Tín dụng ngân hàng xanh: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tín dụng ngân hàng xanh: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam 31/08/2022 14:08:00 5322

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tín dụng ngân hàng xanh: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

31/08/2022 14:08:00

Vũ Mai Chi

Học viện Ngân hàng

 

Theo Báo cáo Hiện trạng khí hậu mới nhất do Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ công bố, kể từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước, trong đó thập kỷ 2010 - 2019 đã nóng hơn thập kỷ 2000 - 2009 khoảng 0,2°C. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, năm 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử được nhân loại ghi nhận một cách có hệ thống kể từ giữa những năm 1800. Nhiều tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB)… và các quốc gia trên thế giới như Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… đã và đang triển khai chương trình hành động hướng tới tăng trưởng xanh (TTX) nhằm vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu để đạt được sự phát triển bền vững. Trọng tâm của TTX chính là thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng xanh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các ngành công nghiệp carbon thấp và hiệu quả tài nguyên, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Từ khóa: Tín dụng xanh, TTX, biến đổi khí hậu.

 

According to the latest State of Climate released by the American Meteorological Society, each subsequent decade has been hotter than the previous decade since 1980. The year 2010 - 2019 were 0.2°C warmer than 2000 - 2009. The World Meteorological Organization reports that 2020 is the hottest year in history systematically recorded by mankind since the mid-1800s. Many international organizations such as the United Nations Environment Program (UNEP), Organization for Economic Co-operation and Development (OECD), World Bank (WB)... and countries such as Germany, UK, France, Netherlands... have been implementing action plans towards green growth to overcome the serious challenges of economic recession, depletion of natural resources, loss of biodiversity, environmental pollution, and climate change to achieve sustainable development. The focus of green growth is through green credit to accelerate the transition to low-carbon and resource-efficient industries, towards restoring and conserving natural ecosystems, nurturing human life, mitigating the impact of climate change.

Keywords: Green credit, green growth climate change.

 

1. Quan niệm và vai trò của tín dụng ngân hàng xanh

1.1. Quan niệm về tín dụng ngân hàng xanh

Tín dụng ngân hàng xanh được hiểu là những khoản cấp tín dụng dưới dạng tài trợ vốn, cho vay và các hình thức cấp tín dụng khác mà ngân hàng cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc nhằm bảo vệ môi trường (BVMT). Chẳng hạn cho vay các công ty để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng, nước, nhiên liệu; để giảm chất thải hoặc ô nhiễm; để xây dựng và khai thác các cơ sở năng lượng tái tạo (địa nhiệt, năng lượng sinh học…). Các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng được các ngân hàng xanh ưu tiên cấp tín dụng gồm: (i) Cơ sở hạ tầng môi trường như dự án năng lượng tái tạo, dự án cấp nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy xử lý chất thải rắn và độc hại, nhà máy khí sinh học, nhà máy phân bón sinh học nên được khuyến khích và tài trợ bởi các ngân hàng xanh; (ii) Các hoạt động thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh, qua đó tăng cường thói quen BVMT của các khách hàng. Tín dụng ngân hàng xanh sẽ từ chối cấp tín dụng đối với các dự án gây tác động xấu cho môi trường.

Tại Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội ban hành, lần đầu tiên khái niệm tín dụng xanh được quy định (Khoản 1 Điều 149). Theo đó, tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường.

Sự chuyển dịch hoạt động tín dụng của ngân hàng hướng tới “xanh hóa” không chỉ có tác động tích cực đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn có ý nghĩa đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Đại dịch Covid-19 đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả thị trường nhiều loại nguyên nhiên liệu như dầu mỏ, khí, than đá… tăng mạnh. Vì vậy, để thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cần chuyển hướng hoạt động từ việc dựa chủ yếu vào tài nguyên, lao động sang theo hướng đổi mới dựa vào công nghệ, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và giảm khí thải độc hại để tiết kiệm chi phí sản xuất, hướng nền kinh tế tới mục tiêu TTX.

