Ảnh hưởng của biến động giá dầu đến kinh tế Việt Nam năm 2022

Ảnh hưởng của biến động giá dầu đến kinh tế Việt Nam năm 2022 14/09/2022 14:20:00 14511

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ảnh hưởng của biến động giá dầu đến kinh tế Việt Nam năm 2022

14/09/2022 14:20:00

Vũ Thị Huyền Trang1, Nguyễn Viết Thắng2

 

Thời gian qua, giá dầu thế giới liên tục tăng cao, có thời điểm đã vượt ngưỡng 130 USD/thùng, gây tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát cao. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, giá dầu thô trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chịu chi phối bởi một số nhân tố chính như cung - cầu dầu toàn cầu, xung đột giữa Nga và Ukraine, triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc.... Giá dầu tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam như ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài khóa, công tác điều hành giá và lạm phát, rủi ro thâm hụt cán cân thương mại.

Từ khóa: Giá dầu, lạm phát, giá năng lượng.

 

The world oil prices have continuously increased, at one point spiked to over 130 USD/barrel, causing a strong impact on the world economic outlook and high inflation. According to forecasts of domestic and foreign economic organizations, crude oil prices in the coming time still react to many variables, including global oil supply and demand prospects, the conflict between Russia and Ukraine, economic growth prospects of major countries such as the United States, China.... High oil prices have influenced Vietnam's economy by affecting the management of fiscal policy, the management of prices and inflation, the risk of trade deficit.

Keywords: Oil price, inflation, energy price.

 

1. Biến động giá những tháng đầu năm 2022 và các nhân tố ảnh hưởng

Năm 2021, giá dầu thô thế giới biến động theo 2 xu hướng tăng/giảm khá rõ: (i) Xu hướng giá dầu giảm trong tháng 4/2021 (63,8 USD/thùng trong tháng 3 xuống còn 62,9 USD/thùng), tháng 8/2021 (73,3 USD/thùng trong tháng 7 xuống 68,9 USD/thùng) và tháng 11 - 12/2021 (82,1 USD/thùng trong tháng 10 xuống 72,9 USD/thùng; (ii) Xu hướng giá dầu tăng trong các tháng còn lại. Tính chung năm 2021, giá dầu thô bình quân ở mức khoảng 69,4 USD/thùng, tăng khoảng 70% so với giá dầu thô bình quân năm 2020, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009. Trong đó, giá dầu thô Brent khoảng 70,68 USD/thùng, WTI là 68 USD/thùng, OPEC là 69,68 USD/thùng, tăng tương ứng là 73,3%, 69,25% và 68,4% so với bình quân cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng cao, trong đó giá dầu Brent bình quân đạt khoảng 106,92 USD/thùng, giá dầu WTI khoảng 101,59 USD/thùng, giá dầu OPEC khoảng 104,95 USD/thùng, tăng lần lượt 64,93%, 64,01% và 64,38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá dầu Brent có thời điểm đã vượt 130 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 8/2008.

Hình 1. Diễn biến giá dầu năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022

              Đơn vị: USD/thùng

image

Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA)

Xu hướng biến động của giá dầu thời gian qua chịu ảnh hưởng của một số yếu tố chính sau:

Đối với yếu tố làm giá dầu giảm

(i) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gia tăng lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu, trong đó sự xuất hiện của biến chủng Delta làm cho dịch Covid-19 lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu trong tháng 7 - 8/2021 và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cuối năm 2021 đã làm giá dầu giảm mạnh (giảm khoảng 6 - 12% so với tháng trước đó).

Bên cạnh đó, chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc với việc áp lệnh phong tỏa và đình chỉ hoạt động công cộng ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, trong đó gồm nhiều thành phố trung tâm như Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh..., đã tạo ra những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, làm giá dầu giảm.

(ii) Hoa Kỳ và nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã chấp nhận cung ứng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia (SPR) nhằm giảm áp lực thắt chặt của thị trường dầu. Theo đó, Trung Quốc cung dầu nếu giá dầu vượt 85 USD/thùng. Ước tính, Trung Quốc đã thực hiện xuất 7,38 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong tháng 9/2021 và mức tương đương trong tháng 11/2021. Ngày 23/11/2021, Hoa Kỳ cũng thông báo xuất 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia trong những tháng tới, Ấn Độ dự kiến xuất 5 triệu thùng dầu, Anh dự kiến xuất 1,5 triệu thùng dầu từ kho dự trữ tư nhân..., nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ khi đất nước thoát khỏi dịch Covid-19.

