Huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam

Huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam 27/06/2022 17:37:00 422

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam

27/06/2022 17:37:00

Vương Duy Lâm1 và Nhóm nghiên cứu2

 

Trong thập kỷ gần đây, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia để giải quyết vấn đề cạn kiệt tài nguyên, đảm bảo vừa đạt được lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Nguồn lực hạn chế là một trong các rào cản để thực hiện quá trình chuyển đổi. Do đó, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi một nguồn lực tài chính lớn và đặc biệt với các doanh nghiệp, khu vực tư nhân. Từ góc độ nhà nước, việc ban hành các ưu đãi tài chính thuế, phí, phát triển các công cụ tài chính xanh gắn với các tiêu chí về KTTH là một trong những giải pháp góp phần tăng nguồn vốn cho mục tiêu chuyển đổi, tạo động lực thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi sang KTTH. Bài viết tập trung nghiên cứu kinh nghiệm huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển KTTH của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm và một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Từ khóa: KTTH, kinh tế tư nhân, vốn xanh, huy động nguồn lực.

In the recent decade, the transition from linear to circular economy has become a priority policy of many countries to solve the problem of resource depletion, ensuring both economic benefits and environment protection. Limited resources are one of the barriers to making the transition. Therefore, this transition requires a large financial resource, especially for businesses and the private sector. From the perspective of the state, the issuance of financial incentives for taxes and fees, and the development of green financial instruments associated with the circular economy are among the solutions contributing to increasing capital sources for the transformation goal. The article focuses on the experience of mobilizing private resources for the development of the circular economy in the world, thereby giving lessons learned and some policy recommendations for Vietnam.

Keywords: Circular economy, private economy, green capital, resource mobilization.

1. Một số vấn đề lý luận về huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển kinh tế tuần hoàn

1.1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn

Theo định nghĩa của Ellen MacArthur Foundation ( 2012), KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Khái niệm này thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng việc khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và các mô hình kinh doanh. KTTH là mô hình hoạt động khép kín, bao gồm các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ và chuỗi này có thể phục hồi, tái tạo và thân thiện với môi trường.

Kinh tế tuần hoàn được khuyến nghị như một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế phù hợp với phát triển kinh tế và môi trường bền vững3. Trong những năm gần đây, việc chuyển dịch mô hình từ kinh tế tuyến tính truyền thống, vốn vẫn là mô hình “thống trị” kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp sang KTTH đã trở thành xu hướng trên thế giới. Theo Ủy ban châu Âu, các chuyển đổi kinh tế theo mô hình KTTH có thể tạo ra 600 tỷ EUR lợi nhuận kinh tế hằng năm cho riêng khu vực sản xuất của khu vực Liên minh châu Âu (EU) và 1 nghìn tỷ USD hằng năm cho nền kinh tế toàn cầu.

Sự thay đổi mô hình kinh tế trên tạo ra một sự chuyển đổi lớn của mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại, dần tới những thay đổi về tài chính, chi phí sản xuất, phân bổ lại lợi nhuận của các ngành nghề sản xuất - kinh doanh. KTTH tác động trực tiếp đến kinh tế (tăng trưởng GDP, việc làm, đầu tư...), môi trường (sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, giảm ô nhiễm...), xã hội (giới, cơ hội xã hội và bất bình đẳng...)4. Các tác động gián tiếp khác của KTTH tới kinh tế là tác động đến chuỗi giá trị, thay đổi mô hình chi tiêu tiêu dùng5 và tác động đến tài chính, mặc dù các khía cạnh tài chính không xuất hiện như một trong những mục tiêu chính của KTTH. Việc chuyển đổi sang một mô hình KTTH dự kiến sẽ làm cho kinh tế phát triển bền vững.

2. Chính sách tài chính huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2022), để chuyển đổi sang mô hình KTTH, chính sách tài chính là một trong những chính sách quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi. Chính sách tài chính quốc gia mang đặc điểm của chính sách kinh tế - xã hội, gồm tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và công cụ mà Chính phủ một quốc gia sử dụng để tác động lên các đối tượng và khách thể quản lý nhằm giải quyết vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của xã hội6. Do đó, chính sách tài chính sẽ giải quyết những vấn đề và thực hiện những mục tiêu liên quan tới tài chính, trong định hướng mục tiêu tổng thể của xã hội. Tài chính ở đây là các quan hệ tài chính trong phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức tổng giá trị, thông qua đó tạo lập các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu tích lũy và tiêu dùng các chủ thể trong nền kinh tế. Vì vậy, chính sách tài chính điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền.

