Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và bài học cho Việt Nam

Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và bài học cho Việt Nam 27/06/2022 17:34:00 10729

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và bài học cho Việt Nam

27/06/2022 17:34:00

Bùi Kiều Anh

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

các nền kinh tế đang phát triển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn mới, tạo việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi tri thức và công nghệ... Do đó, nhiều quốc gia đang phát triển coi FDI là một phần chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chủ động mời gọi, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế mức độ đầu tư vào mỗi quốc gia là khác nhau, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng là các chính sách về thu hút vốn FDI. Vì vậy, việc nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thế giới về thu hút vốn FDI rất cần thiết. Bài viết tập trung nghiên cứu kinh nghiệm trong thu hút vốn FDI của 3 nước (Trung Quốc, Thái Lan và Singapore) láng giềng với Việt Nam, có nhiều nét tương đồng về hoàn cảnh và lịch sử phát triển. Bên cạnh đó, các quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong thu hút vốn FDI, từ đó rút ra được một số kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam.

Từ khóa: FDI, chính sách thu hút, kinh nghiệm, bài học.

 

In developing economies, foreign direct investment (FDI) enables opportunities to access new capital sources, employment, transfer of science and technology, exchange of knowledge and technology, etc. Therefore, many developing countries consider FDI as part of their socio-economic development strategies and actively invite, promote investment to attract foreign investors. However, the reality reflecting different levels of inwards investment in each country is different shows that there are several factors affecting the foreign investors’ decision and one of the most decisive factors are the policies on attracting FDI. Therefore, it is imperative to study and learn from the world's experiences on FDI. The article focuses on studying the experiences in attracting FDI of three Asian countries, including: China, Thailand and Singapore. These are neighboring countries of Vietnam, with many similarities in terms of development history and circumstances. In addition, these countries have achieved remarkable achievements in attracting foreign direct investment, thereby drawing some experiences and lessons on attracting FDI to Vietnam.

Keywords: FDI, investment attraction policies, experiences, lessons.

1. Kinh nghiệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore

Trung Quốc

Tháng 12/1978, Hội nghị Trung ương III khóa XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, thực hiện chính sách mở cửa giao lưu với nước ngoài. Từ thời điểm này, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách thu hút đầu tư, giai đoạn đầu (1979 - 1984) là giai đoạn thăm dò nên nguồn vốn FDI vào Trung Quốc còn thấp1. Giai đoạn 1985 - 1989, Trung Quốc bắt đầu xem xét việc sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI thu hút được trước đó và đánh giá tổng kết kinh nghiệm, hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Ngày 12/4/1986, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Các công trình dùng vốn nước ngoài, đồng thời Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định tạm thời của Hội đồng Nhà nước về khuyến khích đầu tư nước ngoài vào tháng 10/19862. Tháng 4/1990, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Liên doanh Trung Quốc - nước ngoài được công bố năm 1979. Cũng trong năm này, Chính phủ ra quy định về khuyến khích đầu tư của người Hoa và Hoa kiều yêu nước ở Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan; phê chuẩn quy định về khuyến khích đầu tư nước ngoài và miễn thuế thu nhập và thuế kinh doanh cho các xí nghiệp dùng vốn nước ngoài ở Khu mới Phố Đông Thượng Hải. Do vậy, giai đoạn 1990 - 1994, Trung Quốc ghi nhận kết quả ấn tượng trong thu hút FDI3. Trong 5 năm tiếp theo (1995 - 1999), nguồn vốn FDI vào Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng4.

Ngày 10/01/2002, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau đó, Trung Quốc đã có những sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp trong việc thu hút FDI. Từ năm 2000, nguồn vốn FDI vào Trung Quốc có xu hướng tăng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn nằm trong danh sách 5 nền kinh tế hàng đầu trong thu hút FDI. Năm 2019 và 2020, mặc dù chịu tác động của những bất ổn kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, nguồn vốn FDI “chảy” vào Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI năm 2020 đạt gần 1 nghìn tỷ CNY, tăng 6,2% so với năm 2019. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được thành lập đạt 38.570 doanh nghiệp, tương đương trung bình hơn 100 doanh nghiệp thành lập mới mỗi ngày. Theo số liệu mới nhất của UNCTAD, vốn FDI vào Trung Quốc năm 2020 đạt 149,34 tỷ USD, gấp 1,3 lần so với năm 2010 và gấp 3,7 lần so với năm 2000 (Hình 1).