Như vậy, trong bối cảnh các hoạt động có tác động tiêu cực đến môi trường đang gia tăng và sự khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng sẽ góp phần đáng kể tạo sự thay đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Những sự thay đổi này sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu, nuôi dưỡng và BVMT.

1.2. Vai trò của tín dụng ngân hàng xanh

Tín dụng ngân hàng xanh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu TTX nhằm phát triển bền vững quốc gia. Việc các nước theo đuổi mục tiêu TTX, tín dụng ngân hàng xanh là những hành động thiết thực nhất để chống biến đổi khí hậu và BVMT; đóng góp cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội, tránh được rủi ro về môi trường và xã hội; là cơ hội để các tổ chức tài chính, tín dụng xanh quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam.

Ngoài ra, tín dụng ngân hàng xanh cũng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội. Chẳng hạn như: (i) Giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước; cơ hội nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, từ đó có thể tránh được những rủi ro về môi trường và đem lại sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp; (ii) Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế được việc sử dụng sản phẩm độc hại; được sống trong môi trường trong sạch; lợi ích lâu dài cho thế hệ kế cận. Bên cạnh đó, việc chú trọng tăng cường tín dụng ngân hàng xanh trong TTX sẽ giúp nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, doanh nghiệp và các cá nhân về tầm quan trọng của đầu tư xanh trong phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai các chương trình tín dụng ngân hàng xanh vẫn còn gặp một số rào cản nhất định như: Có thể làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia trong ngắn hạn, làm chậm quá trình khai thác các thế mạnh tiềm năng; chi phí đầu tư lớn, giá thành sản xuất cao hơn các sản phẩm cùng loại có thể hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nếu không có được sự hỗ trợ của chính phủ, các tổ chức tài chính và xã hội.

2. Tín dụng ngân hàng xanh tại một số quốc gia và bài học đối với Việt Nam

2.1. Tín dụng ngân hàng xanh tại một số quốc gia

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tín dụng ngân hàng xanh, như Đức, Thụy Sỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc… Tín dụng xanh được thực hiện thông qua ngân hàng xanh ở các nước hoặc các quỹ phát triển xanh, hướng đến 2 đối tượng khách hàng là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Tín dụng xanh thường trọng tâm hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.

Tại châu Âu, tín dụng ngân hàng xanh cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều tập trung vào việc tài trợ cho lĩnh vực xây dựng như xây dựng ngôi nhà tiết kiệm điện (Đức, Ba Lan); nâng cấp, mua mới các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong gia đình (Đức, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) và sản xuất năng lượng sạch (Đức)… Ngân hàng Trung ương ̣̣̣̣̣̣̣(NHTW) châu Âu (ECB) cũng đã thành lập Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính năm 2017 (NGFS), với thành viên gồm tất cả các NHTW lớn1. ECB hiện đang thành lập một Trung tâm Biến đổi khí hậu mới để tập hợp hiệu quả hơn các chuyên gia và các lĩnh vực công việc khác nhau về khí hậu trong toàn ngân hàng và các chương trình tín dụng xanh. Đồng thời. ECB cũng xây dựng các tiêu chuẩn tối thiểu liên quan đến rủi ro biến đổi khí hậu trong xếp hạng tín dụng đối với tài sản thế chấp và mua tài sản.

Tại Đức, các chương trình cho khách hành cá nhân bao gồm: Quỹ tài trợ ngân hàng phát triển KfW; tiết kiệm năng lượng trong xây dựng đối với việc xây dựng hoặc mua mới các ngôi nhà tiết kiệm năng lượng KfW; nâng cấp theo hướng tiết kiệm năng lượng để đạt tiêu chuẩn về ngôi nhà tiết kiệm năng lượng KfW hoặc các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng riêng lẻ; năng lượng tái tạo nhằm sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Trong khi đó, các chương trình dành cho khách hàng doanh nghiệp gồm: Quỹ tài trợ ngân hàng phát triển KfW; Chương trình môi trường KFW nhằm BVMT và bảo tồn tài nguyên; Chương trình tiết kiệm năng lượng KfW để giảm chi phí năng lượng, tạo lợi ích lâu dài; Chương trình năng lượng tái tạo KfW để sản xuất điện và sử dụng bền vững.