Theo cách giải thích trên, chính sách tài chính được định nghĩa là tập hợp các mục tiêu, biện pháp được chính phủ mỗi quốc gia đề ra để tác động tới chức năng huy động và phân phối các nguồn tài chính của một quốc gia, để hệ thống tài chính quốc gia đó phục vụ hữu hiệu việc thực hiện các mục tiêu phát triển đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với Việt Nam, phạm vi chính sách tài chính quốc gia bao trùm cả lĩnh vực tài chính công, tài chính doanh nghiệp, thị trường tài chính và tài chính hộ gia đình hay dân cư. Nội dung chính sách tài chính quốc gia bao gồm các chính sách cơ bản sau: Chính sách tài chính nhà nước (tài chính công); Chính sách tài chính doanh nghiệp; Chính sách phát triển thị trường tài chính; Tài chính dân cư. Trong đó, chính sách tài chính nhà nước, chính sách tài chính doanh nghiệp và chính sách thị trường tài chính là những chính sách quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia.

Chính sách tài chính có vai trò trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế để chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH, góp phần làm cho thị trường tài chính ngày càng phát triển đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các chiến lược đầu tư vào KTTH nhằm tìm kiếm lợi nhuận cạnh tranh, đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Các công cụ chính sách là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro và khuyến khích các khoản đầu tư tài chính nhằm mục tiêu phát triển KTTH. Các công cụ, chẳng hạn như tài chính kết hợp và bảo đảm đầu tư, hỗ trợ hợp tác công - tư và tài trợ cho nền KTTH, mang lại nhiều khả năng hơn để mở rộng quy mô tài chính và đầu tư của nền KTTH. Hỗ trợ phát triển chính thức ở nước ngoài, quỹ công, đầu tư tác động và đóng góp từ thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư giai đoạn đầu giảm thiểu rủi ro. Chính sách tài chính góp phần gia tăng vốn đầu tư mạo hiểm, vốn cổ phần tư nhân đầu tư ở các giai đoạn của hoạt động KTTH, nhất là giai đoạn đầu cũng đã tăng nhanh. Số lượng quỹ thị trường tư nhân và các công ty khởi nghiệp phát triển các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường cũng gia tăng đáng kể.

Để huy động được nguồn lực tư nhân do phát triển KTTH, bên cạnh các ưu đãi về thuế, phí đối với doanh nghiệp thì chính sách thị trường tài chính trở thành động lực chính việc thu hút và khuyến khích doanh nghiệp trong mọi ngành thực hiện chuyển đổi. Do thị trường tài chính thực hiện chức năng dẫn vốn từ những người có vốn sang những người cần vốn, thông qua hoạt động tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp. Hoạt động dẫn vốn trực tiếp được thực hiện bằng cách những người cần vốn bán ra thị trường các công cụ nợ, các cổ phiếu hoặc thực hiện các khoản vay thế chấp. Hoạt động tài chính gián tiếp thực hiện thông qua các trung gian tài chính. Tùy theo lĩnh vực và phạm vi hoạt động, các trung gian tài chính được chia thành các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng như công ty bảo hiểm, quỹ trợ cấp, công ty tài chính... Nhà nước cần hướng vào sử dụng các công cụ trực tiếp và gián tiếp tác động vào thị trường tài chính, qua đó tác động vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân.

Một số công cụ chính sách tác động tới nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân cho chuyển đổi sang mô hình KTTH bao gồm:

(a) Phát triển thị trường vốn cổ phần và vốn nợ

Các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường tài vốn liên quan tới chuyển đổi sang mô hình KTTH này gồm:

Đầu tư vào các quỹ cổ phần đại chúng cả chủ động và thụ động, đầu tư vào các công ty áp dụng, cho phép hoặc hưởng lợi từ KTTH. Hay thành lập quỹ giao dịch trao đổi (quỹ ETF), cung cấp các quỹ cổ phần công để đầu tư vào KTTH;

Phát hành hoặc đầu tư vào trái phiếu hoặc các khoản vay tài trợ trực tiếp cho hoạt động của KTTH hoặc cho phép các công ty chuyển đổi sang KTTH. Đơn cử như thông qua các trái phiếu chuyển tiếp xanh, xã hội, bền vững (liên kết) và (bền vững);

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với KTTH: Cho phép tư nhân mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước với tư cách là chủ sở hữu cổ phần được gắn các quyền quản lý và quyền sở hữu tích cực, biểu quyết và các nghị quyết phù hợp với các nguyên tắc KTTH; thoái vốn hoặc từ chối mua vốn chủ sở hữu hoặc nợ mới liên quan đến các thông lệ không theo quy định.

(b) Quỹ đầu tư tư nhân

Đầu tư mạo hiểm và đầu tư giai đoạn đầu gồm:

Đầu tư vào giai đoạn đầu bao gồm cả các dự án đổi mới “phần cứng công nghệ” hoặc các dự án đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, chẳng hạn như công nghệ đột phá và đổi mới dựa trên khoa học;

Thúc đẩy các mối quan hệ đối tác mới trong và ngoài khu vực tài chính tư nhân, bao gồm hợp tác với các nhà tài trợ khu vực công, các nhà đầu tư từ thiện và các công ty lớn, để phát triển một hệ thống cơ hội đầu tư tuần hoàn qua các giai đoạn tăng trưởng và chuỗi giá trị;

Phát triển kiến thức chuyên môn về đổi mới theo mô hình vòng tuần hoàn, trong đó tập trung vào các cơ hội và thách thức như các mô hình kinh doanh mới với sự hợp tác khác hoặc các rủi ro khác nhau;

Cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm của công ty cho các nhà cung cấp và đổi mới theo tuần hoàn hoặc cho phép đổi mới mở rộng quy mô thông qua quan hệ đối tác, đảm bảo bao tiêu, cung cấp các phương tiện thanh toán mới hoặc các giải pháp vốn lưu động, cung cấp kiến thức chuyên môn và khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng.

