Phép thử cho nền kinh tế trước biến động khó lường của giá xăng dầu

Phép thử cho nền kinh tế trước biến động khó lường của giá xăng dầu 19/09/2022 14:52:00 4966

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phép thử cho nền kinh tế trước biến động khó lường của giá xăng dầu

19/09/2022 14:52:00

(HQ Online) Mặc dù hiện tại giá xăng dầu có giảm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá mặt hàng này sớm được bình ổn và viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt. Do vậy, yêu cầu cấp bách về giải pháp tổng thể nhằm vận hành thị trường xăng dầu hoạt động ổn định để giảm áp lực về lạm phát.

Cần có giải pháp tổng thể nhằm vận hành thị trường xăng dầu hoạt động ổn định là yêu cầu cấp bách để giảm áp lực về lạm phát. Ảnh: Thu Dịu

Tác động lạm phát tăng từ 1,44 - 2,7%

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36% và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Giá xăng dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế. Mỗi lần giá xăng dầu tăng, giá cả hàng hóa lập tức theo đó lập đỉnh mới, gây khó khăn đến sinh hoạt, đời sống người dân. Trước diễn biến thị trường xăng dầu quốc tế bất ổn, giá trong nước sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than… Khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng vì trong và sau đại dịch sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm. Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100 - 125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40 - 75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu đã tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44 - 2,7%.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ, giá dầu và giá năng lượng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Đối với các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, thì chi phí dành cho logistics là 16,8% giá trị hàng hoá - đây là con số rất lớn. Với doanh nghiệp, chi phí logistic có thể lên tới 60 - 65%. Chi phí nhiên liệu với doanh nghiệp vận tải chiếm 30 - 40% trong cơ cấu giá thành. Khi giá nhiên liệu tăng 10 - 15%, giá vận tải sẽ phải gia tăng tương ứng.

Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Những biến động không ngừng của giá xăng dầu đòi hỏi cần có những kịch bản ứng phó, để nền kinh tế giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững.

Giải pháp nào?

Trước sức ép của giá dầu, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Theo ông Lê Tuấn Anh, hiện nay, nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng dầu khoảng 35% giá thành. Trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế Bảo vệ môi trường (giảm xăng từ 4.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít, giảm dầu từ 2.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít); Chính phủ đang xem xét phương án đề xuất Quốc hội giảm thuế GTGT và Tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi; kiểm soát tình trạng buôn lậu xăng dầu khu vực biên giới… Đồng thời, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vai trò của Chính phủ chỉ có thể giúp hỗ trợ bình ổn giá trong một mức độ nhất định. Trong khi đó, rất khó để dự đoán được giá dầu, bởi các yếu tố cơ bản dựa vào để dự báo đều khó đoán định. Theo đó, điều cần làm là ứng phó với biến động. Cụ thể, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định giá nhiên liệu. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài chính rà soát các chính sách về thuế với sản phẩm năng lượng, xăng dầu… Ngoài các giải pháp hỗ trợ các chi phí cấu thành, còn đề cập tới việc đảm bảo năng lượng dự trữ, xây dựng các kho dự trữ năng lượng, nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới…

Xuân Thảo

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%