Hoàn thiện công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viên công lập thuộc Trung ương quản lý

Hoàn thiện công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viên công lập thuộc Trung ương quản lý 09/05/2022 16:27:00 2578

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hoàn thiện công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viên công lập thuộc Trung ương quản lý

09/05/2022 16:27:00

Phạm Minh Hóa

Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính

 

Tài sản công là một bộ phận quan trọng trong tổng nguồn của cải ở mỗi quốc gia. Quản lý, khai thác tài sản công tốt sẽ góp phần chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội. Bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý (bệnh viện tuyến 1) là bệnh viện tuyến đầu của cả nước, nơi tập trung đội ngũ y bác sĩ tốt nhất, được Nhà nước tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị y tế tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ. Việc hoàn thiện công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thúc đẩy toàn bộ hệ thống y tế của cả nước phát triển.

Từ khóa: Tài sản công, quản lý tài sản công, bệnh viên công lập thuộc Trung ương quản lý.

Public property is an important part of a country's wealth. Good management and exploitation of public assets will contribute to the fight against waste, loss and corruption, and promote resources for asset regeneration and socio-economic development. Centrally - managed public hospitals (First - line hospitals) are the frontline hospitals of the country, where have the best medical staff, facilities and equipment. The improvement of public asset management in centrally - managed public hospitals plays important role in enhancing the quality of medical examination and treatment and people's health care; promote the development of the entire health system of the country.

Keywords: Public property, public property management, centrally- managed public hospitals.

1. Một số vấn đề chung về công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý

1.1. Tài sản công

Tài sản công có giá trị rất lớn và ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Xét về mặt bản chất, tài sản công gắn với lợi ích công; là của cải hữu hình hoặc vô hình được hình thành từ tiền của công chúng (chẳng hạn ngân sách nhà nước - NSNN), phục vụ việc công, chịu sự giám sát của công chúng; hoặc là của cải mà các tổ chức công chiếm hữu, sử dụng để có được lợi ích công rộng rãi hơn, chất lượng hơn. Do đó, việc tăng cường quản lý tài sản công, bảo vệ lợi ích công đóng vai trò quan trọng cả về ý nghĩa kinh tế và xã hội. Tại Việt Nam, tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện thống nhất quản lý. Nhà nước là chủ sở hữu của mọi tài sản công, nhưng giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước là chủ thể trực tiếp khai thác, sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Đối với hệ thống các bệnh viện công lập, nhiệm vụ chính là thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để thực hiện các mục tiêu trên, cần phải có công cụ, trong đó tài sản là công cụ vật chất không thể thiếu. Tài sản công là điều kiện vật chất thiết yếu phục vụ hoạt động của các bệnh viện công lập, bao gồm nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, các phương tiện đi lại, máy móc, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, do bệnh viện công lập được Nhà nước thành lập và phục vụ mục tiêu do Nhà nước quy định, đồng thời trong điều kiện ban đầu chưa được tự chủ, tài sản của bệnh viện công lập phải do Nhà nước trang cấp. Để phục vụ mục tiêu phân cấp quản lý, với số lượng, chủng loại tài sản công đa dạng, phân bố ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau nên tài sản công được Nhà nước giao cho các bệnh viện công lập sử dụng, quyền sở hữu và giám sát sẽ do Nhà nước thực hiện. Do đó, tài sản công các bệnh viện công lập là một bộ phận tài sản công mà Nhà nước giao cho các bệnh viện công lập trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ được giao.

Tài sản công tại các bệnh viện công lập có một số đặc điểm cơ bản như được hình thành đan xen từ nguồn NSNN và huy động xã hội hóa; đa dạng và phong phú về chủng loại; giá trị của tài sản công giảm dần trong quá trình sử dụng.