(c) Phát triển ngân hàng và bảo hiểm

Điều chỉnh các giải pháp tài chính và cung cấp các dịch vụ tư vấn để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, thông qua việc cho vay, hợp tác hoặc tận dụng mạng lưới ngân hàng. Xây dựng, điều chỉnh các sản phẩm bảo hiểm hiện có và phát triển các giải pháp bảo hiểm mới để giải quyết tốt hơn rủi ro của các dự án hoặc khách hàng trong quá trình chuyển đổi và hỗ trợ các mô hình kinh doanh vòng tròn, chẳng hạn như mô hình chia sẻ hoặc sản phẩm như một dịch vụ.

3. Kinh nghiệm quốc tế trong việc huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển kinh tế tuần hoàn

Nguồn lực tài chính cho chuyển đổi sang mô hình KTTH là vấn đề quan trọng mà các quốc gia cần cân nhắc khi thực hiện chuyển đổi. Vì vậy, để chuyển đổi sang mô hình KTTH, nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách khác nhau, đặc biệt các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy KTTH như coi thuế là công cụ chính, hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế truyền thống sang KTTH hoặc sử dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chuyển đổi sang KTTH hay coi trọng chính sách phát triển thị trường tài chính nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn vốn cho phát triển KTTH...

3.1. Phát triển các công cụ nợ trên thị trường vốn

Nhiều sáng kiến công cụ tài chính trên thị trường vốn như phát hành trái phiếu xanh và các khoản vay xanh, trái phiếu chuyển đổi, các khoản vay liên kết bền vững môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã được phát triển bởi các quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn lực tài chính tư nhân cho phát triển KTTH.

Trái phiếu xanh và các khoản vay xanh

Trái phiếu xanh ra đời vào năm 2008 do Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành với mục đích tài trợ vốn cho các dự án môi trường. Mặc dù thời gian đầu chưa được các nhà đầu tư quan tâm nhưng khi các vấn đề về môi trường ngày càng trầm trọng thì trái phiếu xanh trở thành một trong những công cụ huy động vốn mới được phát triển rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới với nhiều tổ chức phát hành như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng phát triển ở các nước Nhật Bản, Đức và ở một số chính quyền địa phương các nước châu Mỹ, châu Âu…Và hiện nay, trái phiếu xanh được nhiều nước coi là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KTTH.

Tại Italia, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang KTTH, Ngân hàng Intesa San Paolo đã phát hành trái phiếu bền vững để tài trợ cho các dự án và doanh nghiệp với khoản tín dụng trị giá dưới 5 tỷ EUR. Ngân hàng Intesa San Paolo đã phối hợp với Quỹ Ellen MacArthur với tư cách là chuyên gia về KTTH, đã đưa ra một danh mục KTTH dành cho việc phát hành trái phiếu (nằm trong khuôn khổ trái phiếu bền vững của Quỹ thị trường mới nổi - EMF) gồm: (i) Các giải pháp để kéo dài thời gian tồn tại của hàng hóa và vật liệu; (ii) Tái tạo tự nhiên vốn (như phục hồi đất bị suy thoái); (iii) Thiết kế tuần hoàn tập trung vào giảm thiểu chất thải và ô nhiễm; (iv) Quy trình sản xuất sử dụng đầu vào là nguyên liệu tái chế tái chế; (v) Hiệu quả tài nguyên trong chuỗi cung ứng; (vi) Hậu cần ngược, thu gom, phân loại và tái chế vật liệu đã qua sử dụng; (vii) Công nghệ tiên tiến để cho phép mô hình kinh doanh vòng tròn (như công nghệ thông tin, địa điểm chợ).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Intesa San Paolo đưa một số ví dụ về các chỉ số liên quan như: Lượng chất thải được tái chế và sử dụng làm đầu vào vòng tròn (tấn); số lượng hoặc tỷ lệ phần trăm tăng của việc sử dụng vật liệu tái chế/sinh học (tấn); rác thải thực phẩm được ngăn ngừa (tấn); lượng hàng hóa có thể tái chế/có thể phân hủy được sản xuất (tấn). Intesa Sanpaolo đã phát hành 750 triệu EUR trái phiếu với lãi suất cố định 0,75%, có thời hạn 5 năm.

