Vai trò của công nghệ tài chính đối với thúc đẩy tài chính toàn diện

Vai trò của công nghệ tài chính đối với thúc đẩy tài chính toàn diện 03/07/2022 09:46:00 7740

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Vai trò của công nghệ tài chính đối với thúc đẩy tài chính toàn diện

03/07/2022 09:46:00

TS. Nguyễn Thị Ngọc Loan

Học viện Ngân hàng

(Tapchitaichinh.vn)Thời gian qua, sự phát triển vượt bậc của nhiều công nghệ mới, nhất là công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với quá trình triển khai tài chính toàn diện ở Việt Nam. Đánh giá vai trò, cơ hội và thách thức mà công nghệ tài chính đặt ra đối với tài chính toàn diện, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Vai trò của công nghệ tài chính đối với thúc đẩy tài chính toàn diện

Công nghệ tài chính (Fintech) có thể hiểu là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống (Mackenzie, 2015; Schueffel, 2016).

Các lĩnh vực của Fintech gồm: Dịch vụ tín dụng, tiền gửi và huy động vốn; Dịch vụ thanh toán, bù trừ và quyết toán, bao gồm cả tiền kỹ thuật số; Dịch vụ quản lý đầu tư bao gồm cả thương mại; Bảo hiểm (Navaretti và cộng sự, 2017). Các yếu tố cấu thành hệ sinh thái Fintech là: Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech; Các công ty phát triển công nghệ; Các tổ chức/định chế tài chính truyền thống; Chính phủ và các cơ quan quản lý; khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính (Diemer và các cộng sự, 2015).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Fintech giúp phát triển tài chính toàn diện thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, quy mô và mức độ tiếp cận tốt hơn, nhiều tiện ích trải nghiệm cho khách hàng, minh bạch, giảm nguy cơ rửa tiền, tiền giả, in và quản lý tiền mặt cho nhà quản lý. Tài chính toàn diện phát huy hiệu quả tối đa thông qua ứng dụng Fintech để giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Với sự hỗ trợ của Fintech, các đối tượng yếu thế có thể: Nhận được các khoản hỗ trợ, tài trợ trực tiếp nhanh chóng và hiệu quả nhất thông qua cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số; làm việc online để có thu nhập, hoặc tạo thu nhập thông qua tham gia vào các công việc vận chuyển hàng hóa; giao dịch mua sắm và thanh toán online cho hầu hết các nhu cầu; minh bạch hóa về tài chính, đảm bảo việc hỗ trợ đồng đều giữa những đối tượng yếu thế; vay khẩn cấp mà không cần đến ngân hàng do công cụ định danh khách hàng điện tử hoặc vay trên các nền tảng cho vay ngang hàng…

Nhìn chung, bên cạnh các mô hình ngân hàng truyền thống, với những ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, Fintech không những giúp giảm chi phí mà còn mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng như:

- Tiếp cận tức thì: Khả năng của công nghệ có thể mang dịch vụ đến cho mọi người ở bất kỳ nơi nào và chỗ nào họ cần là động lực lớn nhất thúc đẩy tài chính toàn diện đầy đủ.

- Chi phí thấp không đáng kể: Với việc cung cấp dịch vụ tài chính hiệu quả hơn, công nghệ có thể giúp dịch vụ trở thành chấp nhận được với cả những khách hàng thu nhập thấp và điều này khiến cho nhiều người sử dụng hơn.

- Bảo đảm an toàn: Khi không sử dụng đến tiền mặt, dịch vụ tài chính sẽ trở nên an toàn hơn và minh bạch hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cả Chính phủ.

- Sản phẩm và kênh phân phối đổi mới đa dạng: Những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ có thể mở ra nhiều sản phẩm và phương thức phân phối mới dễ dàng sử dụng và thêm nhiều giá trị gia tăng đối với các sản phẩm truyền thống.

- Nâng cao năng suất: Khi sản phẩm được cung cấp thuận tiện hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, rõ ràng khách hàng được lợi nhiều hơn với nguồn lực của hộ gia đình và doanh nghiệp không thay đổi.

Cơ hội và thách thức của công nghệ tài chính đối với thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có lợi thế nhất định về cơ sở hạ tầng cho Fintech, với 70% dân số sử dụng internet, 145,8 triệu thuê bao đăng ký điện thoại (150% dân số) trong đó 95% là điện thoại thông minh, tỷ lệ sử dụng các mạng xã hội đạt 73%. Theo Báo cáo của Appota (12/5/2021) về thị trường ứng dụng di động 2021, Việt Nam nằm trong top 12 những quốc gia có giá thành internet rẻ nhất trên toàn cầu và đứng thứ 2 Đông Nam Á về tốc độ internet trên thiết bị di động.