Đối với yếu tố làm giá dầu tăng

Biến động giá tăng chủ yếu do thị trường dầu thắt chặt và căng thẳng tại Nga và Ukraine, làm cho nguồn cung các sản phẩm năng lượng bị gián đoạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng.

(i) Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, đặc biệt là ở các nước G203 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và dự trữ dầu tăng. Tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 được điều chỉnh tăng nhẹ 17 nghìn thùng/ngày so với đánh giá trước do triển vọng kinh tế toàn cầu tích cực ngoài dự đoán. Mức tiêu thụ ước tính tăng 5,7 triệu thùng/ngày, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ dầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và châu Mỹ tăng cao trong quý III - IV/2021. Tính chung năm 2021, nhu cầu tiêu thụ dầu của các nước ngoài OECD năm 2021 tăng 3,1 triệu thùng/ngày, OECD tăng 2,6 triệu thùng/ngày. Riêng Hoa Kỳ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày.

(ii) Nguồn cung dầu còn hạn chế. Vào tháng 8/2021, OPEC+ đặt mục tiêu mỗi tháng sẽ tăng sản lượng dầu thêm 400 nghìn thùng/ngày, tương ứng cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày trong 4 tháng cuối năm 2021. Tuy vậy, mức tăng sản lượng dầu theo kế hoạch của OPEC+ thấp hơn nhiều so với sản lượng cắt giảm trước đó4 và không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hiện nay khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.

(iii) Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc do thực hiện chuyển đổi sang năng lượng xanh và nguồn cung năng lượng trong nước bị gián đoạn đã buộc Trung Quốc đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế bên ngoài trong ngắn hạn và dài hạn.

(iv) Kể từ cuối tháng 02/2022, các căng thẳng xung đột giữa Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Nga đã làm gia tăng hơn nữa bất ổn an ninh năng lượng toàn cầu. Theo đó, Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới và đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt trên thị trường Liên minh châu Âu. Sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga tới các đường ống ở châu Âu đã gây ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu. Thực tế cho thấy, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine ngày 24/02/2022, giá dầu thế giới đã tăng 60 - 70% so với cùng kỳ.

2. Tác động của giá dầu đến kinh tế Việt Nam năm 2022

Giá xăng, dầu tăng gây ra nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế. Giá dầu tăng cao sẽ mang lại nguồn thu NSNN lớn cho các nước xuất khẩu dầu nhưng gây tác động tiêu cực mạnh đến kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng và các nước phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.

Một số tổ chức quốc tế như Oxford Economics cho rằng, giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,5% trong năm 2022 nếu giá nhiên liệu ở ngưỡng 90 USD/thùng. Đồng thời, Bloomberg Economics cũng đưa ra ước tính, việc giá dầu tăng từ 70 USD/thùng vào cuối năm 2021 lên mức tiệm cận 100 USD/thùng sẽ làm cho lạm phát tại Hoa Kỳ và châu Âu tăng thêm 0,5% tính đến thời điểm giữa năm 2022. Bên cạnh đó, theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), giá vận tải biển cao do tác động của tăng giá năng lượng có thể dẫn đến giá nhập khẩu toàn cầu tăng trung bình 10,6% và lạm phát toàn cầu dự kiến cao hơn 1,5% vào năm 2023, thu nhập thực tế ở các nước đang phát triển giảm 7,5%.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn và đang trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch; các cú sốc cũng như biến động của tình hình kinh tế - tài chính thế giới và xu hướng tăng cao của giá dầu đều gây ra tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam, cụ thể một số tác động sau:

Ảnh hưởng tới điều hành chính sách tài khóa và thu NSNN

Giá dầu tăng cao có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến công tác điều hành chính sách tài khóa và thu NSNN.

Về mặt tích cực, giá dầu tăng cao góp phần làm tăng khoản thu ngân sách từ dầu thô. Trong đó, năm 2021, thu ngân sách từ dầu thô khoảng 35 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 65%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thu từ dầu thô đạt khoảng 34,2 nghìn tỷ đồng, bằng 121,3% dự toán năm và tăng 80,8% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ giá dầu thô tăng mạnh.

Trong lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp ngành khai khoáng, nhất là khai thác dầu khí, đang đóng góp khoảng 8% GDP, cũng được hưởng lợi từ giá dầu. Giá dầu diễn biến tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí, khối lượng công việc trong dài hạn của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Nhờ đó, doanh thu nhóm ngành này sẽ khả quan, kéo theo khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách của các đơn vị này tăng theo.