Tại Italy, chương trình cho khách hành cá nhân bao gồm: Chương trình Energia Pulita 120 cho vay vốn để mua các tấm năng lượng mặt trời, khung cửa sổ, máy bơm nhiệt và các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác với thuế suất giảm; theo đó vốn vay được phân phối thông qua mạng lưới tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, Chương trình Energia Pulita 150 cho vay để mua nhà máy quang điện gia dụng loại nhỏ. Vốn vay được phân phối thông qua các đại lý Prestitempo. Các chương trình dành cho khách hàng doanh nghiệp gồm: Chương trình db PMI Energia là kênh kinh doanh tín dụng nhằm đầu tư vào các nguồn năng lượng xanh; Chương trình db PMI Blue cho vay để mua với lượng khí thải CO2 thấp (điện, hybrid, GPL); Chương trình db PMI Blue Taxi cho vay để mua ô tô taxi có xả thải CO2 thấp.

Một số các quốc gia châu Á triển khai các chương trình tín dụng ngân hàng xanh đối với khách hàng doanh nghiệp. Chẳng hạn như, tại Bangladesh, để thúc đẩy hoạt động tài chính - ngân hàng xanh, kể từ tháng 01/2016, NHTW nước này đã thành lập một đơn vị chuyên trách về quản lý các quỹ xanh và chương trình và trách nhiệm môi trường - xã hội; quy định thị phần cho vay tín dụng xanh tối thiểu của các ngân hàng tại Bangladesh là 5% và áp dụng mẫu báo cáo thống nhất với các ngân hàng xanh. Chương trình cho vay bắt đầu triển khai từ năm 2009, tập trung vào các dự án BVMT bằng hình thức tài trợ cho một dự án mới hoặc cung cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp hiện có. Từ năm 2016, Chương trình phát triển qua 3 giai đoạn: (i) Các ngân hàng tập trung phát triển các chính sách ngân hàng xanh và thể hiện cam kết chung về môi trường thông qua hoạt động nội bộ; (ii) Chính sách cho các lĩnh vực nhạy cảm môi trường như nông nghiệp, thủy sản, dệt may và năng lượng tái tạo…; (iii) Mở rộng, khuyến khích các dự án cải thiện hệ sinh thái thông qua các sáng kiến thân thiện môi trường, các sản phẩm sáng tạo; ban hành các hướng dẫn có tính định lượng trong quản lý tín dụng, danh mục các tiêu chí để giám sát và quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Tại Trung Quốc, nước này tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, dự án tiết kiệm năng lượng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh giữa các tổ chức tài chính ngân hàng các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng hợp tác xã nông thôn và liên hiệp tín dụng nông thôn. Từ đó hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo mô hình xanh, ít carbon và tái chế thông qua đổi mới kinh doanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội, cải thiện hiệu suất môi trường và xã hội của chính ngân hàng và thực hiện tối ưu hóa cơ cấu tín dụng, cải thiện dịch vụ và góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Theo đó, 21 ngân hàng lớn của Trung Quốc báo cáo theo các biểu mẫu thống kê tín dụng xanh (GCSF) cho CBRC (cơ quan chịu trách nhiệm chính ban hành các quy định hướng dẫn và giám sát hoạt động của ngành ngân hàng). Hệ thống thống kê GCSS, các văn phòng khu vực và tổ chức ngân hàng của CBRC thống kê báo cáo tín dụng xanh 6 tháng/lần.

Chương trình cho vay sản xuất với ba lĩnh vực đổi mới chiến lược, tiết kiệm năng lượng và BVMT, năng lượng mới và phương tiện năng lượng mới. Tỷ lệ tín dụng xanh so với tín dụng tổng thể của nền kinh tế tăng từ 8,8% năm 2013 lên 10,4% vào cuối năm 2019 (tương đương hơn 10,6 nghìn tỷ CNY, khoảng 1,5 nghìn tỷ USD). Trong đó, lĩnh vực giao thông sạch và năng lượng sạch chiếm lần lượt 45% và 24% tín dụng xanh vào năm 2019; cho vay các dự án và dịch vụ tiết kiệm năng lượng và BVMT2; hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường và xã hội được lồng ghép trong hướng dẫn về tín dụng xanh, áp dụng cho ngân hàng chính sách, NHTM, ngân hàng hợp tác nông thôn và liên hiệp tín dụng nông thôn.