1.2. Quản lý tài sản công tại các bệnh viện công lập

Quản lý tài sản công các cơ sở bệnh viện công lập là sự tác động của bộ máy quản lý đến sự hình thành và vận động của tài sản công các bệnh viện công lập, nhằm đảm bảo tài sản công được đầu tư xây dựng mới, mua sắm, sử dụng, khai thác và thanh lý một cách hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao cho các bệnh viện công lập. Quản lý việc sử dụng, khai thác tài sản công tại các cơ sở bệnh viện công lập là một bộ phận của quản lý tài sản công các cơ sở bệnh viện công lập. Theo đó, nội dung quản lý tài sản công các bệnh viện công lập bao gồm:

Quản lý quá trình hình thành tài sản

Tài sản công các bệnh viện công lập được hình thành từ các nguồn chính sau: tài sản công bằng hiện vật do Nhà nước giao; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ NSNN, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Quản lý quá trình hình thành tài sản công là khâu mở đầu, quan trọng nhất quyết định cho các khâu tiếp theo. Thông qua quá trình hình thành tài sản sẽ đánh giá được tính cấp thiết, thực trạng quản lý và ngân sách của mỗi đơn vị quản lý tài sản công. Quản lý quá trình hình thành tài sản đối với những loại tài sản khác nhau sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào phương thức hình thành của tài sản như: tài sản hình thành do bàn giao, điều chuyển; đầu tư xây dựng, mua sắm mới... Đối với tài sản hình thành do đầu tư, mua sắm mới, việc quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản sẽ căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản, chế độ quản lý tài sản; thực trạng, nhu cầu về tài sản công và khả năng nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của bệnh viện công lập làm cơ sở xây dựng kế hoạch, thống kê vào dự toán NSNN hằng năm. Sau khi có chủ trương đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, việc thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản phải tuân thủ theo các quy trình nghiệp vụ, quy định về đầu tư và xây dựng, quy định về mua sắm tài sản công. Trong quản lý ở giai đoạn này, các bệnh viện công lập sẽ chỉ đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản đã được ghi vào kế hoạch, dự toán, không thực hiện các nhu cầu xây dựng, mua sắm tài sản ngoài kế hoạch (trừ các trường hợp được cấp có thẩm quyền bổ sung, các tài sản mua sắm do tài trợ, biếu tặng).

Quản lý quá trình sử dụng, khai thác tài sản

Việc quản lý quá trình sử dụng, khai thác tài sản công có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy hết vai trò của tài sản công. Việc quản lý căn cứ vào mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Nội dung quản lý bao gồm: xác định cụ thể đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng; xây dựng và ban hành nội quy, quy chế quản lý tài sản công; mở sổ sách kế toán theo dõi tình hình biến động của tài sản công; thực hiện chế độ kê khai, đăng ký, báo cáo, kiểm kê đột xuất và định kỳ tài sản công theo quy định của pháp luật; kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản công; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo yêu cầu kỹ thuật và đặc điểm sử dụng.

Theo quy định hiện hành của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bệnh viện công lập hiện nay có quyền được sử dụng tài sản công do bản thân đơn vị quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không cần có bước nhận tài sản như Nhà nước giao tài sản cho doanh nghiệp. Bệnh viện sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; tổ chức thực hiện đề án đã được phê duyệt; cập nhật thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ khác với Nhà nước.

Quản lý khi kết thúc quá trình sử dụng

Tài sản công các bệnh viện công lập đưa vào sử dụng sau một thời gian nhất định đều có quá trình kết thúc để thay thế bằng tài sản khác (trừ đất đai, công trình thuộc kết cấu hạ tầng và một số công trình có tính chất lâu bền khác). Bên cạnh những tài sản sử dụng đã hết khấu hao không sử dụng được, còn có những tài sản vẫn còn sử dụng được nhưng bệnh viện không có nhu cầu sử dụng do thay đổi chức năng, nhiệm vụ, hoặc do tài sản được đầu tư để sử dụng cho một mục đích ngắn hạn... Khi tài sản công hết thời gian sử dụng, đã hao mòn hết hoặc hư hỏng không còn sử dụng được thì phải được tiến hành thanh lý để thu hồi phần giá trị có thể thu hồi được cho NSNN, đồng thời là căn cứ để chuẩn bị đầu tư, mua sắm tài sản mới.