Tại Pháp, những năm gần đây, các sản phẩm tài chính xanh, đặc biệt là trái phiếu xanh trên thị trường tài chính đang phát triển mạnh nhờ nỗ lực của tất cả các bên liên quan (cơ quan quản lý, thành viên thị trường cũng như tổ chức đầu tư). Tiêu chí trái phiếu xanh ở Pháp giống trái phiếu thông thường nhưng phục vụ cho dự án xanh. Hầu hết các trái phiếu xanh đang được phát hành bởi các ngân hàng phát triển, các tổ chức niêm yết lớn; các chính quyền địa phương và khu vực. Những dự án được tài trợ vốn bởi trái phiếu xanh có hai đặc tính cơ bản

(i)  Lĩnh vực hoạt động: Thuộc lĩnh vực môi trường (năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông bền vững, quản lý tài nguyên bền vững; thích nghi với biến đổi khí hậu…) hoặc rộng hơn là những ngành phát triển bền vững về mặt xã hội (nhà cửa, sức khỏe, giáo dục….).

(ii) Đo lường tác động, dựa trên một bộ tiêu chí cụ thể (đơn cử như giảm/loại bỏ khí thải nhà kính hay số việc làm tạo ra).

Số liệu thống kê theo quốc gia cho thấy, năm 2015, Pháp hiện chiếm gần 11% quy mô phát hành loại trái phiếu xanh trên thế giới. Tại Pháp, một hành động cụ thể giúp thúc đẩy giải quyết nút thắt về định nghĩa trái phiếu xanh được ghi nhận ở cấp thị trường là: Hiệp hội Quản lý Tài sản của Pháp (AFG), đại diện cho các công ty quản lý tài sản của Pháp đã đưa ra quan điểm về đầu tư cho các thành viên trong AFG là phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về sản phẩm tài chính được xem xét có dán nhãn là “xanh” trong cuốn sổ tay nghề nghiệp xuất bản vào tháng 3/20157. Theo đó, yêu cầu chính là chỉ xem xét các tổ chức phát hành có minh bạch cao về dự án, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đầu tư mà nhà đầu tư kỳ vọng mang lại cho xã hội. Các lợi ích về xã hội và môi trường mà các khoản đầu tư này mang lại phải rõ ràng và có thể lượng hóa được.

Tại Nam Phi, trái phiếu xanh phát hành bởi các doanh nghiệp từ năm 2012. Ngân hàng Nedbank dẫn đầu trong việc phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của Nam Phi. Trái phiếu xanh của Nedbank là sản phẩm dành cho nhà đầu tư cá nhân, nhằm huy động vốn để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Nam Phi. Đến năm 2013, Nedbank đã huy động được 490 triệu USD, vượt hơn so với mục tiêu ban đầu. Một trong những lý do giúp Nedbank thành công trong việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là do Nedbank đã nhận được sự bảo lãnh tín dụng từ Tổng công ty Phát triển Công nghiệp (IDC), một tổ chức tài chính công của nhà nước.

Các điều kiện nền tảng cho phát hành trái phiếu xanh hoặc các công cụ tài chính xanh là xác lập nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm hoặc quy tắc thông lệ và quy chuẩn về trái phiếu xanh. Bộ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (CRISA) được ban hành năm 2011. CRISA khuyến khích thực hiện 5 nguyên tắc hỗ trợ các nhà đầu tư có tổ chức trong việc áp dụng các hoạt động đầu tư có trách nhiệm, bao gồm cả các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. CRISA cũng yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hoạt động, rủi ro xã hội và môi trường của công ty. Các quốc gia có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế để xác lập bộ quy tắc về thông lệ và quy chuẩn về trái phiếu xanh, bước đầu giới thiệu và thử nghiệm các bộ quy tắc, quy định về chuẩn mực áp dụng với trái phiếu xanh. Một số quy tắc từ các tổ chức quốc tế sau đã được thử nghiệm: Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế, Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI); Hệ thống đánh giá tác động về môi trường, xã hội, quản trị của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản (GRESB)…

Bốn nguyên tắc trái phiếu xanh phổ biến thường được các quốc gia áp dụng gồm:

(i)  Sử dụng tiền thu được từ phát hành: Nam Phi đã phân loại những ngành chính đáp ứng tiêu chuẩn được tài trợ và đầu tư từ trái phiếu xanh, như các ngành về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, vận tải sạch, quản lý nước bền vững, quản lý chất thải, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng...

(ii) Quy trình thẩm định và lựa chọn dự án: Tổ chức phát hành cần xây dựng một quy trình ra quyết định, theo đó xác định sự phù hợp của dự án sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh. Một ngân hàng tiêu chuẩn của Nam Phi sẽ được tổ chức phát hành lựa chọn để đảm bảo tổ chức phát hành tuân thủ quy trình cũng như dự án sử dụng nguồn vốn là dự án xanh.

(iii)  Quản lý số tiền thu được: Tổ chức phát hành được khuyến khích thuê kiểm toán độc lập, xác nhận kinh phí phân bổ từ nguồn tiền thu được.