Tại Philippines, NHTW nước này đưa ra các biện pháp khuyến khích như áp dụng lãi suất tái chiết khấu ưu đãi hoặc cung cấp khoản vay hạn mức cao hơn… giúp thúc đẩy cho vay đối với các dự án xanh, các ngân hàng địa phương đã phát hành hơn 1,15 tỷ USD trái phiếu xanh, xã hội và bền vững kể từ năm 2017. Bên cạnh đó, NHTW Philippines ban hành Thông tư số 1085 năm 2020 về Khung tài chính bền vững, đặt ra các kỳ vọng của NHTW về việc tích hợp các nguyên tắc bền vững, bao gồm các nguyên tắc về rủi ro môi trường và xã hội trong Khung quản trị doanh nghiệp, hệ thống quản lý rủi ro, các mục tiêu chiến lược và hoạt động của các ngân hàng phù hợp với quy mô, hồ sơ rủi ro và mức độ phức tạp của vận hành.

Bên cạnh phát triển chương trình tín dụng ngân hàng xanh, các quốc gia còn ban hành quy định đối với quản lý rủi ro môi trường và xã hội độc lập hoặc lồng ghép với các quy định về tín dụng ngân hàng xanh dưới dạng văn bản hướng dẫn hoặc thông tư bởi NHTW. Trong đó quy định về đối tượng áp dụng, hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, nhiệm vụ và trách nhiệm của các bộ phận có liên quan, yêu cầu về công bố thông tin và thanh tra, giám sát. Đồng thời, các NHTW đều yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính xây dựng và phát triển quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

2.2. Bài học đối với Việt Nam

Việc phát triển tín dụng ngân hàng xanh cần kết hợp với các quy định chung về quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm hỗ trợ nền kinh tế xanh và quản lý các rủi ro tài chính của các ngân hàng. Tuy nhiên tùy theo trình độ phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới, đặc điểm hệ thống tài chính, chính phủ có thể ban hành chính sách tín dụng ngân hàng xanh phù hợp và là cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của các nước nhằm hạn chế được rủi ro về môi trường, xã hội trong hoạt động kinh doanh.

Các chương trình tín dụng ngân hàng xanh phải được hướng dẫn thực hiện để đánh giá rủi ro và cơ hội môi trường trong việc ra quyết định tài chính như: Ban hành các hướng dẫn và quy định đi đôi với việc chỉ dẫn cho các ngân hàng cách đánh giá rủi ro và cơ hội môi trường trong hoạt động kinh doanh, cách phòng ngừa, quản lý các rủi ro và cơ hội, cách tìm dữ liệu liên quan và quan trọng nhất là cách tích hợp khía cạnh môi trường vào việc ra quyết định tài chính.

Nhận thức của các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân cần được tăng cường để tập trung nguồn lực xã hội cho các dự án xanh. Theo đó, các ngân hàng cần tập trung vào việc xây dựng và đào tạo năng lực trong nội bộ ngân hàng trong việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng và các kiến thức nền tảng về ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

Để hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư, Chính phủ cần hỗ trợ thông qua chính sách thuế và cam kết giá đầu ra ổn định cho các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án thuộc diện ưu tiên hướng tới BVMT; ngân hàng cam kết cung ứng vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi. Việc tạo ra một thị trường cạnh tranh về cung cấp năng lượng tái tạo cho vùng nông thôn, thông qua việc kết hợp giữa hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn, và các ưu đãi tài chính khác là rất quan trọng.