Hình 1. Quá trình thu hút vốn FDI ở Trung Quốc, 2000 - 2020

image

Nguồn: UNCTAD (2021)

Số vốn đăng ký và vốn đầu tư thực hiện luôn tăng cao qua các năm; quy mô dự án ngày càng lớn và phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa của Trung Quốc. Điều này cho thấy tính hiệu quả trong thu hút vốn FDI của quốc gia này. Để có được những kết quả trên, Trung Quốc đã trải qua hơn 40 năm thu hút, sử dụng vốn FDI và tích lũy được nhiều kinh nghiệm thành công.

(i) Trung Quốc luôn coi trọng xây dựng chính sách thu hút FDI, tích cực sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Trong giai đoạn 1979 - 1986, Trung Quốc đã ban hành ba luật cơ bản liên quan đến FDI gồm: Luật Liên doanh cổ phần giữa nhà đầu tư nước ngoài với Trung Quốc; Luật Liên doanh hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và Trung Quốc; Luật Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Để việc thực thi luật trở nên thống nhất và hiệu quả hơn, Trung Quốc đã thống nhất ba luật trên thành luật đầu tư chung được gọi là Luật Các doanh nghiệp sử dụng vốn FDI vào tháng 4/1986. Sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung, ngày 15/3/2019, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc thay thế ba luật nêu trên. Sau khi luật mới có hiệu lực vào ngày 01/01/2020, Luật Đầu tư nước ngoài sẽ là quy phạm cơ bản trong đối ngoại mở cửa, bảo vệ lợi ích hợp pháp, thu hút, thúc đẩy và bảo vệ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

(ii) Trung Quốc luôn nỗ lực, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thí điểm các khu mậu dịch tự do, thực hiện quy tắc quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo môi trường đầu tư tương đối bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm cả trong lĩnh vực mua sắm chính phủ. Về thủ tục, Trung Quốc hiện minh bạch hóa các giấy phép, thủ tục hành chính yêu cầu trong các lĩnh vực đầu tư khác nhau nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực, tham ô, tham nhũng của một bộ phận cơ quan công quyền của nước này. Một cải cách lớn khác là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận ra khỏi Trung Quốc. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã tăng 15 bậc, từ vị trí thứ 46 (năm 2018) lên 31 (năm 2019)5.

(iii) Trung Quốc đã xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ về tiêu chuẩn môi trường, thủ tục pháp lý đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nguồn vốn FDI sạch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Mặc dù Trung Quốc không có tiêu chuẩn môi trường riêng cho đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư FDI phải tuân theo luật và quy định về môi trường của Trung Quốc. Một số chính sách và thủ tục hành chính giúp quản lý và giám sát FDI liên quan đến bảo vệ môi trường như các quy định về Hướng dẫn đầu tư nước ngoài đã đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Các quy định này khuyến khích đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế đầu tư nước ngoài vào khai thác tài nguyên khoáng sản quý hiếm hay các dự án gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe con người, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, một số văn bản khác như: Thông tư về quản lý dự án xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài ban hành năm 1992; quy định về việc thăm dò tài nguyên dầu khí ngoài khơi với sự hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài; thực hiện Quy chế liên doanh; xây dựng và vận hành dự án trong Phần III của Mẫu đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc6...

(iv) Trước sự bùng phát của dịch Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp ứng phó nhanh nhằm kiềm chế dịch bệnh, nỗ lực khôi phục năng lực sản xuất của các nhà máy, qua đó tạo cơ sở vững chắc cho đầu tư nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách nối lại các hoạt động của nền kinh tế về dài hạn sau khi đại dịch bùng nổ vào tháng 01 - 02/2020. Ngay từ tháng 3/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn về việc sửa đổi và mở rộng danh sách các ngành công nghiệp đủ điều kiện đầu tư nước ngoài và bắt đầu thiết lập các chính sách để tích cực thúc đẩy tăng trưởng đầu tư dài hạn và ổn định. Vào tháng 4/2020, Thượng Hải đã công bố 24 đề xuất để khuyến khích FDI, thông qua một loạt các cải cách được thiết kế để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi. Tại Thượng Hải và các tỉnh Quảng Châu, Giang Tô và Giang Tây, nhiều dự án do nước ngoài đầu tư đã được triển khai thông qua việc ký kết hợp đồng trực tuyến. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính và giảm tiền thuê đất cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài7.