Khi kết thúc sử dụng tài sản phải thực hiện đánh giá hiện trạng tài sản cả về vật chất và giá trị tài sản, thực hiện kiểm kê, xác định giá trị hiện tại của tài sản, lập những phương án xử lý khác nhau. Vấn đề định giá để bán, thanh lý tài sản là yếu tố quyết định hiệu quả của quá trình này. Quản lý quá trình kết thúc việc sử dụng tài sản công tại bệnh viện là việc quản lý quá trình xử lý tài sản đó với các hình thức khác nhau như thanh lý, bán hoặc chuyển nhượng.

2. Thực trạng công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý

Hiện nay, cả nước có 13.319 bệnh viện, cơ sở y tế với tổng số giường là 320.281; trong đó có 47 bệnh viện thuộc Trung ương quản lý (chiếm tỷ lệ 1,4%), với tổng số giường bệnh khoảng 31.436 (chiếm 9,8%).

So sánh tài sản của các bệnh viện công lập thuộc Trung ương với tài sản tại cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước

Đơn vị: Tỷ đồng

Đơn vị

2016

2017

2018

2019

2020

Nguyên giá

Giá trị
còn lại

Nguyên
giá

Giá trị còn lại

Nguyên
giá

Giá trị
còn lại

Nguyên
giá

Giá trị
còn lại

Nguyên
giá

Giá trị
còn lại

Cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước

1.283.209

1.084.168

1.442.148

1.207.421

1.561.731

1.297.990

1.655.520

1.342.518

1.805.064

1.445.316

Bệnh viện thuộc Trung ương quản lý

367.611,68

317.502,01

413.367,04

353.075,5

449.175,16

379.183,19

496.671,96

399.464,99

581.644,59

459.188,64

Tỷ trọng (%)

29

29

29

29

29

29

30

30

32

32

Nguồn: Tính toán của tác giả

Tài sản công tại bệnh viện thuộc Trung ương quản lý (chưa bao gồm cơ sở y tế trong lực lượng vũ trang) chiếm khoảng 30% tổng giá trị tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Với tổng số 47 bệnh viện thuộc Trung ương quản lý chỉ chiếm 1,4% tổng số bệnh viện, cơ sở y tế trên phạm vi cả nước (13.319) thì khối lượng tài sản công tại các bệnh viện trung ương đang được Nhà nước giao quản lý, sử dụng và khai thác nêu trên là rất lớn; đòi hỏi cần được quản lý chặt chẽ, hiệu quả trong phục vụ các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để thất thoát, lãng phí tài sản công.

2.1. Kết quả đạt được

Hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý tài sản công làm cơ sở quản lý, khai thác tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý đã được hình thành tương đối đầy đủ. Hệ thống cơ chế quản lý đã bao quát từ khâu đầu tư, mua sắm đến quá trình quản lý, sử dụng và cuối cùng là thu hồi, thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc không còn sử dụng được. Hệ thống cơ chế quản lý tài sản công áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực sự trở thành cơ sở pháp lý để Nhà nước kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản công các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý.

Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý từng bước được đổi mới phù hợp với lộ trình đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập y tế. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý trong việc quản lý, sử dụng tài sản. Theo đó, các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý tự chủ tài chính được Nhà nước khoán kinh phí để đầu tư, mua sắm tài sản. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ công cho Nhà nước, các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý tự chủ tài chính được sử dụng tài sản vào mục đích sản xuất - kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết và có trách nhiệm bảo toàn vốn, thực hiện hạch toán và có nghĩa vụ với NSNN.

Tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý cơ bản được đầu tư, trang bị, sử dụng, khai thác đúng mục đích và ngày càng hiệu quả hơn; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, giảm sự phụ thuộc vào NSNN.