Các bên có liên quan (bộ/ngành chủ quản, doanh nghiệp, người tiêu dùng) cần có được sự nhất trí cao. Đối với các tổ chức quốc tế, cần tăng cường hợp tác về các vấn đề liên quan đến tài chính xanh, trao đổi giữa các nhà lập chính sách để sớm ban hành các quy định liên quan đến tài chính xanh cho tất cả các định chế tài chính nhằm phát huy hiệu quả chính sách tín dụng ngân hàng xanh. Ngoài ra, Chính phủ và NHTW triển khai, thí điểm đánh giá rủi ro của dự án xanh, đồng thời phát triển các hình thức chia sẻ rủi ro ví dụ như bảo hiểm hoặc các quỹ bảo lãnh cũng sẽ khuyến khích các ngân hàng tham gia nhiều hơn vào ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

3. Thực trạng tín dụng ngân hàng xanh tại Việt Nam

3.1. Tình hình triển khai tín dụng ngân hàng xanh tại Việt Nam

Tình trạng môi trường ở Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng báo động và dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu thể hiện thông qua sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường (bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, triều cường…) cả về số lượng và cường độ. Giai đoạn 1994 - 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam tăng hơn 2 lần, từ 103,8 lên 246,8 triệu tấn CO2. Năm 2020 có thể tăng hơn 4 lần và năm 2030 được dự báo tăng hơn 7 lần so với năm 1994. Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, với mô hình kinh tế như hiện nay, nếu GDP Việt Nam tăng gấp đôi, thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp ba lần; cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP3. Nhận thức được được tầm quan trọng của việc thúc đẩy tín dụng ngân hàng xanh nhằm góp phần TTX hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng ban hành nhiều văn bản, chính sách và triển khai thực hiện.

Khung pháp lý liên quan tín dụng ngân hàng xanh

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 kèm theo các hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021. Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là: TTX, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 403/2014/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì thực hiện hành động số 37 “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các NHTM phục vụ TTX giai đoạn 2013 - 2020” với 3 nhiệm vụ chủ yếu: (i) Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu TTX; (ii) Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các hoạt động NHTM và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; (iii) Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện TTX.

Bên cạnh đó, ngày 08/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy định tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng TTX, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và TTX trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với mục tiêu hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề BVMT, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững. Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện TTX.

Ngoài ra, nhiều thông tư, quyết định, kế hoạch hành động liên quan đến tín dụng xanh đã được ban hành. Cụ thể, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng trong đó (Điều 4) có quy định nguyên tắc cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật về BVMT. Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam trong đó xác định mục tiêu hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan như: (i) Khuyến khích các TCTD thiết kế và triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với đặc thù của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; (ii) Các TCTD phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng có tính tới lợi ích về môi trường; ưu tiên phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào các dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon để góp phần BVMT, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.

Ngân hàng Nhà nước còn ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 10 ngành có rủi ro cao, đồng thời đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng cho cán bộ tín dụng của các NHTM.

Các chương trình, dự án liên quan tín dụng ngân hàng xanh

Một số chương trình, dự án tín dụng đặc thù đã được xây dựng và triển khai, góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, thúc đẩy TTX, như: Chính sách tín dụng khuyến khích phát triển việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017... Ngoài ra, NHNN còn ban hành Thông tư số 13/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện việc cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg nhằm khuyến khích người dân đầu tư dự án, chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thu hoạch nâng cao giá trị, giảm tổn thất (nâng cao hiệu quả) trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, NHNN đã xây dựng một số đề xuất dự án xin vay vốn các tổ chức quốc tế như (Quỹ khí hậu xanh) huy động nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và xử lý, tái chế chất thải thông qua hệ thống ngân hàng. Đồng thời, Văn bản số 9050/NHNN-TD hướng dẫn các TCTD báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh và đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cũng được ban hành.

Nhiều chương trình tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng - tín dụng xanh đã được xây dựng và triển khai. Chẳng hạn như, xây dựng Khung chương trình đào tạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn… cho các cán bộ NHNN và NHTM về ngân hàng, tín dụng xanh; chủ trì đàm phán, huy động các chương trình dự án từ các tổ chức tài chính quốc tế có liên quan đến lĩnh vực TTX, biến đổi khí hậu. Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tham vấn, khảo sát để xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Các TCTD đều nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Do đó, các TCTD đã chủ động nghiên cứu và từng bước triển khai áp dụng quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng như: Ban hành quy chế; quy định nội dung quản lý môi trường và xã hội; tích hợp thẩm định rủi ro môi trường và xã hội vào quy trình thẩm định cấp tín dụng; bổ sung nội dung về việc khách hàng tuân thủ các quy định về BVMT vào thỏa thuận cấp tín dụng.