Thái Lan

Chỉ sau vài thập kỷ tập trung phát triển kinh tế, Thái Lan đã vượt lên trở thành nhóm dẫn đầu về phát triển kinh tế trong các nước ASEAN. Những kết quả này có được một phần là do Chính phủ Thái Lan đã tận dụng tối đa cơ hội để thu hút vốn FDI vào nền kinh tế. Năm 1959, Thái Lan đã ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư nhằm tạo sự thuận lợi cho đầu tư của nước ngoài vào các dự án trong nước. Trong thời kỳ đầu, thu hút FDI còn khá hạn chế, tuy nhiên từ giữa những năm 1980, nguồn vốn FDI vào Thái Lan bắt đầu tăng đáng kể do chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Chính phủ, đi kèm với việc giảm dần thuế quan và thuế xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI cũng tăng sau Hiệp định Plaza năm 19858, dẫn đến sự mất giá của đồng THB so với USD và các đồng tiền châu Á khác. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 làm cho dòng vốn FDI “chảy” vào Thái Lan giảm nhẹ, nhưng tăng nhanh trong những năm tiếp theo, trở thành động lực tăng trưởng cho quốc gia này. Trong giai đoạn 2000 - 2010, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 - 2008 ảnh hưởng đến Thái Lan ít hơn so với các nước khác trong ASEAN, đặc biệt là Singapore và Malaysia, do đó, vốn FDI tiếp tục tăng và đạt 14,55 tỷ USD vào năm 2010, mức cao nhất trong giai đoạn 10 năm.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến năm 2015, tình hình chính trị bất ổn kéo dài đã gây thiệt hại đáng kể cho môi trường đầu tư của Thái Lan. Vì vậy, tháng 12/2014, chính quyền quân sự Thái Lan đã thông qua một chiến lược mới cho giai đoạn 2015 - 2021 nhằm khôi phục vị thế của Thái Lan trong hoạt động thu hút FDI. Trong chiến lược mới, Thái Lan sẽ tập trung thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển trong mục tiêu hướng tới “nền kinh tế kỹ thuật số”. Giai đoạn 2014 - 2018, vốn FDI ở quốc gia này có xu hướng tăng. Nhưng đến năm 2019 nguồn vốn sụt giảm 72,5% và đỉnh điểm là năm 2020, lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay, Thái Lan ghi nhận số vốn FDI -6 tỷ USD do các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn.

Hình 2. Quá trình thu hút vốn FDI ở Thái Lan, 2000 - 2020

image

Nguồn: UNCTAD (2021)

Tại Thái Lan, thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào các lĩnh vực quan trọng và những thay đổi linh hoạt trong chính sách, Thái Lan vẫn được xem là điểm sáng trong thu hút FDI, cụ thể:

(i) Chính phủ Thái Lan đã sớm có những nhận thức về vai trò của nguồn vốn FDI, linh hoạt thay đổi các chính sách nhằm thu hút và sử dụng dòng vốn này một cách hiệu quả và phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ. Giai đoạn 1959 - 1971, Thái Lan đã thực hiện chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu, với chủ trương giảm dần đầu tư từ Chính phủ, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân bao gồm cả khu vực FDI.

Giai đoạn 1972 - 1996, Chính phủ đã ban hành chính sách thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ bên ngoài với những ưu đãi về đất, làm việc để thực hiện chiến lược phát triển đất nước theo định hướng xuất khẩu. Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự chuyển biến theo hướng ưu tiên nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp thu hút nhiều nhất (với các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái), sau đó là thương mại, bất động sản... Chiến lược thu hút FDI được thông qua tháng 9/2014 ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải... để thu hút thêm nguồn vốn FDI sau những bất ổn trong nước.

(ii) Thái Lan chú trọng cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, đưa ra những hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, ban hành Luật Xúc tiến đầu tư quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan... Ngoài ra, quốc gia này tăng cường cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại hóa, thuận tiện cho các hoạt động thương mại quốc tế diễn ra, trong đó tập trung vào hệ thống đường bộ, đường sắt, hệ thống sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, kho bãi...

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cũng là tiêu chí được Thái Lan quan tâm. Chính phủ rất coi trọng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu làm việc cho các công ty nước ngoài.