Theo Bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, ở Việt Nam đã có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số. Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các lĩnh vực hoạt động của Fintech tại Việt Nam gồm: (i) Thanh toán với các công cụ như Moca, Payoo, VinaPay, Momo... hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS4 như Hottab, SoftPay; (ii) Gọi vốn, các công ty cung cấp nền tảng gọi vốn như FundStart, Comicola, Betado hay FirstSetp...; (iii) Cho vay trực tuyến như LoanVi, Timal; (iv) Quản lý tài chính cá nhân như BankGo, Moneylover, Mobivi; (v) Quản lý dữ liệu như Trusting, Social, Circle Bii; (vi) Chuyển tiền như Matchmovie, Cash2v; (vii) Blockchain như Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin.

Không chỉ các startup Fintech mới vào cuộc, mà nhiều ngân hàng thương mại cũng đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank… nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam còn khá ít (Singapore có hơn 300 công ty, Thái Lan có 208 công ty) (Nguyễn Thu Hiền, 2021).

Về giá trị giao dịch, thị trường Fintech Việt Nam cũng cho thấy mức tăng ấn tượng, từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên tới 12,9 tỷ USD năm 2021 (Iris, 2021). Theo đó, các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về tiềm năng phát triển Fintech tại Việt Nam khi rót thêm hàng chục triệu USD vào các công ty khởi nghiệp trong nước. Khảo sát của UOB và cộng sự trong năm 2021 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN về nguồn vốn tài trợ cho Fintech với 375 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư của 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực.

Theo Báo cáo của Fintech News Singapore (2021), trong quý IV/2021, thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng 75% với tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020. Các công ty Fintech tham gia thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng cao chưa từng có, với giá trị thanh toán trên ví MoMo tăng gần gấp đôi sau 1 năm, kể từ tháng 01/2020. Điều này cho thấy, Fintech đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội đối với thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng Fintech trong triển khai tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay vẫn khá nhiều thách thức như: Nhận thức về Fintech của người dân còn hạn chế, bị cạnh tranh bởi chính những đối thủ có tiềm năng, nền tảng lớn; Hành lang pháp lý còn thiếu, hạ tầng công nghệ vùng sâu vùng xa chưa được phát triển… cũng là những rào cản đối với Fintech. Sự thuận tiện cũng khiến Fintech đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin do phát triển nhanh, phát triển nóng, nên việc đảm bảo hạ tầng, vận hành và an toàn thông tin dễ bị bỏ ngỏ.

Chưa kể, đa số công ty Fintech ở Việt Nam chủ yếu đang ở giai đoạn phát triển sơ khai nên quy mô còn khiêm tốn. Báo cáo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước năm 2021 cho thấy, phần lớn các công ty Fintech tại Việt Nam là các công ty mới được thành lập, quy mô nhỏ. Cụ thể, 47% đang trong giai đoạn khởi động kinh doanh chưa đạt điểm hòa vốn; 28% đang trong giai đoạn ra mắt sản phẩm khả thi tối thiểu và có doanh thu bán hàng trong sáu tháng gần nhất tính đến thời điểm khảo sát; 13% đang trong giai đoạn phát triển mô hình kinh doanh; 9% đã đạt được lợi nhuận; 3% đang trong giai đoạn chứng minh ý tưởng và chưa có doanh thu…

Sự kết nối giữa các chủ thể như: cơ quan quản lý, các định chế tài chính, doanh nghiệp Fintech và các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động Fintech chưa thực sự gắn kết chặt chẽ. Ý thức người tiêu dùng sản phẩm Fintech cũng còn hạn chế cả về thói quen và hiểu biết, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng cũng như các tổ chức tài chính…

Đề xuất, khuyến nghị

Để phát triển Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển Fintech. Theo đó, cần thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái Fintech; tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ/sản phẩm Fintech; quy định các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động minh bạch, bao gồm các hoạt động tín dụng; tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến; đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính; phân tích dữ liệu… Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và với định hướng phát triển tài chính toàn diện.

Thứ hai, tăng cường, hợp tác giữa Fintech và ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững, tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại. Để làm được điều đó, cần phải nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại; đồng thời, có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính trong việc thúc đẩy sự phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như: Ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng dịch vụ/sản phẩm ngân hàng thông qua internet, điện thoại di động, thông qua việc cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng.

Thứ tư, tăng cường đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính cho người dân để họ có thể tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, quản lý tốt hơn tình hình tài chính. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo và có chính sách triển khai các chương trình hành động về giáo dục tài chính tiếp cận các đối tượng khác nhau như: Trường học, chiến dịch nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân… Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục tài chính góp phần thay đổi nhận thức của người dân về nhằm nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng tài chính của người dân, từ đó họ mới có thể hiểu và sử dụng các dịch vụ được cung cấp.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng – Sandbox;

2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

3. PwC (2016),  Công nghệ Tài chính 2020 và vượt ra ngoài: Nắm bắt sự gián đoạn;

4. Lê Phương Lan, Nguyễn Thị Hương Thanh (2017), Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam – Ý nghĩa và sự cần thiết, Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước;

5. Đào Hồng Nhung, Trần Thanh Thu, Nguyễn Minh Tuấn (2020), Tác động của Fintech đối với tài chính toàn diện: Bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 276, 41-4.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2022

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%