3.2. Đánh giá tình hình triển khai tín dụng ngân hàng xanh tại Việt Nam

Các kết quả đạt được

Theo báo cáo của các TCTD, tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đã tăng 2,54 lần so với năm 2017; trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 92,79% dư nợ tín dụng xanh, dư nợ ngắn hạn chiếm 6,21% dư nợ tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (đạt chiếm 31% tổng dư nợ tín dụng xanh), quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn (chiếm 12,05% tổng dư nợ tín dụng xanh), lâm nghiệp bền vững (chiếm 5,18% tổng dư nợ tín dụng) và năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 47% tổng dư nợ tín dụng xanh). Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội khoảng 2.283 nghìn tỷ đồng, với hơn 1,1 triệu khoản vay; trong đó dư nợ tín dụng ngắn hạn được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 1.276 nghìn tỷ đồng với hơn 446 nghìn món cấp tín dụng ngắn hạn, dư nợ tín dụng trung, dài hạn được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 1.006 nghìn tỷ đồng với hơn 700 nghìn món cấp tín dụng.

Khó khăn, vướng mắc

Các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, quản lý rủi ro môi trường còn thiếu. Đây là cơ sở nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, cũng như phát triển quy định quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu trong hoạt động ngân hàng.

Các quy định, tiêu chuẩn cụ thể về các ngành/lĩnh vực xanh khuyên khích các TCTD cấp tín dụng còn thiếu, dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi của các TCTD còn hạn chế; nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở giai đoạn đầu, còn chưa được tập trung và đa dạng.

Các TCTD chưa có bộ phận riêng, chuyên trách được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro các dự án xanh; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng xanh thường được lồng ghép trên cơ sở các quy định về quản lý các rủi ro chung đối với các khoản cấp tín dụng, được các đợn vị trong TCTD.

Ngoài ra, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, công cụ đo lường tác động, phân loại mức độ đối với các dự án cấp tín dụng xanh để giúp các TCTD có thể đo lường và quản lý rủi ro phù hợp còn thiếu.

Nhận thức, năng lực của các ngân hàng và khách hàng trong việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh chưa thực sự rõ ràng. Công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong việc phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh còn chưa được đẩy mạnh.

4. Một số khuyến nghị thúc đẩy tín dụng ngân hàng xanh tại Việt Nam

4.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan

Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp các bộ, ngành liên quan như: (i) Sớm ban hành quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD là cơ sở phát triển, nâng cao trách nhiệm BVMT của các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Trên cơ sở đó, có thể phát triển thêm quy định quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu trong hoạt động ngân hàng; xây dựng danh mục khuyến khích, hạn chế và cấm đầu tư tín dụng; xây dựng danh mục các dự án xanh khuyến khích TCTD tập trung cấp tín dụng. Đồng thời, chính sách liên ngành cần được tăng cường phối hợp để phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam như phối hợp chính sách trong việc thúc đẩy phát triển các ngành/lĩnh vực xanh, phối hợp chính sách trong thực hiện các giải pháp quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Các giải pháp huy động các nguồn lực cần được thúc đẩy để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam trên cơ sở dựa vào nguồn lực của Nhà nước nhằm định hướng và huy động các nguồn lực khác phục vụ TTX phát triển bền vững. Huy động từ các nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế lớn WB, IFC…; từ các quỹ tài chính khí hậu quốc tế để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp thông qua hệ thống các TCTD tại Việt Nam. Phát hành trái phiếu xanh cũng là một giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lớn, thời gian dài, phân tán và giảm thiểu rủi ro, cũng như phù hợp với quy định về giới hạn cấp tín dụng của TCTD, trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển tín dụng xanh thông qua các chương trình chính sách tái cấp vốn, giảm dự trữ bắt buộc, lãi suất, thời hạn cho vay của NHNN với các ngân hàng xanh hay thành lập Quỹ tài chính - tín dụng xanh... cần được triển khai nghiên cứu. Cơ chế phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong việc phát triển tín dụng xanh như tạo điều kiện hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh cho các địa phương, tỉnh, thành phố cần được cân nhắc xem xet.