2.2. Một số vấn đề đặt ra

Đầu tư, mua sắm tài sản

Tình trạng đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh còn chưa phù hợp, chưa hiệu quả, gây lãng phí và vi phạm quy định của pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số bệnh viện thuộc Trung ương quản lý. Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, việc đầu tư, mua sắm tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn, định mức đã được cấp có thẩm quyền ban hành và phải xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, qua phản ánh của các phương tiện truyền thông và công tác thanh tra, kiểm tra tại một số bệnh viện thuộc Trung ương quản lý đã phát hiện ra nhiều trường hợp mua sắm máy móc, thiết bị y tế vượt tiêu chuẩn, định mức; không phù hợp với yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh, nhiều máy móc, thiết bị sau khi đầu tư mua sắm về không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Trong khi đó, đơn vị vẫn phải bố trí nguồn kinh phí để duy trì, bảo dưỡng tài sản. Điều này dẫn đến tình trạng “lãng phí kép” trong đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý thời gian qua.

Bên cạnh đó, các đơn vị vẫn sử dụng phương thức mua sắm tài sản theo phương thức phân tán là chủ yếu. Bộ Y tế mới ban hành Danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ áp dụng do các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm 5 danh mục. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức mua sắm chưa phát huy hiệu quả, do phân tán là hạn chế của phương thức mua sắm này như: không chuyên nghiệp; chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ trong quản lý tài sản công, tốn kém chi phí tổ chức thực hiện; giá cả cao, không thống nhất do mua sắm lẻ…

Phương thức lựa chọn nhà thầu còn phát sinh những tiêu cực. Mặc dù Luật Đấu thầu đã quy định rất chi tiết về quy trình, thẩm quyền cũng như chủng loại và phương thức lựa chọn nhà thầu, thực tế triển khai vẫn có hiện tượng tiêu cực. Với hình thức chỉ định thầu, pháp luật quy định chỉ định thầu dựa trên hoạt động đàm phán giá với các nhà cung cấp. Nhà cung cấp nào đưa ra mức giá phù hợp nhất đáp ứng được chất lượng tài sản sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, có thể phát sinh trường hợp việc lựa chọn nhà thầu dựa vào mối quan hệ mà xem nhẹ yếu tố giá, dẫn đến mức giá lựa chọn không phải là thấp nhất, gây thất thoát và lãng phí tiền bạc. Hoặc nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và vận hành sau này. Với hình thức đấu thầu, tình trạng đấu thầu “hình thức” vẫn diễn ra.

Quản lý, sử dụng tài sản công

Trong điều kiện bình thường khi chưa có đại dịch Covid-19, tại một số bệnh viện thuộc Trung ương quản lý, nhất là các bệnh viện chuyên khoa vẫn còn tình trạng tài sản không được sử dụng hết công suất do đặc thù của hoạt động chuyên môn. Trong khi đó, một số bệnh viện khác trên cùng địa bàn, nhất là các bệnh viện đa khoa thì luôn trong tình trạng quá tải, không đủ máy móc, trang thiết bị, giường bệnh. Điều này đặt ra vấn đề cần có cơ chế để có thể nâng cao được hiệu quả sử dụng, tránh việc lãng phí tài sản công tại các bệnh viện nêu trên.

Các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý có xu hướng thực hiện sử dụng, khai thác tài sản công theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết dựa trên nhu cầu mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh phục vụ cho các đối tượng khám, chữa bệnh tự nguyện, theo yêu cầu nhằm thu tiền dịch vụ hơn là mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Điều này dẫn đến thực trạng có sự phân biệt giữa khám, chữa bệnh theo yêu cầu và theo bảo hiểm y tế.

Đồng thời, công tác quản lý việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập, một số tài sản công khi sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết chưa được hạch toán riêng, trích khấu hao và kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều bệnh viện công lập chưa thực sự chủ động trong việc cập nhật dữ liệu về tài sản tại đơn vị, gây khó khăn cho cơ quan quản lý để nắm bắt thực tế tài sản của cơ sở mình. Bên cạnh đó, với những nội dung báo cáo theo quy định, đối chiếu với thực tế các bản báo cáo của các bệnh viện công lập thuộc trung ương quản lý thì rõ ràng nội dung báo cáo còn sơ sài, thông tin chỉ mang tính hình thức, các đề xuất, kiến nghị chưa thực sự có giá trị.

