Lê Thị Thuý Hằng
Trường Đại học Tài chính - Marketing
(Tapchitaichinh.vn) Thuế giao dịch chứng khoán đang thu hút sự quan tâm của xã hội hiện nay. Lý do các quốc gia muốn thực hiện thu thuế giao dịch chứng khoán là vì nó là một nguồn thu tốt. Tuy nhiên, tác động của các loại thuế này đến nền kinh tế cần được xem xét, các chính phủ đang nghiên cứu, cân nhắc thực hiện các loại thuế này. Bài viết nghiên cứu xu hướng cải cách chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán của các quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, nhằm xây dựng và hoàn thiện chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Giới thiệu
Sự ra đời của thuế trên thị trường chứng khoán (TTCK) là vấn đề trọng tâm nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính trong hơn 50 năm qua, Keynes (1936) và Tobin (1978) là những người đề xuất sớm nhất. Kể từ lần đầu tiên áp dụng, thuế trên TTCK dựa trên niềm tin, đồng thời, giúp sửa chữa một số điểm không hoàn hảo của thị trường bằng cách giảm giao dịch của một nhóm đầu cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Cụ thể, thuế giao dịch sẽ làm chậm giao dịch đầu cơ quá mức. Một khu vực tài chính hoạt động tốt, ngoài việc cung cấp lợi ích cho các công dân và doanh nghiệp, cũng có thể đóng góp đáng kể vào nguồn thu thuế cho quốc gia. Do đó, chính sách thuế TTCK cần được cải cách theo hướng tận dụng lợi thế trong việc đóng góp tăng trưởng kinh tế, đồng thời cân đối được nguồn thu của chính phủ, cùng với gia tăng tính bền vững của thị trường. Tính bền vững phải là chìa khóa thiết kế của loại thuế. Bài viết nghiên cứu xu hướng cải cách thuế trên TTCK của một số quốc gia, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật của các sắc thuế liên quan đến TTCK Việt Nam theo hướng chặt chẽ, bền vững hơn. Cải cách chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán tại một số nước
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã triển khai thuế giao dịch chứng khoán (Security Transaction Taxes - STT) từ rất sớm. Cụ thể tại bang New York áp dụng STT vào năm 1905 nhằm tạo nguồn thu và giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Trong 8 thập kỷ tiếp theo, thuế giao dịch chứng khoán được sửa đổi 9 lần. Năm 1932, mức thuế ban đầu là 2 xu trên mệnh giá 100 USD đã tăng gấp đôi (do ảnh hưởng của cuộc đại suy thoái). Tháng 3/1933, các công ty đã giảm mệnh giá xuống dưới 10 USD từ 100 USD, giảm thuế phải trả rất nhiều.
Kết quả, tháng 6/1933, mức thuế đã được thay đổi trên mỗi cổ phiếu, thay vì trên mệnh giá 100 USD. Mức thuế STT được bãi bỏ vào năm 1965. Năm 1966, STT được áp dụng 0,1% đối với phát hành chứng khoán và 0,04% đối với việc chuyển nhượng.
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đánh thuế đối với giao dịch chứng khoán như: Thuế thu nhập từ vốn ngắn hạn là thuế đánh vào lợi nhuận từ việc bán một tài sản được nắm giữ trong một năm hoặc ít hơn. Thuế lợi tức vốn ngắn hạn có thể nằm trong khoảng từ 0%- 40%, tùy thuộc vào thu nhập và thời gian nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ tài sản.
Thuế đánh vào thu nhập từ vốn ngắn hạn, hoặc tài sản nắm giữ dưới một năm, được đánh thuế theo cùng một mức thuế suất như thu nhập thông thường của nhà đầu tư và lớn hơn thuế thu nhập dài hạn.
Thuế thu nhập vốn dài hạn là loại thuế đánh vào lợi nhuận từ việc bán một tài sản được nắm giữ trên một năm. Thuế suất thu nhập từ vốn dài hạn là 0%, 15% hoặc 20% tùy thuộc vào thu nhập chịu thuế và thời gian nhà đầu tư nắm giữ tài sản. Mức thuế suất áp dụng đối với cổ tức đủ điều kiện và cổ tức không đủ điều kiện.