Sự phối hợp với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong tài trợ các lĩnh vực xanh mở các khóa đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý/hoạch định chính sách tín dụng xanh cần được tăng cường nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về BVMT, tín dụng xanh, TTX, phát triển bền vững quốc gia. Các lớp đào tạo tại các cơ sở đào tạo, hiệp hội ngân hàng và các đơn vị có liên quan đến hoạch định chính sách phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh của NHNN cần được tổ chức.

Cơ chế báo cáo thống kê và báo cáo kết quả hoạt động tín dụng xanh cần được thiết lập. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kho dữ liệu về tình hình tuân thủ, xử lý vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp; tích hợp với các dữ liệu về thông tin tín dụng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) làm cơ sở để các TCTD xem xét khi quyết định cấp tín dụng.

4.2. Đối với các tổ chức tín dụng

Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được xây dựng để áp dụng nội bộ tại đơn vị; định hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Đối với hình thức cấp tín dụng là cho vay, các TCTD phải thẩm định khách hàng và nhu cầu vay, kiểm soát mục đích sử dụng vốn, quản lý rủi ro tín dụng trong cho vay nhằm thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ.

Các chương trình tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được xây dựng. Thêm vào đó, các ngân hàng cần bổ sung Bản hướng dẫn cụ thể hơn để đánh giá và giám sát tác động tới môi trường của các dự án, doanh nghiệp vay vốn tín dụng xanh.

Ngoài ra, mô hình ngân hàng xanh tại Việt Nam cần được chú trọng phát triển để theo kịp xu hướng chung trên thế giới. Những biện pháp và quy trình về quản lý rủi ro môi trường và xã hội cần được áp dụng. Điều này xuất phát từ yêu cầu khách quan từ cộng đồng, khách hàng và trách nhiệm đối với việc BVMT ngày càng nghiêm khắc.

Nguồn nhân lực, tuyên truyền về tín dụng xanh, ngân hàng xanh cần được nâng cao, đào tạo. Theo đó, cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý/hoạch định chính sách của các TCTD; các cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến chính sách phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

Công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng ngân hàng xanh thông qua các tạp chí, báo chuyên ngành, báo cáo sơ kết, tổng kết, tham quan học hỏi... cần được đẩy manh. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật thẩm định, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành Ngân hàng cũng cần được chú trọng.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Cát Quang Dương (2017), Chính sách tín dụng hướng tới TTX tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu 011/16.

2. Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN (2015), Báo cáo Ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh GI  

Tiếng Anh

3. ADB (2018), Central Banking - Climate Change and Green Finance.

4. UNEP (2015), Monetary Policy and Sustainability - the Case of Bangladesh, Inquiry: Design of a Sustainable Financial System.

5. UNEP (2017), The Role of Central Banks in Enhancing Green Finance, Inquiry: Design of a Sustainable Financial System.

6. UNESCAP, Innovative Instruments for Green Finance.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2022

 

*1 Tính đến ngày 19/3/2021, mạng lưới này đã có 89 NHTW cùng với 13 quan sát viên tham gia.

*2 Bao gồm 12 lĩnh vực: Nông nghiệp xanh; lâm nghiệp xanh; tiết kiệm năng lượng công nghiệp, bảo tồn nước và BVMT; bảo vệ thiên nhiên, phục hồi sinh thái và phòng chống thiên tai; tái chế tài nguyên; xử lý chất thải, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm; năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; dự án nước nông thôn và đô thị; xây dựng năng lượng hiệu quả và công trình xanh; giao thông xanh; bảo tồn năng lượng và dịch vụ BVMT; các dự án tài chính ở nước ngoài áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất.

*3 Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 (tháng 9/2015).

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%