Xử lý tài sản công khi kết thúc quá trình sử dụng

Quản lý quá trình kết thúc việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập là việc quản lý quá trình xử lý tài sản đó với các hình thức khác nhau như điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán hoặc chuyển nhượng. Tuy nhiên, phương thức xử lý tài sản ở các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý mới chỉ dừng lại ở thanh lý, bán tài sản hoặc điều chuyển nội bộ. Cơ quan quản lý còn chưa nắm được số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản đã gây ra tình trạng thất thu cho NSNN. Ngược lại, có những tài sản không còn sử dụng được ở các bệnh viện nhưng lại không được xử lý một cách hiệu quả làm cho các bệnh viện không những không tận dụng được nguồn thu từ bán, thanh lý, mà còn phải tốn kém chi phí lưu kho tài sản.

Những tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản công tại các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

(i) Cơ chế, chính sách

Hiện nay, cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đã đầy đủ, đồng bộ và toàn diện, nhất là sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thi hành. Theo đó, các quy định mới đã theo hướng mở hơn, trao quyền tự chủ hơn cho đơn vị sự nghiệp công lập, hướng tới kỳ vọng đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tài sản công đã được Nhà nước đầu tư, mua sắm. Tuy nhiên, với đặc thù của các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý, một số cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng, khai thác có phát sinh bất cập, gây khó khăn vướng mắc trong thực hiện.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn vị sự nghiệp được sử dụng tài sản công để cho thuê khi sử dụng không hết công suất hoặc liên doanh, liên kết để phát huy hiệu quả của tài sản. Đối với trường hợp cho thuê tài sản thì phải thực hiện đấu giá, còn sử dụng tài sản công liên doanh, liên kết thì phải tổ chức lựa chọn đối tác (như đấu thầu). Thực tế, có những bệnh viện trung ương bị quá tải bệnh nhân nhưng không thể mở rộng được cơ sở vật chất; trong khi đó, có những bệnh viện trung ương khác hoặc các cơ sở y tế trên cùng địa bàn chưa khai thác hết công suất cơ sở vật chất có thể liên kết để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, với quy định như trên dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc hợp tác, phối hợp giữa các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý trong việc tận dụng, phát huy công suất, hiệu quả của tài sản.

Trong lĩnh vực y tế, thương hiệu của các bệnh viện công lập thuộc Trung ương có giá trị rất lớn và theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì phải xác định giá trị thương hiệu khi sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, khi triển khai, việc xác định được giá trị thương hiệu nhiều khó khăn, vướng mắc. Những giá trị tài sản vô hình như uy tín, tài năng của đội ngũ y bác sỹ lại là yếu tố khó định giá, đánh giá và là vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị thực hiện liên doanh, còn liên kết.

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết của các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý và không có quy định cho phép phân cấp thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tài sản công sử dụng để liên doanh, liên kết đa dạng, có thể là máy móc, trang thiết bị, nhà, đất. Do đó, nếu không được phân cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết, nhất là đối với các tài sản có giá trị nhỏ, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự chủ hoàn toàn sẽ dẫn đến hạn chế trong sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản công.