(iii) Thái Lan liên tục đưa ra các gói ưu đãi đầu tư để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài. Gói ưu đãi “Thailand Plus” được đưa ra vào tháng 9/2019 nhằm mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các dự án quy mô lớn trong những ngành công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Lan sẽ được giảm thêm 50% thuế nhu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, tăng gấp đôi mức chiết khấu đối với các chi phí dành cho đào tạo và miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm khi thành lập các cơ sở phát triển kỹ năng.

Tháng 9/2021, Chính phủ tiếp tục thông qua một gói biện pháp ưu đãi mới nhằm thu hút những người nước ngoài giàu có tới Thái Lan đầu tư, cũng như mời gọi các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao, từ đó giúp khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19. Một trong những biện pháp được đưa ra là cấp thị thực lưu trú kéo dài 10 năm tại Thái Lan cho nhà đầu tư và người thân của họ. Bên cạnh đó, để thu hút những nhà đầu tư giàu có và các chuyên gia tay nghề cao từ nước ngoài, Thái Lan còn đưa ra nhiều ưu đãi như tự động được gia hạn giấy phép lao động, mức thuế thu nhập cá nhân tương đương với người dân Thái Lan, miễn thuế đối với thu nhập ngoài Thái Lan cùng quyền sở hữu đất và nhà ở.

(iv) Thái Lan cũng tích cực thực hiện chuyển giao công nghệ thông qua các dự án FDI nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của đất nước. Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tiếp nhận và chuyển giao trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Các chính sách tập trung vào thúc đẩy đầu tư nghiên cứu phát triển; khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ đầu tư công nghệ vào các ngành trọng điểm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện Chiến lược chuyển giao công nghệ thông qua các dự án FDI tuần tự và có sự ưu tiên rõ ràng về ngành nghề, lĩnh vực theo từng thời kỳ. Giai đoạn 1960 - 1980, Thái Lan thúc đẩy chuyển giao công nghệ được định hướng để đón dòng vốn FDI, đặc biệt từ Nhật Bản và Hoa Kỳ. Giai đoạn 1981 - 1986, các chính sách hướng đến thu hút FDI ngành máy móc, điện tử để xuất khẩu, song song với đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Sang giai đoạn 1986 - 1991, Thái Lan định hướng theo hướng phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong giai đoạn 1991 - 1996, các hoạt động chuyển giao công nghệ được định hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến. Từ năm 1997, chuyển giao công nghệ được định hướng phục vụ phát triển bền vững như công nghệ về năng lượng sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng... Đặc biệt, Thái Lan đã hình thành nền tảng cho hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ đến năm 2026.

Singapore

Singapore đã đạt được nhiều thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI và luôn nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu trong việc thu hút nguồn vốn quan trọng này. Theo số liệu của UNCTAD, giai đoạn 2000 - 2019, vốn FDI của nước này có xu hướng tăng, với mức tăng cao nhất ghi nhận được ở năm 2010 là 210,1%. Năm 2019, tổng vốn FDI của Singapore là 114,16 tỷ USD, tăng 50,3% so với năm 2018; quy mô vốn gấp gần 2 lần so với năm 2010 và hơn 7 lần so với năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vốn FDI vào nước này giảm 20,7%, vốn thực hiện đạt 90,56 tỷ USD. Mặc dù nguồn vốn FDI vào Singapore năm 2020 giảm nhưng vẫn là kết quả khả quan trong thu hút nguồn vốn này. FDI vào khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng vẫn tăng trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm, trong đó Singapore luôn là quốc gia thu hút nhiều FDI nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á.

Hình 3. Quá trình thu hút vốn FDI ở Singapore, 2000 - 2020

image

Nguồn: UNCTAD (2021)

Trong những năm qua, dòng vốn FDI vào Singapore tăng lên đáng kể, trở thành một trong những quốc gia lớn nhất khu vực châu Á. Mặc dù không có thế mạnh về tài nguyên hay nguồn lao động dồi dào, đồng thời trong bối cảnh khủng hoảng về kinh tế, chính trị trên thế giới, Singapore vẫn thu hút được nhiều nguồn vốn FDI với quy mô lớn nhờ vào những chính sách đầu tư như sau:

(i) Singapore đã tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hệ thống luật pháp minh bạch, công bằng. Kế thừa hệ thống pháp luật từ Anh và phát triển thành bản sắc riêng, hệ thống luật pháp của Singapore đến nay được đánh giá cao nhờ tính hiệu quả và nhất quán. Hệ thống luật thương mại của Singapore nổi tiếng với sự công bằng và vô tư, trở thành lựa chọn làm nơi giải quyết tranh chấp, đặc biệt là hòa giải và trọng tài ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, viên chức nhà nước được trả lương cao để làm việc nhằm tránh tệ nạn tham nhũng, nếu vi phạm bị xử phạt rất nghiêm cả hành chính và hình sự.