Cụ thể, thuế với cổ tức đủ điều kiện tùy thuộc vào thu nhập chịu thuế của người chịu thuế và thời gian NĐT nắm giữ tài sản. Tỷ lệ này thường thấp hơn tỷ lệ đối với cổ tức không đủ tiêu chuẩn. Nếu NĐT không nắm giữ cổ phiếu đủ lâu, Sở Thuế vụ (IRS) có thể coi chúng là không đủ tiêu chuẩn và NĐT sẽ phải trả thuế ở mức cao hơn, không đủ tiêu chuẩn.
NĐT muốn tự mình xử lý hay nhờ chuyên gia trợ giúp nộp thuế đều có các lựa chọn phần mềm thuế tốt nhất, dễ sử dụng và NĐT có thể nộp hồ sơ miễn phí. Sau khi kết thúc năm, NĐT sẽ nhận được Biểu mẫu 1099-DIV hoặc Biểu K-1 từ nhà môi giới của NĐT hoặc bất kỳ tổ chức nào. 1099-DIV cho biết, số tiền NĐT được trả và liệu cổ tức đủ tiêu chuẩn hay không đủ tiêu chuẩn. NĐT sử dụng thông tin này để điền vào tờ khai thuế của mình.
Các trường hợp được giảm thuế thu nhập vốn tại Hoa Kỳ gồm: Các khoản vốn trong dài hạn, thuế suất vốn dài hạn thấp hơn đáng kể so với thuế vốn ngắn hạn của hầu hết các tài sản; Thông thường, NĐT sẽ bán chứng khoán đang hoạt động tốt và đầu tư vào các tài sản kém hiệu quả sẽ giúp tránh thuế lợi nhuận từ việc bán tài sản;
Nếu NĐT làm từ thiện và danh mục đầu tư tăng giá trị thì NĐT có thể chọn một vài cổ phiếu để quyên góp trực tiếp cho tổ chức từ thiện. NĐT không cần phải ghi nhận khoản lãi vốn và NĐT có khả năng được khấu trừ thuế…
Bỉ
Từ năm 2007, Chính phủ Bỉ đã áp dụng thuế đối với việc mua bán chứng khoán ở thị trường thứ cấp (cổ phiếu mới phát hành được miễn). Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách thuế này đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Phạm vi áp dụng của chính sách thuế này gồm các giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, cũng như việc mua lại cổ phiếu vốn hóa của các Quỹ Đầu tư tập thể (Collective Investment Funds - CIV).
Đối với mức thuế được áp dụng, nơi cư trú của các trung gian tài chính tại Bỉ là yếu tố quan trọng để xác định xem một giao dịch có nằm trong phạm vi hay không, sao cho giao dịch đó phải được thực hiện tại Bỉ thông qua trung gian của Bỉ và ít nhất một bên mua hoặc bán phải là công dân Bỉ.
Với việc thông qua vào ngày 22/12/2016, Quốc hội Bỉ đã mở rộng phạm vi thuế bao gồm các giao dịch được thực hiện bởi người dân thông qua các trung gian tài chính không phải của Bỉ. Ngoài ra, theo quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, mức thuế suất vẫn giữ nguyên, tuy nhiên số tiền tối đa đã được tăng lên gấp đôi.
Các mức thuế áp dụng khác nhau tùy thuộc vào loại chứng khoán được mua vào và bán ra: 0,09% (lên đến tối đa 1.300 Euro cho mỗi giao dịch trái phiếu); 0,27% (lên đến tối đa 1.600 Euro cho mỗi giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ của một số quỹ đầu tư theo hợp đồng); 1,32% (lên đến tối đa 4.000 Euro cho mỗi giao dịch quỹ đầu tư).
Các giao dịch được miễn thuế bao gồm các giao dịch mà các tổ chức tài chính (chẳng hạn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài trợ lương hưu và cam kết đầu tư tập thể) thực hiện trên tài khoản của chính họ và cả những giao dịch do người nộp thuế không cư trú thực hiện trên tài khoản của chính họ.
Phần Lan
Năm 1996, Phần Lan áp dụng mức thuế suất 1,6% đối với việc chuyển nhượng chứng khoán doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng diễn ra trên một sàn giao dịch chứng khoán đủ điều kiện, việc chuyển nhượng được miễn thuế.
