đầu tư đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp qua hình thức GVCĐ (như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia…), đều đòi hỏi các nền tảng GVCĐ phải chia sẻ thông tin, thực hiện báo cáo và truy cập được thông tin về tín dụng, đầu tư của các khách hàng. Tuy nhiên, những vấn đề này khó thực hiện tại Việt Nam.

Ngoài ra, một hệ sinh thái có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, sẵn sàng chịu rủi ro, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ là những yếu tố cần thiết để thúc đẩy hoạt động CVNH, GVCĐ phát triển. Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp mới bắt đầu được xây dựng, niềm tin vào khởi nghiệp và thái độ sẵn sàng chịu rủi ro còn thấp trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

5. Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Việt Nam, tiến tới hoàn thiện các quy định đặc thù đối với tài chính thay thế, đặc biệt là CVNH và GVC cần hoàn thiện khung pháp lý và giám sát chung đối với lĩnh vực công nghệ tài chính. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ tích cực đối với phát triển Fintech, điển hình là áp dụng cơ chế thử nghiệm Sandbox (Úc, Anh, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Indonesia…) và xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo FinTech (Úc). Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Thời gian từ khi đề nghị được thông qua và đến khi các cơ chế thử nghiệm chính thức được ban hành và có hiệu lực còn một khoảng thời gian dài.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong xây dựng khung pháp lý thử nghiệm Fintech, Việt Nam cần chú ý tới các nội dung về đánh giá tính khả thi; tương tác giữa hệ thống pháp luật và cơ chế thử nghiệm; nguồn lực và quản trị cơ chế thử nghiệm; giới hạn thời gian, ngành hoặc không gian thử nghiệm; các biện pháp bảo vệ người dùng; các tiêu chí đối với loại sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn thử nghiệm. Các điều kiện, tiêu chuẩn này có thể liên quan đến quy mô vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh, cách thức triển khai ý tưởng và mô hình kinh doanh.... Cơ quan chức năng cần được phép quyết định thêm các điều kiện, tiêu chuẩn trong một số trường hợp đặc biệt để đáp ứng các đặc điểm khác nhau của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong danh sách các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ sáng tạo có thể được xem xét thử nghiệm theo cơ chế thử nghiệm cần có CVNH, GVCĐ và thí điểm hoạt động cho các công ty CVNH, GVCĐ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm lên kế hoạch và thực thi thí điểm hoạt động cho các công ty CVNH và GVCĐ, từ đó có những đánh giá và nhận diện rõ hơn về xu hướng phát triển của thị trường. Trước mắt, có thể thí điểm một số công ty CVNH, GVCĐ đang dẫn đầu thị trường trong những năm gần đây và có thị phần thị trường lớn. Việc thực thi thí điểm đối với một số doanh nghiệp bước đầu sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nắm bắt được xu hướng, đánh giá tác động để đưa ra được các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp, thúc đẩy phát triển hoạt động CVNH, GVCĐ.

Đối với Fintech, Việt Nam cần quy định rõ ràng về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech. Việc xác định rõ tư cách pháp lý của các công ty cung cấp nền tảng CVNH, GVCĐ có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng và xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động đặc biệt này. Nếu xem các tổ chức này là những định chế tài chính trung gian trong thị trường tài chính, chỉ khác biệt là thay vì với hình thức giao dịch truyền thống, thì hoạt động vay vốn diễn ra trực tuyến toàn bộ nhờ công nghệ 4.0, thì việc quản lý của Nhà nước cũng sẽ cần chặt chẽ hơn với những quy định về an toàn hoạt động như dịch vụ ngân hàng, phát hành chứng khoán ra công chúng.

Các quy định đối với việc triển khai, vận hành mô hình CVNH, GVCĐ cần chú trọng vào: (i) Giới hạn dịch vụ đối với công ty CVNH, GVCĐ, giới hạn cho vay/huy động vốn đối với người cho vay, giới hạn đi vay đối với người vay; (ii) Duy trì hệ thống điện tử an toàn, bảo vệ dữ liệu khách hàng; (iii) Phòng, chống rửa tiền và khủng bố; (iv) Quy định trách nhiệm của các bên liên quan; (v) Công bố thông tin; (vi) Quảng cáo, truyền thông; (vii) Một số hành vi bị cấm; (viii) Hoạt động giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm báo cáo của công ty CVNH, GVCĐ.