(ii) Thực hiện quản lý tài sản công

Hầu hết các bệnh viện chưa xây dựng quy trình chặt chẽ với sự tham gia đầy đủ của các thành phần có liên quan (bộ phận tài chính, chuyên môn, cơ quan bảo hiểm y tế…) để đánh giá sự cần thiết, tính phù hợp, hiệu quả của việc đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nguyên tắc trong đầu tư, mua sắm tài sản phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị đã được cấp có thẩm quyền ban hành chưa được tuân thủ đúng. Các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý chủ yếu thực hiện mua sắm theo hình thức phân tán, việc mua sắm tập trung mới chỉ thực hiện đối với 5 loại máy móc, thiết bị do Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 30/7/2018. Điều này chưa phát huy được tính hiệu quả, tiết kiệm của phương thức mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đơn vị sự nghiệp y tế công lập phải tổ chức lựa chọn đối tác để liên doanh, liên kết theo trình tự, thủ tục đã được quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý khi sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết đã có sự hợp tác nhất định với một số đối tác ngay từ trong quá trình xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào liên doanh, liên kết. Điều này gây ảnh hưởng đáng kể đến tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình để các đơn vị xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đối tác và cách thức tổ chức lựa chọn đối tác thực hiện liên doanh, liên kết, dẫn đến lúng túng trong thực hiện.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý cũng chưa thực hiện công khai, minh bạch một cách thực chất. Đây là một trong nguyên nhân dẫn tới một loạt sai phạm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác hạch toán kế toán về tài sản công ở các bệnh viện công lập thuộc trung ương quản lý còn chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định, nhất là việc tính khấu hao tài sản cố định. Về cơ bản, các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý hiện nay chưa thực hiện hoạt động tính khấu hao hoặc tính chưa đầy đủ chi phí khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa sát với thực tế và chưa đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản công, nhất là tại các bệnh viện tự chủ.

(iii) Công tác kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý còn nhiều bất cập chưa được chú trọng thực hiện. Hầu hết các bệnh viện có hoạt động sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết, nhưng chưa có quy chế, quy định cụ thể về trách nhiệm trong thực hiên Đề án và kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện Đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết. Việc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến những vấn đề phát sinh để từ đó kịp thời điều chỉnh đảm bảo việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

(iv) Đội ngũ cán bộ

Năng lực của đội ngũ cán bộ, bộ phận được giao quản lý tài sản công; theo dõi hạch toán kế toán, tài chính còn nhiều hạn chế, không được thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những quy định mới của pháp luật có liên quan. Cán bộ của các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý hiện chủ yếu thực hiện quản lý tài sản như cơ quan nhà nước, các nghiệp vụ phát sinh không nhiều và đơn giản. Tuy nhiên, khi thực hiện đầu tư, mua sắm hay sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, nhiều cán bộ chưa lường hết sự phức tạp, chưa có kinh nghiệm ứng phó với mặt trái của cơ chế thị trường mang lại. Do vậy, nhiều đề án còn quy định chung chung, đơn giản, hợp đồng ký kết chưa rõ về quyền lợi và trách nhiệm, khi phát sinh tranh chấp thì không đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến thiệt hai cho Nhà nước.

3. Một số giải pháp, kiến nghị đối với công tác quản lý tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý

3.1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách

Các văn bản quy phậm pháp luật về sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần được tiếp tục hoàn thiện, trong đó cần quy định rõ các nội dung sau:

Nghiên cứu để cho phép các bệnh viện công lập, nhất là bệnh viện thuộc Trung ương quản lý trên cùng địa bàn được phép thuê tài sản của nhau hoặc chủ động sử dụng tài sản công để hợp tác, liên doanh, liên kết với nhau trong cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân từ đó phát huy công suất, hiệu quả của tài sản công. Việc cho bệnh viện “bạn” thuê tài sản hoặc lựa chọn đối tác là bệnh viện “bạn” để liên doanh, liên kết không phải thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu nhưng phải đảm bảo tuân thủ một số nguyên tắc nhất định.

Tạo ra một cơ chế mở cho việc xây dựng, trình tự, thẩm quyền ban hành đối với tiêu chuẩn, định mức quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị, phương tiện y tế áp dụng riêng đối với các bệnh viện công lập cấp Trung ương quản lý. Thực tế hiện nay các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý đều là những đơn vị có khối lượng máy móc, trang thiết bị đặc thù rất lớn, đa dạng, phong phú và thay đổi liên tục theo công nghệ hiện đại của toàn cầu. Do đó, nếu quy định cứng nhắc về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phương tiện trong ngành y tế có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân của các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý.