Ngoài ra, thuế sẽ không bị áp đặt trừ khi cả hai bên tham gia chuyển nhượng không phải là cư dân Phần Lan, trừ khi: Người không cư trú ở Phần Lan là một công ty có tài sản bao gồm hơn 50% là bất động sản ở nước này; Chứng khoán Phần Lan được chuyển nhượng là các công ty nhà ở.
Cơ sở tính thuế cho việc chuyển nhượng được đặt theo giá của giao dịch bao gồm bất kỳ khoản thanh toán nào được thực hiện là điều kiện của giao dịch mua bán. Pháp Thuế giao dịch tài chính của Pháp (FFTT) được hình thành vào tháng 8/2012. Mức thuế suất hiện hành là 0,3% đối với giao dịch cổ phiếu và 0,01% đối với giao dịch tần suất cao.
Các giao dịch trong phạm vi gồm: Việc mua lại cổ phiếu trong các công ty niêm yết cụ thể của Pháp (các công ty niêm yết có vốn hóaít nhất 1 tỷ Euro) và chứng khoán vốn bao gồm chứng từ lưu ký của Hoa Kỳ và châu Âu (ADR và EDR) của các công ty trong phạm vi; Giao dịch tần suất cao (HFT); Giao dịch hoán đổi nợ tín dụng (CDS) đối với nợ chính phủ EU.
Các giao dịch sau được miễn thuế giao dịch nhưng vẫn phải báo cáo và được khai báo là giao dịch "được miễn": Các giao dịch mua liên quan đến đợt phát hành chứng khoán (thị trường sơ cấp); Các giao dịch được xử lý bởi một công ty thanh toán bù trừ hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán;
Các giao dịch liên quan đến hoạt động tạo lập thị trường; Các giao dịch mua được liên kết với một hợp đồng thanh khoản; Giao dịch nội bộ nhóm; Cho vay và repo chứng khoán; Mua lại bởi quỹ tương hỗ của nhân viên, quỹ đầu tư mở của nhân viên.
Thuế giao dịch tài chính của Pháp chỉ áp dụng một lần cho mỗi giao dịch, vì vậy bất kể có bao nhiêu trung gian trong chuỗi giao dịch sẽ không có hiệu ứng phân tầng.
Ngày 01/8/2014, Cơ quan thuế Pháp đã ban hành một bản sửa đổi đối với giao dịch tài chính. Bản sửa đổi này xác định lại nhà cung cấp dịch vụ đầu tư như một bên chịu trách nhiệm về việc báo cáo và thanh toán thuế khi tham gia vào một chuỗi các trung gian.
Italia
Có ba loại giao dịch được coi là trong phạm vi của thuế giao dịch tài chính Ý (Italian Financial Transaction Tax - IFTT) gồm: Cổ phiếu, các công cụ tài chính tham gia và các công cụ khác đại diện cho những cổ phiếu được phát hành bởi các công ty cư trú tại Ý có vốn hóa thị trường trung bình lớn hơn 500 triệu Euro; Các giao dịch tài chính phái sinh; Giao dịch tần suất cao (HFT).
Mức thuế suất áp dụng đối với mỗi loại giao dịch khác nhau, cụ thể như: 0,02% đối với giao dịch tần suất cao; 0,10% đối với cổ phiếu được trao đổi; 0,20% đối với cổ phiếu tự do. Đối với giao dịch cổ phiếu, cơ sở chịu thuế được tính bằng số dư ròng hàng ngày của các giao dịch của đối tác cuối cùng.
Có một số trường hợp miễn trừ IFTT, bao gồm: Hoạt động tạo lập thị trường; Giao dịch để đảm bảo tính thanh khoản của cổ phiếu mới phát hành; Mua bởi quỹ hưu trí và các tổ chức tương tự; Giao dịch giữa các bên liên quan mang tính nội bộ; Giao dịch về các sản phẩm tài chính đủ tiêu chuẩn “có đạo đức” hoặc “có trách nhiệm với xã hội”;
Giao dịch với Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các ngân hàng trung ương của EU các quốc gia hoặc tổ chức thành viên được thành lập theo các hiệp định quốc tế và được thực hiện bởi Ý; Phát hành cổ phiếu mới, bao gồm cả khi chuyển đổi trái phiếu; Chuyển nhượng bằng cách thừa kế hoặc tặng cho; Các giao dịch mua lại tạm thời chứng khoán. Có hai trung gian chịu trách nhiệm thu và thanh toán IFTT: Các ngân hàng và công ty đầu tư của Ý; Các tổ chức trung gian tài chính.