(iv)  Báo cáo: Trái phiếu xanh được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Johannesburg Nam Phi và tổ chức phát hành phải tuân thủ chế độ công bố thông tin minh bạch theo quy định. Sở Giao dịch chứng khoán Johannesburg chỉ định một tổ chức độc lập để tư vấn trong việc xây dựng mẫu báo cáo chung cho việc phát hành trái phiếu xanh. Ngoài ra, các dự án sử dụng tiền từ việc phát hành trái phiếu xanh sẽ được theo dõi và phải thực hiện báo cáo hằng năm. Báo cáo phải cung cấp các thông tin chỉ báo, đánh giá tác động cụ thể của dự án đến môi trường. Các thông tin chỉ báo này được tham khảo dựa trên thông lệ quốc tế, đơn cử như mức độ cải thiện nguồn nước (đơn vị đánh giá là độ pH), mức giảm khí phát thải (đơn vị đánh giá là CO2) …

Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế đã phát triển nguyên tắc trái phiếu xanh (GBP), nguyên tắc trái phiếu xã hội (SBP) và nguyên tắc trái phiếu bền vững (SBG), như một khuôn khổ được công nhận toàn cầu để phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. Việc mở rộng tiêu chí phát hành trái phiếu xanh đã làm cho các chỉ số cơ bản trở nên đa dạng hơn. Đặc biệt là khi các tác động của KTTH được giải thích một cách minh bạch cho các nhà đầu tư. Các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu này là thúc đẩy một sự thay đổi tương tự đối với các khoản vay thương mại. Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế cũng ban hành Nguyên tắc cho vay xanh. Bên cạnh phát hành trái phiếu, thị trường cho vay thương mại hình thành một hoạt động quan trọng tương tự như kinh doanh và tài chính chính thống. Việc bổ sung các tiêu chí phi tài chính vào việc phát hành các trái phiếu và khoản vay này ngày càng tăng và mở rộng vai trò của các giám đốc tài chính. Các nguyên tắc nào đều có 4 bước chính: (1) Quy trình tiến hành; (2) Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án; (3) Quản lý tiến trình vận hành; (4) Báo cáo. Theo báo cáo tóm tắt thị trường trái phiếu xanh và cho vay xanh của CBI, khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu trong năm 2020 đạt 269,5 tỷ USD, cao hơn 5,7% so với năm 2019. Hoa Kỳ đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia về khối lượng phát hành trái phiếu xanh (51,1 tỷ USD), tiếp theo là Trung Quốc (31,3 tỷ USD) và vị trí thứ ba trong số các quốc gia phát hành trái phiếu xanh và đứng thứ nhất ở châu Âu là Pháp (30,1 tỷ USD).

Trái phiếu chuyển đổi

Trong quá trình chuyển đổi KTTH, các công ty hoạt động trong các ngành thâm dụng tài nguyên như sản xuất, công nghiệp khai thác và hóa chất là những chủ thể đóng vai trò quan trọng. Các công ty này không phải lúc nào cũng có đủ tài sản, quy trình sản xuất phù hợp với định nghĩa về KTTH để huy động được vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi thông qua công cụ trái phiếu xanh theo GBP và khoản vay xanh. Bản chất của các sản phẩm và dịch vụ này trong nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn là xanh, vì vậy trái phiếu chuyển đổi là một công cụ giúp các công ty có vốn để thực hiện.

Các nguyên tắc của trái phiếu chuyển đổi giúp các công ty, dựa trên lộ trình chuyển đổi có quyền truy cập vào một loại tài sản riêng biệt của các công cụ tài chính dựa trên 4 bước như của GBP là: Quy trình tiến hành, quy trình đánh giá và lựa chọn dự án, quản lý tiến trình vận hành, báo cáo.

Các khoản vay liên kết bền vững môi trường, xã hội và quản trị

Khoản vay liên kết bền vững môi trường, xã hội và quản trị là khoản vay doanh nghiệp nói chung nhằm mục đích huy động vốn cho các chương trình bền vững cụ thể của bên vay. ICMA đã ban hành các nguyên tắc cho vay liên kết bền vững (SLLP), trong đó có 4 thành phần chính gồm: Mối quan hệ với Chiến lược Trách nhiệm xã hội tổng thể (CSR) của bên vay, thiết lập mục tiêu - đo lường tính bền vững của bên vay dựa trên tiến độ mục tiêu, báo cáo, đánh giá lại.

Khoản vay liên kết bền vững bền vững môi trường, xã hội và quản trị có thể được thực hiện phù hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi KTTH theo các mục tiêu liên quan đến cải thiện hiệu quả tài nguyên, sử dụng vật liệu (nguy hiểm), tăng trưởng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn, kiểm soát khí thải đối với đất, nước và không khí.

Khối lượng các khoản cho vay liên kết bền vững được công bố tăng từ 10 tỷ USD vào năm 2017, lên hơn 40 tỷ USD vào năm 2018 và 80 tỷ USD vào năm 2019. Thị trường cho vay liên kết bền vững được dự đoán sẽ tăng trưởng theo tỷ lệ phần trăm mà trước đây chỉ được chứng kiến đối với trái phiếu xanh.