Đối với quy định cụ thể về nguyên tắc xác định giá trị thương hiệu của các bệnh viện công lập, trường hợp sử dụng tài sản công, thương hiệu để liên doanh, liên kết thì giá trị thương hiệu phải được xác định bằng tiền và tính là vốn góp của đơn vị trong tổng giá trị của hợp đồng liên doanh, liên kết và được tính “khấu hao” vào chi phí của dịch vụ, chi phí hoạt động của liên doanh, liên kết tương ứng với thời gian của hợp đồng liên doanh, liên kết. Đồng thời, cần nghiên cứu để quy định về tỷ lệ (mức tối thiểu) của giá trị thương hiệu của các bệnh viện khi góp vốn vào liên doanh, liên kết.

Chính phủ quy định phân cấp gắn với trách nhiệm của từng cấp được phân cấp trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các bệnh viện, đảm bảo nguyên tắc đồng độ với mức độ tự chủ và đi liền với nó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không thực hiện phân cấp “trắng”.

3.2. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị cần được rà soát, từ đó xây dựng quy trình đánh giá sự cần thiết, tính phù hợp, hiệu quả của việc đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh với sự tham gia đầy đủ của các thành phần có liên quan (bộ phận tài chính, chuyên môn, cơ quan bảo hiểm y tế…). Việc quyết định đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân cần tuân thủ triệt để nguyên tắc phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị đã được cấp có thẩm quyền ban hành và yêu cầu thực tiễn tại đơn vị.

Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công cần được nghiên cứu, bổ sung quy định việc sử dụng tài sản để cho thuê, liên doanh, liên kết. Trong đó, đối với trường hợp sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thì cần quy định rõ: (i) Tiêu chí lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết; (ii) Trách nhiệm của các đơn vị trong phối hợp với các bên tham gia liên doanh, liên kết: xây dựng và phê duyệt phương án liên doanh, liên kết; xây dựng, thương thảo và ký hợp đồng liên doanh, liên kết; xây dựng và quyết định mức giá của các dịch vụ theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện việc liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật; (iii) Xây dựng quy chế cử người lao động và trách nhiệm chi trả tiền lương, thu nhập cho người lao động của đơn vị được cử sang làm việc tại cơ sở hạch toán độc lập, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, cơ sở liên doanh, liên kết. Theo đó, cơ sở hạch toán độc lập, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, cơ sở liên doanh, liên kết có trách nhiệm sử dụng nguồn thu để chi trả tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ cho số người làm việc tại cơ sở, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Đơn vị không được sử dụng dự toán NSNN giao để chi trả tiền lương, phụ cấp, tiền công cho số người lao động được cử sang làm việc 100% thời gian tại cơ sở hạch toán độc lập, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, cơ sở liên doanh, liên kết.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý cần được thực hiện công khai, minh bạch. Theo đó, cần niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ từ các hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết, dịch vụ theo yêu cầu tại đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị để người bệnh biết, lựa chọn... Việc hạch toán kế toán, tính khấu hao tài sản cố định cũng cần được thực hiện đầy đủ trong trường hợp sử dụng tài sản công cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, cần từng bước tính đủ chi phí khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản công, nhất là tại các bệnh viện tự chủ.

Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các sai phạm cần được tăng cường trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, nhất là đối với trường hợp sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh liên kết. Đồng thời  cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên cập nhật những quy định mới của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, bộ phận được giao quản lý tài sản công, theo dõi hạch toán kế toán tài sản. Các cán bộ này cần được tạo điều kiện để tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các chính sách, chế độ mới về quản lý tài chính kế toán, tài sản, nhất là các văn bản mới liên quan đến cơ chế quản lý tài sản và tự chủ tài chính.

Các bệnh viện công lập thuộc Trung ương quản lý cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật biến động tăng, giảm tài sản, cũng như việc sử dụng tài sản công vào các mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Đức Thắng (2012), Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai tại Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Học viện Tài chính.

2. Trần Đức Thắng và Nguyễn Tân Thịnh (2017), Thực trạng quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp, Tạp chí Tài chính.

3. Nguyễn Tân Thịnh (2017), Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Tài chính.

4. La Văn Thịnh (2015), Sử dụng công cụ kế toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Học viện Tài chính.

5. Tạ Thanh Tú và Chu Thị Thủy Chung (2017), Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 2/2022

 

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%