Thụy Sỹ
Thụy Sỹ đánh thuế chuyển nhượng đối với cả chứng khoán trong nước và nước ngoài khi một trong các bên là đại lý chứng khoán Thụy Sỹ. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu hợp pháp đối với chứng khoán chịu thuế (cả cổ phiếu và trái phiếu) với sự tham gia của đại lý chứng khoán Thụy Sỹ bị đánh thuế ở mức 0,15% đối với chứng khoán Thụy Sỹ hoặc 0,3% đối với chứng khoán nước ngoài.
Có một số trường hợp không chịu thuế gồm: Các công cụ thị trường tiền tệ, không phải chịu thuế chuyển nhượng; Các giao dịch bằng Eurobonds và trái phiếu bằng ngoại tệ; Giao dịch chứng khoán của các nhà môi giới đối với tài khoản của chính họ; Mua cổ phần lần đầu tại các công ty cư trú, bao gồm cả những cổ phần được mua thông qua ngân hàng hoặc công ty mẹ; Chuyển quyền chọn mua cổ phần;
Mua lại chứng khoán khi hủy; Mua lần đầu trái phiếu do con nợ nước ngoài phát hành và cổ phiếu của các công ty nước ngoài không bằng đồng tiền Thụy Sỹ; Chuyển giấy tờ thị trường tiền tệ nước ngoài;
Chuyển tiền thông qua các nhà môi giới bảo đảm trái phiếu nước ngoài bằng đồng Thụy Sỹ hoặc ngoại tệ giữa hai bên nước ngoài; Chuyển nhượng do sắp xếp lại nội bộ nhóm...
Vương quốc Anh
Vương quốc Anh áp đặt hai loại thuế ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính. Thứ nhất, thuế áp dụng cho các công cụ chuyển nhượng cổ phiếu xác nhận (tức là cổ phiếu được mua bán trao đổi thông qua chuyển nhượng vật chất) với tỷ lệ 0,5%.
Không có thuế với các trường hợp: Chuyển nhượng cổ phần có giá trị dưới 1.000 bảng Anh; Chuyển nhượng chứng khoán của Chính phủ Anh và các chứng khoán cho vay không chuyển đổi khác; Chuyển tiền giữa các công ty liên kết của Anh hoặc nước ngoài; Quà tặng.
Thứ hai, thuế áp dụng cho thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản để chuyển nhượng chứng khoán có tính phí (thường là giao dịch cổ phiếu điện tử không cần giấy tờ) với tỷ lệ 0,5%.
Bao gồm: Cổ phần của một công ty được thành lập tại Anh; Cổ phiếu của một công ty nước ngoài có đăng ký tại Anh; Lợi nhuận thu được từ việc bán cổ phiếu. Miễn thuế áp dụng đối với: Chuyển giao chứng khoán niêm yết cho người trung gian là thành viên của sở giao dịch TÀI CHÍNH - Tháng 8/2022 23 chứng khoán trong EEA, hoặc thành viên của sở giao dịch chứng khoán/quyền chọn nước ngoài được công nhận; Cho vay cổ phiếu và mua lại chứng khoán niêm yết trên sàn giao dịch; Chuyển các đơn vị trong quỹ giao dịch trao đổi; Chuyển cho các tổ chức từ thiện.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Tác động của thuế giao dịch chứng khoán khi thực hiện cải cách chính sách thuế
Các khoản thuế được trả trong hệ thống tài chính quá lớn để hệ thống này hấp thụ và phần lớn sẽ được chuyển cho NĐT: Các công ty sẽ phải đối mặt với chi phí hàng năm từ lợi nhuận sau thuế ở các nền kinh tế bị ảnh hưởng; Các chính phủ cũng phải đối mặt với chi phí phát hành nợ hàng năm; Các NĐT sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm giá trị đầu tư của họ.
