Phác thảo bức tranh nợ công năm 2023

Phác thảo bức tranh nợ công năm 2023 30/11/2022 16:46:00 5660

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phác thảo bức tranh nợ công năm 2023

30/11/2022 16:46:00

(HQ Online) Năm 2023, dự báo tình hình thế giới cũng như trong nước có nhiều thách thức, tác động đến công tác quản lý nợ công của Việt Nam. Bên cạnh việc đề ra các chỉ tiêu dự kiến về nợ công, Chính phủ cũng đề ra các giải pháp tăng cường quản lý nợ công năm 2023.

Tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức đối với quản lý nợ công năm 2023 . Ảnh: ST

Huy động vốn vay của Chỉnh phủ ở mức 644.515 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ về dự kiến nợ công năm 2023, năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động của xung đột Nga - Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên liệu, lương thực tăng cao và rủi ro lạm phát tăng nhanh, việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ sẽ khiến đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Một số quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái và mất an toàn tài chính do cả khu vực nhà nước và tư nhân đã tăng cường vay nợ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều đối tác lớn của Việt Nam đã và đang điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại và đầu tư, qua đó có thể tác động đến công tác quản lý nợ công. Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng mạnh lãi suất cơ bản khiến đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có đồng VND. Biến động bên ngoài tác động đến tình hình kinh tế trong nước làm gia tăng áp lực lạm phát, rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu; kéo theo rủi ro bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường tiền tệ, tăng áp lực lên khả năng huy động vốn của Chính phủ, tác động bất lợi đến nghĩa vụ trả nợ và dư địa phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã dự kiến các chỉ tiêu nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2023. Cụ thể, về huy động vốn của Chính phủ, dự kiến nhiệm vụ huy động vốn vay năm 2023 ở mức 644.515 tỷ đồng, bao gồm vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng. Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, dự kiến năm 2023, Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài. Dự kiến dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng. Đối với các ngân hàng chính sách, dự kiến mức bảo lãnh phát hành tối đa với Ngân hàng Phát triển là 5.327 tỷ đồng; với Ngân hàng Chính sách xã hội là 21.851 tỷ đồng, trong đó có phát hành để thực hiện các chính sách ưu đãi theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 19.400 tỷ đồng. Trường hợp năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội không thực hiện phát hành hết số dự kiến 19.000 tỷ đồng thì chuyển sang thực hiện tiếp năm 2023, đảm bảo tổng khối lượng phát hành để thực hiện chính sách ưu đãi theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cả hai năm trong phạm vi Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, tổng mức vay năm 2023 khoảng 27.198 tỷ đồng và tổng trả nợ khoảng 4.992 tỷ đồng. Tổng dư nợ cuối năm khoảng 91.774 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2023, dự báo nhu cầu vay nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vẫn ở mức cao, dự kiến mức rút vốn ròng trung, dài hạn khoảng 7.300 triệu USD, tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 23% so với cuối năm 2022.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về nợ công

Các giải pháp tăng cường quản lý nợ công năm 2023 đã được Chính phủ xác định. Theo đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách: Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi khung khổ pháp lý về ngân sách nhà nước (NSNN) để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát sự khác biệt giữa quy định của nhà tài trợ đối với các quy định về thuế, thủ tục mua sắm, đền bù giải phóng mặt bằng trong các điều ước quốc tế vay, thỏa thuận vay và quy định hiện hành của Việt Nam, đề xuất phương án xử lý báo cáo Quốc hội để các quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc áp dụng bình đẳng giữa các nhà tài trợ trong việc huy động vốn nước ngoài. Cùng với đó là việc sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm. Về huy động vốn TPCP, chủ động điều hành khối lượng phát hành TPCP theo khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường...

Liên quan đến quản lý nợ công, tại Hội thảo tham vấn xây dựng chương trình quản lý nợ công vận dụng khuôn khổ chiến lược nợ trung hạn vừa được Bộ Tài chính tổ chức, bà Hồ Việt Hương, Phó Trưởng phòng Phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, về định hướng vay trong nước, cơ quan quản lý cần đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ, bao gồm cả kỳ hạn dưới 5 năm, góp phần hoàn thiện đường cong lãi suất chuẩn. Đồng thời, phấn đấu đưa TPCP Việt Nam vào “rổ” chỉ số TPCP các nước mới nổi; hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn, đa dạng hóa loại hình quỹ đầu tư mục tiêu, trong đó có quỹ đầu tư trái phiếu... Ngoài ra, cần tận dụng các khoản vay ODA còn lại và tranh thủ huy động hợp lý các khoản vay ưu đãi đã cam kết; từng bước chuyển dịch từ vay chương trình, dự án sang phương thức vay hỗ trợ ngân sách để gia tăng tính chủ động, hiệu quả trong sử dụng vốn; đặc biệt, phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển và để cơ cấu lại nợ của Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Hoài Anh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
100%