Các công ty quản lý chất thải ở 5 quốc gia (Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh) đã huy động được 2,3 tỷ USD từ các đợt phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2015 - 2018. Tuy nhiên, việc đưa các nhà máy đốt rác và chuyển hóa chất thải thành năng lượng là hoạt động KTTH cũng gây nên những tranh luận. Theo nhóm chuyên gia tài chính KTTH của EU, hiệu quả sử dụng tài nguyên thu được từ chiến lược chuyển chất thải thành năng lượng và chất thải thành nhiên liệu là khá khiêm tốn so với các với các biện pháp tái chế khác, đặc biệt khi xem xét sự mất mát về giá trị kinh tế của các vật liệu có khả năng tái chế thông qua thiêu hủy. Do đó, các hoạt động chủ yếu nhằm mục đích sử dụng năng lượng chất thải và dư lượng sẽ bị loại trừ khỏi hệ thống phân loại mô hình KTTH. Việc loại trừ đốt rác khỏi các hoạt động KTTH sẽ nâng cao chất lượng và sự công nhận của trái phiếu xanh bởi thị trường và các nhà đầu tư như một công cụ tài chính góp phần vào quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH.

3.2. Quỹ đầu tư

Nguồn vốn phục vụ cho quá trình chuyển đổi KTTH có thể qua các kênh đầu tư mạo hiểm, vốn cổ phần tư nhân và nợ tư nhân hay thành lập các các quỹ đầu tư theo từng lĩnh vực của KTTH.

Hoa Kỳ đã chứng kiến sự tăng tốc nhanh của hoạt động KTTH. Theo số liệu của Ellen MacArthur Foundation (2020), trong ba năm gần đây, nguồn vốn đã được huy động đối với các dự án KTTH, bao gồm hơn 500 triệu USD cho các dự án biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm thương mại. Các quỹ đầu tư theo từng lĩnh vực của KTTH được thành lập bởi các tổ chức tài chính như BNP Paribas, Blackrock và Robeco-SAM. Quy mô của các quỹ này vẫn chưa lớn do tất cả đều đang trong giai đoạn khởi động. Trong một cuộc khảo sát của Mạng lưới Nhà đầu tư tác động toàn cầu (GIIN), có hơn 40% nhà đầu tư đã đề cập đến sản xuất và tiêu dùng bền vững như một chủ đề chính cho các khoản đầu tư của họ. Cả hai hoạt động đầu tư thuần túy và việc lồng ghép các chỉ số và điểm số liên quan đến KTTH vào các quỹ đầu tư ESG quy mô lớn hơn cần phải xảy ra để phát triển thị trường tài chính KTTH. Để tích hợp các tiêu chí về KTTH với quy mô lớn hơn trong các quỹ đầu tư và trong ngành tài chính nói chung, cần có thêm bằng chứng về sự hiệu quả của việc đầu tư, sự phù hợp để lồng ghép quản lý quỹ của các quỹ KTTH nhỏ và các quỹ đầu tư chính thống, quy mô lớn.

Tại châu Âu, các mô hình KTTH có thể huy động sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ hỗ trợ phát triển của EU như Quỹ EU thống nhất hay thông qua việc thực hiện bảo lãnh đầu tư với các hoạt động đầu tư như Quỹ InvestEU. Để hỗ trợ quyết định bảo lãnh đầu tư, Chương trình InvestEU thiết lập cơ chế bảo lãnh đầu tư các bước: (i) Invest EU Advisory Hub là đầu mối tư vấn hỗ trợ nhằm hỗ trợ đánh giá các dự án KTTH cần bảo lãnh đầu tư; (ii) Thông qua InvestEU Portal là cổng thông tin dữ liệu để kết nối các dự án đầu tư có tiềm năng sẽ kết nối các dự án đầu tư có tiềm năng đã được đánh giá ở bước trên với các nhà đầu tư trên thế giới

Tại Trung Quốc, nước này đã thành lập Quỹ khoa học công nghệ bởi Hội đồng Nhà nước và chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị và các đô thị trực thuộc Trung ương. Quỹ này có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền KTTH. Ngoài ra, Quỹ đầu tư phát triển xanh (huy động từ một phần xã hội hóa và một phần từ ngân sách nhà nước) được sử dụng để tổ chức các cuộc thi khuyến khích, tuyên truyền KTTH. Bên cạnh đó, hằng năm sẽ có hai doanh nghiệp có sản phẩm tốt về môi trường được trao giải về khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính tư nhân và nhà quản lý tài sản quốc tế - chẳng hạn như ABN AMRO, BlackRock, BNP Paribas, Circularity Capital, ING, Intesa San Paolo, PGGM, Rabobank và RobecoSAM... cũng đã phát hành các sản phẩm và dịch vụ tài trợ cho KTTH của riêng họ dựa trên các hướng dẫn được phát triển bởi FinanCE đang hoạt động nhóm, được điều hành bởi các thành viên FinanCE ABN AMRO, ING và Rabobank.  

3.3. Công cụ tài chính khác

Nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính phát triển (DFI) trên thế giới đã tích cực trong việc cấp vốn cho các cơ hội KTTH hay các công ty tuần hoàn, bao gồm các khoản tín dụng. Ngoài ra, đã có sự gia tăng của các công cụ tư nhân và hỗn hợp để tài trợ cơ sở hạ tầng cho KTTH, cũng như các giải pháp bảo hiểm mới cho các mô hình chia sẻ được cung cấp bởi cả các tổ chức lớn và các công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã hỗ trợ tài trợ cho Khu thí điểm KTTH Qaidam, bao gồm 400 tỷ CNY (56 tỷ USD) để xây dựng 6 cơ sở công nghiệp.