Tính thanh khoản trong hệ thống giảm sẽ làm tăng chi phí giao dịch cho NĐT, điều này sẽ được thể hiện: Chứng khoán do các tổ chức phát hành sẽ giảm giá trị như dự kiến của dòng tiền trong tương lai do sự sụt giảm của giá chứng khoán, gây thiệt hại cho người nắm giữ chứng khoán đó;
Các công ty và chính phủ sẽ thấy được việc huy động vốn trong tương lai thông qua thị trường vốn đắt hơn, do những định giá thấp hơn này; Tất cả các bên sẽ thấy tốn kém hơn khi quản lý rủi ro tài chính, chẳng hạn như rủi ro lãi suất và tiền tệ.
Điều chỉnh chính sách thuế của thị trường chứng khoán Việt Nam
Xét về mặt lý thuyết và kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy, một trong những mục tiêu đề xuất đánh thuế các giao dịch chứng khoán sẽ làm giảm sự biến động của TTCK và hạn chế đầu cơ trong ngắn hạn. Vì sự biến động của TTCK có thể gây bất ổn đến nền kinh tế, nên việc giảm đầu cơ là điều tốt.
Vì vậy, Việt Nam nên xem xét đánh thuế đối với thời gian nắm giữ giấy tờ có giá. Những lợi ích tổng thể của thuế giao dịch chứng khoán áp dụng theo quy mô giao dịch cũng là vấn đề có thể nghiên cứu. Mức thuế suất áp dụng cho các quy mô giao dịch khác nhau, giúp tạo tính công bằng và gia tăng mức thuế thu được của chính phủ.
Cần quan tâm đến trường hợp các tài khoản giao dịch chứng khoán được miễn giảm thuế như các tài khoản liên quan đến việc đóng góp phúc lợi hiện tại và sử dụng trong tương lai, các tài khoản hưu trí. Việc thực hiện giao dịch chứng khoán này không chỉ đơn thuần nhà đầu tư được miễn giảm thuế, mà còn gia tăng tính cải thiện mức thu nhập khi về hưu của công dân, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Chính sách thuế nên quy định mức thuế đối với cổ tức đủ điều kiện và cổ tức không đủ điều kiện. Thuế đối với cổ tức đủ điều kiện thấp hơn đối với cổ tức không đủ điều kiện. Việc quy định như vậy sẽ tạo động lực cho NĐT nắm giữ cổ phiếu lâu hơn và minh bạch các thông tin cổ tức.
Nếu lợi tức vốn ngắn hạn bị đánh thuế cao hơn thu nhập dài hạn, các NĐT được khuyến khích nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài hơn và không khuyến khích đầu cơ ngắn hạn; qua đó giúp cho TTCK hoạt động minh bạch, ổn định và bền vững không bị khủng hoảng vì các nhà đầu cơ làm giá và ảnh hưởng đến thị trường.
Kết luận
TTCK là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, được tổ chức hoạt động nhằm huy động những nguồn vốn tiết kiệm nhỏ trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và Chính phủ để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế hay tài trợ cho các dự án đầu tư.
Nghiên cứu hệ thống hoá và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận về chính sách thuế, các mô hình cải cách thuế TTCK trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích kinh nghiệm về chính sách thuế TTCK của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những kinh nghiệm có thể tham khảo vận dụng cho công tác hoàn thiện chính sách thuế TTCK đối với Việt Nam.
Thuế giao dịch chứng khoán tạo ra doanh thu, có thể bù đắp cho các loại thuế khác hoặc tài trợ cho các hoạt động của chính phủ hiệu quả hơn, thì thuế chứng khoán vẫn có thể là một giải pháp khả thi.
Tuy nhiên, do thuế có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế, nên tính hữu ích của thuế sẽ phụ thuộc vào lợi ích thu được từ chính phủ sử dụng doanh thu từ thuế vượt quá mức tăng trưởng kinh tế bị mất.
Tài liệu tham khảo:
1. Eichengreen, B., Tobin, J., & Wyplosz, C. (1995), Two cases for sand in the wheels of international finance. The Economic Journal (105), 162-172;
2. Keynes, J. M. (1936), General Theory of Employment, Interest Rates and Money (New York:Harcourt Brace & World);
3. Tobin, J. (1978), A Proposal for International Monetary Reform, Eastern Economic Journal, Vol. 4(3–4), 153–59.