Hệ thống thuế là điểm mạnh của quốc gia này khi được đánh giá là đơn giản và thân thiện với nhà đầu tư. Mức thuế doanh nghiệp cao nhất ở Singapore chỉ là 17%, áp dụng cho cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài9. Chính phủ cũng có nhiều ưu đãi về thuế cho các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là về lĩnh vực nghiên cứu và phat triển (R&D), phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Singapore đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (DTAAs)10 với hơn 80 quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần quan trọng giảm gánh thuế cho doanh nghiệp nước ngoài.

(ii) Chính phủ coi trọng công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thu hút FDI, đặc biệt là vốn FDI có công nghệ cao. Singapore là quốc gia ít dân với dân số chỉ có 5,45 triệu người11, chính vì vậy ngoài việc tăng cường công tác bồi dưỡng đào tạo lực lượng lao động trong nước, Singapore luôn quan tâm đến việc thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài. Chính sách đầu tiên “Kết nối Singapore” được ban hành vào năm 1997. Năm 1998, Ủy ban tuyển dụng người tài của Singapore (STAR) được thành lập với mục tiêu thu hút người tài đến Singapore làm việc. Năm 1999, Chương trình nhân lực thế kỷ XXI và Chương trình nhân lực quốc tế của Hội đồng Phát triển kinh tế12 được ra đời. Chính phủ Singapore đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút nhân tài đến lưu trú lâu dài thông qua các đề án ưu đãi về nhà ở và chính sách tiền lương thỏa đáng. Bên cạnh đó, Chính phủ xem trọng tuyển dụng nhân tài nước ngoài thông qua kênh giáo dục. Hiện tại, lượng du học sinh đến Singapore khá lớn và nước này cũng là một trong những trung tâm đào tạo uy tín của thế giới13.

(iii) Chính phủ Singapore chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, đặc biệt là giao thông đường biển và đường hàng không. Về cảng biển, cảng Singapore hiện nay là một trong những cảng tấp nập nhất trên thế giới về mặt trọng lượng tàu hàng xử lý khi trung chuyển 1/5 lượng hàng vận chuyển bằng container trên thế giới. Năm 2020, cảng Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong năm thứ tám liên tiếp theo Chỉ số Phát triển Trung tâm Hàng hải Quốc tế Tân Hoa Xã - Baltic với vị thế là trung tâm hàng hải số một thế giới trong tổng số 43 trung tâm hàng hải đã được đánh giá14. Ngoài ra, Chính phủ nước này đang cho xây dựng siêu cảng biển Tuas - cảng container tự động lớn nhất thế giới sẽ đi vào vận hành vào năm 2040.

Về hàng không, Singapore hiện nay chỉ có một sân bay duy nhất là Sân bay Quốc tế Singapore Changi, nhưng đây lại là trung tâm vận chuyển và trung chuyển hàng không lớn và là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Trong 5 năm liên tiếp (2013 - 2017), sân bay Changi đã được Tổ chức Skytrax vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, Singapore đã tận dụng được triệt để lợi thế về vị trí địa lý của quốc gia (nằm ở tuyến đường giao thông trọng điểm của khu vực; địa hình nhiều đảo, vũng, vịnh) để đầu tư phát triển hệ thống bến bãi, kho lưu hàng đạt chất lượng cấp quốc tế.