Tại châu Âu, năm 2015, Ủy ban châu Âu đã ký Chương trình hành động nhằm khuyến khích quá trình chuyển đổi sang KTTH tại khu vực này. Vào tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã báo cáo về việc cung cấp và tiến độ của các sáng kiến ​​chính trong Kế hoạch hành động, có 54 hoạt động được thực hiện, với hơn 10 tỷ Euro tài trợ từ nguồn tài chính công đã được Ủy ban phân bổ trong giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm: (i) 1,4 tỷ EUR cho các dự án KTTH giải quyết các lĩnh vực như công nghiệp quy trình bền vững, quản lý chất thải và tài nguyên, hệ thống sản xuất tuần hoàn khép kín hoặc nền kinh tế sinh học tuần hoàn, với 350 triệu EUR để sản xuất nhựa tuần hoàn; (ii) Khoảng 7,1 tỷ EUR từ chính sách liên kết, trong đó có 1,8 tỷ EUR để tiếp nhận các công nghệ đổi mới sinh thái trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5,3 tỷ EUR để hỗ trợ việc thực hiện Luật Chất thải của EU, với sự hỗ trợ bổ sung được cung cấp thông qua việc chuyên môn hóa thông minh chiến lược của các nước khu vực EU và các quốc gia thành viên; (iii) 2,1 tỷ EUR thông qua các cơ sở tài trợ như Quỹ châu Âu về Đầu tư chiến lược và Đổi mới; (iv) Khoảng 100 triệu EUR được đầu tư thông qua Chương trình môi trường và khí hậu châu Âu vào hơn 80 dự án đóng góp vào nền KTTH. Quá trình chuyển đổi sang nền KTTH cũng được hỗ trợ về mặt tài chính bởi các khoản đầu tư cấp quốc gia.

4. Kiến nghị chính sách cho Việt Nam

Tại Việt Nam, mặc dù mới đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo chiến lược phát triển KTTH, chưa có các chính sách chuyên biệt, đặc thù cho phát triển KTTH trong thời gian qua nhưng nhiều chính sách có nội dung liên quan tới phát triển KTTH đã xuất hiện trong các chính sách thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và hướng tới các hoạt động mang tính xanh, như khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, thay thế túi ni lông, sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuỗi cung ứng xanh, tiêu dùng xanh... trong các văn bản như Quyết định số 889/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (khoản 1, Điều 142), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg).

Sau dịch Covid-19, các nhà đầu tư đang nhận thức được mức độ rủi ro cao khi đầu tư vào các chuỗi cung ứng không bền vững và yêu cầu các tổ chức phải giải quyết những rủi ro đó hiệu quả hơn. Sự tăng trưởng của các sáng kiến tài chính ​và chi tiêu của doanh nghiệp cho ​KTTH là những dấu hiệu cho thấy nền KTTH vẫn tiếp tục là vấn đề được nhiều quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế quan tâm.

Tuy nhiên, mức đầu tư trong nền KTTH vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để mang lại thay đổi thực sự. Để chuyển đổi toàn diện sang mô hình KTTH, đòi hỏi cần giải quyết một số vấn đề như củng cố các chính sách ưu đãi tài chính cho quá trình chuyển đổi sang KTTH, phát triển các công cụ tài chính trên thị trường tài chính để huy động các nguồn lực mới cho phát triển KTTH. Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về huy động nguồn vốn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn tài trợ và viện trợ có xu hướng giảm, việc huy động nguồn lực tài chính cho nền kinh tế chủ yếu đến từ nguồn tín dụng ngân hàng. Do đó, để đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho chuyển đổi sang KTTH, cần thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại nước ta cho thấy, trong quá trình chuyển đổi sang nền KTTH, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:

(i) Các chính sách tài chính để huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền KTTH dựa trên khuôn khổ pháp luật chung về chuyển đổi sang nền KTTH.

Để khuyến khích khu vực tư nhân chuyển đổi sang KTTH, Nhà nước cần ban hành khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ và gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Trong nền KTTH, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và doanh nghiệp là động lực trung tâm. Để thúc đẩy động lực trung tâm đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thể chế hóa KTTH là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn, như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc. Luật và các chính sách rõ ràng sẽ giúp thực hiện KTTH một cách hệ thống và đồng bộ, cùng với các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) và chế tài rõ ràng, minh bạch. Từ đó, các mô hình KTTH tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng thực hiện KTTH trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Việt Nam có thể xem xét việc xây dựng luật riêng về KTTH hoặc hoàn thiện, bổ sung các luật đã có theo hướng hệ thống và cụ thể hơn.