Việt Nam cũng cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CVNH, GVCĐ. Theo đó, Chính phủ cần cân nhắc xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài chính, như ưu đãi thuế, phí, tiếp cận vốn và cả phi tài chính như khuyến khích và thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thúc đẩy phát triển Fintech nói chung, CVNH và GVCĐ nói riêng. Các chính sách cần tương thích giữa phát triển các loại hình tài chính thay thế với các mục tiêu phát triển của thị trường tài chính.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần được xây dựng và phát triển, tạo cung và cầu cho các loại tài chính thay thế phát triển. Các đề xuất gồm cải thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển. Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cần tăng cường sự gắn kết để nâng cao đóng góp đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ blockchain, công nghệ sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo… cũng cần được chú trọng, tạo điều kiện cho việc ứng dụng vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Ngoài ra, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ mình của nhà đầu tư khi tham gia vào các mô hình tài chính thay thế, như xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cho nhà đầu tư. Đồng thời, nhận thức của toàn xã hội đối với hình thức CVNH, GVCĐ cần được nâng cao.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Bùi Thúy Hằng (2019), CVNH: Kinh nghiệm Trung Quốc, Indonesia và khuyến nghị đối với Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 13.

2. Nguyễn Mạnh Hùng, Tạ Thu Hồng Nhung (2020), Thực trạng hoạt động CVNH tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương.

3. Nguyễn Thị Thu Trang, Lương Xuân Minh, Võ Thị Ngọc Hà (2019), CVNH ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm quản lý từ một số quốc gia, Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ - Kinh tế - Luật và Quản lý, 3(3):211 - 218

4. Nguyễn Thị Hải Bình, Lưu Ánh Nguyệt (2018), Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và thách thức đặt ra, Tạp chí Tài chính, 11/2018, số 692, trang 15 - 18.

5. Nguyễn Thúy An (2018), Pháp luật về GVCĐ: Kinh nghiệm quốc tế và một số lưu ý đối với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, số 97.

6. Nguyễn Trường Sơn (2017), Mô hình huy động vốn từ cộng đồng: Kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, tập 126, số 5A, 2017, trang 115 - 126.

7. Phạm Văn Hiếu, Vũ Ngọc Anh (2020), Mô hình GVCĐ trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính (tháng 10/2020).

Tiếng Anh

8. Cambridge Centre for Alternative Finance (2020), The Global Alternative Finance Market Benchmarking Report.

9. Ziegler, T., Shneor, R., Wenzlaff, K., et al. (2021), The 2nd Global Alternative Finance Market Benchmarking Report, Cambridge, UK, Cambridge Centre for Alternative Finance.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 2/2022

*1 Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.

*2 Đại học Phenika.

*3 Theo Công văn số 5228/NHNN-CSTT ngày 08/7/2019 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động CVNH.

*4 Theo Vụ Chính sách tiền tệ ngân hàng (2020).

*5 Chỉ cung cấp nền tảng công nghệ và hưởng phí, làm trung gian kết nối giữa người cho vay và người đi vay.

*6 Đơn cử như tại trang Tima trên di động, lãi suất 15%/tháng (180%/năm), hay tại doctordong.vn với mức lãi suất cho vay công bố chỉ 10,95%/năm, nhưng nếu cộng phí dịch vụ, phí tư vấn… người vay phải trả lãi đến 44,1%/tháng (529,2%/năm).

*7 Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính, Fintech, trong lĩnh vực ngân hàng.

*8 Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/TTg ngày 03/6/2020.

*9 Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

*10 Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

*11 Ngày 08/6/2020, Quốc hội khóa XVI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thống nhất thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (Hiệp định EVFTA), chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%