Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: Thêm “lớp” bảo vệ cho người tham gia bảo hiểm

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: Thêm “lớp” bảo vệ cho người tham gia bảo hiểm 28/05/2022 11:09:00 596

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: Thêm “lớp” bảo vệ cho người tham gia bảo hiểm

28/05/2022 11:09:00

(TBTCO) - Chiều 27/5, Quốc hội đã thảo luận về tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Thảo luận tại Quốc hội, nhìn chung các đại biểu đánh giá dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý công phu, kỹ lưỡng, đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo.

Đề nghị bổ sung các loại bảo hiểm bắt buộc trong luật

Góp ý về quy định bảo hiểm bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho biết trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất phức tạp, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng cấp thiết, vì vậy, cần bổ sung ngay vào dự thảo luật bảo hiểm bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng thêm để bổ sung các loại bảo hiểm bắt buộc cần quy định trong luật, cân nhắc việc quy định bảo hiểm bắt buộc tại một số luật chuyên ngành bởi các quy định trong luật chuyên ngành do các bên tự thỏa thuận, khó khả thi trong thực tiễn.

Ý kiến của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng cho rằng quy định bắt buộc ở các luật chuyên ngành hầu như chưa được triển khai trên thực tế, đại biểu cho biết.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị bổ sung cụ thể vào luật chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm để tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm và chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.

Đại biểu phân tích, đặc trưng của bảo hiểm là khả năng huy động và luôn có sẵn nguồn vốn lớn, do đó, Nhà nước có thể sử dụng bảo hiểm như là một công cụ để điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần có ưu đãi khi doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư cho Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Về vấn đề tài chính, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng khái niệm về an toàn tài chính và an toàn vốn trong luật chưa có được sự thống nhất. Trong dự thảo luật quy định tại Điều 92 quy định về tỷ lệ an toàn vốn là một trong điều kiện để xem xét doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán hay không đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, tại Điều 93 có tên điều là an toàn tài chính, và nội dung trong điều này chưa có sự thống nhất.

Cũng liên quan đến tài chính, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lo ngại liệu có sự trùng lắp giữa Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, và Quỹ dự trữ bắt buộc, mục đích để bổ sung vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán. Theo đại biểu, mặc dù rộng hơn nhưng mục đích của Quỹ dự trữ bắt buộc cũng đã bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Hạn chế “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến về việc hạn chế hợp đồng bảo hiểm "mồ côi" - (cách gọi những hợp đồng bảo hiểm đang thực hiện nhưng bỗng dưng thiếu người chăm sóc vì tư vấn viên nhảy việc - PV). Dù chưa có đánh giá thực tế về hiện trạng hợp đồng "mồ côi", nhưng theo đại biểu số lượng hợp đồng này rất lớn. Đã có một số công ty thành lập và có chức năng tư vấn cho người mua bảo hiểm tiếp tục xử lý những hợp đồng bảo hiểm "mồ côi", nhất là trong lĩnh vực vay tín dụng ngân hàng và bị ép phải mua bảo hiểm. Rất nhiều người khi mua hợp đồng bảo hiểm đó không quan tâm, chỉ mua theo yêu cầu cho nên thường sau 1-2 năm sẽ rơi vào tình trạng hợp đồng "mồ côi".

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là từ phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm này một cách kịp thời cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Sau khi lắng nghe các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu tiếp thu và giải trình một số vấn đề đại biểu nêu.

Về an toàn vốn và an toàn tài chính, Bộ trưởng cho biết đây là nội dung khác nhau. An toàn vốn là tỷ lệ vốn thực có trên cơ sở rủi ro quy định tại khoản 1 Điều 108 của dự thảo luật. Còn an toàn tài chính thì được quy định tại Điều 93 nhằm để đảm bảo tính chủ động và đảm bảo tài chính cho chi trả và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp. Trong đó, sẽ quy định cụ thể những nội dung như là tổng giá trị vốn khả dụng và giá trị rủi ro và tỷ lệ an toàn về vốn ký quỹ, nguồn vốn chủ sở hữu và phí bảo hiểm và phân phối lợi nhuận thặng dư và vay, trả, …

Về các loại quỹ, ký quỹ, Bộ trưởng giải thích ký quỹ là sử dụng một phần vốn điều lệ để nộp vào ngân hàng với mức 2% vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp trực tiếp quản lý quỹ này và nếu có rủi ro thì dùng quỹ này để chi trả. Quỹ dự trữ bắt buộc thì tính theo mức 5% lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được nộp vào ngân hàng, nguồn này để bổ sung vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Cả hai loại trên thực chất đều là tiền của doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự bảo quản, chi trả.

Đối với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, quỹ này được tính vào chi phí bảo hiểm với mức thu là 0,3% doanh thu phí bảo hiểm. Tại tờ trình mới đây, Chính phủ đề nghị giảm mức thu xuống còn 0,05%. Theo Bộ trưởng, việc duy trì quỹ này là cần thiết bởi vì dù luật đã tính đến 3 lớp bảo vệ, nhưng cũng không khẳng định khi có 3 lớp bảo vệ thì doanh nghiệp không lo đổ vỡ. Khi đó, có thể dùng quỹ này để chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Nếu được Quốc hội ủng hộ thì quy định này sẽ được đưa vào luật.

Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ đây là một luật có tính chuyên môn cao, khó, phức tạp cả về khái niệm, phạm vi, tác động đến nhiều đối tượng dễ có cách hiểu khác nhau. Do đó, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chuyên môn tập hợp đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng giải trình, tiếp thu và chỉnh lý thấu đáo đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình kỳ họp.

Hoàng Yến

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%