Về ảnh hưởng tiêu cực, giá dầu thế giới tăng cao trong khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn5, đã làm cho công tác điều hành giá phải tính tới công cụ khác là thuế, phí. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, chính sách tài khóa đã được triển khai theo hướng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay; giảm 50% thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí nhằm góp phần kiểm soát tốc độ tăng và ổn định giá cả hàng hóa. Ước tính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường làm giảm thu ngân sách khoảng hơn 32.538 tỉ đồng trong năm 2022.

Làm tăng giá xăng, dầu bán lẻ trong nước và ảnh hưởng tới công tác quản lý điều hành xăng, dầu

Năm 2021, trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao, giá xăng, dầu trong nước đã có 24 đợt điều chỉnh giá. Cụ thể: Với xăng, có 16 lần tăng giá, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá bán lẻ. Mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 6,816 đồng; xăng E5RON92 cũng tăng 7,032 đồng so với 2020. Dầu diesel và dầu hỏa có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá bán. Tổng cộng mỗi lít dầu diesel đắt thêm 5,203 đồng; dầu hỏa là 5,330 đồng. Dầu mazut có 12 lần tăng, 8 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá bán, tổng cộng đắt thêm 3,473 đồng/kg. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu tiếp tục có 16 lần điều chỉnh với 13 lần điều chỉnh tăng và 3 lần điều chỉnh giảm, tổng mức tăng 4.990 - 12.270 đồng/lít (kg) (tùy loại xăng, dầu), tương đương tăng 44% - 71,8% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6/2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng thêm 1.670 - 4.460 đồng/lít (kg) xăng, dầu6, tương ứng tăng lên mức trên 32 nghìn đồng/lít đối với xăng Ron95, trên 30 nghìn đồng/lít đối với xăng E5, 20 - 30 nghìn đồng/lít (kg) đối với các loại dầu - mức cao nhất trong lịch sử; ước tính bình quân giá xăng, dầu trong nước tháng 6/2022 đã tăng khoảng 40 - 80% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định chi Quỹ bình ổn nhằm giảm bớt tác động của tăng giá xăng tới thị trường giá cả trong nước. Theo đó, mức chi quỹ bình ổn giá xăng, dầu trong năm 2021 là: Xăng E5RON92 có 22 lần chi và 2 lần không chi, tổng tiền đã chi là 30,268 đồng/lít; xăng RON95 có 17 lần chi, 7 lần không chi, tổng tiền chi là 11,223 đồng/lít. Dầu diesel 15 lần chi, 9 lần không chi và tổng tiền là 5,444 đồng/lít; dầu hỏa có 14 lần chi và 10 lần không chi, tổng tiền chi là 5,362 đồng/lít; dầu mazut có 10 lần chi và 14 lần không chi, tổng tiền chi là 4,571 đồng/1 kg. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ bình ổn xăng, dầu đã chi sử dụng khoảng 2.320 đồng/lít xăng Ron95, 1.950 đồng/lít xăng E5, 3.700 đồng/lít dầu diezel, 2.400 đồng/lít dầu hỏa và 764 đồng/kg dầu mazut.

Ngoài ra, để đảm bảo sự linh hoạt và bám sát biến động thị trường thế giới, ngày 01/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng, dầu, trong đó có nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng, dầu và công thức tính giá, như cho phép mỗi tháng giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần thay vì 2 lần như trước.

Làm tăng giá hàng hóa, gây sức ép tăng lạm phát và rủi ro thâm hụt cán cân thương mại do nhập siêu xăng, dầu tăng

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu trong đó xăng, dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì thế, việc giá dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên, vật liệu nhập khẩu và tăng giá hàng hóa trong nước, có thể gây thâm hụt cán cân thương mại do nhập siêu xăng dầu gia tăng, nhất là trong bối cảnh nhà máy Nghi Sơn đang tiến hành tái cơ cấu. Cụ thể:

Đối với thị trường giá cả - lạm phát

Năm 2021, giá xăng, dầu trong nước tăng 31,74%, là nguyên nhân chính làm giá của nhóm hàng giao thông tăng cao (10,52%), đóng góp đến 53,6% mức tăng CPI chung (tương đương 1,14 điểm phần trăm). Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83%, cũng là nguyên nhân chính làm nhóm hàng giao thông tăng 17,43% so với cùng kỳ và tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm (chiếm tỷ trọng 76,64% mức tăng CPI bình quân chung). Ngoài ra, do ảnh hưởng của tăng giá xăng, dầu, giá nhập khẩu và giá nhiều loại hàng hóa liên quan cũng tăng mạnh, chẳng hạn 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 53,39%; xăng, dầu các loại tăng 49,51% (quý I/2022 tăng tương ứng là 4,03% và 27,2%, quý II/2022 tăng tương ứng là 62,32% và 59,16%). Ước tính, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát toàn nền kinh tế tăng thêm 0,36 điểm phần trăm.