(iv) Singapore đã xác định rõ các ngành, lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế từng giai đoạn. Nhìn chung, quan điểm của quốc gia này là mở cửa đón FDI trong tất cả các lĩnh vực nhằm tận dụng vốn công nghệ của đối tác đầu tư, tuy nhiên vẫn có những ưu đãi dành cho các dự án tập trung vào các ngành nghề trọng điểm. Trong giai đoạn đầu khi nền kinh tế còn chưa phát triển, tỷ lệ thất nghiệp cao, Singapore tập trung thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành hướng về xuất khẩu để tạo nguồn thu ngoại tệ, cải thiện cán cân thương mại; tăng cường thu hút vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, lắp ráp các thiết bị điện và phương tiện giao thông... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng tới các ngành có hàm lượng công nghệ cao để phát triển lâu dài.

Cùng với sự phát triển nhanh của công nghiệp điện tử và một số công nghệ tiên tiến khác, Singapore hướng đến thu hút FDI vào các ngành như chế tạo, sản xuất máy vi tính, điện tử, tin học, công nghệ sinh học, công nghiệp lọc dầu và kỹ thuật khai thác mỏ. Song song với đó, thu hút FDI của Singapore luôn gắn liền với chính sách khoa học công nghệ. Thông qua đầu tư nước ngoài, Chính phủ đi từ tiếp thu, tận dụng kỹ thuật công nghệ đến cải tiến, làm chủ, sáng tạo ra công nghệ mới cho riêng mình. Trong giai đoạn sau, nhằm khai thác ưu thế về vị trí địa lý và để phù hợp với trình độ phát triển cao của nền kinh tế, thu hút FDI còn hướng vào việc tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.

4. Bài học kinh nghiệm về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm các nước về phát triển của khu vực FDI, cũng như các định hướng, chính sách của các quốc gia (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore), Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc thu hút vốn FDI để phát huy những tác động tích cực, cũng như hạn chế những tác động tiêu cực do FDI mang lại.

Chiến lược thu hút FDI cần phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ

Trong những giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các quốc gia đều tập trung vào số lượng trong thu hút FDI. Sau đó các chính sách thu hút được điều chỉnh một cách có lộ trình nhằm cải thiện chất lượng của dòng vốn này. Để điều chỉnh chính sách một cách có hiệu quả, Việt Nam cần bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước, không nóng vội trong việc thu hút FDI. Bên cạnh đó, việc chọn lọc các dự án FDI không phải là đồng nhất giữa các vùng miền, ngành nghề trong cả nước mà phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng vùng và thực tiễn của từng ngành nghề. Trong giai đoạn hiện tại, hầu hết các quốc gia đều điều chỉnh chính sách hướng đến thu hút các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao nhằm cải thiện chất lượng việc làm và thân thiện với môi trường. Việt Nam cũng cần có những chính sách phù hợp, linh hoạt để chọn lọc, thu hút được các dự án FDI đem lại hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và năng suất lao động đến khu vực kinh tế trong nước

Các ngành, lĩnh vực khuyến khích đầu tư, các đối tác đầu tư ưu tiên chính trong từng giai đoạn cần được xác định cụ thể và rõ ràng

Việc xác định chính xác đối tác đầu tư chính đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chủ động xúc tiến đầu tư lựa chọn đối tác, cũng như thiết kế các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp. Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác FDI chủ yếu hiện nay, cần thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng, đặc biệt là các quốc gia có thế mạnh về công nghệ cao. Về ngành, lĩnh vực, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế cần được cải thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Các quốc gia đều xác định môi trường thể chế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thể chế chính trị ổn định, hệ thống pháp luật đống bộ, thủ tục đầu tư đơn giản và nhiều các chính sách khuyến khích đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư là thế mạnh trong việc cạnh tranh thu hút nguồn vốn FDI. Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính sâu rộng và triệt để theo hướng đơn giản hóa, việc chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần phải ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp.

Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần được cải thiện nhằm tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong thu hút FDI

Cơ sở hạ tầng hiện đại, thuận tiện cho các hoạt động thương mại quốc tế luôn là yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các quốc gia đều chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, hệ thống sân bay, bến cảng) và hạ tầng các khu công nghiệp, kho bãi hiện đại..., tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như để đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền khác nhau. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn, có tính lan tỏa cao và tác động tích cực đến sự phát triển chung của đất nước.

Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao

Một trong những tiêu chí để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là nguồn lực lao động tại quốc gia tiếp nhận. Các quốc gia châu Á đặc biệt hấp dẫn dòng vốn FDI bởi lực lượng lao động dồi dào và chi phí thấp. Tuy nhiên, để thu hút các dòng vốn FDI chất lượng cao, cũng như cải thiện sự đóng góp của FDI đối với khu vực kinh tế trong nước thì phát triển nguồn lao động trình độ cao là yếu tố vô cùng quan trọng. Do vậy, việc tăng cường và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài là cần thiết.