(ii) Các khuôn khổ chính sách (như các kế hoạch và lộ trình hành động quốc gia cho nền KTTH) hướng tới mục tiêu tái chế và hiệu quả tài nguyên, tài chính hỗn hợp và đảm bảo đầu tư sẽ tạo tiền đề để thu hút nguồn tài trợ bền vững thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự hỗ trợ của khu vực công cần được giám sát và cải tiến liên tục, qua đó giảm thiểu rủi ro và tạo ra nguồn vốn mồi, thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.

(iii)  Thị trường tài chính cần được thúc đẩy phát triển, qua đó tạo điều kiện cho việc khai thác các nguồn vốn, trọng tâm là nguồn vốn tư nhân cho phát triển KTTH. Nguồn tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH, mang lại tiềm năng thu lợi nhuận cạnh tranh, đồng thời giảm lãng phí, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, chuyển đổi theo hướng KTTH thì tài chính và đầu tư đóng vai trò quan trọng vì chi phí để thực hiện KTTH thường đòi hỏi lớn. Vì vậy, việc phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường vốn sẽ “đánh thức” tiềm năng của nền kinh để thay đổi hành vi các chủ thể trong nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình KTTH.

(iii) Các sáng kiến công cụ tài chính cần được phát triển phù hợp với quá trình chuyển đổi. Phương pháp thường được các quốc gia sử dụng là tích hợp các tiêu chuẩn về sản xuất - kinh doanh theo KTTH vào các công cụ tài chính xanh sẵn có như trái phiếu xanh, trái phiếu chuyển đổi hay các quỹ đầu tư hay cung cấp các khoản vay bền vững... Việc tích hợp này đã góp phần cung cấp một lượng lớn vốn cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào các lĩnh vực KTTH, giảm bớt các gánh nặng cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc việc phát triển các quỹ đầu tư vào lĩnh vực KTTH cũng đã góp phần cung cấp lượng lớn vốn của tư nhân cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào các lĩnh vực KTTH.

(iv) Nhận thức về rủi ro “tuyến tính” cần được tăng cường khi đầu tư vào các dự án thâm dụng lớn tài nguyên, tạo ra lượng lớn chất thải và kết hợp đánh giá, tính chi phí nào vào quá trình ra quyết định tài chính. Điều này bao gồm phân tích kỹ rủi ro dài hạn của các khoản đầu tư không theo tiêu chí của mô hình KTTH và phát triển các giải pháp tương thích để chống lại chủ nghĩa ngắn hạn trong các quyết định đầu tư.

Các chỉ số đánh giá bổ sung sẽ là cần thiết để giải thích và giảm thiểu rủi ro. Như tại châu Âu, việc áp dụng hệ thống phân loại hiện tại đối với tài chính bền vững, thiết lập một hệ thống phân loại chung cho các mô hình kinh doanh bền vững, sẽ là điểm tham chiếu quan trọng cho các nhà đầu tư. Các sáng kiến ​​như EU Ecolabel cho các sản phẩm tài chính bán lẻ có thể hướng dẫn nhà đầu tư để xác định đúng sản phẩm đầu tư. Ngoài ra, phát triển các sáng kiến ​​như phân loại xanh tại Anh cũng mang đến cơ hội để tạo ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn ràng buộc về yếu tố “tuần hoàn” đối với các công cụ tài chính khi huy động vốn cho đầu tư vào nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Hạnh (2019), Thực hiện KTTH: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 4 (2019) 68 - 81.

2. Trương Thị Mỹ Nhân (2019), Kinh nghiệm xây dựng nền KTTH và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính.

3. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020), Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền KTTH phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc Việt Nam (2020), Hội thảo tham vấn “Kết quả nghiên cứu về KTTH và một số đề xuất chính sách”.

Tiếng Anh

5. Ellenmacarthurfoundation (2020), Financing - the Circular Economy, Working paper.

6. Ellen MacArthur Foundation (EMAF), SUN, McKinsey & Co, (2015), Growth Within: A Circular Economy Vision for a Competitive Europe.

7. OECD (2002), Financial Polity.

8. Sanne Wass (2019), Sustainability Linked Loans Poised for Sharper Growth than Green Loans and Bonds.

9. Schroder, P. and Raes, J. (2021), Financing an Inclusive Circular Economy: De-risking Investment for Circular Business Models and the SDGs.

10. Vasileios Rizos và các cộng sự (2017), The Circular Economy A Review of Definitions, Processes and Impacts, CEPS Research Reports, European Union’s Horizon 2020 Research and Innovation Programme under Grant Agreement No. 730316.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3/2022

 

*1 Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.

*2 Ngô Anh Phương (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính); Vũ Ngọc Loan (Đại học Tài chính quản trị kinh doanh).

*3 EMAF và cộng sự (2015).

*4 Ellen MacArthur (2015b).

*5 Wijkman & Skånberg (2015); EEA (2016); Acsinte & Verbeek (2015).

*6 Theo định nghĩa về chính sách kinh tế - xã hội của giáo trình Chính sách kinh tế - xã hội.

*7 Cuốn sổ tay này có tiêu đề: “Trái phiếu phát triển bền vững: Các đặc tính cơ bản và thông lệ tốt nhất cho các quỹ đầu tư ISR”.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%