Đối với cán cân thương mại

Giá xăng, dầu tăng có ảnh hưởng mạnh tới xuất - nhập khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam. Trong đó, cán cân thương mại có thể chuyển từ thặng dư sang thâm hụt do giá dầu tăng cao.

Cụ thể, trong giai đoạn giá dầu tăng hoặc ở mức cao, nhập khẩu dầu thô và các mặt hàng xăng, dầu của Việt Nam cũng tăng hoặc ở mức cao, trong khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng xăng dầu đều tăng không đáng kể hoặc ở mức khá thấp, dẫn đến cán cân thương mại xăng dầu luôn bị thâm hụt ở mức cao.

Năm 2021, giá xăng, dầu thế giới có xu hướng phục hồi trở lại, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam cũng ở mức rất cao, khoảng 9,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 3,2 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại xăng dầu tăng lên mức 6,1 tỷ USD, tương đương 1,81% kim ngạch xuất khẩu và gấp 1,5 lần mức xuất siêu năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu thế giới tiếp tục tăng cao, giá dầu Brent bình quân khoảng 106,92 USD/thùng. Trong đó, tổng kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu của Việt Nam đạt gần 8,3 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu xăng, dầu gần 2,1 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu xăng, dầu gần 6,2 tỷ USD, tương đương 3,33% kim ngạch xuất khẩu và gấp 8,3 lần mức xuất siêu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.

Bảng 1. Cán cân thương mại xăng, dầu và cán cân thương mại Việt Nam

 

 

Giá dầu Brent (USD/thùng)

Trị giá nhập khẩu xăng, dầu, dầu thô (triệu USD)

Trị giá xuất khẩu xăng, dầu, dầu thô (triệu USD)

Xuất siêu (triệu USD)

Nhập siêu xăng, dầu, dầu thô (triệu USD)

% kim ngạch xuất khẩu

2016

43,6

5101,9

3199,4

2520,9

1902,5

1,08

2017

54,1

7541,7

4321,9

2111,9

3219,8

1,50

2018

71,3

10382,8

4219,3

6828,5

6163,5

2,53

2019

64,3

9820,4

4063,7

10873,7

5756,6

2,18

2020

42,0

7139,6

2529,9

19938,2

4609,7

1,63

2021

70,9

9302,6

3203,5

4075,7

6099,1

1,81

6 tháng đầu năm 2022

106,97

8295,6

2098,9

742,8

6196,7

3,33

Nguồn: Tổng cục Hải quan và tính toán của tác giả

Giả định rằng với 3 kịch bản giá xăng, dầu thế giới ở mức trung là 116,3 USD/thùng, mức thấp khoảng 107,4 USD/thùng và mức cao là 125 USD/thùng trong năm 20227, xuất - nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng, dầu của Việt Nam trong năm 2022 tương đương mức bình quân 5 năm (giai đoạn 2017 - 2021), khi đó, so với bình quân 5 năm, giá xăng, dầu thế giới tăng sẽ tác động đến cán cân thương mại Việt Nam theo hướng: (i) Tổng trị giá nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu và dầu thô tăng khoảng 2,8 lần so với trị giá nhập khẩu dầu thô và gấp khoảng 2,4 lần so với tổng trị giá xuất khẩu xăng, dầu và dầu thô, (ii) Tăng tỷ trọng xuất - nhập khẩu xăng, dầu gấp 1,5 - 2 lần, (iii) Tăng thâm hụt cán cân thương mại xăng dầu thêm 3,87 - 5,32 tỷ USD. Như vậy, rủi ro cán cân thương mại Việt Nam đảo chiều từ thặng dư sang thâm hụt là lớn nếu giá dầu thô thế giới tăng vượt mức 110 USD/thùng. Ước tính, cán cân thương mại Việt Nam có thể thâm hụt khoảng 0,5 - 1,2 tỷ USD do nhập siêu xăng, dầu trong trường hợp giá dầu vượt mức 116 USD/thùng.