Kiểm soát các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và chuyển giao công nghệ

Ở giai đoạn đầu thu hút FDI, các quốc gia đều tập trung thu hút về mặt số lượng hơn là chất lượng, buông lỏng quản lý và thiếu kiểm soát đối với công nghệ nhập khẩu dẫn đến việc thu hút rất nhiều dự án với công nghệ sản xuất ở trình độ thấp. Điều này gây tổn hại rất lớn đối với môi trường và đến nay vẫn chưa thể khắc phục được và đòi hỏi chi phí khắc phục rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, các quốc gia đều chuyển hướng sang thu hút FDI gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cần có những điều chỉnh chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn công nghệ nhập khẩu và tăng cường thực thi các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược nhập khẩu và chuyển giao công nghệ nhất quán, đồng bộ với việc đổi mới cơ bản và toàn diện về cơ chế trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu với các đối tác, tập đoàn, viện nghiên cứu... để chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả nhập khẩu và chuyển giao công nghệ.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Nguyễn Kim Bảo (2000), FDI ở Trung Quốc từ 1979 đến nay, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Đoàn Vân Hà (2019), Kinh nghiệm của Singapore về cải thiện môi trường đầu tư thu hút FDI vào R&D, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 200 + 201/tháng 01 và 02/2019.

3. Võ Đại Lược (2006), Trung Quốc sau khi gia nhập WTO - Thành công và thách thức, Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội.

4. Võ Thị Vân Khánh (2016), Thái Lan: Điểm sáng thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp, Tạp chí Tài chính, tháng 7/2016.

Tiếng Anh

5. Jing Zhang (2014), Foreign Direct Investment, Governance and the Environment in China: Regional Dimensions, Palgrave Macmillan, 2013th edition (January 2014).

6. UNCTAD (2021), ASEAN Investment Report 2020 - 2021 -Investing in Industry 4.0.

7. World Bank (2019), Doing Business 2019: Training for Reform, Washington, DC: World Bank.

8. World Bank (2020), Doing business 2020: Comparing Business Regulation in 190 Economies, Washington, DC: World Bank.

 

*1 Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, giai đoạn 1979 - 1984 có 3.724 dự án đầu tư nước ngoài được phê chuẩn, số vốn đăng ký và vốn thực hiện tương ứng là 9,75 và 4,1 tỷ USD.

*2 Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, nguồn vốn FDI vào Trung Quốc thời kỳ này là 18.528 dự án (gấp gần 5 lần so với thời kỳ trước) với 24,27 tỷ USD vốn đăng ký và 13,1 tỷ USD vốn thực hiện.

*3 Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, có 200.001 dự án, tương đương 270,81 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 80,14 tỷ USD.

*4 Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, có 119.285 dự án tương đương 308,89 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 210,29 tỷ USD.

*5 Doing Business 2019, 2020 (WB).

*6 Jing Zhang (2014).

*7 https://www.fdiintelligence.com/article/77815.

*8 Hiệp định Plaza (Plaza Accord) là thỏa ước tài chính được ký ngày 22/9/1985 tại khách sạn Plaza (New York, Hoa Kỳ) bởi nhóm G5 (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp). Nhóm G5 đi đến thỏa thuận giảm giá đồng USD so với đồng JPY và DDR bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối.

*9 https://bbcincorp.sg/vi/bai-viet/thue-thu-nhap-doanh-nghiep-tai-singapore.

*10 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là điều ước quốc tế được ký kết giữa hai chủ thể của Luật Quốc tế (chủ yếu là quốc gia) nhằm giúp doanh nghiệp tránh bị đánh thuế hai lần tại quốc gia phát sinh thu nhập và quốc gia thu nhập được nhận.

*11 Cục Thống kê Singapore (https://www.singstat.gov.sg/modules/infographics/population).

*12 Manpower 21, International Manpower Program of the Economic Development Board.

*13 Có thể kể đến các trường đại học danh tiếng như Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Học viện phát triển quản lý Singapore (MDIS), Đại học Quốc gia Singapore (NUS)...

*14 Theo The Business Times.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3/2022

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%