Các tác động khác

Đối với chi phí sản xuất và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Xăng, dầu là đầu vào trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh và có sức lan tỏa lớn trong nền kinh tế. Đối với Việt Nam, giá xăng, dầu tăng làm tăng chi phí sản xuất, đặt biệt là đối với các hoạt động/lĩnh vực trực tiếp liên quan đến xăng, dầu, nhất là lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên, nhiên liệu đầu vào. Ngoài ra, xăng, dầu tăng còn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Giá dầu tăng quá cao sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu, hàng tồn kho và biên lợi nhuận... của nhóm doanh nghiệp này.

Báo cáo của IHS Markit các tháng gần đây cũng khẳng định, ngành sản xuất của Việt Nam mặc dù đang có xu hướng cải thiện tốt, nhưng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và sức ép do chi phí sản xuất tăng, điển hình là chi phí đầu vào đã tăng nhanh nhất trong gần 11 năm do giá dầu, khí đốt, giá nguyên, vật liệu và giá vận chuyển tăng. Hiện nay, chi phí xăng, dầu cho lĩnh vực vận tải chiếm khoảng 35 - 40%, đối với tổng chi phí toàn nền kinh tế chiếm khoảng 3,52%. Do đó, nếu giá xăng, dầu tăng sẽ làm tăng chi phí vận tải, chi phí sản xuất tăng, gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế, cũng như làm cho các hoạt động sản xuất rơi vào tình trạng khó khăn hơn. Ứớc tính tác động trực tiếp, gián tiếp từ bảng I/O 2007, nếu giá xăng, dầu tăng 30% sẽ làm GDP giảm 0,4%, tăng giá sản xuất 2,56%, tăng giá cuối cùng 3,27% và tăng CPI 3,67%.

Ảnh hưởng tới đời sống xã hội

Theo số liệu từ Kết quả khảo sát điều tra mức số hộ gia đình cho thấy, tỷ trọng chất đốt và giao thông trong tổng chi tiêu cả nước khoảng 16,9%, trong đó khu vực thành thị là 17,5%, nông thôn là 16,4%. Do đó, giả sử giá xăng tăng 10% thì chi tiêu của cả nước sẽ tăng thêm 1,7%, khu vực thành thị và nông thôn tăng lần lượt là 1,8% và 1,64%. Như vậy, trong điều kiện thu nhập của hộ gia đình không thay đổi thì giá xăng, dầu tăng sẽ làm giảm chi tiêu của hộ gia đình, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững của con người và làm gia tăng nghèo đói, nhất là tỷ lệ nghèo đói của khu vực nông thôn.

3. Triển vọng giá dầu 6 tháng cuối năm 2022 và các yếu tố ảnh hưởng

3.1. Triển vọng giá dầu 6 tháng cuối năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng cao vượt ngoài dự đoán của nhiều tổ chức quốc tế. Các báo cáo nhận định gần đây đều cho rằng tính rủi ro, bất định trong giá là rất lớn, phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và hiệu quả của vắc-xin cũng như mức độ triển khai vắc-xin trên phạm vi toàn cầu, tiến độ mở cửa nền kinh tế trở lại của các nước, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng, căng thẳng chính trị giữa Ukraine - Nga và các nước, sức ép nợ chính phủ đe dọa triển vọng phục hồi ở nhiều nước...

Bên cạnh đó, vẫn có những yếu tố làm suy giảm đà tăng của giá dầu trong nửa cuối năm 2022. Nếu OPEC+ rút lại hoàn toàn việc cắt giảm sản lượng, nguồn cung dầu thế giới có khả năng được đảm bảo do sản lượng tăng thêm từ Saudi Arabic và một số nước thành viên (Nga, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Libya...), mức tăng thêm 6,2 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng gần 5 triệu thùng so với năm 2021. Ngoài ra, những lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu trong thời gian gần đây do sự xuất hiện của các biến chủng Omicron mới và áp lực lạm phát tăng cao ở nhiều nước cũng đang gây ra những lo ngại về sự suy giảm của giá dầu trong thời gian tới.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, OECD dự báo, giá dầu bình quân năm 2022 ở mức khoảng 100 - 110 USD/thùng; năm 2023 giá dầu giảm còn khoảng 90 - 97 USD/thùng. Tuy vậy, nếu các xung đột, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao hơn dự kiến và công suất dự phòng giảm có thể đẩy giá dầu tăng lên 200 USD/thùng trong năm 2022 và 115 USD/thùng vào năm 2023. Ngoài ra, rủi ro căng thẳng xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang kéo dài cũng có thể làm giá dầu đảo chiều so với các dự báo giảm, tăng lên mức 121,9 USD/thùng vào năm 2023. Hiện nay, xu hướng giá dầu trong các hợp đồng kỳ hạn đang thấp hơn giá dầu hợp đồng giao ngay, ước tính mức chênh lệch giữa giá dầu thô giao ngay và giá giao sau 4 tháng khoảng 2 - 9 USD/thùng.

Bảng 2. Dự báo giá dầu thô, năm 2022 - 2023

Đơn vị: USD/thùng

 

 

2019

2020

2021

2022

2023

WTI

EIA (6/2022)

56,99

39,17

68,21

102,47

93,24

IMF (4/2022)

56,995

39,413

67,98

103,87

89,61

Brent

EIA (6/2022)

64,34

41,69

70,89

107,73

97,24

IMF (4/2022)

64,032

42,298

70,44

110,81

96,09

The Economis (7/2022)

64

42,3

70,4

107,9

95,5

European (5/2022)

   

70,8

103,6

93,5

OECD (6/2022)

64,21

41,59

71,64

107,39

121,88

Worldbank (4/2022)

61,4

41,3

70

100

92

Nguồn: Tổng hợp

3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng giá dầu, 6 tháng cuối năm 2022

Nguồn cung dầu

Thị trường cung dầu đang thắt chặt do các hạn chế về nguồn cung, nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2023.

Sau thời gian dài do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, các quốc gia/doanh nghiệp đều giảm đầu tư cho lĩnh vực khai thác dầu và chuyển sang nghiên cứu đầu tư phát triển kinh tế xanh gắn với nhiên liệu xanh, năng lượng tái tạo. Các tập đoàn dầu khí lớn gần như không có các dự án quy mô về thăm dò, khai thác mỏ mới, dẫn tới việc sản xuất và cung ứng dầu chưa thể theo theo kịp trong ngắn hạn khi triển vọng toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ gia tăng. EIA dự báo cung dầu và các sản phẩm dầu năm 2022 khoảng 101,29 triệu thùng/ngày, trong đó, của các nước ngoài OPEC dự kiến khoảng 66,6 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ, chủ yếu là tăng cung từ các nước Hoa Kỳ, Nga, Brazin, Canada...

Năm 2023, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch do nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc phục hồi sau các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Hoa Kỳ, Phương Tây và Ukraine cũng làm tăng lo ngại và rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu và khí đốt tăng. Ước tính, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có thể làm thị trường dầu thiếu hụt 3 triệu thùng/ngày.

Hiện sản lượng tăng thêm của OPEC+ chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và chưa theo đúng cam kết. Các nước tham gia Thỏa thuận Vienna (OPEC+) đã đồng thuận tăng sản lượng dầu 400 nghìn thùng/ngày từ tháng 8/2021 kéo dài đến hết tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc thực hiện không được đảm bảo: 10 nước OPEC tham gia thỏa thuận được áp hạn mức 254 nghìn thùng/ngày nhưng trong tháng 01/2022 các nước này chỉ tăng sản lượng 137 nghìn thùng/ngày và khai thác 23,9 triệu thùng/ngày thay vì 24,554 triệu thùng/ngày theo mức ghi trong thỏa thuận.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên OPEC+ chưa đồng ý thỏa thuận gia tăng sản lượng bởi vẫn lo ngại việc xuất hiện các biến chủng virut mới nguy hiểm hơn sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu và muốn duy trì giá dầu cao nhằm bù đắp nguồn tài chính cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, nhiều thành viên trong khối không đủ năng lực để tăng sản lượng thêm nữa, số có thể tăng bơm thêm dầu ra thị trường lại phải đối diện với công suất dư thừa suy giảm.

Iran và nhóm P5+1 đang tiến gần đến việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Nếu JCPOA được khôi phục tương đương với các lệnh trừng phạt đối với Iran được nới lỏng, dẫn tới sản lượng dầu của Iran dự kiến tăng, bù đắp khoảng 1 - 2 triệu thùng/ngày cho thị trường dầu. Ước tính, Iran (nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới) nếu tăng sản lượng cung ứng cho thị trường 700 nghìn thùng dầu/ngày, thì giá dầu sẽ giảm 10%.

Nhu cầu dầu

Nhu cầu tiêu thụ dầu tăng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và hàng không.

Tiêu thụ dầu đã tăng trong năm 2021 và dự kiến tăng cao hơn trong năm 2022. Mức tiêu thụ dầu và các sản phẩm dầu năm 2022 ước khoảng 100,61 triệu thùng/ngày, vượt mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. So với năm 2021, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng thêm khoảng 4,2 triệu thùng/ngày, trong đó OECD và ngoài OECD dự kiến ​​ tăng thêm lần lượt 1,8 và 2,3 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu dầu có xu hướng tăng. Theo Reuters, Trung Quốc - chiếm 44% mức tăng trưởng nhập khẩu dầu toàn cầu từ năm 2015, sẽ tăng cường nhập khẩu dầu thô khoảng 6 - 7%, tương đương 600 - 700 nghìn thùng/ngày trong năm 2022, do sự phục hồi mạnh của ngành vận tải, hàng không và bù đắp lượng tồn kho dầu sụt giảm trong năm 20218. Thông tin từ OPEC (02/2022) cũng cho thấy, tháng 01/2022, nhập khẩu dầu thô của Hoa Kỳ tăng lên mức 6,5 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 6/2021, mức nhập khẩu ròng dầu thô khoảng 4,1 triệu thùng/ngày, tăng 57,5% so với cùng kỳ.

Các yếu tố khác

Tồn kho dự trữ dầu của các quốc gia có xu hướng giảm gây rủi ro an ninh năng lượng toàn cầu. Theo EIA (02/2022), tồn kho dầu thương mại của Hoa Kỳ và OECD năm 2021 chỉ còn khoảng 1,18 tỷ thùng và 2,68 tỷ thùng, thấp nhất kể từ năm 2014. EIA dự báo, năm 2022 tồn kho dầu của Hoa Kỳ và OECD tăng nhẹ, đạt mức 1,25 tỷ thùng và 2,82 tỷ thùng, nhưng vẫn thấp nhất trong giai đoạn 2015 - 2020.

Thặng dư dầu đang có xu hướng giảm. Theo EIA, năm 2021, thị trường dầu toàn cầu đã thâm hụt 1,6 triệu thùng/ngày - mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2011. Năm 2022, nếu các nguồn cung dầu được cải thiện, cân đối cung cầu dầu sẽ thặng dư nhẹ, ở mức 0,78 triệu thùng/ngày, thấp hơn khá nhiều so với mức thặng dư 1,92 triệu thùng của năm 2020.

Hình 2. Cung - cầu và giá dầu, 2012 - 2023

Đơn vị: USD/thùng, triệu thùng

image

Nguồn: EIA

4. Một số kiến nghị

Trước bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao, cũng như những xung đột địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, trong thời gian tới, Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường xăng, dầu để chủ động, linh hoạt đánh giá các tác động của tăng/giảm giá xăng, dầu đến nền kinh tế. Từ đó, xây dựng các kịch bản đánh giá tác động và đề xuất các điều chỉnh chính sách kịp thời. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa công tác dự báo bởi đây là giải pháp quan trọng để ứng phó với biến động giá dầu và dự toán các nguồn thu từ dầu sát với tình hình thực tế.

Việt Nam cần có kế hoạch và chiến lược dự trữ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, xem xét mở rộng kho dự trữ và quy mô dự trữ để chủ động cung ứng trong các trường hợp cần thiết. Tham khảo kinh nghiệm xây dựng kho dự trữ năng lượng của Hoa Kỳ, Trung Quốc, OECD... cho thấy, các nước đều có kế hoạch và lộ trình xây dựng các kho dự trữ chiến lược xăng, dầu quốc gia hoặc tư nhân từ sớm. Trong đó, kho dự trữ của Trung Quốc có thể đảm bảo tối thiểu 100 ngày nhập khẩu, của Hoa Kỳ đảm bảo ít nhất 36 ngày tiêu thụ, OECD tương đương 90 ngày nhập khẩu... Tất cả các kho dự trữ này đều có vai trò bình ổn thị trường dầu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng quốc gia, khó khăn về nguồn cung toàn cầu hoặc giá dầu tăng cao do các bất ổn địa chính trị.

Trước mắt, để đảm bảo cung cấp nhiêu liệu cho tiêu dùng và phục vụ sản xuất trong nước, cần tăng cường nhập khẩu xăng, dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do giảm sản lượng từ nhà máy Nghi Sơn, nhưng cần lựa chọn thời điểm giá giảm và tranh thủ các ưu đãi về thuế trong các hiệp định thương mại đã ký kết để nhập khẩu xăng, dầu với giá cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, cần quán triệt và yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng, dầu tối thiểu bổ sung trong quý III và cả năm 2022. Đồng thời, cần đơn giản các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, đảm bảo xăng, dầu được nhập về nhanh chóng, kịp đà giảm của giá xăng, dầu thế giới, góp phần giúp hồi kinh tế trong nước phục hồi.

Thông qua phân tích từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đang được lợi từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng, dầu, đồng thời giá nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng, dầu cũng thấp hơn giá xuất khẩu sản phẩm tương ứng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu xăng, dầu thành phẩm đã tăng cao hơn giá xuất khẩu các sản phẩm xăng, dầu và dầu thô. Do đó, đề xuất xem xét sử dụng nguồn nhập khẩu dầu thô để phục vụ cho tiêu thụ, sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường công suất, sản lượng sản xuất xăng, dầu từ các mỏ, các nhà máy chế biến nhằm đảm bảo tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu, góp phần giảm thâm hụt thương mại xăng, dầu.

Sự cố của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cần được nhanh chóng khắc phục và có kế hoạch cung ứng xăng, dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ. Kế hoạch cung ứng xăng, dầu từ nguồn sản xuất trong nước cần được công bố rõ cho cơ quan điều hành và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo từng tháng/quý để các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét tiếp tục điều chỉnh cắt giảm thuế suất khi giá xăng, dầu tăng cao để giảm bớt tác động của tăng giá xăng, dầu đến nền kinh tế. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Về dài hạn, để đảm bảo tính tự chủ của an ninh năng lượng quốc gia, cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay thế để giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch như phát triển các nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng.

Tiếng Anh

2. IMF (2022), World Economic Outlook, 4/2022.

3. Worldbank (2022), Commodity Markets Outlook: The Impact of the War in Ukraine on Commodity Markets, 8/2022.

4. Worldbank (2022), Worldbank East Asia and the Pacific Economic Update April 2022: Braving the Storms.

5. European (2022), Economic Forecast Spring 2022, Institutional Paper 173, 5/2022.

6. UNCTAD (2021), Review of Maritime Transport, 11/2021.

 

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2022

 

*1 Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.

*2 Đại học Mỏ địa chất.

*3 OPEC (tháng 02/2022), Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 của Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy kết quả tốt hơn ngoài dự đoán, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng cao hơn so với dự báo trước đó. Ước tính, tăng trưởng GDP toàn cầu cho năm 2021 được điều chỉnh lên 5,6% từ mức 5,5% trong đánh giá trước. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ là 5,7%, Khu vực đồng Euro là 5,2%, Trung Quốc là 8,1%, Ấn Độ là 8,8%... Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 vẫn không thay đổi ở mức 4,2%. Năm 2022, dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ là 4%; khu vực đồng Euro là 3,9%; Nhật Bản là 2,2%; Trung Quốc là 5,6%; Ấn Độ được điều chỉnh lên 7,2% từ mức 7% trước đó, có tính đến sự gia tăng mức độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022; Nga là 2,7%; Brazil là 1,5%.

*4 Tháng 4/2021, OPEC+ quyết định cắt giảm 10 triệu thùng/ngày để hỗ trợ ngành năng lượng toàn cầu rơi vào cảnh hụt nhu cầu trầm trọng vì đại dịch Covid-19.

*5 Tính đến hết tháng 6/2022, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu hình thành tại Petrolimex là - 148,5 tỷ đồng. Đến ngày 21/7/2022, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu Petrolimex đã dương 53,3 tỷ đồng so với mức - 140 tỷ đồng của lần điều chỉnh giá trước đó (ngày 11/7/2022).

*6 Xăng E5RON92 tăng 1.670 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 2.220 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 4.460 đồng/lít, dầu hỏa tăng 4.380 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 140 đồng/kg

*7 Theo dự báo của The Economist (3/2022) giá dầu Brent có thể tăng 116,3 USD/thùng trong năm 2022. Tương tự, EIA (6/2022): 107,4 USD/thùng. JPMorgan (1/2022) giá dầu tăng 125 USD/thùng.

*8 Năm 2021, lần đầu tiên trong 20 năm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm mức 5,4%, do các biện pháp kìm hãm lĩnh vực lọc dầu để hạn chế sản xuất dư thừa nhiên liệu trong nước, dẫn tới sản lượng tồn kho dầu giảm 590 nghìn thùng/ngày.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%